Sử gia Livy và các vị anh hùng của La Mã thuở sơ kỳ
Một sử gia La Mã ghi chép về vai trò của phẩm hạnh đạo đức trong sự trỗi dậy và sụp đổ của nền cộng hòa
Ngày nay, có rất nhiều cuộc thảo luận của những người tưởng tượng mình là những nhà tư tưởng nghiêm túc, về việc xóa bỏ Hiến Pháp Hoa Kỳ để ủng hộ việc thành lập một chính phủ “công bằng” hơn. Một chính thể không tưởng như vậy sẽ trông như thế nào? Trong hình dung của những người cấp tiến, điều đó nghe rất tuyệt vời, mặc dù các ghi chép của lịch sử nhân loại về những trường có những cuộc đại tu sâu rộng như vậy, nói một cách nhẹ nhàng, không hề tuyệt vời.
Trong thời đại mà nền cộng hòa của chúng ta đang sụp đổ, thật hữu ích khi lấy tấm gương về một thể chế chính trị mà từ lâu đã đóng vai trò như một hình mẫu cho những khát vọng của người Mỹ: La Mã. Cộng Hòa La Mã tồn tại gần 500 năm bởi vì các thể chế của đất nước này [chú trọng] bảo tồn truyền thống sâu sắc, ngay cả khi những nhà lãnh đạo của thể chế đi theo quan điểm thực dụng để cân bằng những phong tục cổ xưa phù hợp với các nhu cầu của hiện tại. Nhưng bằng cách nào, cụ thể hơn nữa, La Mã đã đạt đến những đỉnh cao huy hoàng như vậy, thì vì sao thể chế đó lại sụp đổ? Đối với một sử gia và cũng là nhà ái quốc vĩ đại Livy, câu trả lời đơn giản là: phẩm hạnh đạo đức.
Một lịch sử (rất) lâu dài
Sinh ra vào khoản năm 60 trước Công Nguyên tại thành phố mà ngày nay là Padua, Ý, ông Titus Livius, hay còn gọi là Livy, sống qua một trong những thời kỳ hỗn loạn nhất của lịch sử thế giới: vụ ám sát Julius Caesar, các cuộc nội chiến vào cuối thời kỳ cộng hòa, và sự chuyển đổi sang đế chế của La Mã. Livy đã chuyển đến thành phố vĩnh cửu (eternal city – tên gọi của Rome) trong khoảng thời gian mà Octavius (Hoàng đế Augustus) đánh bại tướng Mark Antony. Không giống như các nhà thơ Virgil và Horace, những người ủng hộ chế độ chuyên quyền mới, ông Livy thì bi quan hơn. Mặc dù ông được hưởng sự bảo trợ của hoàng đế và sự vững vàng của nền chính trị mới thành lập nhưng vẫn cảm thấy rằng thời đại đó là một thời đại suy đồi và thay vào đó, bắt đầu ca tụng những anh hùng đức hạnh của nền cộng hòa La Mã trong quá khứ.
Kiệt tác ra đời từ khát vọng này, “From the Founding of the City” (Từ Khi Thành Lập Thành Phố), là tác phẩm lịch sử dài nhất từng được viết bởi một cá nhân trước thời hiện đại. Trong tập bản gốc, cuốn sách này ghi lại toàn bộ 700 năm tồn tại của La Mã cho đến thời của ông, từ khởi đầu của đế chế này trong những túp lều chăn cừu vào năm 753 trước Công Nguyên, cho đến sự thống trị của Rome khắp vùng đất Địa Trung Hải. Tác phẩm này đồ sộ đến nỗi nhà thơ Martial đã nói đùa rằng ông cần một phiên bản tóm tắt, vì thư viện của ông không thể chứa hết các tập sách [của tác phẩm này].
Phần lớn tác phẩm lịch sử của sử gia Livy đã bị thất lạc trong suốt thời Trung Cổ, và chỉ khoảng một phần tư bộ sách đồ sộ này còn tồn tại — 35 cuốn trên tổng số 142 cuốn ban đầu. Trong số những gì còn sót lại, phần có ảnh hưởng nhất chính là 10 cuốn đầu tiên kể lại chi tiết những nhân vật bán thần thoại trong 400 năm đầu tiên của La Mã. Những câu chuyện nổi tiếng: anh em Romulus và Remus, người được mẹ sói nuôi dưỡng và tranh cãi về nơi thành lập thành phố mới của họ; anh hùng Horatius Cocles, người đã đơn thương độc mã bảo vệ cây cầu Pon Sublicius trước một đội quân Etruscan do vua Lars Porsena chỉ huy; Coriolanus, một vị tướng bị lưu đày đã dẫn đầu một bộ tộc láng giềng hành quân đến thành phố của chính mình, nhưng đã quay trở lại vì người vợ và mẹ già đang khóc; những quý tộc cao niên, những người mà khi La Mã sắp bị người Gaul cướp phá, đã từ chối rời bỏ thành phố của họ, khoác lên mình những chiếc áo choàng đẹp nhất, và ngồi chờ đợi trong các căn biệt thự “như những pho tượng” để đương đầu với cái chết của chính mình theo cách của những người theo trường phái khắc kỷ [những người được biết đến nhiều nhất qua lời răn dạy rằng “đức hạnh là điều tốt đẹp duy nhất”] .
Những huyền thoại này đều có nhiều biến tấu dựa trên một chủ đề: thời thế tạo anh hùng, và vinh quang chỉ có thể đạt được bằng sự dũng cảm, hy sinh, tận tâm vì nghĩa vụ cộng đồng. Biên niên sử này của Livy đã thành công ngay lập tức và nhanh chóng trở thành phiên bản kinh điển chuẩn mực, làm lu mờ tất cả các nguồn tư liệu trước đó ông từng sử dụng. Các nguồn tư liệu này không còn được sao chép nữa.
Từ thuở ban sơ của Mỹ quốc, các vị lập quốc đã có chủ ý học hỏi La Mã thuở sơ kỳ để thành lập nền cộng hòa non trẻ của họ. Ngài George Washington được biết đến như “Cincinnatus của Mỹ quốc,” chính là vị quan chấp chính thuở xa xưa đã rời trang trại nhỏ của mình để bảo vệ đất nước của ông, đánh bại những kẻ thù của La Mã, rồi sau đó từ bỏ quyền lực để quay về với việc đồng áng của mình. Vị tổ phụ lập quốc Alexander Hamilton và những tác giả chính trị khác đã viết các tập sách nhỏ dưới các bút danh như là “Publius” và “Cato.” Gần như là hoàn toàn nhờ vào sử gia Livy mà những hình mẫu về phẩm hạnh của cộng hòa La Mã đã thu hút trí tưởng tượng của độc giả trong suốt hai thiên niên kỷ.
Một tấm gương về sự suy tàn
Ở thời đại của chúng ta đang có rất nhiều sự so sánh với cộng hòa La Mã ở giai đoạn cuối như là: sự xói mòn kỷ luật và nguyên tắc, việc từ bỏ các phong tục tập quán, đạo đức lơi lỏng — tác phẩm của sử gia Livy có đề cập đến toàn bộ các chủ đề này. Ông nói rằng, cốt lõi của mọi thứ chính là mối quan hệ giữa sự xa hoa và thói hư tật xấu. Đó là một quan niệm cũ, tuy nhiên Livy đã ghi chép lại quá trình lịch sử mà thông qua đó “những thú vui muôn màu muôn vẻ đã dẫn đến việc người ta bị ám ảnh với việc tự hủy hoại bản thân và với việc hưởng thụ tất cả những thứ khác thông qua sự phóng túng và buông thả.”
Trong Cuốn 39 của mình, ông thậm chí đã đề ngày tháng bắt đầu của sự kết thúc một niên đại cụ thể: năm 187 trước Công Nguyên, khi quan chấp chính Gnaeus Mallius Vulso được vinh danh bằng một buổi lễ khải hoàn sau khi đánh bại người Ga-la-ty của vùng Tiểu Á. Lúc này, những khởi đầu của thói xa hoa ngoại quốc đã du nhập vào La Mã bởi quân đội Á Châu. Những binh lính này mang theo bên mình “những ghế dài bằng đồng, khăn trải giường đắt tiền, những tấm thảm trang trí,” và những món đồ “nội thất xa hoa” khác. Bữa tiệc tối của ông Vulso do “nhạc công đàn luýt” và “nhạc công đàn hạc” đệm nhạc, và các bữa yến tiệc “đã bắt đầu được tổ chức công phu hơn và với chi phí tốn kém hơn.”
Sau đó sử gia Livy đề cập đến một chi tiết khá giống với thế hệ của chúng ta: “đó là lúc người đầu bếp, người đã từng là nô lệ thấp kém nhất đối với người La Mã cổ đại … bắt đầu được đánh giá cao, và những gì từng là một dịch vụ đơn thuần lại được coi là một môn nghệ thuật.” Điều nhắc nhớ đến ngày nay, sự nổi lên của các đầu bếp danh tiếng và số lượng không cân xứng các chương trình dành cho việc bày biện các món ăn xa hoa.
Tuy vậy, đừng ai nghĩ rằng chúng ta là những người duy nhất nghiện các trò giải trí gián tiếp này, sử gia Livy cũng nêu bật sở thích vương giả là xem các cuộc võ sĩ giác đấu và đua xe ngựa của người La Mã. Trong quá khứ, những người La Mã vĩ đại đã tự mình cầm kiếm trong những thời khắc nguy nan và tự mình cưỡi những cỗ xe. Tuy nhiên đến thời đế chế, những hậu duệ của các anh hùng này đã xem những người đàn ông có địa vị thấp kém hơn làm những điều đó để tiêu khiển và vì những vinh danh những thứ trống rỗng. Tương đồng với Hollywood và giải đấu bóng rổ NFL là những phiên bản của trường đua xe ngựa Circus Maximus và đấu trường Colosseum (thời La Mã cổ đại), không thể nào rõ ràng hơn.
Sự hồi sinh đạo đức
Lời nói đầu của Livy trong biên niên sử của mình là rất bi quan về việc liệu sự trụy lạc trong thời đại của ông có thể được vãn hồi không. Dù vậy, ông đề nghị rằng, việc đọc lịch sử có thể giúp cải thiện cá tính riêng của mỗi người và giúp tu sửa sự mục nát của xã hội.
“Lợi ích đặc biệt và tốt lành từ việc nghiên cứu lịch sử,” ông viết rằng, “là để xem xét bằng chứng về mọi loại hành vi được bày đặt như thể trên một đài tưởng niệm lộng lẫy; từ đó quý vị có thể chọn cho bản thân hoặc quốc gia của mình những gì để làm theo, từ đó biết điều gì nên tránh, dù là bắt đầu một cách hèn nhát hay kết thúc một cách hèn nhát.”
Những anh hùng được lấy làm hình mẫu cho nền cộng hòa thuở sơ kỳ không phải tự nhiên mà trở nên có đạo đức; tính cách của họ được hình thành bởi sự cẩn trọng thường hằng. Ông hiểu rõ rằng những huyền thoại thuở sơ khai này có thể là “những điều hư cấu nên thơ dễ chịu,” nhưng dù có thật hay không, họ vẫn vẫn có những điều gì đó để dạy [chúng ta]. Livy khuyên nhủ độc giả của ông chú tâm vào cách họ sống, vào những nguyên tắc đạo đức của họ, và năng lực lãnh đạo đã dẫn đến sự hưng thịnh của “đế chế hùng mạnh nhất thế giới, chỉ đứng sau quyền năng của các vị Thần.”
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times