Nữ Công tước Margaret Cavendish: Đề cao một cuộc đời đức hạnh
Hồi đáp của nữ triết gia thế kỷ 17 đối với những quan niệm đạo đức ‘có vẻ ổn’ của thời hiện đại
Thời nay, những ý tưởng về đức hạnh hầu hết đều khiến người ta nhàm chán. Và việc nói rằng đức hạnh là những giá trị thực, không phải là điều gì đó mang tính tương đối, hoặc nói rằng không phải mọi đức hạnh đều có giá trị ngang nhau, là điều có khả năng kích động thái độ thù địch.
Vậy một số người sống ở nhiều thế kỷ trước đã nói gì về triết lý của sự lười biếng như “làm những gì bản thân cảm thấy ổn” đang thống trị xã hội chúng ta ngày nay? Chúng ta hiếm khi nào thử cân nhắc về việc những người đã khuất nghĩ gì về các hành vi của người đang sống. Tuy nhiên nếu chúng ta làm vậy, chúng ta có thể cư xử khác đi.
Một nữ triết gia đã để lại cho đời nhiều tác phẩm từng viết về những điều làm nên một cuộc đời đức hạnh. Mặc dù không được đón nhận rộng rãi trong thời đại của mình, tuy nhiên những ý tưởng của bà vẫn mãi phù hợp với thời đại của chúng ta ngày nay.
Bà Margaret Cavendish đã sống qua những thời kỳ đầy biến động. Tên khai sinh của bà là Margaret Lucas, và khi cuộc Nội Chiến nổ ra ở Anh quốc vào năm 1642, bà vẫn còn là một thiếu nữ. Hai năm sau đó, bà được chọn làm phù dâu cho Nữ Hoàng Henrietta Maria, bà đã đến Paris. Ở đó, bà đã gặp quý ngài William Cavendish, hầu tước xứ Newcastle, ông đã tán tỉnh và sau đó kết hôn với cô thiếu nữ 21 tuổi này.
Ông William đã chỉ huy một đội quân của Hoàng Gia trước khi bại trận và bị trục xuất. Những điền trang rộng lớn của ông đều bị chính phủ tịch thu. Cho dù vậy, bà vẫn say mê vị quý tộc đầy cuốn hút này, người không có một xu dính túi và lớn hơn bà đến 30 tuổi. Ông là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về “nghệ thuật quản trị,” hoặc huấn luyện ngựa, và cũng là một nhà thơ, nhà viết kịch, nhà bảo trợ nghệ thuật, và còn là một nhà khoa học nghiệp dư. Những triết học gia người Pháp và người Anh như ông Thomas Hobbes và René Descartes thường xuyên đến dùng bữa tối ở nhà ông tại Paris. Bà Margaret đã lắng nghe những cuộc tranh luận của họ và trở nên quen thuộc với những lý thuyết triết học này.
Sau khi những người Thanh giáo (Puritan) hành quyết Vua Charles I, gia đình Cavendish đã chuyển tới thành phố Antwerp, nước Bỉ. Tại nơi đó bà Margaret đã bắt đầu sự nghiệp sáng tác và xuất bản sách. Sức lực của bà thật phi thường: Bà đã sáng tác hàng chục những tuyển tập trong 15 năm, ở nhiều thể loại đa dạng từ thơ cho đến kịch, tiểu thuyết hư cấu, triết học, và khoa học. Mặc dù hai chủ đề sau cùng (triết học và khoa học) được xem là không phù hợp với phụ nữ, tuy nhiên bà đã có nhiều đóng góp thuở ban đầu cho những lĩnh vực này dù không được học một cách chính thức.
Khao khát danh vọng
Một đề tài xuất hiện xuyên suốt trong các bài viết của bà Cavendish là chủ đề về danh vọng. Trong một quyển sách viết về nghệ thuật hùng biện, “Orations of Diver Sorts,” (Hùng Biện Của Những Người Hiểu Biết) bà đã đặt góc nhìn của mình vào vị trí phát ngôn viên của một vị tướng đang khích lệ những người lính tham chiến của mình: “Danh vọng là Thiên đường nơi mà những người và hành động Đáng kính và Cao quý được Tôn vinh, và Sống đời vĩnh cửu.” Bà đã đặt việc đó tương phản với sự lãng quên mà bà gọi là “Địa ngục cho những con người Đáng khen và Hào hiệp.” Đối với một người đàn ông, danh vọng và sự lãng quên tùy thuộc vào lòng dũng cảm hay sự hèn nhát trên chiến trường.
Là phụ nữ, bà Cavendish phải tìm kiếm danh vọng theo cách khác, đó là thông qua ngòi bút. Trong phần kết của quyển “The Description of a New World, Called the Blazing-World” (Mô Tả Về Một Thế Giới Mới, Được Gọi Là Thế Giới Rực Lửa), một tiểu thuyết khoa học hư cấu thời đầu, bà đã viết rằng bà nhận được “nhiều niềm vui và vinh quang” khi sáng tạo nên những địa danh hư cấu hơn cả “phạm vi lãnh thổ mà Alexander Đại đế hoặc Cesar Đại đế đã từng chinh phạt trên thế gian này.”
Đối với bà Cavendish, tìm kiếm danh vọng thông qua văn chương đã thể hiện được hai đức hạnh cao cả nhất: Trí tuệ và Danh dự. Trong những áng văn của mình, bà đã thể hiện đức tính cẩn trọng thông qua những suy nghĩ tinh tế và lòng dũng cảm bằng việc xuất bản sách dưới tên thật của mình (một hành động hiếm thấy đối với phụ nữ thời bấy giờ). Dĩ nhiên, Cẩn trọng và Dũng cảm là hai trong số bốn đức hạnh căn bản là, hai đức tính còn lại là Công bằng và Chừng mực.
Khi chế độ quân chủ được khôi phục dưới thời của Vua Charles II vào năm 1660, gia đình Cavendish đã quay trở lại Anh quốc. Ông William túng quẫn, người từng thường xuyên bị những chủ nợ lưu vong săn đuổi, nay được phong làm công tước. Trong một sự đảo ngược hoàn toàn của vận may này, bà Margaret lại trở thành nữ công tước của xứ Newcastle. Bà đã trở thành một chủ đề thu hút sự chú ý của công chúng không chỉ vì những áng văn chương, mà còn bởi phong cách thời trang xa hoa của mình. Người viết hồi ký Samuel Pepys đã kể rằng mọi người đã đến gặp bà tại triều đình “như thể đó là Hoàng hậu của xứ Sheba” vậy. Một tháng sau đó, ông đã mô tả một cảnh tượng ở Công Viên Hyde nơi mà bà “được theo đuổi và vây quanh bởi những chiếc xe ngựa trên khắp ngả đường mà bà đi qua.”
Tác phẩm “The Blazing-World”
Quyển sách nổi tiếng nhất của bà Cavendish, “The Blazing – World” (Thế Giới Rực Rỡ), phân tích những ý tưởng khoa học ở thời đại của bà dưới dạng tiểu thuyết hư cấu. Trong một tác phẩm phi hư cấu khác, “Observations upon Experimental Philosophy” (Những Quan Sát Về Triết Học Thực Nghiệm), bà đã bác bỏ một quan điểm phổ biến thời bấy giờ rằng chỉ có thể hiểu được tự nhiên thông qua những lời giải thích máy móc. Về Thiên Chúa, bà Cavendish đã viết, là “một Đấng vô hạn về tâm linh, siêu nhiên, và không thể giải thích được,” là Đấng đã sáng tạo ra vũ trụ thành một thể hệ liên tục tự vận hành với sự kết hợp giữa tinh thần và vật chất.
Bà đã áp dụng những nội hàm này để khám phá những điểm giao thoa giữa khoa học và đạo đức trong quyển sách “The Blazing–World.”
Cốt truyện rất đơn giản: Một người phụ nữ đức hạnh du hành đến một nền văn minh tưởng tượng, nơi mà cô được trao cho quyền lực tối thượng. Ở địa vị của nữ hoàng, cô quyết tâm cai trị bằng công lý và đức độ, chỉ định không ai khác ngoài vị nữ công tước xứ Newcastle là người cho cô những lời khuyên về những cách tốt nhất để nâng cao trí tuệ và danh dự trong vương quốc này. Vị nữ hoàng này đã tập hợp một nhóm các nhà khoa học — được mô phỏng theo Hiệp Hội Hoàng Gia London — để tiến hành các cuộc khám phá về tự nhiên và giải thích kết quả của họ cho cô.
Tuy nhiên, các nhà khoa học bắt đầu trở nên hay cãi vã và không thể tán đồng với nhau. Nữ công tước đã khuyên nữ hoàng giải tán nhóm người này vì lý do sùng bái thái quá các tư tưởng hàn lâm học thuật sẽ làm gia tăng chủ nghĩa hoài nghi và tư tưởng bè phái. Qua thông điệp này, bà Cavendish nhắc nhở chúng ta rằng những dữ kiện [bề mặt] và giá trị [đạo đức] là hoàn toàn khác biệt: Khoa học không thể cung cấp một nền tảng cho đạo đức.
Sau đó, nữ hoàng đã chọn áp dụng các chính sách chính trị thực tế, tiến hành một chiến dịch quân sự xuất sắc, và chinh phục những kẻ thù của quốc gia. Nữ công tước hư cấu của xứ Newcastle đặc biệt cổ vũ chính sách này, bà đã nói rằng: “Tôi thà rằng chịu mất đi tính mạng trong một cuộc phiêu lưu để đạt được những thành tựu cao quý, còn hơn là sống trong một vòng an toàn tối tăm và chán chường; bởi vì theo đuổi mục tiêu này, tôi có thể sống trong Danh vọng vinh quang huy hoàng; và nếu tôi chọn phần còn lại, thì tôi bị chôn vùi trong sự lãng quên.”
Tìm kiếm đức hạnh
Nếu ở đây bà Cavendish có vẻ đang ủng hộ cho một quan điểm hiếu chiến, đó là vì cuộc Nội Chiến Nước Anh về căn bản đã hình thành quan điểm sống của bà. Bà đã trải qua phần lớn tuổi trưởng thành của mình trong cuộc sống lưu vong trong khi những người Thanh giáo thực hiện những hành động đàn áp gia đình bà, gồm cả việc hành hình anh trai của bà, mạo phạm các ngôi mộ của mẹ và chị gái bà. Bà tin tưởng rằng lòng nhiệt thành làm cách mạng cần phải bị loại bỏ và chế độ quân chủ tuyệt đối là hệ thống tốt nhất để nuôi dưỡng những giá trị đạo đức cổ điển.
Trong quyển sách “The Blazing–World,” phu quân của bà Cavendish cũng xuất hiện như một nhân vật trong truyện. Bà vẽ nên một bức tranh đầy tận tụy về những phẩm chất tuyệt vời của ông mà bao gồm cả những lý tưởng của bà về trí tuệ và danh dự. Bà viết về công tước xứ Newcastle là một người thông minh, dí dỏm, chân thành, uyên bác trong các cuộc trò chuyện, có thể ca hát và sáng tác âm nhạc, đồng thời cũng là một bậc thầy kiếm thuật và cưỡi ngựa. Bà cho rằng, việc trau dồi những kỹ năng như vậy, là “phù hợp và xứng tầm đối với những vị quý tộc và anh hùng.”
Một số các thú vui tiêu khiển của giới quý tộc này đòi hỏi phải có tiềm lực dồi dào và nhiều thời gian rảnh rỗi để theo đuổi. Tuy nhiên, ngay cả đối với một người có ít nguồn lực, thì việc tìm kiếm sự vượt trội cá nhân thông qua nâng cao trí tuệ, thể chất, và tinh thần là một mục tiêu hoàn toàn có thể thực hiện được. Danh mục các đức tính “cổ xưa” của bà Cavendish thể hiện sự tiến bộ hơn so với việc xem truyền hình và chơi trò chơi điện tử.
Năm 1673, bà Cavendish đột ngột qua đời ở tuổi 50. Mặc dù bà là người phụ nữ đầu tiên đến thăm Hiệp Hội Hoàng Gia London, nhưng nhìn chung, cộng đồng học giả không xem trọng các ý tưởng khoa học của bà và xem các tác phẩm văn học của bà chỉ là những nội dung kỳ lạ. Sách của bà đã được bán hết.
Thời nay, sự quan tâm đối với các tác phẩm của bà Cavendish lại trở nên phổ biến. Nhiều người coi bà là một người hùng của những tư tưởng hiện đại thời kỳ đầu, một người đã dũng cảm thách thức các xu hướng tri thức ở thời đại của bà. Nhiều bài viết của bà đã được xuất bản mới trong các ấn bản không quá đắt. Tìm kiếm nhanh trên JSTOR, một thư viện kỹ thuật số hàng đầu về các ấn bản học thuật, cho ra hơn 8,000 kết quả về các đầu sách, chương mục, và các bài báo khoa học thảo luận về những ý tưởng của bà. Khoảng ba thế kỷ rưỡi sau khi qua đời, cuối cùng bà Cavendish đã vượt qua sự lãng quên và đạt được vinh quang mà mình đã tìm kiếm.
Để tìm hiểu thêm thông tin
Tiểu sử: PoetryFoundation.org
Dự án kỹ thuật số Cavendish: DigitalCavendish.org
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times