Bình phẩm sách: ‘Dưới Một Ngôi Sao Tàn Khốc’ của nhà văn Heda Kovaly
Câu chuyện về một phụ nữ Tiệp Khắc đã sống sót qua chế độ Đức Quốc xã và Liên Xô
Các chế độ toàn trị đã mang lại nhiều đau đớn và cay đắng cho nhân loại trong vài thế kỷ qua. Nước Nga Xô Viết, Đức Quốc xã, Trung Quốc Cộng sản, Campuchia, Cuba, cùng rất nhiều nơi khác đã và đang là mảnh đất phục vụ cho ý thức hệ chết chóc này. Chúng ta đã quen thuộc với những cái tên địa danh như Dachau, Auschwitz và Gulag, nhưng thực ra trong mỗi cái tên này là hàng nghìn trại tập trung khác, rất nhiều nơi chỉ những kẻ hành quyết và nạn nhân mới biết được mà thôi.
Những chế độ tương tự như thế này đã sát hại không chỉ là thể chất mà còn là linh hồn của những người mà nó kiểm soát. Nó đã làm mục ruỗng khát vọng và lòng tử tế, thay thế tình yêu Đấng Thiêng Liêng, phong tục và văn hóa bằng sự lệ thuộc hoàn toàn vào nhà nước và những hệ tư tưởng lệch lạc, biến dạng. Ví dụ, trong nhiều trường hợp, người dân bình thường bị biến thành đặc vụ, tố cáo hàng xóm và thậm chí là người thân với chính quyền về những hành vi được xem là phản bội hoặc thiếu trung thành đối với nhà nước.
Nền văn học đang phát triển từ lâu đã lên tiếng cảnh báo về những hủy hoại khủng khiếp này và những kẻ bất lương đã bán mình cho chúng. Nhà văn Anne Frank, Elie Wiesel, Aleksandr Solzhenitsyn là ba cái tên mà tác phẩm của họ đã ghi lại những cuộc tàn sát, bắt bớ, tra tấn, đàn áp tự do và quyền con người. Đằng sau họ là vô số những con người đã chịu đựng sự tàn bạo của các thể chế toàn trị và phải sống để làm chứng cho tội ác dã man này.
Một trong số đó chính là nhà văn Heda Margolius Kovaly (1919–2010).
Một tiếng nói mới mẻ đối với tôi
Cuối tháng Bảy, một người bạn đã giới thiệu cuốn “Dưới một ngôi sao tàn khốc: Cuộc sống ở Praha 1941-1968” của nhà văn Kovaly cho tôi. Cuốn sách do cô con gái vừa mới tốt nghiệp đại học giới thiệu cho bà. Thật ngạc nhiên khi thư viện sở hữu một bản sao của cuốn hồi ký này; và cuốn sách đã làm tôi sửng sốt.
Tôi đọc xong “Dưới một ngôi sao tàn khốc” trong vòng chưa đầy hai ngày, vào các giờ nghỉ và tối khuya. Có thể nói rằng, đó là một cuốn sách dễ đọc. Cuốn sách tương đối ngắn, tác giả Kovaly biết cách giữ cho mạch truyện trôi chảy, lôi cuốn, nhưng không phải kiểu hồi hộp mà chúng ta thấy trong những bộ phim kinh dị có nhịp độ nhanh ngày nay.
Tuy thế, việc tôi hoàn thành cuốn sách nhanh chóng không đến từ những nguyên nhân trên. Thay vào đó, thông điệp trong cuốn sách “Dưới một ngôi sao tàn khốc” đã khích lệ tôi, một thông điệp từ quá khứ gửi đến hiện tại, giống như một bức thư nhét trong cái chai trôi dạt vào bờ biển. Nó đeo lấy tôi và đẩy tôi tiến về phía trước.
Những năm tháng của sợ hãi và kinh hoàng
Trang đầu tiên của những hồi ức này đưa chúng ta trở về mùa thu năm 1942 và Hội trường Triển lãm Praha, nơi mà Đức quốc xã đã bắt đầu trục xuất hàng loạt những người Do Thái như Kovaly và quang cảnh trong hội trường thì “như nhà thương điên thời trung cổ.” Kovaly và những người khác bị đưa đến khu nhà ở hư nát tại Lodz, Ba Lan, nơi những cư dân đói khát sống như động vật.
Sau đó Kovaly bị phân công làm việc tại một lò gạch, nơi mà sau khi bà đưa ra hàng loạt lời phản ánh (điều vốn có thể lấy mạng của bà), ông chủ đã cho bà ngồi xuống trong một căn phòng tối om và nói rằng “Nói đi.” Hắn chắc chắn biết về phần ăn nghèo nàn và tình trạng bệnh tật của các tù nhân, nhưng hắn chỉ im lặng khi nghe bà nhắc về những cảnh ghê rợn được chứng kiến: những cái chết, các vụ sát hại phụ nữ mang thai và những người già, các phòng hơi ngạt. Cuối cùng sau khi nghe hàng loạt câu chuyện về sự giết chóc và lạm dụng, ông chủ vẫn ngồi đó khi bà rời đi, lấy tay ôm đầu. Kovaly viết rằng: “Người đàn ông sống tại Đức Quốc xã, sinh hoạt hằng ngày với trại tập trung và những người sống trong đó, nhưng anh ta không biết gì cả. Tôi chắc chắn rằng anh ta không biết gì cả.”
Sau khi Kovaly và vài người bạn trốn thoát trong khi Quân Đức áp giải các tù nhân rời khỏi để tránh Quân đội Nga đang tiến vào, và sau rất nhiều nguy hiểm, bà đã trở về được Praha. Tại đây, hết người bạn này đến người bạn khác, do lo sợ bị phát hiện, đã từ chối che chở và giúp đỡ bà. Cuối cùng, một thành viên thế giới ngầm đã liên lạc với bà, và bà được giải cứu.
Nhưng chỉ từ Đức Quốc xã. Kovaly dành phần còn lại của cuốn hồi ký để viết về sự trỗi dậy nhanh chóng của chủ nghĩa cộng sản ở Tiệp Khắc, được Liên Xô hậu thuẫn, và dấu chấm hết rõ ràng cho bất kỳ hy vọng tự do nào. Rudolf, người đàn ông bà yêu từ lâu và người kết hôn với bà sau chiến tranh, tham gia vào đảng cộng sản và thuyết phục vợ mình cùng tham gia. Ông là người theo chủ nghĩa lý tưởng, tin rằng chủ nghĩa cộng sản sẽ mang lại hòa bình, thịnh vượng và tình anh em cho loài người. Tại đây, Kovaly ghi lại một nhận định mà ngày nay sẽ bị xem là không đúng đắn về mặt chính trị:
Việc bản thân tôi không khuất phục trước sự lôi cuốn của hệ tư tưởng này chắc chắn không phải vì tôi thông minh hơn Rudolf mà bởi vì tôi là một người phụ nữ, một người gần gũi với thực tế và những điều cơ bản của cuộc sống hơn anh ấy. … Rudolf có thể quyết định dựa trên các số liệu thống kê – tất nhiên hầu hết là giả dối- rằng dưới thời cộng sản, con người sống một cuộc sống tốt hơn và hạnh phúc hơn. Tôi đã nhìn cận cảnh và tận mắt chứng kiến điều này không đúng.
Cuối cùng, ngay cả Rudolf cũng phải tận mắt chứng kiến cái ác. Có năng lực, chăm chỉ, và là một công chức chính quyền, ông và những người khác bị bắt vì những lời vu khống cho tội mưu phản, bị tuyên có tội và bị treo cổ. Cái chết của ông đã khiến cho vợ và con nhỏ của mình mất hết sự che chở về mặt xã hội, họ phải di chuyển liên tục trong khi bà tìm kiếm việc làm – thất nghiệp cũng là một tội danh – suốt thời gian dài sống dưới bóng tối của những lời nói dối mà chính quyền đã tung ra về chồng bà.
Bà Heda Kovaly kết thúc ghi chép của mình bằng một số sự kiện mà mình đã chứng kiến vào mùa thu năm 1968, khi quân đội Liên Xô tiến vào Tiệp Khắc và đàn áp dã man phong trào cải cách đang phát triển. Với hoàn cảnh khi ấy con trai của bà đang sống tại Anh, người chồng thứ hai đang có chuyến đi diễn thuyết tại Hoa Kỳ, và bà đã tìm cách trốn thoát khỏi đất nước bằng tàu hỏa.
Cuốn hồi ký kết thúc với đoạn:
Đoàn tàu không dừng lâu ở biên giới và khi nó bắt đầu di chuyển, tôi trườn người xa nhất có thể về phía cửa sổ, quay đầu nhìn lại. Điều cuối cùng tôi nhìn thấy là một lính Nga đang đứng canh gác với một cây súng gắn lưỡi lê.
Điều đó thể xảy ra ở đây…hoặc bất kỳ nơi đâu
Nhà văn Kovaly viết rằng: “Chúng ta đã lắng nghe với một cái tai lơ đãng khi các giáo viên lịch sử thảo luận về sự tra tấn hoặc bức hại những người vô tội. Những điều này chỉ có thể diễn ra vào một đoạn lịch sử rất lâu trước đây, vào những thời kỳ đen tối. Khi nó xuất hiện trong chính thời đại này dưới một hình thức còn tệ hơn chúng ta có thể tưởng tượng thì nó thật sự như ngày tận thế vậy.”
Khi tôi dạy về lịch sử thế giới và Âu châu tại các cuộc hội thảo cho những học sinh theo chương trình học tại nhà, các em thường rất khiếp sợ khi học về các vụ thảm sát trong cuộc Thập tự chinh hoặc các vụ hành quyết thời kỳ Cải cách. Hầu hết chúng nghĩ rằng nhân loại sẽ không thể chấp nhận điều tà ác như vậy trong thế giới hiện đại, cho đến khi tôi gợi nhắc rằng, chúng ta chỉ vừa kết thúc mới một thế kỷ đẫm máu nhất trong lịch sử loài người. Giờ đây tôi ước rằng tôi có thể biết đến cuốn “Dưới một ngôi sao tàn khốc” sớm hơn, để chúng tôi có thể đọc cùng với nhau.
Người Mỹ thường nói rằng: “Những điều này không thể xảy ra ở đây.” Nhưng Kovaly gợi ý các góc nhìn có thể áp dụng vào hoàn cảnh nước Mỹ ngày nay. Dưới đây chỉ là một vài điều trong đó:
Tác giả Kovaly đã viết về những người theo chủ nghĩa cộng sản như sau: “Không hề khó khăn để một thể chế toàn trị khiến cho người dân của chúng trở nên vô tri, mê muội. Một khi bạn từ bỏ các quyền tự do cho cái gọi là “sự cần thiết có thể chấp nhận được. “Bạn tự đánh mất quyền yêu cầu lẽ phải…bạn tự nguyện kết tội mình là kẻ vô dụng.” Điều này đã diễn ra theo sau đại dịch COVID, khi mà các biện pháp phong tỏa mạnh tay, đóng cửa trường học và nhà thờ được áp dụng, và sự phục tùng tuyệt đối của hầu hết các công dân chúng ta.
Sự xâm nhập của ý thức hệ cộng sản vào phạm vi gia đình đã làm biến dạng tư tưởng của nhiều người. “Tôi không biết gì về chính trị cả và càng không biết gì về kinh tế. Nhưng tôi bắt đầu hiểu rằng cuộc sống đã trở thành chính trị và chính trị biến thành cuộc sống” – Kovaly đã viết. Có một miêu tả phù hợp với nhiều người Mỹ ngày nay, những người đặt chính trị cao hơn cả tình bằng hữu hoặc thậm chí là quan hệ gia đình.
Hai mươi năm sau ngày chồng bà bị hành quyết, Kovaly biết được số phận của hài cốt của chồng. Tro cốt của ông và 13 người khác đã bị đem đi xử lý ở vùng nông thôn. “Cách Praha vài dặm, chiếc limousine bắt đầu trượt trên con đường băng giá. Các đặc vụ bước ra ngoài và rải tro cốt của họ dưới bánh xe.” Tại đất nước này, chúng ta cũng đã coi rẻ sinh mạng con người, bằng cái chết an tử và phá thai. Vài người thậm chí còn sử dụng hài cốt của người đã khuất – với sự đồng ý của họ – để làm phân bón.
Kể lại về cuộc sống dưới thời cộng sản, Kovaly nhấn mạnh rằng thể chế này có thể bóp nghẹt các cuộc đối thoại thông thường nhất, khi mà một lời nói trong lúc khinh suất có thể bị tố giác với chính quyền. Kovaly nói thêm: “Kỷ luật đảng khiến chúng ta phải liên tục tự kiểm duyệt bản thân, tư tưởng, mong muốn và khuynh hướng của mình.” Nhiều người trong xã hội Tây phương ngày nay đã cảm nhận được hàng loạt các sức ép tương tự, sợ hãi về văn hóa xóa sổ của đám đông, hoặc tệ hơn là gặp rắc rối với chính quyền nếu chúng ta nói hoặc viết một điều gì đó không thể chấp nhận được.
Lòng can đảm chính là điều then chốt
Trong cuộc nổi dậy ở Prague năm 1968, Kovaly đã đi ngang qua bức tượng Jan Hus, nhà cải cách đã bị hành quyết trong cuộc Cải cách Tin lành. Dưới chân bức tượng là dòng chữ “Lẽ phải luôn chiến thắng.” Kovaly đã nghĩ rằng: “Thật ư? Bản thân lẽ phải nó không tự nhiên chiến thắng. Khi đụng độ với quyền lực, lẽ phải thường bị thua thiệt. Lẽ phải chỉ chiến thắng khi con người đủ mạnh mẽ để bảo vệ nó.”
Bất chấp những thử thách nghiệt ngã và kinh hoàng của nó, “Dưới một ngôi sao tàn khốc” là một câu chuyện về chủ nghĩa anh hùng. Khi Kovaly đòi lại công lý cho chồng mình từ người đã đẩy ông vào chỗ chết, bà đã hành xử bằng lòng can đảm thực thụ. Những người bạn đã giúp đỡ bà trong thời hoạn nạn dưới ách độc tài, đã hành động không màng đến lợi ích cá nhân, sẵn sàng đối mặt với khả năng bị bỏ tù hoặc bị xử tử, vì lợi ích chung của cộng đồng.
Thông điệp cuối cùng Heda Kovaly dành cho chúng ta: nhiều lần trong cuốn sách “Dưới một ngôi sao tàn khốc”, bà đã viết rằng bà muốn một “cuộc sống bình thường, êm ả,” nhưng cuối cùng bà kết luận rằng: “Bạn không thể có một cuộc sống cá nhân hạnh phúc trong một xã hội thối nát, nó giống như xây nhà trên con mương đầy bùn vậy. Trước tiên, bạn cần đặt một nền móng đã.”
Nền móng mà bà tin tưởng được tạo nên từ các quyền, tự do và công lý. Nếu đây là những giá trị cốt lõi mà chúng ta muốn giữ gìn, chúng ta phải tìm thấy trong chính mình sức mạnh, ân điển và sự bền chí như của bà Heda Kovaly.
Ghi chú cuối cùng: Heda Kovaly chuyển đến Hoa Kỳ, nghỉ hưu sau với chức vụ thủ thư tại Thư viện Trường Luật Harvard, và trở về Cộng hòa Séc trước khi qua đời.
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch times