Ông Blinken gặp Phó Chủ tịch Trung Quốc trong bối cảnh bang giao song phương còn căng thẳng
Cuộc gặp diễn ra giữa những nỗ lực kết giao với các quan chức cao cấp của Trung Quốc nhằm cải thiện liên lạc trong bối cảnh bang giao song phương căng thẳng.
NEW YORK — Hôm 18/09, Ngoại trưởng Antony Blinken đã gặp Phó chủ tịch Trung Quốc, ông Hàn Chính (Han Zheng), bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong cái gọi là sự kiện đánh dấu hoạt động trao đổi cấp cao mới nhất giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới.
“Thế giới kỳ vọng chúng ta quản lý mối bang giao của mình một cách có trách nhiệm,” ông Blinken nói trong phần diễn thuyết ngắn gọn khi mở đầu cuộc gặp với ông Hàn. “Hoa Kỳ cam kết thực hiện điều đó.”
“Từ quan điểm của Hoa Kỳ, ngoại giao trực tiếp là cách tốt nhất để giải quyết những lĩnh vực mà chúng ta bất đồng, và cũng là cách tốt nhất để tìm hiểu các lĩnh vực hợp tác giữa chúng ta.”
Cuộc hội đàm, diễn ra một ngày sau khi cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan tổ chức cuộc gặp không báo trước với nhà ngoại giao cao cấp nhất của Trung Quốc, ông Vương Nghị, ở Malta, là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm tăng cường tiếp xúc với các quan chức cấp cao của Trung Quốc để cải thiện liên lạc trong bối cảnh bang giao song phương căng thẳng.
Tháng Sáu năm nay, ông Blinken đã thực hiện chuyến công du đầu tiên tới Trung Quốc với tư cách là ngoại trưởng để thúc đẩy việc khôi phục các cuộc đàm phán quân sự. Theo sau ông là Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen, và đặc phái viên về khí hậu John Kerry.
Ông Blinken nói, “Thật tốt khi chúng ta có cơ hội này để xây dựng dựa trên những cuộc hội đàm cấp cao gần đây mà hai quốc gia của chúng ta đã có để bảo đảm rằng chúng ta đang duy trì liên lạc cởi mở và để chứng minh rằng chúng ta đang quản lý một cách có trách nhiệm mối bang giao giữa hai nước.”
Ông Hàn nói rằng “bang giao Trung Quốc-Hoa Kỳ đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức” và ông kỳ vọng Hoa Kỳ sẽ “thể hiện sự chân thành” khi đối đãi với mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc.
“Thế giới cần một mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc ổn định và lành mạnh,” ông nói trong một bài diễn văn.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết ông Blinken “nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sử dụng ngoại giao để thúc đẩy các lợi ích và giá trị của Mỹ quốc, đồng thời để thảo luận về các lĩnh vực còn tranh cãi.”
Ông cũng nói rằng ông Blinken “đã tìm hiểu các lĩnh vực hợp tác tiềm năng và ủng hộ sự tiến bộ trong các thách thức xuyên quốc gia mà hai nước cùng chia sẻ,” cũng như đề cập đến các vấn đề từ cuộc chiến Nga-Ukraine đến “các hành động khiêu khích” của Bắc Hàn.
Quyết định của Bắc Kinh cử ông Hàn — người giữ vai trò chủ yếu trên danh nghĩa — làm đại diện của họ tại hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc đã làm dấy lên những đồn đoán liên quan đến biến động chính trị trong hàng ngũ lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.
Ngoài bản thân lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Vương, Ngoại trưởng Trung Quốc và là người đứng đầu Ủy ban Ngoại vụ Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trước đây thường có bài diễn văn trong cuộc họp thường niên của Liên Hiệp Quốc tại New York.
Hồi tháng Bảy, ông Vương đã thế chỗ cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương sau khi ông Tần biến mất khỏi tầm mắt công chúng mà không có mấy lời giải thích — một trong ba quan chức hàng đầu của Trung Quốc liên tiếp bị sa thải chỉ sau hai tháng. Ông Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), bộ trưởng quốc phòng nước này, đã biến mất gần ba tuần và bỏ lỡ ít nhất một cuộc gặp với những người đồng cấp ngoại quốc.
Tòa Bạch Ốc mô tả cuộc gặp giữa ông Vương và ông Sullivan là “thẳng thắn, thực chất, và mang tính xây dựng.”
Đài Loan là một chủ đề được nhắc đến trong các cuộc hội đàm hai ngày liên tiếp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, trong đó ông Sullivan và ông Blinken nhấn mạnh tầm quan trọng của “hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan.”
Hôm 17/09, khi trả lời ông Sullivan, ông Vương lặp lại lời khẳng định rằng vấn đề Đài Loan là “lằn ranh đỏ đầu tiên không thể vượt qua,” cảnh cáo phía Hoa Kỳ không được ủng hộ nền độc lập của Đài Loan.
Vài giờ sau, chính quyền này đã điều động 103 chiến đấu cơ tới hòn đảo tự trị này, lập mức cao mới về các màn phô trương quân sự gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Sau đó, Bộ Quốc phòng Đài Loan phải đưa ra đề nghị chấm dứt ngay lập tức hành vi quấy rối “mang tính phá hoại” này.
“Họ đã tiếp tục theo một cách rất nguy hiểm và vô trách nhiệm — ĐCSTQ — để tăng cường áp lực, sự khiêu khích, và chúng ta không thể cho phép điều đó tiếp diễn,” Dân biểu Pat Ryan (Dân Chủ-New York) nói với The Epoch Times, lưu ý rằng hành động khiêu khích này như là một lời nhắc nhở khác cho thấy sự trợ giúp của Hoa Kỳ là cần thiết.
“Chúng ta phải tiếp tục ủng hộ các đối tác của mình ở Đài Loan. Chúng ta phải tiếp tục thể hiện quan điểm rõ ràng rằng bất kỳ hành động nào làm suy yếu sự an toàn và an ninh của họ đều không thể chấp nhận được.”
Ông cũng lưu ý rằng ông sẽ tiếp tục vận động viện trợ quân sự nhiều hơn cho Đài Loan để “họ có thể tiếp tục duy trì nền dân chủ và các giá trị của mình” trước hành vi gây hấn của ĐCSTQ.
Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ sự thất vọng khi ông Tập không đến dự cuộc họp mặt của các nhà lãnh đạo G-20 ở Ấn Độ, nhưng tổng thống nói rằng ông sẽ “đến gặp ông [Tập].”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times