Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình từ lâu đã nói rõ tầm nhìn của mình rằng vi mạch bán dẫn sẽ là yếu tố giúp chính phủ ông vượt qua Hoa Kỳ để trở thành siêu cường công nghệ toàn cầu. Tuy nhiên, tham vọng của ông Tập — để Trung Quốc sản xuất được 70% vi mạch bán dẫn ở trong nước vào năm 2025 — giờ đây chỉ là một ước vọng xa vời.Điều đang cản trở tham vọng của Bắc Kinh là một loạt các biện pháp kiểm soát xuất cảng sâu rộng của Hoa Kỳ được ban hành hồi tháng 10/2022, nhằm mục đích hạn chế năng lực của Bắc Kinh trong việc mua hoặc tự sản xuất vi mạch bán dẫn cao cấp.
Hồi tháng 01/2023, Công ty Công nghệ Bộ nhớ Trường Giang (Yangtze Memory Technologies, YMTC), nhà sản xuất vi mạch nhớ lớn nhất Trung Quốc và là công ty mẹ của XMC, được cho là sẽ cắt giảm tới 10% lực lượng nhân sự 6,000 người của mình ở tất cả các bộ phận.
Theo ước tính của công ty nghiên cứu thị trường Yole Group, YMTC đang trên đà tăng gấp đôi thị phần vi mạch nhớ flash toàn cầu vào năm 2027 lên 10% trước khi các biện pháp kiểm soát xuất cảng có hiệu lực và dập tắt triển vọng đó.
Là một trong khoảng hai chục nhà sản xuất vi mạch bán dẫn trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen hồi tháng 12/2022, YMTC không phải là công ty công nghệ Trung Quốc duy nhất gặp khó khăn: Trong bốn tháng qua, ít nhất hai sáng kiến sản xuất vi mạch điện thoại đã sụp đổ, trong đó có một sáng kiến của Oppo, một thương hiệu điện thoại Trung Quốc đứng thứ tư thế giới về doanh số.
Các công ty từng được xem là các doanh nghiệp đầu ngành đã cắt giảm quy mô và cắt giảm tiền thưởng để duy trì hoạt động. Nhập cảng vi mạch của quốc gia này đã giảm 17% về số lượng trong bảy tháng đầu năm. [Những khó khăn về công nghệ ở trong nước đã khiến nhà cầm quyền phải khởi động lại một quỹ quốc doanh, quỹ này năm ngoái đã vướng vào một cuộc điều tra chống tham nhũng, để bơm khoảng 1.9 tỷ USD vào YMTC hồi cuối tháng Hai.
Cuộc chạy đua giành ưu thế về công nghệ đã trở thành một đặc điểm nổi bật của căng thẳng Hoa Kỳ-Trung Quốc vốn đang ngày càng đặt Hoa Kỳ vào thế tấn công. Cùng với các lệnh trừng phạt và thuế quan, các biện pháp của Hoa Kỳ đang gây tổn hại cho Bắc Kinh theo những cách mà chỉ vài năm trước đây dường như là điều nằm ngoài tầm với.
“Các biện pháp đang nghiền nát Trung Quốc,” ông Antonio Graceffo, một nhà phân tích kinh tế Trung Quốc và là cộng tác viên của Epoch Times, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Tất cả những điều này hoàn toàn đang hủy hoại nền kinh tế Trung Quốc.”
Suy giảm kinh tế
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không có phong độ tốt trong năm nay. Lĩnh vực bất động sản, vốn từng là động lực tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều thập niên, giờ đã chững lại. Xuất cảng trong tháng Bảy đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm 2020, trong khi nhập cảng cũng sụt giảm hai con số. Theo dự báo của Bloomberg Economics, tình trạng suy thoái ngày càng tồi tệ có thể làm mất đi cơ hội vượt qua nền kinh tế Hoa Kỳ của Bắc Kinh, đảo ngược các dự đoán nghiên cứu trước đó vốn cho rằng Trung Quốc sẽ vượt lên dẫn đầu sớm nhất là từ năm 2028.
Với việc có ít nhất ⅕ thanh niên ở Trung Quốc thất nghiệp, hồi tháng Năm, ông Tập đã yêu cầu thanh niên Trung Quốc “chịu khổ” và “tự mình vượt lên.”
Đồng thời, chính quyền Trung Quốc đã công khai nói về việc họ xem ai là thủ phạm gây ra những khó khăn kinh tế của mình.
Ông Tạ Phong (Xie Feng), đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, hồi cuối tháng Tám đã nêu lên mức giảm 14.5% trong thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc trong nửa đầu năm 2023, nói rằng đó là “hậu quả trực tiếp” của các biện pháp thuế quan và hạn chế xuất cảng của Hoa Kỳ, đồng thời tuyên bố rằng Hoa Kỳ đang cố gắng cạnh tranh khiến Trung Quốc “đóng cửa kinh doanh.”
“Những hạn chế xuất cảng này có công bằng không? Những biện pháp này có thực sự phục vụ được cho các lợi ích của Hoa Kỳ không?” ông Phong hỏi trong một bài nói qua video tại Diễn đàn Doanh nghiệp Hoa Kỳ-Trung Quốc của Forbes, trích dẫn thuế suất 19% của Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đã từ chối lời kêu gọi của Trung Quốc về việc dỡ bỏ hạn chế xuất cảng trong chuyến công du tới Trung Quốc mới đây.
Bà nói: “Chúng tôi không đàm phán về các vấn đề an ninh quốc gia.”
“Chúng tôi đang cố gắng bóp nghẹt năng lực quân sự của họ,” bà nói với NBC mới đây. “Vì vậy, nếu họ cảm nhận được áp lực đó, thì có nghĩa là chiến lược của chúng tôi đang có hiệu quả.”
Bà Raimondo cho biết khi ở Trung Quốc bà cũng đã chất vấn các quan chức Trung Quốc về vụ xâm nhập vào thư điện tử của bà do nhà nước này hậu thuẫn, nói rằng điều đó “làm xói mòn lòng tin.”
“Tôi rất nghiêm túc, không đùa đâu,” bà nói trên chương trình “State of the Union” của CNN hôm 03/09.
‘Tất cả chúng ta đều đồng thuận’
Nói một cách khoa trương, Hoa Thịnh Đốn đã nhiều lần phủ định ý muốn tách rời khỏi Trung Quốc, thay vào đó ưa dùng thuật ngữ “giảm rủi ro” hơn để mô tả về các bước mà Hoa Kỳ đã thực hiện để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong các nguồn cung cấp quan trọng.
Bốn quan chức cao cấp của Hoa Kỳ đã thực hiện các chuyến công du cao cấp tới Trung Quốc trong nhiều tháng qua nhằm nỗ lực hâm nóng quan hệ thương mại và quốc phòng.
Ông Graceffo cho biết, việc sử dụng thuật ngữ giảm rủi ro có hai lợi ích là tránh xung đột công khai với Trung Quốc và lôi kéo các đồng minh Âu Châu cùng tham gia. Rốt cuộc, ông nhận định, “thay vì tách rời, một từ như giảm rủi ro dễ dàng khiến người Âu Châu chấp nhận hơn.”
Ông lưu ý rằng trong hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima hồi tháng Năm, các quốc gia công nghiệp hàng đầu đã đồng ý về một “bộ công cụ chung” để chống lại sự cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc và xây dựng khả năng chống chịu cho chuỗi cung ứng.
“Thế đấy — chúng ta đã thuyết phục được để đi theo hướng đó,” ông Graceffo nói. “Đó là một thành tựu to lớn. Đó là bảy quốc gia quan trọng nhất, và tất cả chúng ta đều đồng thuận.”
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cắt đứt liên lạc quân sự với Hoa Kỳ vào tháng 08/2022 sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện đương thời Nancy Pelosi tới Đài Loan và kể từ đó vẫn luôn từ chối khôi phục đường dây nóng.
Trong một bài đăng hiếm hoi trên mạng xã hội, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ đang thực hiện một chiến lược “hai mặt” mà “chắc chắn sẽ thất bại.”
Bộ này trích dẫn một danh sách những bất bình, trong đó có việc Hoa Kỳ bán vũ khí quân sự cho Đài Loan gần đây. Đó là một đợt chuyển giao quân sự chưa từng có cho hòn đảo dân chủ tự quản này, theo một chương trình thường dành cho các quốc gia có chủ quyền. Bộ cũng cho biết Hoa Kỳ đang “khuấy động rắc rối” ở Tây Tạng và Biển Đông, đồng thời “nói xấu” nền kinh tế Trung Quốc.
Bộ An ninh Quốc gia khẳng định, bất kỳ cuộc gặp nào giữa ông Tập và Tổng thống Joe Biden tại San Francisco bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng Mười Một đều sẽ phụ thuộc vào việc Hoa Kỳ có “thể hiện đủ thành ý” hay không, trong khi khẳng định việc chính quyền Trung Quốc liên kết với Hoa Kỳ là “không thể.”
Đổ lỗi là một chiến thuật quen thuộc trong sách lược của nhà cầm quyền này, mặc dù vẫn còn nhiều câu hỏi về việc liệu những lời đe dọa của họ có thể có hiệu quả lần này hay không.
Chính phủ Tổng thống Biden nhấn mạnh sự cần thiết của “ngoại giao mạnh mẽ bên cạnh sự cạnh tranh khốc liệt.” Ngay cả khi các quan chức Hoa Kỳ có các chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Biden vẫn đưa ra các hạn chế đầu tư vào các công nghệ cao cấp như điện toán lượng tử, vi điện tử, vi mạch bán dẫn tân tiến, và trí tuệ nhân tạo, một vấn đề mà ông tuyên bố là một “tình trạng khẩn cấp quốc gia.”
Ông Clete Willems, thành viên cao cấp của Trung tâm Địa Kinh tế của Hội đồng Đại Tây Dương, nói với The Epoch Times rằng những hạn chế này “có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm” về những gì Hoa Kỳ sắp làm. Ông Willems, người từng là một nhà đàm phán thương mại hàng đầu với Trung Quốc tại Tòa Bạch Ốc dưới thời cựu Tổng thống Trump, nói thêm rằng chính phủ Tổng thống Biden sẽ xem xét các biện pháp kiểm soát của mình sau một năm để đánh giá xem có thể mở rộng các biện pháp này như thế nào.
Trong bối cảnh lệnh cấm vi mạch hồi tháng 10/2022 và Đạo luật CHIPS và Khoa học trị giá 280 tỷ USD được ký thành luật hồi tháng Tám năm ngoái — trong đó ⅕ ngân sách là dành cho vi mạch bán dẫn — nhà sản xuất vi mạch lớn nhất thế giới, Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan, đã cam kết tăng gấp ba lần đầu tư vào Arizona lên tới tổng cộng 40 tỷ USD và mở nhà máy thứ hai.
Tòa Bạch Ốc hồi tháng Tám đã chỉ định các cơ quan liên bang chỉ sử dụng vật liệu sản xuất nội địa cho các dự án cơ sở hạ tầng do chính phủ tài trợ, như một phần của Đạo luật “Xây dựng nước Mỹ, Mua hàng Mỹ” năm 2021.
Các công ty đa quốc gia đang đón nhận thông điệp này.
Nhóm vận động hành lang Reshoring Initiative ước tính rằng các công ty Mỹ đã tuyển dụng hơn 364,000 nhân viên vào năm 2022, tăng 53% so với năm trước. Lĩnh vực sản xuất vi mạch và pin xe điện chiếm hơn một nửa số việc làm.
Trong khi đó, đầu tư trực tiếp ngoại quốc (FDI) vào Trung Quốc đã giảm 87% xuống còn 4.9 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng Tư đến tháng Sáu, mức giảm đáng kể nhất so với cùng thời kỳ năm ngoái kể từ năm 1998, theo dữ liệu tháng Tám từ Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia (SAFE) Trung Quốc.
Ông Willems cho biết, “Các biện pháp của Hoa Kỳ đang khiến mọi người phải suy nghĩ kỹ lưỡng về việc” đầu tư vào Trung Quốc, nhưng điều này một phần cũng do tự Trung Quốc gây ra.
Chính sách zero COVID của nhà cầm quyền này (đóng cửa toàn khu dân cư chỉ vì một số ca xét nghiệm dương tính), việc đe dọa Đài Loan, sự đàn áp pháp lý đối với lĩnh vực công nghệ, việc đột kích vào hai công ty Mỹ ở Thượng Hải, cùng việc mở rộng mới đây đối với luật chống gián điệp vốn có thể khiến các hoạt động kinh doanh thông thường gặp rủi ro — đều đã góp phần tạo ra một môi trường thù địch mà theo lời của bà Raimondo, khiến Trung Quốc trở thành nơi “không thể đầu tư.”
Xét rộng ra về niềm tin của nhà đầu tư, Trung Quốc đang phải đối diện với làn sóng triệu phú di cư lớn nhất thế giới, với ước tính khoảng 13,500 người giàu Trung Quốc đang tìm cách di cư trong năm nay.
Tất cả những điều này đang diễn ra trong khi Hoa Kỳ — theo bà Raimondo — đang trên đà “có được một hệ sinh thái bán dẫn rộng lớn, sâu sắc, và tốt nhất thế giới” vào cuối thập niên này.
“Chúng ta vốn dĩ đã dẫn đầu thế giới về thiết kế các vi mạch bán dẫn. Quý vị có thể thấy điều đó với các vi mạch AI. Chúng ta dẫn đầu thế giới về phần mềm,” bà nói trong một lần xuất hiện trên truyền thông gần đây. Theo ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan (INDSR), tính đến thời điểm hiện tại, Hoa Kỳ đang dẫn trước Trung Quốc ít nhất là một thế hệ trong công nghệ vi mạch. Ông nói với The Epoch Times rằng với những hạn chế mới của Hoa Kỳ, khiến cho tình hình như thể là “ĐCSTQ đang dậm chân tại chỗ trong khi Hoa Kỳ đang tiến về phía trước.”
Rào cản cho Bắc Kinh
Ông Willems nhận xét, chính quyền Trung Quốc đã đáp trả các biện pháp kiểm soát do Hoa Kỳ áp đặt, nhưng sự trả đũa của họ “cho đến nay vẫn chưa thành công lắm để thực sự thay đổi được phương trình ở đó.”
Một số công ty bán dẫn quốc tế cho biết họ dự kiến sẽ không có tác động đáng kể nào từ lệnh hạn chế xuất cảng mới của Trung Quốc đối với gallium và germanium, cả hai nguyên liệu này đều là chìa khóa để sản xuất thiết bị điện tử và vi mạch.
Liên minh BRICS do Trung Quốc dẫn đầu nhằm mục đích lật đổ sự thống trị của đồng USD dường như khó có thể tồn tại do thiếu các lợi ích chung khác giữa các quốc gia thành viên.
Ấn Độ — quốc gia đã không hữu hảo với Trung Quốc kể từ khi xung đột bạo lực ở biên giới bắt đầu thi thoảng xảy ra giữa hai nước cách đây ba năm — là một trong những nền kinh tế quan trọng trong khối BRICS bên cạnh Nga và Trung Quốc, vốn đều đang gặp khủng hoảng kinh tế.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có chuyến thăm cấp quốc gia đầu tiên tới Hoa Kỳ hồi tháng Sáu, ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi. Ông Modi đã được chào đón nồng hậu tại Hoa Kỳ, đồng thời chỉ trích chính quyền Trung Quốc đã khiến các quốc gia nghèo mắc nợ bằng chương trình tài trợ cơ sở hạ tầng đồ sộ mang tên Sáng kiến Vành đai và Con đường của mình.
Một liên minh đang phát triển
Dân biểu Michael McCaul (Cộng Hòa-Texas), Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ viện, cho biết trong cuộc họp hôm 06/09 tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở La Haye rằng ông nghi ngờ nhà sản xuất vi mạch bán dẫn lớn nhất Trung Quốc, Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC), đã vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ trong việc cung cấp linh kiện cho Huawei, đại công ty viễn thông Trung Quốc bị phương Tây xa lánh.
Vi mạch bán dẫn của SMIC cho điện thoại thông minh Mate 60 Pro của Huawei được xem như là một bước đột phá ở Trung Quốc, nhưng cổ phiếu của SMIC đã sụt giảm hôm 07/09 sau những lời chỉ trích của Dân biểu McCaul và các nhà lập pháp khác của Hoa Kỳ.
Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), người đứng đầu Ủy ban Trung Quốc của Hạ viện, cho biết: “Có lẽ vi mach bán dẫn này sẽ không thể sản xuất được nếu không có công nghệ của Hoa Kỳ.”
“Đã đến lúc chấm dứt tất cả mọi hoạt động xuất cảng công nghệ của Hoa Kỳ cho cả Huawei và SMIC để làm rõ rằng bất kỳ công ty nào vi phạm luật pháp của Hoa Kỳ và làm suy yếu an ninh quốc gia của chúng ta đều sẽ bị cắt khỏi công nghệ của chúng ta.”
Trung Quốc được cho là đang dự định đầu tư thêm 40 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất vi mạch bán dẫn. Nhưng ông Tạ Điền (Frank Tian Xie), giáo sư kinh doanh tại Đại học South Carolina–Aiken, xem những nỗ lực này là dấu hiệu cho thấy các biện pháp phong tỏa công nghệ của Hoa Kỳ đang có tác động mạnh.
“Các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đang có tác động thực sự,” ông nói với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times. “Đó là lý do tại sao giờ đây ĐCSTQ lại tuyệt vọng đến vậy.”
Cơ hội cho ĐCSTQ né tránh được các lệnh trừng phạt đang ngày càng thu hẹp khi Hoa Kỳ xây dựng một liên minh ủng hộ.
Hội nghị thượng đỉnh ba bên gần đây tại Trại David ở Maryland đã dẫn đến việc Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Nam Hàn lên án sự hung hăng của Trung Quốc khi các quốc gia này cam kết phối hợp các chính sách nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng đối với các công nghệ quan trọng.
Trong một tuyên bố chung, ba quốc gia này cho biết họ cũng sẽ “tăng cường hợp tác về các biện pháp bảo vệ công nghệ để ngăn chặn các công nghệ tân tiến mà chúng ta phát triển bị xuất cảng bất hợp pháp hoặc bị đánh cắp ra ngoại quốc.”
Ông Willem gọi tuyên bố này là một “thành công lớn đối với Hoa Kỳ.”
Ông Graceffo và các chuyên gia về Trung Quốc khác nhận thấy quan điểm cứng rắn của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc — vốn bắt đầu từ thời chính phủ cựu Tổng thống Trump và mở rộng dưới thời Tổng thống Biden — là không thể đảo lại được nữa.
Và việc giảm thiểu rủi ro, một “khái niệm chỉ có trong thảo luận” cách đây mới năm năm, giờ đây dường như đã trở thành hiện thực.
Ông Christopher Gopal, một giáo sư kinh doanh tại Đại học California–San Diego có ba thập niên kinh nghiệm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nói với The Epoch Times rằng trong nhiều năm các chính sách của Hoa Kỳ đã từng “biến Trung Quốc trở thành trung tâm sản xuất của thế giới.”