Bộ trưởng Janet Yellen: Hoa Kỳ đang ‘theo dõi cẩn thận’ khó khăn kinh tế của Trung Quốc
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen hôm thứ Sáu (08/09) cho biết Hoa Kỳ đang theo dõi cẩn thận tình hình kinh tế ở Trung Quốc, nhưng không có lý do gì để lo lắng rằng khó khăn ở Trung Quốc sẽ có tác động đáng kể đến Hoa Kỳ.
Trình bày tại một cuộc họp báo bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Ấn Độ, bà Yellen cho biết Trung Quốc phải đối diện với nhiều thách thức kinh tế ngắn hạn và dài hạn. Bà đã nhấn mạnh chi tiêu tiêu dùng thấp và những vấn đề đã tồn tại từ lâu trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.
Bà Yellen nói: “Chúng tôi đang theo dõi cẩn thận, cả về mức tăng chi tiêu ít hơn mức dự kiến của người tiêu dùng sau các hạn chế về COVID, cũng như các vấn đề tồn tại lâu dài liên quan đến lĩnh vực bất động sản và các khoản nợ liên quan đến lĩnh vực đó.”
“Tất nhiên, về lâu dài, tốc độ tăng trưởng dân số hiện đang chuyển sang mức âm, và lực lượng lao động bắt đầu giảm. Vì vậy, chúng tôi thấy tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại theo thời gian.”
Tuy nhiên, bà Yellen vẫn tin rằng Trung Quốc có nhiều cơ hội để hành động trong việc giải quyết những thách thức này. Do đó, bà dự đoán rằng sẽ không có tác động trực tiếp đáng kể nào đến Hoa Kỳ.
Bà nói: “Các quốc gia ở Đông Á có nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái này, nhưng đó là điều chúng tôi đang để mắt tới.”
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã không phục hồi được đáng kể kể từ khi chính sách zero COVID của quốc gia này kết thúc và chi tiêu tiêu dùng không có dấu hiệu phục hồi, khiến nhiều nhà kinh tế bối rối. Và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn người ta đã nghĩ trước đây.
Một mối lo ngại là các biện pháp kích thích của ngân hàng trung ương trong nhiều năm đã thúc đẩy làn sóng phát triển cơ sở hạ tầng — đường sá, phi trường, cầu, và điện — ở các thành phố trên khắp Trung Quốc. Kết quả là, các chính quyền địa phương đã phải vay những khoản vay hết sức lớn để chi trả cho những dự án tốn kém và đôi khi là lãng phí này. Theo các chuyên gia Trung Quốc, giờ đây, Bắc Kinh đang cố gắng quản lý khoản nợ quá mức do bong bóng này tạo ra, vốn đang trên bờ vực đổ vỡ. Khoản nợ to lớn này là một trong những nguyên nhân khiến quốc gia rơi vào tình trạng nguy hiểm, vì nó gây ra mối đe dọa lớn đối với sự ổn định kinh tế, và Bắc Kinh đang không còn lựa chọn nào khác.
Các nhà kinh tế tin rằng những thách thức này có thể lan rộng ra ngoài Trung Quốc, đặc biệt là tại các quốc gia mới nổi.
Hội nghị thượng đỉnh G-20 bắt đầu vào cuối tuần này
Các nhà lãnh đạo từ các quốc gia giàu có và quyền lực nhất thế giới đang tập trung tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ hôm 9-10/09 để dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20, nơi họ thảo luận về nhiều vấn đề, từ biến đổi khí hậu đến an ninh kinh tế.
Tổng thống Joe Biden cũng sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh và dự định bàn cụ thể về các hoạt động “cho vay cưỡng bức và không bền vững” của chính quyền Trung Quốc.
Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh ở New Delhi. Thay vào đó, Thủ tướng Lý Cường sẽ đại diện cho Bắc Kinh tại cuộc họp năm nay.
Trong khi Trung Quốc đã trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới trong những năm gần đây, chiến lược cho vay mạnh mẽ theo Sáng kiến Vành đai và Con đường của quốc gia này đã bị các quốc gia khác chỉ trích vì thiếu minh bạch.
Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan cho biết trong cuộc họp báo hôm 05/09: “Chúng tôi tin rằng cần phải có tiêu chuẩn cao về các phương án cho vay không mang tính cưỡng chế dành cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.”
Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ đang ủng hộ việc “tái định hình và mở rộng quy mô một cách căn bản” các ngân hàng phát triển đa phương như Ngân hàng Thế giới, ông nói.
Bà Yellen lưu ý rằng Tổng thống Biden đã yêu cầu Quốc hội cung cấp thêm vốn cho Ngân hàng Thế giới trong yêu cầu ngân sách bổ sung mới nhất vào tháng trước. Bà hy vọng khoản tài trợ này sẽ cung cấp được khoảng 25 tỷ USD do Hoa Kỳ hậu thuẫn cho các quốc gia có thu nhập thấp.
Bà nói rằng chính phủ đang yêu cầu các đối tác G-20 khác tăng cường năng lực tài chính của các ngân hàng phát triển đa phương.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times