Các chuyên gia: Lệnh cấm đầu tư của Hoa Kỳ vào công nghệ Trung Quốc dần dần tiến triển, cho thấy nhiều hứa hẹn
Các chuyên gia cho biết sắc lệnh mới đây của Tổng thống (TT) Joe Biden kêu gọi cấm một số khoản đầu tư vào lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài trước khi được thực hiện đầy đủ, nhưng đây có thể là bước khởi đầu cho sự thay đổi có ý nghĩa trong cuộc cạnh tranh Hoa Kỳ-Trung Quốc.
Ông Eric Sayers, một thành viên không thường trú của Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết các quy định của chính phủ liên quan đến đầu tư vào các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, lượng tử, và chất bán dẫn của Trung Quốc có thể sẽ mất cả năm để hoàn thiện và thực hiện.
Trong một cuộc thảo luận hôm 11/08 tại Trung tâm vì An ninh Mới của Mỹ quốc, ông Sayers cho biết: “Nhìn nhận một cách bi quan thì vấn đề ở chỗ là chính phủ dành ra một năm để thông báo cho mọi người, bàn luận về tiến trình này, mà ở đây là chỉ mới bắt đầu bàn luận thôi.”
“Và có thể phải mất một năm nữa trước khi quy tắc cuối cùng của tiến trình này mới được đưa ra.”
Tuy nhiên, ông Sayers cho biết, bước đi này thể hiện “sự sẵn sàng mở rộng” của nhánh hành pháp nhằm tập trung vào các dòng tài chính và công nghệ như những phương tiện để cải thiện an ninh quốc gia.
Ông nói: “Nếu cách đây vài năm thì [loại hành động] này là điều không thể hình dung ra được.”
Ông cho biết ông vẫn hy vọng rằng năm tới sẽ bắt đầu một cách nghiêm chỉnh một tiến trình “lặp đi lặp lại” mà sẽ hình thành nên một chính sách linh hoạt trong nhiều năm và thậm chí nhiều thập niên.
Sắc lệnh của Tổng thống Biden chọn mục tiêu một cách cẩn thận
Sắc lệnh của Tổng thống Biden, được ký hôm 09/08, tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia liên quan đến “mối đe dọa bất thường và đặc biệt” được đặt ra bởi “những quốc gia đáng lo ngại” đang sử dụng các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào những công nghệ quan trọng để nâng cao năng lực quân sự và tình báo trong nước của họ.
Sắc lệnh cũng trao thẩm quyền cho Bộ trưởng Ngân khố cấm đầu tư vào ngành trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thông tin lượng tử, sản xuất chất bán dẫn và vi điện tử nếu như khoản đầu tư đó được coi là có lợi cho việc hiện đại hóa quân sự của một quốc gia như vậy.
Bộ Ngân khố đồng thời đưa ra một thông báo về các quy tắc được đề xướng và lấy ý kiến của công chúng liên quan đến việc thực hiện sắc lệnh này, vốn sẽ bắt đầu một giai đoạn lấy ý kiến kéo dài trước khi bộ này chính thức áp dụng các quy tắc đó trong năm tới.
Đã có một số tranh luận về tính hiệu quả của các quy tắc được đề xướng và các quy tắc này có thể bị cắt giảm bao nhiêu trong thời gian lấy ý kiến bình luận kéo dài. Cách tiếp cận hạn chế, trung dung của sắc lệnh này cũng có thể sẽ gây ra phản ứng từ cả hai phía trong cuộc tranh luận về Trung Quốc khi những người hiếu chiến trong Quốc hội tìm cách tách rời nhiều hơn khỏi nền kinh tế Trung Quốc và các nhà lãnh đạo ngành thì tầm cầu nhiều thỏa thuận hơn.
Ông Peter Harrell, một thành viên không thường trú thuộc Quỹ vì Hòa bình Quốc tế Carnegie, nói rằng cuộc thảo luận xung quanh việc nhắm vào các khoản đầu tư ra ngoại quốc vào Trung Quốc đã và đang gia tăng kể từ năm 2018, khi chính phủ Tổng thống Trump đánh thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nhập cảng để trả đũa hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ tràn lan.
Ông nói: “Cuộc thảo luận đó đã gây ra một cuộc tranh luận đang diễn ra ở Hoa Thịnh Đốn về việc ở đâu, như thế nào và liệu một số khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc có thể gây rủi ro cho an ninh quốc gia hay không.”
Ông Harrell cũng cho biết mặc dù phạm vi của các lệnh cấm đầu tư được đề xướng này khá hẹp, nhưng tiêu chí đối với các khoản đầu tư cần thông báo của liên bang lại rộng. Điều này có nghĩa là hầu hết các khoản đầu tư sẽ không bị cấm hoàn toàn, nhưng chính phủ sẽ có thể tập hợp được một bức tranh toàn diện hơn nhiều về việc đầu tư ra ngoại quốc của Hoa Kỳ.
Về diễn biến sự việc, ông nói rằng, “Về cơ bản, họ đã làm những gì họ nói họ sẽ làm. Đó là một điều gì đó có phạm vi hẹp và có mục tiêu.”
Tương tự, bà Sarah Bauerle Danzman, một thành viên cao cấp tại tổ chức tư vấn Hội đồng Đại Tây Dương, nói rằng các quy tắc được đề xướng của chính phủ “điều chỉnh quan điểm chiến lược của Hoa Kỳ về các quy định đối ngoại với những quy định được … các đối tác và đồng minh công nhận,” đặt nền móng cho một phản hợp nhất hơn ở châu Âu và các nơi khác đối với Trung Quốc.
Tiền, công nghệ của Hoa Kỳ thúc đẩy quân đội Trung Quốc
Các quy tắc này sẽ tập trung một phần vào việc cung cấp cho chính phủ những quy định tốt hơn để ngăn chặn vốn cổ phần tư nhân và vốn đầu tư mạo hiểm của Hoa Kỳ chảy vào các tổ chức Trung Quốc mà có thể mang lại “lợi thế” cho quân đội của chính quyền Trung Quốc.
Các công ty công nghệ và công ty đầu tư mạo hiểm của Hoa Kỳ từ lâu đã đầu tư vào các tổ chức có liên quan đến cánh quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), với rất ít sự can thiệp từ phía chính phủ liên bang.
Để đạt được mục tiêu đó, Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về ĐCSTQ thuộc lưỡng đảng đang mở các cuộc điều tra đối với một số công ty đầu tư mạo hiểm của Hoa Kỳ mà họ tuyên bố là đang tài trợ cho việc phát triển AI của Trung Quốc và thúc đẩy hiện đại hóa quân đội của nước này.
Theo Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns, chính quyền này cũng đang đánh cắp các công nghệ, kể cả AI và các hệ thống mật mã lượng tử, mà sẽ có giá trị quân sự quyết định trong những năm tới.
“[Công nghệ] về nhiều mặt là trọng tâm của cuộc cạnh tranh,” ông Burns cho biết tại một cuộc họp hồi tháng Sáu của Liên minh Lãnh đạo Toàn cầu.
“Tất cả những công nghệ đó sẽ được quân sự hóa.”
Ông Burns nói thêm rằng ĐCSTQ, vốn cai trị Trung Quốc với tư cách là một quốc gia độc đảng, thực hiện “hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ liên tục và dai dẳng” để đẩy nhanh quá trình “chuyển giao công nghệ bắt buộc” từ phía Hoa Kỳ.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times