BlackRock đóng quỹ cổ phần đầu tư vào Trung Quốc sau khi bị Quốc hội Hoa Kỳ điều tra
Công ty quản lý tiền lớn nhất thế giới BlackRock đang đóng cửa một quỹ ngoại quốc tập trung vào Trung Quốc trong bối cảnh Quốc hội giám sát vai trò bị cáo buộc của quỹ này trong việc chuyển tiền đến các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách đen.
Trong một bức thư gần đây gửi các cổ đông, chủ tịch Denise Voss của BlackRock Global Funds cho biết họ sẽ đóng cửa Quỹ Đầu tư Cổ phần Linh hoạt Trung Quốc (China Flexible Equity Fund) vì “thiếu sự quan tâm của cổ đông” và chi phí đầu tư để duy trì hoạt động của quỹ, điều mà bà lưu ý là “không đem lại lợi ích tốt nhất cho cổ đông.”
BlackRock dự định thanh lý tất cả tài sản của quỹ và mua lại mọi cổ phiếu đang lưu hành trước ngày 07/11. Các cổ đông hiện có các tùy chọn chuyển khoản đầu tư của họ sang một quỹ khác, bán lại cổ phiếu của họ trước ngày thanh lý hoặc nhận thanh toán tự động cho cổ phiếu khi quỹ đóng cửa.
Ra mắt hồi tháng 10/2017, Quỹ Đầu tư Cổ phần Linh hoạt Trung Quốc có giá trị tài sản khoảng 21.4 triệu USD tính đến cuối tháng Tám sau 6 năm hoạt động. Quỹ này đã ghi nhận mức lợi nhuận âm 16.7% hồi năm 2021, một con số tăng gần gấp đôi hồi năm 2022, lên mức âm 30.5%.
Việc đóng quỹ diễn ra chỉ một tháng sau khi Ủy ban Đặc biệt Hạ viện về ĐCSTQ khởi xướng một cuộc điều tra đối với BlackRock và nhà cung cấp chỉ số đầu tư MSCI về các khoản đầu tư bị cáo buộc vào các công ty Trung Quốc mà chính phủ Hoa Kỳ cho là có vấn đề.
Các nhà lập pháp cho biết, hai công ty đã cùng nhau tạo điều kiện đầu tư vào hơn 60 công ty Trung Quốc bị Hoa Kỳ trừng phạt vì các vấn đề an ninh quốc gia hoặc nhân quyền, đồng thời lưu ý rằng đánh giá của họ chưa toàn diện và do đó số lượng công ty Trung Quốc được hưởng lợi thực tế có thể cao hơn. Theo ủy ban Hạ viện này, tại khắp năm quỹ, BlackRock đã đầu tư hơn 429 triệu USD vào các công ty Trung Quốc như vậy trong khi đi ngược lại lợi ích của Hoa Kỳ.
Một số công ty Trung Quốc được đầu tư hàng đầu theo Quỹ Đầu tư Cổ phần Linh hoạt Trung Quốc gồm Tencent, đại công ty công nghệ được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn và là trợ lực cho Bắc Kinh trong việc bịt miệng những người bất đồng chính kiến và truyền bá tuyên truyền thông qua ứng dụng nhắn tin phổ biến WeChat, cũng như nhà điều hành thủy điện thuộc sở hữu nhà nước Công ty Điện lực Trường Giang (China Yangtze Power) và Nari Technology, nhà cung cấp thiết bị điện lớn nhất Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi về cuộc điều tra của Quốc hội, BlackRock đã nói với The Epoch Times rằng họ “tuân thủ tất cả các luật hiện hành của chính phủ Hoa Kỳ” liên quan đến “tất cả các khoản đầu tư vào Trung Quốc và các thị trường trên toàn thế giới,” đồng thời lưu ý rằng họ là một trong 16 nhà quản lý tài sản cung cấp dịch vụ cho các quỹ chỉ số đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty Trung Quốc.
BlackRock đã không phúc đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận về việc đóng cửa quỹ đầu tư vào Trung Quốc.
Nhưng nhìn chung, ngày càng có nhiều dấu hiệu cảnh giác từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ đối với thị trường Trung Quốc. Sự phục hồi kinh tế được mong đợi từ lâu sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến COVID-19 đã không xảy ra. Thay vào đó, Trung Quốc phải đối mặt với nền kinh tế chậm lại, thương mại sụt giảm mạnh, hàng triệu thanh niên Trung Quốc chật vật tìm việc làm, khủng hoảng nhà ở, và căng thẳng gia tăng với Hoa Kỳ.
Hồi tháng Tám, Tổng thống Joe Biden đã ký một sắc lệnh nhằm hạn chế đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc cho các công nghệ tân tiến như trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử, và vi mạch bán dẫn, với lý do rủi ro đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Ông Gary Dugan, giám đốc đầu tư của nền tảng đầu tư mạo hiểm toàn cầu Dalma Capital có trụ sở tại Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), và là một nhà đầu tư vào Trung Quốc với kinh nghiệm dày dặn, chia sẻ với The Epoch Times rằng đối với một nhà đầu tư Hoa Kỳ, “không có vấn đề nào lớn hơn căng thẳng thương mại hiện tại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.”
Môi trường pháp lý của Trung Quốc cũng đặt ra những thách thức ngày càng tăng đối với các nhà đầu tư ngoại quốc. Hồi tháng Bảy Trung Quốc đã chính thức mở rộng luật chống gián điệp, theo đó Bắc Kinh có thể hình sự hóa các hoạt động kinh doanh thông thường. Các nhà chức trách trong năm nay cũng đã ra lệnh đột kích văn phòng của Bain & Co. ở Thượng Hải và văn phòng của công ty thẩm định Mintz Group ở Bắc Kinh. Hồi tháng Năm, họ đã yêu cầu các nhà vận hành “kết cấu thông tin quan trọng” tại địa phương ngừng mua sản phẩm từ nhà sản xuất vi mạch Micron Technology của Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết hôm 29/08 trong chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc, “Tôi ngày càng nghe nhiều doanh nghiệp Mỹ nói rằng Trung Quốc là nơi không thể đầu tư được vì Trung Quốc đã trở nên quá rủi ro.” Bà cho biết bà đã thực hiện 120 đến 150 cuộc gọi với các lãnh đạo doanh nghiệp và lao động để chuẩn bị cho chuyến đi.
Các nhà đầu tư ngoại quốc đã bán tháo cổ phiếu Trung Quốc với tốc độ kỷ lục hồi tháng Tám khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm. Dữ liệu từ chương trình giao dịch Stock Connect của Hồng Kông cho thấy doanh số bán của các nhà giao dịch ngoại quốc trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đạt khoảng 11 tỷ USD trong ba tuần kể từ hôm 07/08.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times