Trung Quốc lưu ý ‘những trục trặc về an ninh’ với iPhone khi các cơ quan cấm nhân viên không được sử dụng
Hôm 13/09, Bắc Kinh dường như đã đưa ra lý do căn bản đằng sau lệnh cấm một phần của nước này đối với iPhone trong khi phủ nhận sẽ cấm hoàn toàn các sản phẩm của Apple.
Tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh hôm thứ Tư, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết: “Chúng tôi nhận thấy đã có nhiều bản tin trên truyền thông đề cập đến những trục trặc về an ninh liên quan đến những chiếc điện thoại của Apple.” Bloomberg đưa tin rằng bản dịch Anh ngữ chính thức của nhận xét này đã bỏ qua việc đề cập đến các bản tin trên truyền thông.
“Trung Quốc chưa ban hành luật hay quy định cấm mua điện thoại của Apple hoặc của các thương hiệu ngoại quốc,” bà Mao cho biết, đồng thời nói thêm rằng tất cả các công ty đang hoạt động tại Trung Quốc cần phải tuân thủ các quy định, và chính quyền “rất coi trọng” vấn đề an ninh.
Tuần trước (04-10/09), các hãng truyền thông, kể cả The Wall Street Journal và Bloomberg, đưa tin rằng Trung Quốc đang bắt đầu cấm sử dụng iPhone trong nội bộ các cơ quan chính quyền và sau đó là ở các công ty quốc doanh, khiến cổ phiếu giảm hơn 5% vào sáng 07/09.
Apple đã không phúc đáp ngay yêu cầu bình luận.
Đổi Apple lấy Huawei
Theo chương trình “Trung Quốc Tiêu điểm” (China in Focus) trên NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times, lệnh ngừng sử dụng iPhone đã được áp dụng ở một số khu vực rồi. Tuy nhiên, Bắc Kinh có vẻ như đang thúc đẩy điều này một cách nghiêm túc, với lệnh cấm áp dụng cho các thiết bị làm việc trong các cơ quan chính quyền và một số công ty quốc doanh trên toàn quốc.
Thay vào đó, nhân viên được yêu cầu sử dụng Huawei, hãng đã gặp khó khăn trong những năm gần đây do các chính sách thương mại của Hoa Kỳ.
Bắc Kinh vừa loan báo một bước đột phá với vi mạch bán dẫn 7-nanomet mới của Huawei, tuyên bố đây là một “sự trở lại thắng lợi.”
Trước sự kiện giới thiệu iPhone 15 của Apple hôm 12/09, Huawei cũng đã ra mắt những chiếc điện thoại thông minh mới.
Một phát ngôn viên của Bộ Thương mại nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử rằng các hạn chế thương mại năm 2019 đã “hạ gục Huawei và buộc hãng này phải tự tái tạo lại chính mình — gây tổn thất đáng kể cho chính quyền CHND Trung Hoa” và đang xem xét vi mạch bán dẫn 7-nanomet vì những lý do an ninh quốc gia.
Tháng trước, Bloomberg đưa tin rằng Bắc Kinh đã cấp 30 tỷ USD cho Huawei để xây dựng “mạng lưới bí mật” gồm các trung tâm sản xuất chất bán dẫn trên khắp Trung Quốc, với các kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD vào năm 2030.
“Trung Quốc đang chi mạnh tiền trợ cấp bằng với phần còn lại của cả thế giới cộng lại,” ông Chris Miller, tác giả cuốn sách có nhan đề “Chip War: The Fight for the World’s Most Critical Technology” (Cuộc Chiến Vi Mạch Bán Dẫn: Cuộc Chiến Vì Công Nghệ Quan Trọng Nhất Thế Giới), nói với Bloomberg. “Vì vậy, con số thực sự rất lớn.”
Để so sánh, Đạo luật CHIPS và Khoa học năm 2022 đã cấp cho các công ty Mỹ 39 tỷ USD để khuyến khích sản xuất.
Điều đáng lo ngại là nếu Huawei mua lại và xây dựng các nhà máy và các cơ sở dưới tên công ty khác, thì họ có thể tìm được cách để lách các quy tắc thương mại của Hoa Kỳ. Điều này sẽ cho phép họ mua công nghệ và thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn của Mỹ mà không bị chú ý.
Thị trường Trung Quốc của Apple
Trung Quốc là một trong những thị trường lớn nhất của Apple, chiếm gần 20% doanh thu của công ty có trụ sở tại Cupertino này. Trong khi một số nhân viên hiện đang giữ hai chiếc điện thoại — một chiếc iPhone để sử dụng cá nhân và một chiếc điện thoại Huawei để làm việc — thì vẫn chưa rõ liệu lệnh cấm này có thể trở thành chính thức hay được mở rộng hay không.
“Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy rằng kết quả này còn đáng nghi ngờ, và đây chỉ là một nước đi trong ván cờ công nghệ chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sau khi chính phủ Tổng thống Biden ký sắc lệnh để áp đặt các lệnh cấm và quy định đối với các khoản đầu tư công nghệ ở Trung Quốc,” ông Ken Mahoney, Giám đốc điều hành của Mahoney Asset Management, nói với The Epoch Times trước đó.
Trung Quốc cũng đóng vai trò là một cơ sở sản xuất quan trọng của Apple. Mặc dù công ty này đã chuyển một phần lớn hoạt động sản xuất ra ngoài Trung Quốc sang các nước như Việt Nam và Ấn Độ, nhưng họ vẫn tiếp tục sử dụng các công ty Trung Quốc như Luxshare Precision và Wingtech thay vì Foxconn có trụ sở tại Đài Loan.
Vấn đề bảo mật
Trong nhiều năm qua, Apple đã lưu giữ dữ liệu cục bộ của khách hàng Trung Quốc trên các máy chủ Trung Quốc do một công ty thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc điều hành, tuân thủ theo mong muốn của Bắc Kinh là không cho phép thông tin đi ra khỏi biên giới nước này.
Các chuyên gia cũng nhận xét rằng thông lệ này giúp chính quyền Trung Quốc hầu như có quyền truy cập mà không bị giới hạn vào dữ liệu của người dùng, trong khi Apple chú thích rằng họ giữ các khóa mã hóa đối với dữ liệu được lưu trữ trong các cơ sở máy chủ đó, và “chưa bao giờ xâm phạm tính bảo mật của người dùng của chúng tôi và dữ liệu của họ.”
Việc lưu trữ cục bộ này có nghĩa là mặc dù Hoa Kỳ có các luật cấm các công ty chia sẻ dữ liệu với chính quyền Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh có thể yêu cầu dữ liệu từ công ty lưu trữ máy chủ thay vì Apple.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times