Doanh số bán iPhone của Apple tại Trung Quốc giảm mạnh trong bối cảnh Bắc Kinh thao túng thị trường trong nước
Những rắc rối ở Trung Quốc của đại công ty công nghệ Apple có thể sẽ vẫn tiếp diễn khi Trung Quốc tiếp tục tách rời khỏi phương Tây.
Khi doanh số bán iPhone của Apple tại Trung Quốc giảm 24% trong sáu tuần đầu năm 2024, giá cổ phiếu của đại công ty công nghệ này đã giảm mạnh. Và hậu quả toàn cầu của việc này là, Apple đã mất đi vị thế lâu năm trong vai trò là công ty có giá trị nhất thế giới.
Các nhà phân tích cho rằng vị thế của Apple tại Trung Quốc — vốn từ lâu đã đóng vai trò to lớn trong lợi nhuận của Apple, chiếm gần 20% doanh thu của hãng trong thập niên qua — đã bị suy yếu do sự can thiệp của Bắc Kinh vào thị trường điện thoại thông minh, cộng với việc nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu.
Apple đã phải chịu áp lực cạnh tranh chưa từng có từ các thương hiệu nội địa Trung Quốc, đặc biệt là Huawei. Sự thoái lui của Apple tại thị trường Trung Quốc dự kiến sẽ ảnh hưởng đến tổng doanh số bán hàng của Apple trong năm nay.
Bị tổn thất vì sự sụt giảm doanh số bán iPhone tại Trung Quốc, cùng với khoản tiền phạt chống độc quyền lên tới 1.8 tỷ USD (khoảng 2 tỷ USD) của EU gần đây, giá cổ phiếu của Apple đã giảm trong bảy ngày giao dịch liên tiếp bắt đầu từ ngày 27/02, xóa sạch hơn 200 tỷ USD vốn hóa thị trường của Apple.
Tính đến ngày 10/03, cổ phiếu của Apple đã giảm tổng cộng 9% trong năm 2024. Goldman Sachs Group đã loại Apple khỏi danh sách những cổ phiếu nên mua hàng đầu trong tháng này do lo ngại về sự sụt giảm kéo dài trong doanh số bán iPhone.
Một báo cáo từ International Data Corporation đã liệt kê Apple là thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu tại Trung Quốc vào năm ngoái với 17.3% thị phần, trong khi thương hiệu Trung Quốc Honor đứng ở vị trí thứ hai với 17.1%. Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất của Counterpoint Research, một công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Hồng Kông, cho thấy thị trường điện thoại thông minh của Trung Quốc nhìn chung đã thu hẹp đáng kể trong sáu tuần đầu năm 2024, với tổng doanh số giảm 7% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo của Counterpoint, trong sáu tuần đó, doanh số bán iPhone tại Trung Quốc đã giảm xuống vị trí thứ tư, giảm 24% so với cùng thời kỳ năm ngoái khi thị phần iPhone trên thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc giảm xuống còn 15.7%. Xếp sau Apple là ba thương hiệu điện thoại thông minh nội địa Trung Quốc, với Huawei vươn lên vị trí thứ hai. Khi thị phần của Apple tại Trung Quốc giảm, thị phần của Huawei đã tăng lên 16.5% từ mức 9.4% đạt được vào một năm trước đó, với doanh số tăng 64%.
‘Mối tình’ của Apple với Trung Quốc dần phai nhạt
Trong quý đầu tiên của năm 2023, doanh số bán iPhone đã đứng đầu thị trường điện thoại thông minh toàn cầu, khi Apple chiếm 50% doanh thu điện thoại thông minh toàn cầu và hơn 80% lợi nhuận của ngành. Hồi tháng 06/2023, vốn hóa thị trường của Apple đã vượt quá 3 ngàn tỷ USD, đưa Apple trở thành công ty có giá trị nhất thế giới.
Hôm 12/06, Apple World Today đưa tin một cách lạc quan rằng trong quý đầu tiên của năm 2023, Apple đã ghi nhận thị phần lớn nhất trên thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc, “doanh số tăng 6% so với cùng thời kỳ năm ngoái trong một thị trường đang suy giảm.”
Tuy nhiên, khi mùa hè dần trôi đi, thì bức tranh màu hồng của Apple cũng tan biến theo.
Hôm 29/08/2023, Huawei, công ty bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt công nghệ của Hoa Kỳ, đã lặng lẽ ra mắt dòng Mate 60 cao cấp của mình. Việc công bố dòng sản phẩm này xảy ra cùng lúc với chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo. Các chiến dịch quảng cáo giả mạo có hình ảnh bà bộ trưởng thương mại Mỹ đã lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc, trong khi cư dân mạng chế nhạo lập trường cứng rắn với Trung Quốc của bà Raimondo và ca ngợi chiếc điện thoại này là một bước đột phá cho sự độc lập về công nghệ của Trung Quốc.
Việc không có một sự kiện ra mắt chính thức chỉ làm tăng thêm tiếng vang xung quanh chiếc điện thoại mới, vốn được quảng cáo là “điện thoại vệ tinh” nhằm thu hút người dùng Apple. Trong vòng sáu tuần đầu tiên sau khi ra mắt hôm 29/08, Huawei đã bán được 1.6 triệu chiếc điện thoại thông minh Mate 60 Pro.
Ngay sau khi Mate 60 ra mắt, Apple đã ra mắt loạt iPhone 15 mới. Bất chấp sự nhiệt tình ban đầu của thị trường, phản ứng của công chúng đối với đợt ra mắt hôm 13/09 lại khá thờ ơ. Theo báo cáo của Counterpoint, thị phần của Apple tại Trung Quốc đã giảm gần 10% so với cùng thời kỳ năm ngoái trong quý 3 năm 2023, trùng với thời điểm điện thoại mới của Huawei được đón nhận nồng nhiệt.
Nhà phân tích cấp cao tại Counterpoint Research Trương Manh Manh (Zhang Mengmeng) cho biết, iPhone phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Huawei ở phân khúc cao cấp nhất trên thị trường trong khi phải chịu áp lực từ việc định giá rất cạnh tranh của các thương hiệu nội địa Trung Quốc như OPPO, Vivo, và Xiaomi ở phân khúc tầm trung, “Mặc dù iPhone 15 là một thiết bị tuyệt vời nhưng nó không có những nâng cấp lớn so với phiên bản trước, vì vậy người tiêu dùng cảm thấy hài lòng với việc tạm thời giữ những chiếc iPhone thế hệ cũ.”
Nhà bình luận thời sự sống tại Hoa Kỳ Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) nói với The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ hôm 07/03 rằng tình trạng suy thoái kinh tế ở Trung Quốc và tỷ lệ thất nghiệp cao cũng ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của Apple. Ông nói: “Với ít tiền trong túi hơn và ít tiền để kiếm hơn, người dân có xu hướng lựa chọn những chiếc điện thoại di động rẻ hơn được sản xuất trong nước.”
‘Phá vỡ sự phong tỏa chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ’
Ngược lại, doanh số bán chiếc điện thoại thông minh hàng đầu của Huawei lại tăng vọt. Việc Huawei trở lại ra mắt công chúng trong chuyến thăm Trung Quốc của bà Raimondo được truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả là “lặng lẽ vượt qua sự phong tỏa chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ.”
Do là đối tác của quân đội Trung Quốc, nên các sản phẩm điện thoại thông minh của Huawei từ lâu đã được tôn vinh là sự lựa chọn yêu nước. Giờ đây, các hãng truyền thông chính thức của Trung Quốc và chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đóng góp thêm vào sự cường điệu về các nâng cấp về hiệu suất kỹ thuật của Huawei và đã nâng tầm sự ca ngợi này lên một bậc nữa.
Tháng 12/2023, một bản tin của Bloomberg trích dẫn nguồn tin ẩn danh lưu ý rằng vào tháng Chín, một hoặc hai tỉnh đã hướng dẫn nhân viên để các thiết bị do ngoại quốc sản xuất ở nhà. Bloomberg cho biết, xu hướng này đã tăng tốc vào cuối năm 2023, khi các doanh nghiệp nhà nước và cơ quan công quyền ở ít nhất tám tỉnh thành hướng dẫn nhân viên sử dụng sản phẩm thương hiệu nội địa. Hồi tháng Mười Hai, các công ty và đại lý nhỏ hơn ở ít nhất tám tỉnh giàu hơn đã ra chỉ thị bằng miệng để yêu cầu gắn bó với các thương hiệu sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, trong khuôn khổ hành động mà bản tin của Bloomberg gọi là “việc đẩy nhanh đáng kể chiến dịch loại bỏ công nghệ Mỹ của Bắc Kinh.”
Ông Đường cho biết, để giúp tăng thị phần cho Huawei, ĐCSTQ cũng thúc đẩy việc bán sản phẩm của công ty này trong các tổ chức chính phủ.
Ông cho biết: “Trước đây, iPhone là một trong những lựa chọn của các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân khi mua hàng… nhưng giờ đây Huawei đã trở thành thương hiệu được chỉ định duy nhất.”
Hơn nữa, ông Đường cho biết, khi Huawei giới thiệu dòng Mate 60, các nhà mạng lớn nhất Trung Quốc — China Mobile, China Telecom, và China Unicom — đã được chỉ thị cho phép Huawei được độc quyền quảng bá. Ba nhà khai thác nội địa này dự kiến sẽ cùng nhau mua số lượng điện thoại Huawei lên đến hàng triệu chiếc, trang tin công nghệ CNMO của Trung Quốc cho biết hồi tháng Chín.
Ông Đường nói: “Dưới ảnh hưởng của sự điều động hành chính mạnh mẽ như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi doanh số bán hàng của Apple tại Trung Quốc giảm sút.”
Việc tách rời có nghĩa là nhiều tai ương hơn nữa cho Apple
Theo quan điểm của ông Đường, yếu tố quan trọng nhất khiến doanh số bán hàng của Apple tại Trung Quốc sụt giảm nhiều như vậy là xu hướng ngày càng tả khuynh của ĐCSTQ, với việc nhà nước này can thiệp ngày càng nhiều hơn, thị trường ít tự do hơn, và việc tiếp tục nỗ lực để độc lập khỏi phương Tây.
“Lý do sâu xa nhất là sự tách rời mạnh mẽ của ĐCSTQ khỏi phương Tây,” ông nói. “Trong những năm qua, ĐCSTQ đã dần thay thế các sản phẩm của Hoa Kỳ bằng phần cứng và phần mềm của Trung Quốc, từ phần mềm của Microsoft đến máy điện toán Dell và vi mạch Intel, và giờ đây họ để điện thoại di động Huawei đánh bại Apple.”
“ĐCSTQ sử dụng nguồn lực nhà nước để thúc đẩy Huawei, mưu toan nhanh chóng hạ bệ các công ty ngoại quốc,” ông nói thêm, đồng thời lưu ý rằng các hạn chế của Hoa Kỳ đối với các sản phẩm Huawei đã phần nào cân bằng tình hình cho Apple. “Nếu Huawei không bị Hoa Kỳ trừng phạt về công nghệ, thì Apple thậm chí còn phải chịu thiệt hại nặng nề hơn.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times