Chuyên gia: Tâm lý thị trường vẫn ảm đạm mặc dù Bắc Kinh đã có những nỗ lực mới nhằm thúc đẩy kinh tế Trung Quốc
Các khoản thanh toán nợ định giá theo USD của công ty địa ốc Bích Quế Viên (Country Garden) hôm thứ Hai (04/09) và những nỗ lực mới của Bắc Kinh nhằm giúp đỡ lĩnh vực địa ốc đang gặp khó khăn của Trung Quốc dường như đã khơi dậy một chút hy vọng mới trên các thị trường tài chính nước này.
Tuy nhiên, theo Capital Economics, một công ty nghiên cứu kinh tế độc lập có trụ sở tại London, những điều chỉnh chính sách gần đây có thể không hiệu quả đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc trong tháng Tám giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong tám tháng. Dữ liệu do Caixin China General Services công bố cho thấy chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) đã giảm xuống 51.8 trong tháng Tám từ mức 54.1 trong tháng Bảy. Sự mở rộng được biểu thị bằng một chỉ số lớn hơn 50, trong khi thu hẹp được biểu thị bằng một chỉ số nhỏ hơn 50.
Caixin cho biết trong một tuyên bố, “Hoạt động kinh doanh chậm lại đồng thời với sự gia tăng yếu hơn về số lượng hoạt động kinh doanh mới nói chung. Các đơn đặt hàng mới tăng khiêm tốn, và với một tốc độ dưới mức trung bình được chứng kiến từ năm 2023 cho đến nay.”
Sau khi chỉ số PMI phi sản xuất chính thức giảm xuống 51.0 vào tuần trước (28/08-03/09) trong tháng Tám từ mức 51.5 trong tháng Bảy, PMI trượt dốc của Caixin cho thấy các dịch vụ suy yếu vẫn đè nặng lên nền kinh tế trong bối cảnh nhu cầu chậm và bất động sản sụt giảm.
Để phục hồi tốc độ tăng trưởng đang chậm lại, Bắc Kinh gần đây đã đưa ra một loạt biện pháp, như hạ lãi suất cơ bản và lãi suất cho vay ngân hàng để thúc đẩy chi tiêu, đồng thời gia hạn giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và gia đình nông thôn. Các cơ quan quản lý cũng nới lỏng các quy định cho vay để trợ giúp người mua nhà, chẳng hạn như nới lỏng các hạn chế mua nhà và giảm lãi suất cho vay thế chấp cũng như các khoản trả trước cho người mua nhà lần đầu ở một số thành phố.
Trong một diễn biến khác, Bích Quế Viên đã thanh toán lãi của hai trái phiếu định giá bằng đồng USD hôm thứ Ba (05/09), ngay trước khi hết hạn thời gian ân hạn 30 ngày, mang lại sự cứu trợ ngắn hạn cho nhà phát triển đang gặp khó khăn cũng như thị trường địa ốc đang gặp khủng hoảng của Trung Quốc.
‘Bình minh giả’
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng những chính sách này, và khoản thanh toán của Bích Quế Viên ít có khả năng tạo ra nhiều khác biệt cho nền kinh tế trong bối cảnh thị trường lao động phục hồi chậm chạp và kỳ vọng về thu nhập của gia đình không chắc chắn.
Capital Economics cho biết trong một báo cáo gửi khách hàng hôm thứ Hai (04/09): “Các biện pháp mới nhằm vực dậy nền kinh tế đang gặp khó khăn của Trung Quốc dường như đã khơi dậy một chút tâm lý lạc quan mới nhưng sự lạc quan ấy có thể là một bình minh giả khác trên thị trường Trung Quốc.”
Theo công ty nghiên cứu này, việc nới lỏng các quy định gần đây và nỗ lực củng cố tài chính cho những người nắm giữ các khoản thế chấp dường như là những biện pháp thay thế tồi cho “một số biện pháp nới lỏng tiền tệ.”
Và trong khi những điều chỉnh chính sách này có thể làm giảm đi tính cần thiết của việc tiến hành những đợt cắt giảm lãi suất lớn, thì “nền kinh tế Trung Quốc dường như đang gặp phải những vấn đề thực sự lớn, [kể cả khi] các nhà đầu tư đang bắt đầu hoài nghi về sự sẵn lòng của các nhà hoạch định chính sách trong việc làm những gì cần thiết để trợ giúp cho tăng trưởng,” ghi chú cho biết.
Khi các nhà hoạch định chính sách cố gắng khắc phục sự sụt giảm trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, thì lo ngại đang gia tăng về việc liệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có đang tiến gần đến một cuộc khủng hoảng hay không.
Những lý do dẫn đến khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc
Có một số lý do khiến nền kinh tế Trung Quốc hiện đang chậm lại, và sự sụp đổ của thị trường bất động sản là đòn giáng mạnh nhất trong số đó.
Nền kinh tế Trung Quốc dựa chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản để tạo việc làm và tăng trưởng. Tuy nhiên, ngành này đang phải đối mặt với sự suy thoái do mức nợ cao, quy định thắt chặt, và nhu cầu yếu.
Các vấn đề của Bích Quế Viên, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, đã làm dấy lên lo ngại về rủi ro hệ thống và tác động lan tỏa tới các ngành công nghiệp khác. Suy thoái đã làm giảm tài sản của gia đình, ảnh hưởng đến chi tiêu, và thu nhập của chính quyền địa phương, đồng thời gây ra hậu quả trong các lĩnh vực khác.
Việc phong tỏa vì COVID-19 cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế. Các biện pháp zero COVID hà khắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng và khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa, khiến hoạt động kinh tế càng thêm trì trệ.
Cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2018, là một yếu tố khác dẫn đến sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc, vì thuế quan do cả hai quốc gia áp đặt đã khiến việc các doanh nghiệp giao dịch với nhau trở nên đắt đỏ hơn, tạo ra sự bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu.
Dân số Trung Quốc ngày càng già đi, gây áp lực lên nền kinh tế. Dân số trong độ tuổi lao động giảm dần đang tạo ra hiệu ứng quả cầu tuyết vì ít người đóng thuế hơn đồng nghĩa với việc ít kinh phí tài trợ cho nền kinh tế hơn.
Gánh nặng nợ lớn của Trung Quốc — dự kiến sẽ chạm 84% mốc GDP của quốc gia này vào năm 2023, theo các mô hình vĩ mô toàn cầu của Trading Economics — cũng là một lực cản đáng kể đối với tăng trưởng kinh tế. Theo các chuyên gia, nếu Bắc Kinh không thể giảm gánh nặng nợ, thì cuối cùng điều đó có thể dẫn đến thảm họa tài chính cho đất nước.
Cần phản hồi chính sách nhanh hơn
Mặc dù ĐCSTQ đã đang đề nghị các chính sách thúc đẩy nền kinh tế, nhưng các chuyên gia cho rằng nỗ lực của họ còn chậm, các biện pháp chưa thỏa đáng và chính quyền cần phải làm nhiều hơn nữa.
Moody’s cho biết trong một báo cáo gửi khách hàng hôm thứ Hai (04/09): “Từ góc độ vĩ mô, việc khai triển chính sách từ trên xuống của chính quyền trung ương, so với sự trợ giúp có chọn lọc và theo vùng miền, là rất có ý nghĩa.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times