Chủ tịch Evergrande bị tình nghi phạm tội là diễn biến mới nhất trong câu chuyện về sụp đổ địa ốc ở Trung Quốc
Giao dịch cổ phiếu Evergrande và hai bộ phận niêm yết ở Hồng Kông của công ty này đã bị đình chỉ đột ngột mà không có lời giải thích nào, trong bối cảnh lo ngại về tương lai của công ty ngày càng tăng.
Hôm 28/09, Tập đoàn Hằng Đại Trung Quốc (China Evergrande Group) đã thông báo rằng chủ tịch đồng thời là người sáng lập của tập đoàn này đang bị tình nghi phạm tội, xác nhận thông tin cho rằng ông Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan, hay còn gọi là Xu Jiayin) đang bị công an giám sát.
Công ty tuyên bố rằng “các cơ quan hữu quan” đã thông báo cho công ty rằng ông Hứa phải chịu “các quy định bắt buộc theo pháp luật do nghi ngờ phạm các tội bất hợp pháp.”
Bloomberg trước đó đã đưa tin rằng công an đã đưa ông Hứa đến một địa điểm được giám sát để quản thúc nhưng chưa có xác nhận nào về việc bắt giữ hay cáo buộc hình sự. Những tường thuật tương tự cũng được đăng trên các hãng truyền thông Trung Quốc với trích dẫn từ các nguồn ẩn danh. Cổ phiếu Evergrande đã giảm mạnh hôm 27/09 khi các bản tin này xuất hiện. Trước đó, truyền thông Trung Quốc rộ lên tin đồn rằng ông Hứa đã ly dị vợ rồi tự tử.
Theo luật riêng của họ, chính quyền Trung Quốc có thể giam giữ bất kỳ ai tại các cơ sở bí mật được chỉ định của chính quyền trong thời hạn tới nửa năm. Các quy định bắt buộc được đề cập trong tuyên bố của công ty có thể có nghĩa là bất cứ hình thức gì từ giam giữ cho đến bắt giữ chính thức.
Giao dịch cổ phiếu Evergrande và hai bộ phận niêm yết tại Hồng Kông của công ty này đã đột ngột bị đình chỉ hôm 28/09 mà không có lời giải thích nào trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về tương lai của công ty. Đây chỉ là diễn biến mới nhất trong một câu chuyện dài đầy hỗn loạn đối với nhà phát triển địa ốc đang gặp khó khăn, từng là công ty lớn thứ hai ở Trung Quốc này.
Trước khi bị đình chỉ, cổ phiếu công ty đã giảm gần 90% kể từ khi tiếp tục giao dịch hồi tháng Tám sau khi bị đình chỉ 17 tháng trước đó.
Điều tra
Evergrande đã báo cáo lỗ hàng tỷ USD vào năm 2021 khi trở thành nhà phát triển địa ốc mắc nợ nhiều nhất thế giới.
Theo một tuyên bố công khai mà công ty đưa ra hồi tháng Bảy, công ty này hiện đang nắm giữ khoản nợ trị giá 328 tỷ USD và đã làm việc với các chủ nợ để cố gắng được chấp thuận tái cấu trúc lại khoản nợ ngoại quốc. Tuy nhiên, các cuộc điều tra tại công ty đã ngăn cản kế hoạch tái cấu trúc của công ty. Hôm 17/08, công ty đã đệ đơn yêu cầu bảo hộ phá sản ở New York, để bảo vệ khỏi việc tái cơ cấu trúc của các chủ nợ.
Ông Hứa từng là người giàu nhất Trung Quốc nhưng giá trị tài sản ròng của ông đã giảm ít nhất 90%.
Hồi tháng Bảy, giám đốc điều hành và giám đốc tài chính của Evergrande đã từ chức sau khi một cuộc điều tra phát hiện ra rằng 2 tỷ USD tiền của công ty này đã được chuyển đổi một cách không phù hợp để làm tài sản bảo đảm cho một số khoản vay.
Hồi tháng Tám, công ty thông báo đang bị Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) điều tra.
Theo một tuyên bố mà công ty đưa ra, đầu tháng này (09/2023), công an Trung Quốc đã bắt giữ các nhân viên tài chính của Evergrande và bắt đầu điều tra hình sự. Một tuyên bố từ phía chính quyền giải thích rằng các nhân viên bị giam giữ vì “gây quỹ bất hợp pháp.”
“Theo thông tin công khai hiện tại, Evergrande Wealth và các bên liên quan đã thu tiền bất hợp pháp để hình thành quỹ nội bộ, vi phạm hợp đồng, làm sai khác định hướng và thời hạn đầu tư sản phẩm, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư,” chính quyền tuyên bố, và cho biết thêm rằng việc giam giữ sẽ có “ý nghĩa tích cực trong việc điều tiết và ổn định thị trường tài chính.”
Theo một số chuyên gia, cuộc điều tra Evergrande có thể gắn liền với việc lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thanh trừng các đối thủ chính trị của ông.
Ông Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan), một nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc và là cộng tác viên của The Epoch Times, cho biết hôm 07/09 rằng sự tăng trưởng theo cấp số nhân của Evergrande trong hai thập niên qua không thể đạt được nếu không có một “người mạnh mẽ hậu thuẫn đằng sau” để cung cấp các lợi ích, tài chính, “rất nhiều tiện lợi”, và an toàn chính trị. Ông nói, nếu không có sự trợ giúp như vậy, các doanh nghiệp tư nhân sẽ bị “bóp nghẹt” dưới hệ thống kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Một số chuyên gia cho rằng, người hậu thuẫn này là cựu Phó Chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong), một quan chức có ảnh hưởng lớn, với gia tộc có các thành viên là nhà cách mạng kỳ cựu và cán bộ cao cấp của ĐCSTQ. Ông thuộc phe của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân (Jiang Zemin), quyền lực và ảnh hưởng của ông đã mang lại cho gia đình ông khối tài sản kếch xù cùng vô số tài sản trong lĩnh vực địa ốc, ngân hàng, công nghệ, và tuyên truyền. Khi ông Tập Cận Bình trở thành người đứng đầu ĐCSTQ vào năm 2012, ông Tăng thuộc phe đã chỉ trích các chính sách của nhà lãnh đạo mới này, khiến ông trở thành mục tiêu của chiến dịch “chống tham nhũng.” Các chuyên gia trước đây đã nói với The Epoch Times rằng việc ông Tập nhắm vào ngành địa ốc là một phần trong nỗ lực nhằm hạ bệ ông Tăng.
Cuộc đàn áp thị trường địa ốc của ông Tập bắt đầu từ năm 2016, khi các tiêu chuẩn cho vay bị thắt chặt khiến hàng trăm công ty rơi vào tình trạng phá sản. Mặc dù vậy, ông Hứa của Evergrande vẫn tiếp tục vay nặng lãi, khiến gánh nặng nợ nần ngày càng gia tăng. Năm 2020, nhiều quy định hơn được đưa ra và Evergrande đã không thể vay được nữa — công ty đã mắc kẹt với gánh nặng nợ nần của mình.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times