Nuôi dưỡng trẻ em trở thành những người có suy nghĩ độc lập và dám theo đuổi lẽ phải
Các lớp kiến thức truyền thông bắt buộc trong những năm đầu đi học cho chúng ta biết điều gì?
Ngày xửa ngày xưa, câu nói ám ảnh của nhân vật hoạt hình Chicken Little (Chú gà nhỏ), “Bầu trời đang sụp đổ!” là lời báo hiệu của tiếng hô hào xung trận. Ngày nay, tín hiệu kích động kinh điển này đang trong quá trình bị lãng quên, được thay thế bằng lời kêu gào mới “Tin giả!”
Nỗi sợ hãi về tin giả phổ biến đến mức một số tiểu bang đang tìm cách bắt buộc thực hiện phần hướng dẫn kiến thức về truyền thông trong lớp học. New Jersey là một trong những tiểu bang đó, chuyên trang về giáo dục The Hechinger Report giải thích, khi lưu ý rằng việc giảng dạy các kiến thức về truyền thông sẽ mở rộng áp dụng cho học sinh từ lớp mẫu giáo, bởi vì, “Các chuyên gia nói rằng nhiều người Mỹ, cả người già lẫn người trẻ, đều thiếu các kỹ năng cần thiết để phân tích thấu đáo thông tin trong một thế giới kỹ thuật số.”
Nhìn bề ngoài, những lớp giảng dạy như vậy có vẻ như là một dự án xứng đáng và cần thiết. Tại sao không bắt đầu với học sinh từ sớm và dạy các em cách “tiếp cận, phân tích, đánh giá, tạo lập, và truyền đạt thông tin” một cách chính xác? Nhưng nhìn sâu hơn, chúng ta thấy rằng nên thận trọng khi nảy sinh ý tưởng dạy kiến thức về truyền thông như vậy, vì những lớp học này có thể càng bóp nghẹt khả năng phân biệt thật giả của một đứa trẻ.
Việc các trường học muốn dạy kiến thức về truyền thông cho học sinh trong những năm đầu đi học sẽ là căn cứ đầu tiên cho thấy rằng những lớp học như vậy không phải tốt đẹp như người ta nói. Việc tạo cho học sinh một khởi đầu thuận lợi với mọi môn học, từ môn thể thao đến môn đại số đã trở thành điều bình thường thời nay. Nhưng thật không may, những sách lược khởi đầu như vậy lại tạo ra một kết quả hoàn toàn trái ngược với mục tiêu mà các trường học đang hướng tới, đó là cung cấp kiến thức và óc phán đoán sáng suốt cho học sinh.
Vấn đề này được cây bút Carl Honoré nêu ra trong một cuốn sách có nhan đề “In Praise of Slowness: Challenging the Cult of Speed” (Không Việc Gì Phải Vội). Tác giả Honoré trích dẫn công trình của bà Kathy Hirsh-Pasek, một giáo sư tâm lý học trẻ em tại Đại học Temple ở tiểu bang Philadelphia, người đã nghiên cứu hai nhóm học sinh mẫu giáo: một nhóm ở trường mẫu giáo được thoải mái, vui chơi, và nhóm còn lại phải học hành ở trường. Các phát hiện của bà cho thấy “những đứa trẻ đến từ môi trường thoải mái hơn, ít vội vã hơn hóa ra lại ít lo lắng hơn, ham học hỏi hơn, và có khả năng suy nghĩ độc lập tốt hơn.”
Với quan sát này, đương nhiên chúng ta cần đặt nghi vấn liệu nền giáo dục thúc đẩy trẻ em phải học sớm — chẳng hạn như các khóa học về kiến thức truyền thông ở trường mẫu giáo — có thể biến các em thành những người không có chủ kiến, hơn là những người cẩn trọng cân nhắc tình hình và rồi tự đưa ra quyết định dựa trên các bằng chứng hay không. Nếu vậy, thảo nào người ta thúc đẩy việc truyền đạt kiến thức về truyền thông ở độ tuổi nhỏ như vậy, vì hệ thống giáo dục này đã nhiều lần chứng tỏ rằng ở đây không có chỗ cho những học sinh biết suy nghĩ độc lập. Ông John Taylor Gatto, người từng đạt danh hiệu giáo viên của năm tại tiểu bang New York có lần đã chia sẻ, mục tiêu của trường học là dạy sự phục tùng hơn là tư tưởng độc lập, điều này giúp cho những người có thẩm quyền “khai thác và thao túng một lực lượng nhân sự lớn.”
Tất nhiên, các trường học cố gắng nói với chúng ta theo cách khác, quảng bá sự cần thiết của “tư duy phản biện” và tán dương cam kết của họ trong việc giảng dạy môn học này ở lớp học. Trong cuốn sách có nhan đề “Building a Bridge to the 18th Century: How the Past Can Become Our Future” (Bắc Cầu Đến Thế Kỷ 18: Làm Sao Để Quá Khứ Có Thể Cải Thiện Tương Lai Của Chúng Ta), tác giả Neil Postman cho chúng ta biết rằng, thực tế là các trường học không bao muốn dạy nhiều về tư duy phản biện. Ông trích dẫn một số lý do như sau:
“Đầu tiên, điều này rất nguy hiểm. Thật vậy, nếu chúng ta cho phép, khuyến khích trẻ em của chúng ta phát triển tư duy phản biện, thì gần như tất yếu dẫn đến kết quả là các em sẽ đặt câu hỏi về các cơ quan có thẩm quyền. Thậm chí chúng ta có thể nói rằng “tư duy phản biện” làm suy yếu ý tưởng xem giáo dục là một nguồn lực quốc gia, vì một nhóm người dân có tư tưởng tự do có thể bác bỏ các mục tiêu của quốc gia và làm xáo trộn hoạt động suôn sẻ của các thể chế ở quốc gia đó.”
Hoàn toàn đúng là trẻ em của chúng ta cần biết cách giải quyết lượng thông tin đồ sộ mà xã hội buộc chúng ta phải tiếp nhận. Nhưng thay vì ép buộc dạy các khóa học kiến thức về truyền thông, vốn chỉ nói suông về tư duy phản biện, thì tại sao không dạy trẻ em trở thành những nhà tư tưởng độc lập luôn đặt mục tiêu chính là theo đuổi lẽ phải?
Những công cụ để theo đuổi lẽ phải
Dạy một đứa trẻ theo đuổi lẽ phải nghe có vẻ gần như bất khả thi, đặc biệt là khi ngày nay dường như ai cũng có lẽ phải của riêng mình, nhưng có một vài bước đơn giản mà chúng ta có thể dụng tâm làm theo để giữ được óc sáng suốt. Tác giả Hannah Anderson giải thích những điều này trong cuốn sách của cô có nhan đề “All That’s Good: Recovering the Lost Art of Discernment” (Tất Cả Đều Tốt: Khôi Phục Nghệ Thuật Phân Định Đúng Sai Đã Mất.)
Đầu tiên là dạy trẻ em rằng “sự thật phải bắt nguồn từ dữ kiện thực tế.” Những người khác sẽ xem xét kỹ lưỡng các ý kiến của chúng ta, tác giả Anderson viết, và chúng ta phải bảo đảm rằng ý kiến đó dựa trên những dữ kiện mà người khác có thể tiếp cận, để chính họ có thể xem xét các bằng chứng và hiểu cách chúng ta đưa ra những kết luận của mình.
Thứ hai là chúng ta phải huấn luyện trẻ em cân nhắc kỹ lưỡng nhiều cuộc tranh luận xoay quanh chúng ta. Chỉ vì một sự thật được viện dẫn đến từ một người mà chúng ta tin tưởng không có nghĩa là điều đó đúng. Mỗi lập luận phải được kiểm chứng dựa trên những yếu tố xác đáng của lập luận đó.
Cuối cùng, chúng ta phải huấn luyện trẻ em đánh giá vai trò của cảm xúc của các em trong việc theo đuổi chân lý. Việc không thể nhận ra và kiểm soát những cảm xúc sẽ khiến tất cả chúng ta lạc lối, đặc biệt là khi lựa chọn các nhà lãnh đạo của mình, tác giả Anderson viết:
“Nếu chúng ta không cho phép lẽ phải luôn ở trong nội tâm của mình, thì chúng ta có nguy cơ để những cảm giác của chúng ta về một người khác lấn át những hành động thực tế của họ. Hoặc chúng ta sẽ bôi nhọ họ hoặc bị họ lừa. Sự ác cảm có thể ngăn chúng ta đón nhận và tận hưởng những điều tốt đẹp mà những người khác mang lại, trong khi lòng trung thành mù quáng có thể khiến chúng ta không nhận ra sự giả dối và dễ bị thao túng.”
Đúng vậy, các trẻ em của chúng ta đang — và sẽ tiếp tục — bị nhồi nhét bởi tất cả các loại thông tin và ý tưởng. Câu trả lời không phải là dập tắt những cảm nhận đúng sai của các em, như các lớp học về kiến thức truyền thông có lẽ sẽ thực hiện, mà là dạy các em trở thành những người có suy nghĩ độc lập và luôn tìm kiếm lẽ phải.
Quỳnh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times