Trao truyền nền tự do cho thế hệ trẻ ngay từ trong gia đình
“Hãy giao cho tôi một đứa bé [để tôi nuôi dạy] cho đến khi nó 7 tuổi và tôi sẽ trả lại cho bạn một người đàn ông,” được cho là câu nói của Thánh Ignatius Loyola. Còn câu nói “Hãy cho tôi bốn năm để dạy dỗ trẻ em, và hạt giống tôi gieo sẽ không bao giờ bị bật gốc” được cho là của Vladimir Lenin.
Cho dù thế giới quan của họ hoàn toàn trái ngược nhau, thì cả tu sĩ Dòng Tên và người theo Chủ nghĩa Mác đều công nhận tầm quan trọng của giáo dục và tâm trí dễ bị ảnh hưởng của trẻ nhỏ. Như tiểu thuyết gia Jane Austen có lẽ từng nói, “đây là một sự thật được thừa nhận rộng rãi.”
Suốt nhiều năm, một cuộc tranh luận về “sự truyền bá” trong các trường học đã nổ ra, mà chủ yếu là về việc giảng dạy các nguyên lý xã hội chủ nghĩa, và gần đây hơn là Thuyết Chủng tộc Trọng yếu và giới tính. Các trường đại học là nơi bùng nổ các cuộc chiến văn hóa này. Trong vài năm qua, những trận chiến tương tự cũng nổ ra ở các trường tiểu học và trung học của chúng ta. Hàng triệu bậc cha mẹ dần nhận thức được những hệ tư tưởng này khi đại dịch và việc học từ xa đã cho họ một chỗ ngồi ở hàng ghế đầu trong lớp học của con họ. Một số bậc cha mẹ đã ứng phó bằng cách đưa con mình ra khỏi các trường công lập và ghi danh cho con học ở nơi khác, một số đang chống trả, và một số khác hoặc là phớt lờ hoặc là đầu hàng trước thực trạng này.
Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào, tất cả các bậc cha mẹ và ông bà đều có quyền trang bị cho con cháu mình hệ miễn dịch để chống lại chủ nghĩa tập thể và giáo điều hậu hiện đại. Hãy ghi nhớ những câu nói của Thánh Ignatius và Lenin, chúng ta có thể dạy con trẻ ngay từ những năm đầu đời về tình yêu tự do và quyền của người Mỹ.
Và các nguồn lực để thực hiện công việc đáng giá này đều nằm trong khả năng của chúng ta.
Trẻ em mới chập chững biết đi và trẻ nhỏ
Bạn đã từng đọc câu chuyện “The Little Red Hen” (Cô Gà Mái Đỏ Bé Nhỏ) cho con mình nghe chưa? Câu chuyện này cho thấy những bài học không còn mới nữa, rằng “gieo nhân nào, gặt quả nấy” và chỉ có làm việc chăm chỉ mới mang lại thành quả. Thế còn câu chuyện “The Little Engine That Could” (Chiếc Xe Lửa Nhỏ Có Thể Làm Được) thì sao? Chiếc đầu máy màu xanh đó chở quà tặng đến cho trẻ em ở bên kia ngọn núi, [trong suốt hành trình của mình] nó luôn dạy về lòng quyết tâm bằng cách hô vang, “Mình nghĩ mình làm được, mình nghĩ mình làm được.” Những câu chuyện cổ điển này và nhiều câu chuyện khác, tuy đơn giản nhưng sâu sắc, là cách hoàn hảo để dạy cho trẻ em ở độ tuổi mầm non về những đức tính gắn liền với tự do.
Bạn muốn nuôi dưỡng sự ngây thơ và tính thiện cho con mình? Hãy dạy con một chút thơ ca. Chỉ trong vài phút, một đứa bé 3 tuổi có thể thuộc lòng câu: “Thế giới này có muôn vàn điều kỳ diệu/ Hẳn là chúng ta nên hạnh phúc như bậc đế vương” của nhà văn Robert Louis Stevenson. Lời thơ này dạy trẻ em lòng biết ơn đối với tất cả vẻ đẹp và kỳ quan mà các em quan sát thấy. Từ bài hát “Twinkle Twinkle Little Star” (Những Ngôi Sao Nhỏ Lấp Lánh) đến bài thơ “Purple Cow” (Chú Bò Màu Tím), trẻ em đều có thể tìm thấy niềm vui và tiếng cười trong thơ phú, cả những bài hát và những áng thơ đều có thuộc tính của sự tự do. Bạn có thể tìm kiếm trực tuyến [với từ khóa] “những bài thơ dành cho trẻ em mới biết đi,” và một khu vườn tuyệt đẹp của những áng thơ như vậy sẽ là của bạn.
Và đừng quên những câu chuyện cổ tích.
Nhiều câu chuyện trong số này có các anh hùng đều là trẻ em chưa đến tuổi thanh thiếu niên, gặp phải khó khăn và nguy hiểm buộc họ phải dũng cảm và tự lực cánh sinh. Những câu chuyện như “Jack and the Beanstalk” (Cậu Bé Jack và Cây Đậu Thần), “The Three Little Pigs” (Ba Chú Heo Con), và “Cinderella” (Cô Bé Lọ Lem), dạy trẻ em rằng những khó nạn và cái ác đều có thể vượt qua được. Những bài học đó một lần nữa là nhân tố chính để tâm hồn trẻ nhỏ hướng tới sự tự do và điều thiện.
Trường học: Sáu năm đầu đời
Bé Mary và Johnny đã học cách đi xe đạp và buộc dây giày, nhưng quan trọng nhất là, bọn trẻ đã học đọc.
Hầu hết trẻ em vẫn thích đọc thành tiếng với Cha hoặc Bà, nhưng các em cũng sẵn sàng tự đắm mình vào các câu chuyện, tiểu sử, và lịch sử. Các thư viện và hiệu sách sẽ cung cấp cho các em vô số lựa chọn [về chủ đề] thúc đẩy tự do và những đức hạnh như tính kiên trì, từ các tác phẩm như “Little House on the Prairie” (Ngôi Nhà Nhỏ Trên Thảo Nguyên) cho đến loạt sách “Childhood of Famous Americans.” (Thời Thơ Ấu của Những Người Mỹ Nổi Tiếng). Các gợi ý trực tuyến cũng rất nhiều, chẳng hạn như danh sách Các Cuốn Sách Hay ở Trường tiểu học Liberty Common, một trường học bán công ở thành phố Fort Collins, tiểu bang Colorado.
Nhiều gia đình cũng có sẵn các nguồn tài liệu mới giúp khuyến khích lý tưởng tự do, tự do trong kinh doanh, và tư duy phản biện đích thực. Trang Heroes of Liberty cung cấp tiểu sử, hầu hết các tác phẩm đều dựa trên các nhân vật của thế kỷ 20, dành cho độc giả từ 7 đến 12 tuổi. Nếu bạn vào trang web này thì nhớ xem lời khuyên của blog dành cho các bậc cha mẹ. Các ấn phẩm của Brave Books hướng đến trẻ em ở cấp tiểu học nhiều hơn, có thể lên đến lớp bốn, và có những cuốn sách đầy màu sắc như liều thuốc giải độc cho sự rối ren trong nền văn hóa của chúng ta. Mỗi cuốn sách đi kèm với một trò chơi và những lời gợi ý cho các cuộc trò chuyện gia đình.
Viện Cornerstones Hoa Kỳ cung cấp loạt bài “Little Patriots” (Những nhà ái quốc nhỏ tuổi), và một nền tảng học tập trực tuyến miễn phí để dạy cho học sinh cấp tiểu học các bài học giáo dục công dân, lịch sử, và các giá trị của nước Mỹ, kèm sách bài tập và các hoạt động miễn phí.
Hướng dẫn mà không can thiệp
Ai trong chúng ta cũng đều hiểu giá trị của việc học thực hành ở trường, từ những chuyến đi dã ngoại của lớp năm cho đến việc nghiên cứu khoa học môi trường của sinh viên đại học trên bờ biển.
Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn nuôi dạy những đứa trẻ biết trân trọng tự do, chúng ta cũng phải cho phép các em tận hưởng niềm vui vui chơi và học tập mà không có sự giám sát. Xây dựng lâu đài với các hình khối và các hiệp sĩ Playmobil, dựng lều ở sân sau, chơi trò lính tráng trong rừng, giải ghép các câu đố — những trò chơi này và vô số các hoạt động khác của trí tưởng tượng giúp xây dựng tính độc lập và sáng tạo ở trẻ em.
Ngoài ra, hầu hết trẻ nhỏ đều có thiên tính thích sự tự do mà việc vận động và khám phá mang lại. Chúng chạy ở nơi mà người lớn sẽ đi bộ; [hoặc] vừa chạy nhảy quanh phòng vừa kể một câu chuyện; trẻ em là nguồn năng lượng đang chuyển động. Hãy cho các con thời gian và không gian để sử dụng nguồn năng lượng đó, tránh xa tất cả, ngoại trừ sự giám sát bảo vệ, và tâm trí không bị gò bó cùng cơ thể hoạt bát của các em sẽ dạy cho các em ý nghĩa của sự tự do.
‘Gia đình là những tế bào đề kháng’
Đó là tên một chương trong cuốn sách “Live Not By Lies,” (Đừng Sống Bằng Dối Trá) của nhà văn Rod Dreher. Trong tác phẩm này, ông Dreher giới thiệu với độc giả về gia đình Benda ở Prague, những người đã sống nhiều năm dưới sự kiểm soát của chế độ toàn trị ở Tiệp Khắc cộng sản.
Bị tẩy não hàng ngày ở các trường công lập và chủ yếu là khắp mọi nơi công cộng, những đứa trẻ trong gia đình nhà Benda thường quây quần vào các buổi tối trong căn hộ của mình, nơi cha mẹ các em sẽ dạy các em về đức tin Công Giáo, chiếu các bộ phim như “High Noon” (Giữa Trưa), kể về vị cảnh sát trưởng một mình chống lại những kẻ xấu. Họ đọc sách cho các con mình nghe trong hai hoặc ba giờ mỗi lần, gồm cả việc đọc chậm rãi tác phẩm “The Lord of the Rings” (Chúa Tể của Những Chiếc Nhẫn) sáu lần, với mỗi lần đọc đều thú vị và hữu ích như lần đầu.
Trong lớp học bí mật này, cha mẹ nhà Benda đã dạy cho con cái họ miễn nhiễm về mặt tinh thần và tâm hồn với chủ nghĩa cộng sản, và góp phần vào việc “tái thiết đạo đức quốc gia” khi chủ nghĩa toàn trị bị đánh bại, điều mà tất cả họ đều đoán trước được. Như một trong những người con trai của gia đình Bendas từng nói với tác giả Dreher rằng, “Điều quan trọng là cho trẻ em tiếp xúc với những câu chuyện mà sẽ giúp các em nhận ra sự khác biệt giữa sự thật và dối trá, đồng thời dạy cho con trẻ cách phân biệt điều này trong cuộc sống thực.”
Nếu gia đình Benda có thể hoàn thành những chiến công như vậy [ngay cả] khi họ có nguy cơ bị bắt và bỏ tù, thì chắc chắn những người còn lại trong chúng ta hiện đang sống ở Mỹ quốc đây — cũng có thể làm điều tương tự.
Sứ mệnh
Một số độc giả đọc bài viết này có thể phản đối rằng, “Nhưng kiểu giáo dục về tự do này là sự truyền bá tư tưởng, cũng giống như các trường học dạy về tư tưởng thức tỉnh đấy thôi.”
Tôi đồng ý.
Phần lớn trẻ em đều là những tấm bảng trắng, những gì được khắc vào tâm trí và tâm hồn các em thông qua giáo dục và trải nghiệm, sẽ quyết định các em là ai và trở thành người như thế nào. Nếu chúng ta muốn nuôi dạy các con biết trân trọng các quyền sống, quyền tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc, mà từ lâu vốn đã rất quan trọng với nhiều người Mỹ, thì chúng ta phải dạy các con hiểu biết, yêu thương, và phụng sự cho những lý tưởng đó.
Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản ở Hoa Thịnh Đốn có một số video ngắn, trong đó những nạn nhân sống sót của các chế độ toàn trị từ khắp nơi trên thế giới đã làm chứng cho sự đàn áp, tàn bạo, và thảm sát mà các chính phủ toàn trị gây ra. Nhân đây, một trong số những bộ phim tài liệu đó phù hợp với thế hệ trẻ từ cấp trung học phổ thông trở lên. Ông Nal Oum kể về hành trình trốn thoát trong gang tấc từ những cánh đồng chết chóc ở Campuchia. Ông bắt đầu câu chuyện của mình bằng những lời này: “Họ càng dẫm lên tôi, họ càng đàn áp tôi, thì tôi càng phải chuẩn bị tinh thần giống như chiếc lò xo. Tôi có một sứ mệnh phải hoàn thành.”
Giống như ông Oum, chúng ta cũng có một sứ mệnh. Đó là tôn vinh sự thật và tự do, đồng thời dạy cho con cháu chúng ta những bài học quý giá này.
Minh Châu biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times