Kể chuyện con nghe: Lịch sử mang dấu ấn cá nhân
“Cha ơi, cha kể lại con nghe câu chuyện hồi xưa cha và các bạn bị đàn heo đuổi chạy khắp cánh đồng đi.”
“Bà ơi, con chán quá. Hồi 14 tuổi, mùa hè bà thường chơi gì cho vui ạ?”
Hầu hết trẻ con — và cả người lớn cũng vậy — đều thích thú lắng nghe những câu chuyện mà người thân kể về thời trẻ của họ. Những câu chuyện hài hước hoặc hoài niệm này thường trở thành một phần của truyền thống gia đình. Chắc chắn, ngay cả tổ tiên xa xưa của chúng ta cũng kể về quá khứ của họ cho con cháu theo cách tương tự, bên bếp lửa hoặc trong bữa ăn với cháo và bánh mì lúa mạch, mang lại những giây phút vui vẻ trong khi truyền lại một số câu chuyện lịch sử và phong tục địa phương.
Đây là kho tàng kiến thức và kinh nghiệm mà tôi tận dụng khi trước đây giảng dạy lịch sử Hoa Kỳ trong các buổi chuyên đề của học sinh học tại gia. Hầu như hằng năm, tôi đều yêu cầu các em trò chuyện với một người lớn tuổi hơn bố mẹ mình như là: ông bà, cô dì chú bác, hoặc một người bạn thân của gia đình. Các em cần tìm hiểu chi tiết về thời thơ ấu, việc học hành, nghề nghiệp, và sở thích của người đó, và, nếu có thể, liên kết những kí ức đó với những sự kiện trong quá khứ. Chẳng hạn, một người bà từng là một đứa trẻ trong Đệ nhị Thế chiến có thể cung cấp những góc nhìn sâu sắc về cuộc sống ở hậu phương.
Những cuộc trò chuyện này đã thắt chặt tình cảm giữa giới trẻ và thế hệ đi trước, đồng thời giúp lịch sử trở nên sống động hơn. Ngoài ra, những cuộc trò chuyện này thường đưa học sinh đi sâu hơn vào quá khứ so với những gì các em hình dung ban đầu. Một học sinh năm thứ hai trung học khi nghe bà ngoại 70 tuổi của mình hồi tưởng về bà cố, đột nhiên có thể thấy mình du hành ngược thời gian trở về cuối thế kỷ 19.
Việc này vừa mang lại nhiều niềm vui vừa đầy tính giáo dục, vì vậy nếu bất kỳ độc giả trẻ nào của tôi quyết định trở thành một nhà báo nghiệp dư, muốn tiến hành các cuộc trò chuyện như thế này, đây là một số gợi ý để bạn bắt đầu. Những bí quyết này được rút ra từ hàng chục cuộc phỏng vấn tôi đã thực hiện trong vòng bảy năm qua.
Hãy nghiên cứu trước
Trước hết, bạn hãy ôn lại lịch sử Hoa Kỳ vào thế kỷ 20. Nếu bác Mary đã 75 tuổi, thì bạn nên có kiến thức về các sự kiện như Đệ nhị Thế chiến, Chiến tranh Lạnh, phong trào dân quyền, và chương trình không gian Apollo để chuẩn bị cho cuộc trò chuyện.
Chuẩn bị câu hỏi
Bạn hãy viết ra một danh sách các câu hỏi trước để cuộc trò chuyện đi đúng hướng và bao quát tất cả các khía cạnh. Hỏi những câu hỏi cá nhân như — “Cuộc sống ở Wyoming vào thời điểm đó như thế nào?” “Tại sao bác quyết định không học đại học?” — và cả những câu hỏi về bối cảnh xã hội và văn hóa rộng hơn, chẳng hạn “Bác nghĩ gì về tổng thống Jimmy Carter?” và “Bác có nhớ bác đang làm gì khi phi cơ đâm vào Tòa Tháp Đôi không?” Nếu bạn cần thêm câu hỏi, hoặc bạn lo lắng sẽ quên một điều gì đó quan trọng, hãy tìm kiếm trực tuyến với từ khóa “học sinh phỏng vấn người thân về lịch sử,” và bạn sẽ tìm thấy nhiều trợ giúp tuyệt vời.
Hãy linh hoạt
Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá bận tâm vào danh sách câu hỏi. Đôi khi, những thông tin giá trị nhất lại xuất hiện khi người ta chia sẻ ngoài lề. Khi được hỏi về những năm 1960, cô Mary có thể đột nhiên trở nên hào hứng nói về một người tên Twiggy và mốt váy ngắn. Có thể bạn chưa bao giờ nghe nói đến cái tên Twiggy, nhưng bà là một trong những siêu mẫu quốc tế đầu tiên và đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một cuộc cách mạng trong thế giới thời trang.
Ghi chép
Bạn hãy ghi âm cuộc trò chuyện nếu muốn. Còn nếu bạn chọn ghi chú trên máy điện toán xách tay hoặc viết tay, hãy nhớ rằng chỉ cần ghi lại một vài chi tiết thường đã đủ giúp bạn nhớ lại toàn bộ mô tả hoặc cảnh tượng trong trí nhớ. Nếu bạn đang ghi lại một câu trích dẫn, đó là lúc cần lưu ý đến độ chính xác.
Tiến xa hơn nữa
Nếu bạn đang hướng đến một dự án lớn hơn, chẳng hạn như một bài nghiên cứu lịch sử ở trường, hãy mở rộng phạm vi cuộc trò chuyện của bạn. Một số học viên của tôi đã từng làm việc với một nhóm ở Asheville, tiểu bang North Carolina, để phỏng vấn các cựu chiến binh tại bệnh viện Cựu chiến binh. Một trung tâm người cao niên cũng là nơi lý tưởng để tìm những người lớn tuổi luôn sẵn lòng chia sẻ câu chuyện lịch sử của họ.
Tỏ lòng biết ơn sau đó
Sau những cuộc trò chuyện của bạn, hãy gửi lời cảm ơn, ngay cả khi chỉ là qua điện thoại hoặc thư điện tử, và ngay cả với người ông của bạn.
Hãy tận hưởng niềm vui!
Cuối cùng, hãy gạt bỏ căng thẳng bạn có thể có và tận hưởng niềm vui trong hoạt động này. Bạn sẽ nhận ra rằng hầu hết mọi người đều thích chia sẻ về bản thân. Bạn cũng sẽ thấy rằng nhiều người lớn tuổi sẽ rất phấn khởi và lấy làm hãnh diện khi bạn ngỏ lời mời.
Bảo An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times