Vài điều mà chúng ta học được từ một cuốn sách giáo khoa thời xưa
Khi dạy các con cách đọc và viết, bạn hãy cân nhắc sử dụng một số phương pháp đã nuôi dưỡng các bậc cha mẹ của ‘Thế hệ Vĩ đại nhất’.
Gần đây, một đôi vợ chồng ở New York, những độc giả của The Epoch Times, đã gửi cho tôi một ấn bản năm 1914 của cuốn sách (Những Yếu Tố Căn Bản Trong Tiếng Anh: Quyển 1). Như đã nêu trong lời nói đầu của cuốn sách này, ý định của các tác giả Henry Carr Pearson và Mary Frederika Kirchwey, đều liên kết với Trường Horace Mann thuộc Đại học Columbia, là cuốn sách giáo khoa của họ dành cho “các khối lớp bốn, lớp năm, và lớp sáu của trường tiểu học.”
Cuốn sách “Essentials” không ấn tượng về mặt hình thức. Trong sách này có một vài bức tranh và ảnh, và một số bức vẽ, nhưng không có gì có thể so sánh được với những hình ảnh minh họa trong các cuốn sách tập đọc và sách ngữ pháp thời hiện đại của chúng ta. Kích thước khoảng 5×7 inch (khoảng 13x18cm), vẻ ngoài nhỏ nhắn, nhàm chán, và sờn rách, nhiều đến mức không thể nhận ra được bìa gốc màu xanh lá cây hay xanh lam.
Tuy nhiên, câu phương ngôn cổ — “Đừng bao giờ đánh giá một cuốn sách qua trang bìa” — vẫn đúng với cuốn sách quý đã xỉn màu này. Nếu chúng ta dành chút thời gian cho cuốn sách nhỏ này, và, tôi ngờ rằng, với cả những cuốn sách giáo khoa tiểu học khác từ một thế kỷ trước, thì chúng ta có thể rút ra một số bài học có giá trị để truyền thụ cho những học sinh và con em của mình.
Những viên gạch xây nên những tòa nhà
Cuốn sách “Essentials of English” bắt đầu bằng việc giới thiệu cho học sinh về câu, cụ thể là các câu trần thuật và câu nghi vấn. Đây là một bước đầu tiên đúng đắn, vì câu là phần bản chất và cốt yếu của ngôn ngữ Anh. Xuyên suốt phần còn lại của cuốn sách này, các tác giả Pearson và Kirchwey đã giới thiệu cho các em học sinh những loại câu khác cùng với rất nhiều bài tập thực hành viết những loại câu này.
Thời nay, chúng ta gọi kỹ thuật này là học tiệm tiến. Giống như một người thợ xây dựng một ngôi nhà bằng từng viên gạch một, việc học tiệm tiến cung cấp cho các em học sinh các mẫu thông tin nhỏ theo một thứ tự hợp lý, tất cả đều hướng đến một mục tiêu cuối cùng trong trí óc: nắm vững chủ đề này. Trong cuốn “Essentials of English,” trước hết các em học sinh học cấu trúc căn bản của câu. Sau mỗi phần như vậy, các tác giả Pearson và Kirchwey lại thêm một mục nhỏ khác vào câu đố cho mỗi bài học mới — cách sử dụng các chữ in hoa cho những tên riêng, dấu nháy đơn, dấu ngoặc kép trực tiếp và gián tiếp, và v.v.
Những lợi ích của phương pháp này vượt khỏi phạm vi của chủ đề được học. Tuy không được hướng dẫn trực tiếp, nhưng các em học sinh sẽ tiếp thu các khái niệm về trật tự và trình tự logic, một thói quen suốt đời về lối suy nghĩ.
Học tiệm tiến cũng có thể dẫn đến việc học tập một cách độc lập. Ví dụ, sức mạnh tuyệt vời của chương trình Toán Saxon, thời nay được nhiều trường học và các nhà giáo dục tại gia sử dụng, là học tiệm tiến kèm theo rất nhiều đánh giá. Đến lớp bốn hoặc cỡ như vậy, các học sinh học tại gia sử dụng chương trình Saxon Math, như các học sinh của tôi đã thực hiện, thường có thể tự học từ bài này sang bài khác mà không cần có sự giảng giải của giáo viên-cha mẹ.
‘Sự lặp đi lặp lại là mẹ của việc học’
Có một câu Latin cổ biểu thị rằng “Sự lặp đi lặp lại là mẹ của việc học tập.”
Nhiều nhà giáo dục hiện đại không thuận tình về việc ghi nhớ, khi cho rằng học thuộc lòng (rote learning) có thể loại bỏ khả năng lĩnh hội. Những người khác tranh luận rằng có rất ít lý do để học thuộc lòng một bài thơ khi các học sinh có thể lập tức dùng những chiếc điện thoại của mình để đưa ra bài thơ đó.
Nhưng những nhà phê bình kia đã bỏ lỡ mất điểm này. Thơ ca, các thời gian biểu, các ngày tháng lịch sử — không chỉ rèn luyện trí óc để nhớ những thứ như vậy, mà thông tin thu được sẽ trở thành một phần trong hành trang trí tuệ của các em học sinh, mang theo bên mình mọi lúc mọi nơi.
Trong cuốn “Essentials of English,” phần ghi nhớ, lặp đi lặp lại, và đánh giá là những điểm then chốt đối với việc học và khả năng lưu giữ thông tin. Ví dụ, ở trang 7, các em học sinh lớp 4 được yêu cầu đọc một số câu tục ngữ, hay “những câu nói thông tuệ đã truyền lại cho chúng ta từ những thời xa xưa.” Chúng bao gồm những câu ngạn ngữ như “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, “Một xu để dành là một xu kiếm được” và “Tại anh tại ả, tại cả đôi bên.” Sau khi thảo luận về ý nghĩa của từng câu ngạn ngữ trên, các học sinh được yêu cầu ghi nhớ ba câu mà “các em thích nhất” và rồi viết ra theo trí nhớ.
Vì vậy, xuyên suốt phần còn lại của cuốn sách “Essentials of English” là các bài tập nói và tập viết luyện tập thường xuyên, các bài thơ và tục ngữ để học thuộc lòng, và các câu chuyện được đọc và sau đó được kể lại bằng chính những ngôn từ của học sinh.
Tư liệu tốt
Những câu chuyện và thơ được các tác giả Pearson và Kirchwey sử dụng liên tục giúp tăng thêm kiến thức chuyên sâu của học sinh về văn hóa, những truyền thống và lịch sử của các em.
Đây là những bài thơ của các tác giả như Lord Alfred Tennyson và Oliver Wendell Holmer, hàng chục câu châm ngôn, các sự kiện và các bản phác thảo tiểu sử từ lịch sử Mỹ quốc và lịch sử Âu Châu, và các câu chuyện dân gian từ các quốc gia khác — tất cả đều có những bộ câu hỏi để khơi gợi thảo luận và suy nghĩ, kèm theo đó là các bài tập đọc và tập viết.
Chúng ta có thể làm theo hình mẫu trên do hai tác giả Pearson và Kirchwey thiết lập bằng cách giúp cho con em của chúng ta hòa mình vào nền văn hóa của các em, đồng thời dạy các em cách đọc và viết. Chúng ta làm được như vậy khi chúng ta chia sẻ với các em những câu chuyện cổ tích và những bài thơ ca dành cho trẻ nhỏ. Khi các em lớn hơn và có thể tự đọc, chúng ta có thể giới thiệu với các em những câu chuyện hay, các tiểu sử, và lịch sử hiện hữu rất nhiều trong các tác phẩm văn học dành cho các bạn trẻ.
Thắp lên một ngọn lửa đam mê
Cuốn sách “Essentials of English” tồn tại “để thúc đẩy sự phát triển sức mạnh ngôn ngữ bằng cách đưa ra các bài tập thực hành liên tục trong việc sử dụng ngôn ngữ dưới các điều kiện có sự khích lệ” và “để khích lệ các em học sinh nói và viết ngôn ngữ một cách tự do, rõ ràng, và chính xác.”
Minh chứng về tính hiệu quả của những phương pháp xưa này và những sách giáo khoa như cuốn “Essentials of English” có thể tìm thấy ở thế hệ thiếu nhi của thời đó. Năm 1920, trình độ học vấn trung bình của những người từ độ tuổi 25 trở lên là lớp tám. Tuy vậy, từ những ngôi trường chỉ có một phòng học và những cuốn sách căn bản đó đã dưỡng thành những người đã anh dũng đóng góp cho sự phát triển bùng nổ của Mỹ quốc trong thế kỷ 20, những người đã phục vụ trong Đệ nhất Thế chiến, và đồng thời cũng là các bậc cha mẹ của “Thế hệ Vĩ đại nhất.” Nền giáo dục của họ đã trang bị cho những người con của họ quyền công dân.
Y Văn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times