Khóa học dành cho cha mẹ (P.55): Mắt xích quan trọng nào bị thiếu?
Trong những tập trước chúng ta đã nói về việc ganh đua so sánh của con trẻ, nhìn lại có thể thấy chúng ta đã bỏ sót rất nhiều giai đoạn trong quá trình phát triển của trẻ. Thực ra như cô Trần đã nói, rất nhiều bậc cha mẹ không biết cách xây dựng một cuốn sổ để quản lý cảm xúc của con trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Vì vậy, khi gặp vấn đề thì bất lực, hoặc đổ lỗi cho các chuyên gia không thể làm được gì, hoặc đổ lỗi cho đứa trẻ thực sự “hết thuốc chữa.”
Từ ví dụ về việc đứa trẻ so sánh, những giá trị mà cha mẹ dạy không sai, và cháu bé cũng không sai, mà đó là vấn đề của cậu bé cùng lớp. Nhưng làm thế nào để chúng ta hướng dẫn trẻ hiểu đúng tâm lý của đối phương và điều chỉnh nội tâm của chính mình. Đây mới là chỗ khó của cha mẹ. Ở tập trước chúng ta đã nói rất nhiều điều, nhưng vẫn còn cần làm động tác cuối cùng để hoàn thiện.
Cho trẻ một đề bài lựa chọn
(Cô Trần nói) Để đối phó với các vấn đề ở thế giới bên ngoài, trước tiên tâm của bạn phải ổn định. Tôi tin rằng nếu bạn làm theo các bước đã đề cập trước đó một cách logic, nhất định con cái sẽ tin tưởng cha mẹ của mình. Lúc này, còn phải xem đặc điểm của trẻ, có trẻ phát triển rất nhanh, giống như “cơ thể trẻ con, nhưng có tâm hồn người lớn” vậy. Những trẻ em như vậy có thể được đánh giá là sẽ ưu tú trong tương lai. Bạn thấy rằng đứa trẻ có cơ thể của một học sinh lớp hai nhưng tinh thần của cậu ấy đã rất trưởng thành rồi. Bạn không nhất thiết phải sử dụng các phương pháp hướng dẫn hay động viên, mà có thể sử dụng một phương pháp khác, đó là cha mẹ trực tiếp cho trẻ “lựa chọn.”
Trước hết, cha mẹ vẫn phải đứng về cùng một phía với con trẻ, nhưng vẫn là có sự lựa chọn, vì trẻ đã quá thông minh rồi. Nếu cơ thể và tâm hồn của trẻ đều ở trạng thái học sinh lớp hai, bạn không nhất định phải cho trẻ lựa chọn. Nhưng nếu cháu đã vượt qua trạng thái của học sinh lớp hai, hoặc thậm chí vượt qua rất nhiều, hoặc nếu trẻ ít sợ hãi trước những kiến thức về thế giới bên ngoài, kiểu trẻ này đã vượt quá tuổi sinh lý của mình, tôi khuyên bạn nên cho cháu lựa chọn.
Bởi vì chúng ta biết người bạn cùng lớp kia của con muốn có bạn, nên chúng ta có thể chọn vẽ hai trái tim lên hai mảnh giấy, tượng trưng cho hai trái tim của bạn học cùng lớp, và hỏi trẻ: Hành vi nào của con sẽ đổ màu đen dơ bẩn vào đó? Hành vi nào của con sẽ đổ những màu sắc tươi đẹp như màu vàng, màu xanh vào đó?
Giải quyết tâm ghen tỵ của trẻ
Bạn cũng nên nhớ, cháu bé đã nói một câu: “Con mong là đồng hồ của bạn cùng lớp sẽ sớm bị hỏng, sau đó bạn ấy sẽ phải đến xin lỗi con!” Đây cũng là việc cần giải quyết, vì đó là tâm đố kỵ rất mạnh mẽ. Tâm này cần phải được loại bỏ, nếu nó không được loại bỏ, đứa trẻ mãi mang tâm oán hận hoặc mong muốn trả đũa, như vậy cho dù cháu ở đâu cũng chắc chắn không vui vẻ. Hơn nữa, mọi lúc mọi nơi, trẻ sẽ tìm ra những đối đãi không công bằng mà người lớn đối với cháu. Sau đó trẻ sẽ phản kháng lại một cách mạnh mẽ. Cho dù bạn đã dùng những “chiêu” trước đó, như dẫn con đi ăn, nhưng nếu tâm ghen tỵ của trẻ không được giải quyết thì sẽ vô cùng nguy hiểm.
Vì vậy, chúng ta hãy để cho trẻ lựa chọn. Khi trẻ hy vọng rằng chiếc đồng hồ của bạn cùng lớp sẽ bị hỏng càng sớm càng tốt, thì đó hẳn là vật chất màu đen đã xâm nhập vào trái tim trẻ. Tôi tin tưởng rằng lúc này cháu bé sẽ nói sự thật với bạn, bởi vì trước đó tất cả cảm xúc của cháu đã được lý giải, bao dung và ủng hộ. Hơn nữa chúng ta còn cho đứa trẻ một tương lai rõ ràng. Lúc này, bạn có thể hứa với trẻ. Tôi thường nhắc nhở các bậc cha mẹ, đừng chi tiền một cách tuỳ tiện. Vì một khi bạn chi tiền, ngay cả khi con bạn đã quên đi thì bạn vẫn phải thực hiện.
Một khi bạn đã trải qua quá trình khơi thông, dẫn dắt trước đó, đứa trẻ sẽ rất tin tưởng bạn, bạn có thể nói với con rằng: “Một chiếc đồng hồ 40 dollar hoàn toàn không đủ dùng với con, vì con sẽ lớn lên và mẹ tin tưởng ở con. Định nghĩa của thành công là phục vụ được càng nhiều người hơn nữa. Mẹ hoàn toàn tin tưởng rằng con sẽ làm được điều đó trong tương lai. Khi con muốn phục vụ nhiều người như vậy, chiếc đồng hồ của con cần phải có nhiều chức năng hơn. Con có thể là người dẫn đầu trên Internet trong tương lai, và con có thể khởi xướng một hoạt động quốc tế nào đó. Vì vậy đồng hồ của con có thể cần nhiều chức năng hơn, v.v… Vì vậy mẹ sẽ chuẩn bị cho con một chiếc đồng hồ 200 tệ trong tương lai.” Khi con cần chức năng đó trên đồng hồ, mẹ sẽ mua cho con. Bởi vì mẹ biết rằng khi mẹ cung cấp cho con điều đó sẽ giúp con được vui vẻ, giúp con phục vụ được nhiều người hơn.
Quan sát hành vi tốt của con trẻ
Cha mẹ đặt cho con trẻ mục tiêu rất rõ ràng và cao hơn. Tại sao cháu bé lại phải xin bạn một chiếc đồng hồ trị giá hàng chục đô la? Đồng hồ chỉ là một công cụ giúp con đạt được một mục tiêu lớn lao, nên chẳng có lý do gì mà cha mẹ không tặng cho con, chỉ là trong rất nhiều giai đoạn hay thời điểm trước khi cho con, cha mẹ phải quan sát. Thực ra, muốn cho thì phải có trách nhiệm, trước khi cho con, cha mẹ phải làm một việc, quan sát những việc tốt con làm hàng ngày rồi ghi lại. Sau khi cha mẹ ghi chép như vậy một thời gian, đứa trẻ không thay đổi cũng rất khó.
Xưa có câu rằng “Dưỡng thành một thói quen xấu cho con có thể chỉ cần một ngày,” bởi vì cha mẹ thường xuyên làm cho con xem, hoặc trẻ học được ở bên ngoài, nhưng bạn không điều chỉnh cho con. Đến khi bạn muốn sửa thói quen xấu này, có thể phải tốn thời gian gấp chín lần, mà cũng không nhất định có thể thành công. Điều rất quan trọng là quan sát những việc tốt mà trẻ làm hàng ngày. Thứ nhất, bạn đưa ra mục tiêu rõ ràng cho trẻ, hành vi của con người nên được thực hiện như vậy; thứ hai, đây là nguồn dinh dưỡng bổ sung cho chính bạn. Làm cha mẹ cũng sẽ mệt mỏi, con cái cũng sẽ gặp trở ngại, hơn nữa khi trẻ lớn lên, tình hình có thể sẽ ngày càng phức tạp. Trước đây con trẻ không gặp nhiều vấn đề trong việc kết bạn, đến khi con trưởng thành mười mấy tuổi, lúc này tình huống kết bạn trở nên phức tạp, có thể bạn cũng không thể kiểm soát được nữa.
Vì vậy, trong quá trình này, cha mẹ nên dự trữ “thức ăn tinh thần” cho mình, đồng thời cũng là quyển sổ quản lý cảm xúc. Bạn phải cho mình hy vọng, mỗi ngày ghi lại hành vi tốt của con bạn, để bạn không ngừng tích lũy năng lượng tích cực cho chính mình. Khi con lớn lên, vấn đề càng trở nên phức tạp, lúc đó “vốn liếng” của cha mẹ đủ rồi, tâm lý sẽ không sợ hãi như vậy. Lúc đó, có thể rất nhiều bậc cha mẹ khác phải nhờ bạn tư vấn.
Nỗi khổ của trẻ em Trung Quốc
(Người dẫn chương trình nói) Giờ tôi đã hiểu tại sao một số trẻ em, đặc biệt là con của những gia đình di cư, khi ở trước mặt cha mẹ thì các cháu biểu hiện khác, ở bên ngoài thì lại biểu hiện khác. Đứa trẻ biết rằng cha mẹ người Hoa sẽ không chấp nhận một hành vi nào đó, nên khi cháu về nhà đã không kể cho gia đình, nhưng bên ngoài thì khác. Đây là một điều rất đáng buồn đối với trẻ em nhập cư, và nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc hoàn toàn không nhận thức được vấn đề này.
Nếu tất cả chúng ta đều làm theo những điều trên, sẽ không đến mức các em không nói với cha mẹ những gì đã xảy ra ở trường, và những người trong gia đình sẽ không biết những gì đã xảy ra với các em ở bên ngoài.
(Cô Trần nói) Hãy nói về một vấn đề rất thực tế. Nếu hôm nay tôi nói với ông chủ: “Ông chủ ơi, hôm nay tôi bị người khác cười nhạo vì đồng hồ của tôi quá rẻ.” Sau khi thảo luận với ông chủ, bạn thấy ông chủ rất hiểu bạn, đồng tình với bạn và bảo đảm rằng sau hai năm, bạn sẽ được tặng một chiếc đồng hồ có giá gấp ba lần! Và bạn biết ông chủ luôn rất đáng tin cậy. Bạn vẫn sẽ làm việc vào ngày mai chứ? Chẳng phải bạn làm việc hăng hái hơn, thậm chí những khó khăn gặp phải bên ngoài chắc chắn sẽ được đem về công ty để thảo luận.
(Còn tiếp)
Xem thêm Loạt bài “Khóa học dành cho cha mẹ”
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 55