Khóa học dành cho cha mẹ (P.64): Lập quy tắc cho trẻ 10 tháng tuổi
Mời quý vị đón đọc Loạt bài viết “Khóa học dành cho cha mẹ”
Bạn có thể đặt ra quy tắc cho con mình ngay từ khi trẻ được 10 tháng tuổi. Cô Trần nói rằng nếu bạn không biết cách đặt ra quy tắc trả đồ chơi về vị trí ban đầu thì sau này có thể gặp rắc rối.
(Cô Trần) 10 tháng tuổi, tiếp đến 11 tháng tuổi, một số trẻ đã có thể đứng dậy, vịn vào đồ đạc và đi được vài bước. Ở đây tôi xin chia sẻ một ví dụ: Một bác sĩ tiền bối từng làm việc ở khoa tâm thần của chúng tôi có một cô con gái sắp kết hôn. Chúng tôi đã đến chúc mừng cô ấy. Trong bữa tiệc, người mẹ kể rằng khi con gái mới biết đi và biết cầm thìa để ăn, cô bé phát hiện ra chiếc máy cassette, nên đã “chia sẻ” những gì mình ăn với chiếc máy! Người mẹ nói rằng, từ đó trở đi trong nhà họ không còn những sản phẩm điện tử tương tự nữa. Đây là hậu quả có thể xảy ra nếu trước đó không thiết lập các quy tắc đúng cách.
Quyền tự chủ của trẻ phải được hướng dẫn đúng đắn
Người mẹ này không biết rằng mình có thể đặt ra quy tắc từ khi lúc con 10 tháng tuổi. Nếu biết sớm hơn thì cô đã để đồ lên cao hoặc cất đi, như thế trẻ sẽ không “đút” cơm cho máy móc. Đây chính là lợi ích của việc thiết lập quy tắc, quy tắc không chỉ dùng để quản lý trẻ mà còn để quản lý chính mình. Đặc biệt, khi trẻ được 11 tháng tuổi, trẻ đã có thể tìm thấy thứ mình muốn từ trong đống đồ chơi. Điều này nói cho cha mẹ biết rằng tính tự chủ của trẻ sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn, trẻ sẽ có sự nhiệt tình, có động lực bên trong thúc đẩy, và mong muốn bày tỏ ý kiến bản thân. Đây là điều rất quan trọng.
Khi phát hiện trẻ có ý kiến riêng của bản thân, người lớn thường có hai phản ứng, một là coi như không có gì và không để ý đến trẻ, hai là cố tình kìm nén trẻ. Tất nhiên, chúng tôi không đồng ý với điều này. Khi trẻ thể hiện tính tự chủ mạnh mẽ, chẳng hạn như trẻ muốn một món đồ chơi nào đó, tôi nghĩ [cha mẹ] không nên nhất định không đưa cho trẻ, bởi vì đó là thứ mà trẻ hoàn toàn có quyền tự chủ. Tuy nhiên, chúng ta phải nói với trẻ rằng, khi lấy một món đồ nào đó chúng ta không thể làm tổn thương người khác, cũng như không thể làm tổn thương chính mình. Đôi khi người lớn cố tình làm mẫu một cách làm sai và nói với trẻ rằng như vậy sẽ bị tổn thương. Lúc này chúng ta phải làm mẫu cho trẻ một cách làm an toàn, làm thế nào để cầm hay sử dụng nó để không làm tổn thương người khác. Lúc này, cũng sẽ thiết lập quy tắc cho trẻ.
Chúng ta thường nói với trẻ: “Con không được làm cái này, con không được làm cái kia”. Chúng ta cũng nói như vậy với những trẻ lớn hơn, những học sinh lớn hơn và thậm chí cả những nhân viên trong công ty, nhưng thường lại không đạt được kết quả tốt. Khi bạn nói với trẻ “con không thể làm điều này”, nhưng trẻ không biết rốt cuộc mình nên làm như thế nào. Còn một loại nữa là bạn bảo trẻ đi hướng tây thì nó sẽ đi hướng đông, bạn bảo trẻ không làm được thì nó vẫn cứ làm cho bằng được. Những trẻ như vậy thường là những “trẻ rất nổi loạn” trong mắt người lớn.
Trẻ thông minh thường không nhận được những lời nhận xét tốt
(Người dẫn chương trình) Gần đây tôi gặp một phụ huynh. Cô ấy có một cậu con trai rất thông minh và xuất sắc. Họ cũng đang có ý định cho con mình học ở một trường tốt hơn. Kết quả học tập của trẻ rất tốt nhưng nhận xét của giáo viên lại không tốt lắm. Một số vấn đề của trẻ đã tồn tại từ lâu, và phụ huynh cũng lo lắng không biết làm thế nào để trẻ được vào trường tốt. Cha mẹ nói rằng, năng lực quan sát của trẻ rất mạnh, hơn nữa trẻ không phục lời nói của người lớn. Một ngày nọ, trẻ nói rằng có một giáo viên rất thú vị, thầy luôn bảo trẻ làm điều này điều nọ, nhưng thầy chỉ ngồi đó và không làm gì cả. Khả năng quan sát của trẻ này quả thực rất tốt nhưng tại sao lại không nhận được nhận xét tốt từ giáo viên? Cô Trần, cô nghĩ sao về vấn đề này?
(Cô Trần) Điều quan trọng nhất là thầy yêu cầu trẻ làm gì? (Người dẫn chương trình) Thực ra, phụ huynh này mời chuyên gia giáo dục đến gặp con. Vì muốn giải quyết vấn đề của con nên chuyên gia này đã yêu cầu trẻ làm cái này, cái kia. (Cô Trần) Việc giáo viên này muốn làm cho trẻ nhất định phải có liên quan đến vấn đề của trẻ, nhất định là muốn giúp đỡ trẻ, để nó tự mình hiểu được điều gì đó. (Người dẫn chương trình) Nói đến đây, tôi mới nhớ người mẹ này từng nói trẻ quả thực rất thông minh. Khi đi học về, cháu thường bình luận về chuyện xảy ra với người khác, điều này không ổn, điều kia không ổn, nói rất rõ ràng và hợp lý. Trẻ cũng nói rằng mặc dù giáo viên (chuyên gia giáo dục) luôn bảo trẻ phải làm mọi việc nhưng thầy rất thông minh và trẻ muốn gặp lại thầy.
Khuyến khích trẻ chủ động làm việc
(Cô Trần) Tôi hiểu rằng giáo viên này hoàn toàn đứng từ góc độ của trẻ để giúp đỡ nó. Nhưng nhiều việc trong cuộc sống của trẻ này đều do người khác làm thay, tức là trẻ không cần phải tự mình làm mọi việc. Điều này thường xảy ra trong giáo dục năng khiếu. Nếu những trường hợp như vậy không được rèn luyện các quy tắc tốt hơn ở độ tuổi còn nhỏ thì cho dù đã vào đại học, những trẻ như thế này thường rất dễ đậu đại học, nhưng chúng sẽ không dễ dàng tốt nghiệp ra trường. Sau đó cuộc sống của trẻ không mấy vui vẻ, bởi vì mối quan hệ giữa các cá nhân của trẻ lúc nào cũng không được tốt.
(Người dẫn chương trình) Trẻ này hiện đang học tiểu học. Cậu bé thực sự không có bạn bè. Cậu bé rất thông minh, ngay cả những kiến thức như MBA cũng có thể học được qua Internet. Ngay cả người lớn và giáo viên cũng nghĩ rằng trẻ này rất giỏi. Nhưng giáo viên lại nghĩ rằng có điều gì đó không ổn với hành vi của trẻ. (Cô Trần) Tử Hạ là người đọc sách giỏi nhất dưới thời Khổng Tử. Ông nói rằng cách học tập tốt chính là “áp dụng những gì đã học”. Một số trẻ có năng khiếu về lĩnh vực kiến thức, tiếp thu nhanh, sắp xếp nhanh nhưng bắt tay vào làm thì lại chậm. Điều này thường khiến người khác không hài lòng với trẻ. Bởi trẻ đem kiến thức của mình ra khoe khoang, hoặc dùng nó để coi thường người khác, vì thế các cháu không có bạn bè. Do đó, chúng ta thực sự cần khuyến khích trẻ hành động và biến suy nghĩ của mình thành những việc mà đôi tay trẻ có thể làm được, dù đó là vẽ hay viết. Điều này rất quan trọng.
Năng khiếu của trẻ thiểu năng trí tuệ
Ở quận tôi ở cũng có một trường hợp như vậy, con của một giáo sư đến từ Trung Quốc. Họ nghỉ hưu khi còn rất trẻ, có hai người con và có ba bảo mẫu từ khi mới sinh ra. Hai trẻ này rất giỏi tiếng Anh và thông thạo tiếng Tây Ban Nha. Tuy nhiên khi hai cháu muốn vào học tại một trường học ở khu giàu có, kết quả kiểm tra lại cho thấy hai trẻ này phải vào “lớp học thiểu năng trí tuệ”. Tại sao? Bởi vì khoa học não bộ hiện nay nhấn mạnh vào giáo dục toàn diện, chứ không phải là tập trung vào phát triển của một lĩnh vực. Vì vậy, khi một trẻ 12, 13 tuổi không có khả năng tự chăm sóc bản thân, các giáo viên của hệ thống này gọi đây là “thiểu năng trí tuệ trong cuộc sống”. (Còn tiếp)
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 64