Khóa học dành cho cha mẹ (P.62): Cha mẹ làm gì khi con bị trêu chọc?
Mời quý vị đón đọc Loạt bài viết “Khóa học dành cho cha mẹ”
Lần trước, chúng tôi đã đề cập rằng khi trẻ 9 tháng tuổi, đã có thể sử dụng chức năng của năm giác quan. Ngay cả khi trẻ đang rèn luyện sự nhạy bén với âm thanh, trẻ cũng có thể nhận thấy, tiếng gõ của củ cải trắng và cà rốt là khác nhau, đây là một chuyện rất vui. Lần này, chúng ta nói về việc bạn sẽ làm gì khi gặp người thân, bạn bè cố tình trêu chọc con mình? Dù bạn rất muốn ngăn cản nhưng lại ngại ngần vì thể diện của người thân, bạn bè. Vậy nếu để người kia tiếp tục làm như vậy, một thời gian nữa liệu trẻ có quên đi không? Dù sao trẻ này vẫn còn nhỏ. Hãy cùng nghe cô Trần chia sẻ nhé.
(Cô Trần) Một số trường học không chỉ mở nhạc trong giờ ăn trưa, mà còn mời đầu bếp đến hát. Trong video, các em học sinh đang ăn trưa như thường lệ, nhưng phát hiện có tiếng hát và nhìn lên thì thấy có người đang hát. Phản ứng này thực sự rõ ràng khi trẻ được 8 – 9 tháng tuổi.
Chú ý đến giọng nói và cử chỉ khi tương tác với con bạn
Đặc biệt khi trẻ 9 tháng tuổi, cơ thể không chỉ chuyển động theo giai điệu, mà bé còn có thể nhận biết rõ ràng người lớn đang nói về mình. Nếu chúng ta tận dụng tốt những kiến thức về giai đoạn phát triển bình thường của trẻ và tận dụng tốt vào thời điểm đó, chúng ta chắc chắn sẽ có thể xây dựng cho trẻ sự nhạy bén trong việc tự nhận thức và xây dựng lòng biết ơn đối với cơ thể của mình. Nếu phối hợp ở khía cạnh này, nó sẽ có tác động rất lớn đến sự tự tin trong tương lai của trẻ.
Lúc này, người lớn nên chú ý đến các cử chỉ của mình. Ngay cả khi bạn không dùng ngôn ngữ, cử chỉ hoặc giọng điệu mà bạn thường nói, chẳng hạn như khi bạn dùng giọng bình thản để bảo con “đi ăn cơm” và khi bạn nói “đi (kéo dài) ăn cơm” là hai loại cảm thụ âm thanh khác nhau đối với trẻ. Vì vậy, từ giọng điệu của bạn, trẻ có thể đoán được tâm trạng và thái độ của bạn đối với trẻ, từ đó trẻ sẽ có phản ứng phù hợp.
Tôi thường nói rằng, chúng ta nên luôn ghi lại từng thay đổi nhỏ của con mình, cố gắng hết sức để làm điều đó và điều rất quan trọng sau đó chính là chia sẻ nó. Ví dụ, khi 6 tháng tuổi, trẻ đã biết tự mình cầm bánh quy ăn. Khi 9 tháng tuổi, khả năng này của trẻ càng mạnh mẽ hơn. Vì vậy, người lớn phải hướng dẫn kỹ hơn, rằng khi con có đồ chơi đẹp, nghe được bản nhạc hay, con nhớ chia sẻ điều này với mọi người. Ở giai đoạn này, chúng ta nuôi dưỡng sự tự tin của trẻ một cách có chủ ý. Cần phải cho con biết rằng, con có thể chia sẻ với người khác. Đây là chìa khóa rất quan trọng.
Tôn trọng và không trêu chọc trẻ
(Người dẫn chương trình) Tôi nhớ khi con tôi hơn một tuổi, cháu đã biết đi. Khi cháu ăn, tôi tập cho cháu thói quen nhường mẹ ăn trước. Điều này để dạy cháu có lòng hiếu thảo. Có lúc bà ngoại trêu chọc cháu rằng: “Cho bà ăn một miếng đi.” Khi cháu đưa qua, bà vui vẻ nói: “Thôi, cháu ăn đi!” Lúc này, tôi liền nói: “Mẹ ơi, mẹ ăn một miếng đi, đừng trêu chọc cháu như vậy.” Tôi ấn tượng có lần tôi ăn mấy cuốn chả giò, có khoảng 6-8 cuốn. Cháu đã quen chia cho mọi người liền đưa cho ông ngoại và những người khác mỗi người một cuốn. Khi cuối cùng chỉ còn một cuốn, ông ngoại xin thêm một cuốn. Cháu cảm thấy ủy khuất đến mức sắp khóc rồi. Nó nhìn tôi, tôi thấy thương nhưng cũng không nói gì. Cũng may có người nói: “Cuốn đó của con, con ăn đi!” Lúc trước, cô Trần đã nói, đừng phá vỡ ấn tượng tốt đẹp đối với thế giới trong lòng trẻ. Tình huống như vậy có tính là phá vỡ ấn tượng tốt đẹp không?
(Cô Trần) Tôi nghĩ có một chút khả năng như thế. Người lớn không để ý nhiều đến cảm xúc của trẻ. Thực ra, lúc này cần vận dụng những kiến thức toán đã được dạy ở tiểu học. Điều đầu tiên là có tổng cộng bao nhiêu cái? Thứ hai là chia nó như thế nào? Vậy khi người lớn muốn tặng bánh cho đứa trẻ, chẳng hạn, có sáu chiếc bánh, nhưng có đến bảy người có mặt thì bạn chia sẻ như thế nào? Lúc này bạn phải hướng dẫn trẻ và đảm bảo trẻ có một cái. Trẻ càng nhỏ tuổi thì bạn càng không cần đặt tiêu chuẩn quá cao cho trẻ, vì cháu chắc chắn sẽ không làm được. Quá trình trưởng thành của một con người có rất nhiều giai đoạn. Yêu cầu thấp nhất và ban đầu chính là sự thỏa mãn nhu cầu sinh lý. Bởi vì, trẻ không thể ra ngoài làm việc để kiếm tiền, nên điều quan trọng nhất đối với nó là trước hết phải no bụng. Vì vậy, bạn phải dạy trẻ cách để chia sẻ và đảm bảo rằng sau khi chia sẻ, trẻ vẫn có một phần để ăn.
Giống như tình huống bạn vừa nêu, trước khi trẻ sắp khóc, mẹ phải kêu lên “Dừng lại” và lịch sự nói với trẻ: “Chỉ còn một cái thôi, cái này là của con!” Và khen ngợi trẻ rằng, con đã rất giỏi rồi, biết cách chia sẻ với người khác, v.v. Những người khác cũng sẽ biết nên ngừng trêu chọc trẻ rồi.
Làm thế nào để khen ngợi con một cách khiêm tốn?
Còn một điều rất quan trọng nữa, trẻ em đã biết người lớn nói về mình và có nhận thức này. Vì vậy, người lớn nên chú ý lời nói của mình. Thường thì người lớn muốn trêu chọc trẻ, nhưng những lời mà họ thường nói lại chưa đủ tôn trọng trẻ. Ví dụ, nếu trẻ làm điều gì đó và người lớn muốn khen ngợi, nhưng giọng điệu của bạn có thể khiến người khác cảm thấy như không có gì cả. Họ nghĩ vốn dĩ như vậy là cha mẹ đang biểu hiện sự khiêm tốn, nhưng điều đó lại trở thành một cách hạ thấp giá trị của trẻ.
Khi trẻ đột nhiên có thể cầm bút vẽ, người khác cho rằng bé rất giỏi, nhưng đối với các bậc cha mẹ Trung Quốc thì lời nói ra lại hoàn toàn khác. Tôi nghĩ khiêm tốn cũng phải thành thật. Sự việc rõ ràng là như vậy mà vẫn cố tình nói ngược lại, thì đó không gọi là khiêm tốn. Tôi nghĩ đó một ý xấu và chèn ép trẻ. Đây không phải là một cách tiếp cận lành mạnh.
Để biểu hiện sự khiêm tốn, bạn có thể nói: “Con nỗ lực như vậy, cảm ơn lời chúc của mọi người.” Trên thực tế, nếu không có sự giúp đỡ của mọi người thì sẽ không có thành tựu cá nhân. Ví dụ, ba tháng đầu đời của em bé khá khó khăn, nhờ có sự giúp đỡ và chúc phúc của mọi người, trẻ mới có thể phát triển từng ngày. Hoặc khi trẻ đạt được thành tích nào đó, bạn có thể ghi nhận công lao của người khác: “Thế là nhờ mẹ chồng tôi đã chăm sóc rất tốt!” hoặc “là nhờ chồng tôi đã lo việc nhà, nên tôi mới có tâm trạng và thời gian chăm sóc con.” Đây không phải là khoa trương đâu, chia sẻ vinh dự này với mọi người chẳng phải là điều tuyệt vời sao?
(Người dẫn chương trình) Hai ngày trước một khán giả đã nói với chúng tôi rằng, trước khi sinh con gái, cô ấy luôn lo lắng con mình có chuyện gì đó, cô ấy luôn lo sợ. Sau khi sinh con, mọi người hỏi cô là bé trai hay bé gái. Kết quả, cô hỏi: “Con có tay hay chân không?” Cô luôn lo lắng có thể xảy ra chuyện gì đó. Điều đó có nghĩa là cô rất biết ơn vì em bé khỏe mạnh. Nghe xong tôi thấy rất cảm động. Chúng ta không gặp phải tình cảnh con cái xuất hiện vấn đề như vậy, nên chúng ta chỉ nghĩ rằng mọi chuyện đương nhiên là như vậy, không biết ơn con cái và cảm ơn chúng vì đã lớn lên khỏe mạnh. Thực sự, chúng ta nên cảm ơn tất cả mọi thứ, cảm ơn chồng và mẹ chồng.
(Cô Trần) Đúng là như vậy. Vì trẻ đã bắt đầu hiểu được ý nghĩa đằng sau ngôn ngữ thông qua giọng điệu và cử chỉ của bạn, vì vậy bạn càng dành cho con những lời nói có ý nghĩa tích cực thì trẻ sẽ tự tin hơn, ăn nói sẽ càng lưu loát hơn và con bạn sẽ càng dễ dàng kết bạn hơn. (Còn tiếp)
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 62
Uyển Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa Ngữ