Khóa học dành cho cha mẹ (P.65): Ảnh gia đình là thẻ hình tốt nhất
Mời quý vị đón đọc Loạt bài viết “Khóa học dành cho cha mẹ”
(Người dẫn chương trình) Sau khi đọc các bài viết trước, tôi tin rằng nhiều bậc phụ huynh sẽ thấy con mình dù đã 3-5 tuổi rồi nhưng tại sao chúng không nghe theo một số quy tắc mà cha mẹ đặt ra? Một khán giả nói: Cô Trần ơi, cuối cùng tôi cũng hiểu tại sao khi chúng tôi nói với trẻ thì nó không chịu nghe lời, hóa ra chúng tôi đã đặt ra quy tắc quá muộn. Trên thực tế, nhiều phụ huynh sẽ tìm kiếm rất nhiều thông tin về cách nuôi dạy con cái trên mạng Internet, hoặc đến các hiệu sách mua rất nhiều sách liên quan. Nhiều chuyên gia đề cập rằng cha mẹ nên thiết lập các quy tắc khi trẻ 3 tuổi, nhưng cô Trần lại chia sẻ rằng, các bậc phụ huynh có thể bắt đầu đặt ra các quy tắc khi trẻ được 10 tháng tuổi. Tại sao như vậy?
10 tháng đến 3 tuổi: Giai đoạn phát triển nhanh
(Cô Trần) Sự trưởng thành của trẻ trong khoảng thời gian từ 10 tháng tuổi đến 3 tuổi là tính theo từng tháng một, chứ không phải tính theo từng năm. Đây là một giai đoạn phát triển nhanh gấp 3 hoặc 6 lần. Quá trình phát triển của trẻ từ sơ sinh đến 3 tuổi thay đổi rất nhiều. Vì vậy, chúng tôi khuyên các bậc cha mẹ nên tận dụng tốt tốc độ phát triển của con mình. Mỗi người đều có động tác phản xạ, cha mẹ không cần phải nói với trẻ, trẻ sẽ phản ứng ngay khi chạm vào thứ gì đó. Đây là tốc độ nhanh nhất mà trẻ không cần phải suy nghĩ.
Khi trẻ được 10 tháng tuổi, nhìn thấy quả bóng, nhìn thấy mẹ xuất hiện, sau đó nhìn thấy vẻ mặt của mẹ, về cơ bản trẻ sẽ biết lời dặn của mẹ. Cho nên, cha mẹ chỉ cần đặt ra cho trẻ một vài điều kiện. Sau đó cha mẹ làm đi làm lại, một ngày không cần thực hiện nhiều lần, chỉ cần lặp lại 1 hoặc 2 lần. Lặp lại cách huấn luyện như thế này hàng ngày, cho trẻ nhìn thấy quả bóng và sau đó nhìn thấy cử chỉ của mẹ, trẻ sẽ biết cách cất quả bóng đi. Chúng tôi đã từng nói rằng khi trẻ 10, 11 tháng tuổi, trẻ đã bắt đầu học theo cử chỉ, giọng điệu của người lớn để hiểu được người lớn muốn trẻ làm gì, trẻ đã có khả năng này rồi.
Không có quá nhiều đồ chơi, kỹ năng chơi cùng trẻ
Một đặc điểm nữa là trẻ sinh 11 – 12 tháng tuổi đã có khả năng phân biệt rõ những điều mà người lớn không thích. Chỉ cần cha mẹ nhẹ nhàng dẫn dắt trẻ thực hiện theo thì trẻ sẽ dần hình thành các quy tắc. Khi tôi đến nhiều trường mẫu giáo hoặc đến các gia đình để khảo sát, tôi thường thấy có quá nhiều thứ. Tuy trẻ cần một môi trường học tập phong phú đa dạng, nhưng nếu có quá nhiều thứ, trẻ không thể tiếp thu được và sẽ trở nên rất khó chịu. Cuối cùng thì mọi thứ trở nên lộn xộn vì trẻ chưa biết cách dọn dẹp như thế nào. Vì vậy, phụ huynh và người chăm sóc sẽ bận rộn cả ngày. Thực tế, chúng ta có thể ghi lại và xem chúng ta đã dành bao nhiêu thời gian chỉ để dọn dẹp đồ chơi vương vãi của trẻ cả ngày?
Mỗi ngày nắm bắt một ít những thứ như thế để phát triển thói quen của trẻ. Cần phải thêm một điều kiện, đó là trẻ phải ăn. Cho dù trẻ ăn điểm tâm hay ăn bữa chính thì đều cần có một khoảng thời gian. Ngoại trừ việc ngủ, những lúc rảnh rỗi này trẻ sẽ làm gì? Bài tập về nhà của trẻ chính là chơi, bài tập của cha mẹ là chơi cùng trẻ. Khi chơi cùng trẻ là chúng ta đang xây dựng nền tảng cho con. Nền tảng này sẽ cùng con từng bước xây dựng tương lai. Vì vậy, sau này chỉ cần trẻ nhìn thấy một ly nước trái cây hoặc một chén đồ ăn vặt, trẻ đã hình thành thói quen này trước khi ăn. Trẻ sẽ hành động theo phản xạ, biết rằng đồ chơi phải được đặt trở lại theo đúng vị trí. Sau đó, trẻ sẽ luôn tuân theo quy tắc và thực hiện theo trình tự, trẻ đã rất rõ ràng rồi. Thói quen này sẽ theo trẻ suốt cuộc đời.
Khi chúng tôi phụ đạo cho một số bạn thanh thiếu niên, các cháu sức lực dồi dào, vừa gặp là muốn cãi nhau gây chuyện. Thậm chí cha mẹ chưa kịp mở lời, trẻ chỉ cần nhìn thoáng qua cha mẹ thì đã có thể hiểu được cha mẹ không đồng ý. Tâm tình của trẻ bắt đầu kích động. Lúc này chúng ta nên khuyên trẻ như thế nào? Chúng ta hãy tìm ra logic trong đó. Tại sao trẻ lại nổi nóng và có hành vi lệch lạc như vậy? Thường là do logic của trẻ bị sai, cuối cùng, các em không có lý trí dẫn dắt định hướng hành vi của mình, các em sẽ bị cảm xúc chi phối. Chúng ta sẽ thấy rằng cậu ấy học tập không tốt ở trường, cũng không được người khác yêu thích và cảm thấy không hài lòng về hình ảnh của chính mình. Việc dẫn dắt kèm cặp một trẻ như vậy sẽ khó gấp đôi và tốn nhiều thời gian hơn.
Giáo dục năng khiếu: Quan sát người khác một cách tỉ mỉ
(Người dẫn chương trình) Chúng tôi thực sự không ngờ đa số mọi người nghĩ rằng trẻ 10 tháng tuổi mới tập đi tập đứng đã phải bắt đầu đặt ra các quy tắc vào thời điểm này. Đối với một số người lớn tuổi trong gia đình, khi đặt ra những quy tắc cho con cái, họ có thể nghĩ rằng sao phải cực khổ như vậy, để trẻ tự chơi, để trẻ trưởng thành, hiểu chuyện hơn rồi mới thiết lập quy tắc. Trong ví dụ vừa rồi, hóa ra chúng ta đã bỏ sót khâu giáo dục này cho trẻ.
(Cô Trần) Có một đặc điểm rất quan trọng trong giáo dục năng khiếu, đó là cần phải quan sát thật kỹ lưỡng, bởi vì trẻ tiến bộ rất nhanh. Bạn lấy thước để đo, giả sử thang đo rộng thế này, nhưng khi chúng ta nghiên cứu những trẻ năng khiếu, đơn vị trên thước đo phải liên tục thu nhỏ lại, bởi vì những thay đổi của trẻ quá nhanh. Vì vậy, bạn phải dùng đến nanomet, khi tỉ mỉ đến mức độ nanomet, bạn sẽ phát hiện ra đôi khi chúng ta đã thực sự bỏ lỡ những giai đoạn khác nhau của trẻ.
(Người dẫn chương trình) Khi cô Trần đề cập đến điều này, nó nhắc nhở tôi rằng sự thay đổi lớn nhất trong cuộc đời một con người là trong giai đoạn trẻ sơ sinh. Mỗi ngày đang luyện tập, mỗi ngày đều đang thay đổi. Trong quá trình luyện tập này, trẻ đang thiết lập quá trình trưởng thành độc lập của mình. Chúng ta thường bao bọc con cái trong vòng tay và bảo vệ chúng quá mức. Chúng ta quên để trẻ lớn lên một cách tự lập và chăm sóc người khác. Chúng ta thường đợi đến khi trẻ 2-3 tuổi mới dạy dỗ chúng, cho nên cha mẹ, ông bà đến khi cần giáo dục con cái, mọi người đều gặp rất nhiều khó khăn vất vả.
(Cô Trần) Có điều cần đặc biệt chú ý trong quá trình huấn luyện này. Việc huấn luyện sự tự lập cho trẻ là một loại hưởng thụ, đừng quân sự hóa nó, như thế thật đáng sợ. Bạn sẽ thấy một trẻ trong giai đoạn bình thường, lúc 10-11 tháng tuổi, trẻ sẽ phát triển đến những khả năng mà trẻ nên có. Bạn cũng sẽ thấy rằng trẻ cảm thấy trong lòng vui vẻ khi có được cảm giác thành tựu, không có khoảng cách giữa tâm trí và thể chất, sẽ có sự cân bằng trong tâm hồn. Đây là một hạnh phúc thực sự. Trẻ sẽ trở thành một thiên thần giữa các thiên thần.
11 tháng tuổi: Dùng ảnh làm dụng cụ học tập để dạy trẻ
(Người dẫn chương trình) Vậy khi trẻ 11 tháng tuổi thì cần phải làm sao? Bước tiếp theo nên làm thế nào để kết nối với sự phát triển bước kế tiếp của trẻ? (Cô Trần) Khi trẻ được 11 tháng tuổi, trẻ bắt đầu thích thú với tranh ảnh và biểu đồ. Khi được khoảng 11-12 tháng tuổi, cha mẹ có thể tận dụng tốt các tấm thẻ hình như một dụng cụ học tập để dạy trẻ.
Chúng tôi đã nói đằng sau một sự việc mà chúng ta muốn làm luôn có một triết lý. Trong đó có một triết lý rằng điều đẹp đẽ luôn thu hút người khác.
Vì vậy, trong quá trình trưởng thành của trẻ, dù sau này trẻ có thành công đến đâu cũng không thể tách khỏi sự tương tác giữa người với người. Vì vậy, những hình ảnh đẹp nhất là bức ảnh của những thành viên trong gia đình. Bạn có thể tìm ảnh của những người cụ thể và đặt ảnh của một hoặc hai, ba, bốn hoặc năm người theo thứ tự trước mặt trẻ. Trong mỗi bức ảnh, những việc mọi người làm đều khác nhau. Sự tương tác khác nhau của các nhân vật trong ảnh là những tấm thẻ hình ảnh tốt nhất để dạy trẻ nhận biết các nhân vật trong ảnh và đặc điểm khuôn mặt của họ. Trẻ có thể học điều đó khi được 10-11 tháng tuổi.
Chúng tôi đã đề cập trước đây rằng ngoài việc để trẻ nhận dạng các đặc điểm khuôn mặt của chính mình, cũng cần để trẻ nhận biết các đặc điểm trên khuôn mặt của người khác, những người lớn tuổi hơn và những người trẻ tuổi hơn, để trẻ nhận ra các đặc điểm khuôn mặt có ngũ quan lớn nhỏ khác nhau. Khi kết bạn với người khác, cả hai cần có những chủ đề chung và đặc điểm chung, như thế, trẻ mới cảm nhận được sự đồng cảm. Trong quá trình giao tiếp, cả hai sẽ phát hiện ra mình có những điểm chung. Khi có những điểm chung rồi, cả hai có thể tạo ra những tương tác kết nối tinh thần cao hơn và sâu hơn.
Một điểm quan trọng nữa cần phải nhắc nhở mọi người rằng, những bức ảnh chúng ta chụp và sau đó rửa từ studio ảnh có chứa rất nhiều hóa chất. Chúng ta có thể bao ảnh lại để trẻ và người lớn không bị nhiễm độc khi xem. Bởi vì, trong đó có quá nhiều chất phụ gia hóa học gây hại cho sức khỏe. Bạn hãy thử sử dụng phương pháp này và sưu tầm thật nhiều ảnh để biến nó thành những tấm thẻ hình đầu tiên và tốt nhất có tính giáo dục cho trẻ. (Còn tiếp)
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 65