Khóa học dành cho cha mẹ (P.63): Cha tốt hơn hay mẹ tốt hơn?
Mời quý vị đón đọc Loạt bài viết “Khóa học dành cho cha mẹ”
Lần trước chúng ta nói về việc trêu chọc trẻ. Có rất nhiều cách trêu chọc chưa đúng, trong đó có người sẽ hỏi trẻ: “Con thích cha hơn hay thích mẹ hơn?” Nhất là khi trẻ mới tập nói, loại câu hỏi như vậy sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến trẻ? Đây là một câu hỏi tốt, hay là một câu hỏi không tốt?
(Cô Trần) Những câu hỏi như vậy, trẻ con rất khó trả lời. Bạn muốn trẻ trả lời thế nào? Khi trẻ được 10 tháng tuổi có người đã hỏi câu hỏi như thế. Vì vậy, như chúng tôi đã nói trước đây, những người lớn xung quanh thực sự cần chú ý đến lời nói của mình. Đối với những ai có cơ hội xem chương trình của chúng tôi, cô Trần thực sự muốn khuyên các bạn ngừng đặt những câu hỏi khiến trẻ khó xử. Chúng ta cần thực hiện vấn đề này một cách nghiêm túc.
Nếu có người hỏi những câu như vậy, họ cũng chưa xem chương trình của chúng ta. Vậy khi đó chúng ta cần làm thế nào? Đó có thể là khách, thành viên trong gia đình, hay thậm chí là chính cha mẹ trẻ. Cha mẹ có thể ít nhiều muốn so sánh bản thân để nhận được lời khen ngợi và khẳng định từ người khác. Nếu người bên cạnh nghe thấy câu hỏi này, hãy trả lời thay trẻ rằng, “cả hai đều tốt,” không cần đợi trẻ trả lời.
Bắt đầu đưa ra các quy tắc khi trẻ được 10 tháng tuổi
“Cha tốt hơn hay mẹ tốt hơn?” Câu hỏi này có thể kéo dài cho đến khi trẻ học tiểu học. Trẻ lớn lên không phải là điều dễ dàng. Đến 10 tháng tuổi, trẻ đã có khả năng phân biệt giữa người lạ và người quen. Khi nhìn thấy người lạ, trẻ sẽ ôm chặt người quen, thậm chí có thể giấu mặt đi.
Ngoài ra, trong thời kỳ này, trẻ sẽ phát triển một khả năng rõ ràng – tìm một món đồ chơi nào đó. Chẳng hạn như món đồ thường chơi được cố tình đặt trong đống đồ chơi, trẻ có thể tìm thấy nó và phân biệt được rõ ràng. Lúc này, điều trẻ thực sự cần là việc rèn luyện các quy tắc. Bởi vì khi trẻ có khả năng phân biệt, bạn mới có thể đặt ra các quy tắc. Nếu trẻ ngay cả cái này, cái kia cũng không phân biệt rõ ràng được thì bạn cũng không cách nào để đặt ra quy tắc.
Khi trẻ có thể phân biệt, nếu bạn đặt câu hỏi “Con thích cái này hay cái kia?” “Con thích cha hay thích mẹ?” thì bạn đang dẫn trẻ đến một dấu hiệu sai lầm về sự phân biệt đối xử. Trong thời gian năm, sáu năm sau đó, trẻ con vẫn là trẻ con, và trẻ cũng có tính lười. Trước đây ở Phúc Kiến có câu: “Dưa hấu nên chọn trái to,” có nghĩa là khi chọn dưa hấu, mọi người đều thích chọn trái to. Đây là hiện tượng phổ biến, bên nào tốt thì ở lại bên đó, ở đâu thoải mái thì chọn ở đó. Đương nhiên, trẻ con cũng có tính lười đó.
Cho nên khi trẻ còn quá nhỏ, chúng ta buộc con phải lựa chọn, bạn nghĩ trẻ chọn như thế nào? Trẻ sẽ bắt đầu quan sát cha mẹ, xem xem ai dễ tính hơn thì gần gũi người đó hơn. Làm thế nào để nuôi dạy một trẻ em ngoan, để có được những quy tắc tốt thực sự không phải dễ dàng! Bởi vì trẻ sẽ phát hiện nếu bạn ít kỷ luật hơn, thoải mái hơn và mua kem cho trẻ ăn, thì trẻ sẽ nói “Mẹ tốt hơn!” Trẻ sẽ nói những điều tốt đẹp về người đó. Đây không phải con đường bạn dẫn trẻ đi sao?
Cha mẹ và ông bà cùng nhất trí một hướng
Khi chúng ta nói “mọi thứ đều ổn,” vậy hãy mời cha mẹ, ông bà cùng nhất trí một hướng. Khi đặt ra các quy tắc, mọi người hãy cùng nhau bàn bạc. Ví dụ, nếu bây giờ dọn dẹp đồ chơi thì chúng ta sẽ tạo cho trẻ một hoàn cảnh tốt, hoặc thiết lập quy tắc rằng đồ chơi có thể được trả lại vị trí ban đầu, các quy tắc có thể bắt đầu từ khi trẻ được 10 tháng tuổi. Mặc dù trẻ không tự đi lại nhưng bạn có thể bế trẻ. Khi đồ chơi chuẩn bị được cất đi, bạn nói với trẻ: “Con yêu, quả bóng này phải được đặt vào chỗ này…” Trẻ đã có thể hiểu một cách rõ ràng rồi.
Trong cuộc sống hàng ngày, những người lớn xung quanh chúng ta cũng phải tuân theo cùng một nguyên tắc. Vì vậy, không cần thiết phải đặt ra quá nhiều quy tắc. Dù chỉ có một quy tắc là đem đồ chơi cất về chỗ cũ thì mọi người đều cần có cùng thái độ và nguyên tắc. Bạn có thể nắm lấy đôi bàn tay của trẻ rồi đặt đồ chơi vào đúng vị trí. Người lớn có thể vui vẻ khen ngợi và để trẻ nhận ra rằng trẻ đã có đóng góp. Bởi vì trẻ có thể sớm đứng lên, rất nhiều trẻ có thể đứng lên vào một tháng sau đó rồi. Lúc này, hãy đặt ra quy tắc tốt này, và cho trẻ biết rằng những quy tắc tốt có thể mang lại niềm vui cho người khác. Hãy nhớ một triết lý mà chúng ta đã nói đến trước đây: Những thứ đẹp đẽ sẽ luôn thu hút mọi người, hãy luôn giữ sự nhiệt huyết chia sẻ với mọi người. Nếu bạn chia sẻ một chút niềm vui nhỏ bé, sự chia sẻ của bạn cũng sẽ truyền cảm hứng cho sự ham học hỏi của người khác, và người khác sẽ thấy rằng điều đó rốt cuộc không khó đến thế.
Tôi thích làm một vài món mời mọi người cùng ăn. Tôi nhớ hồi đại học, tôi có một bạn nam học rất xuất sắc. Có lần khi cậu ấy đang ăn món tôi làm, cậu ấy nói: “Khi tôi ăn, tôi thường làm rơi hạt cơm ra khắp bàn. Hy vọng sau này khi có con, tôi có thể dạy con những quy củ từ khi còn nhỏ.” (Người dẫn chương trình) Cậu ấy đã nhận thức ra điều này rồi, mà vẫn không thể thay đổi được ạ? (Cô Trần) Không có ai hướng dẫn cậu ấy về phương diện này. Có lẽ hoàn cảnh lúc đó cho rằng việc học tập là quan trọng nhất, những khía cạnh này của cuộc sống đã bị bỏ qua. Khi lớn lên, chỉ cần trong những dịp quan trọng, cậu ấy lo lắng thì những phần công việc phối hợp không được tốt sẽ lộ ra.
Dưỡng thành quy tắc tốt trên bàn ăn ngay từ khi còn nhỏ
(Người dẫn chương trình) Về phương diện này, cô Trần có rất nhiều kinh nghiệm. Chẳng hạn như khi mọi người tìm con rể, con dâu, đối tác kinh doanh … chỉ cần thông qua lễ tiết trên bàn ăn, họ đã hoàn thành việc quan sát bạn và đưa ra quyết định có hợp tác với bạn hay không. Vì vậy, những thói quen sinh hoạt nhỏ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sau này của bạn.
(Cô Trần) Tôi đã giúp một số người đi xem mặt hoặc phỏng vấn cho nhiều công ty. Trong số đó, lễ tiết ăn uống là rất quan trọng. Tôi nhớ cha đã dạy dỗ tôi rất tốt. Ông nói, mỗi lần mở nồi cơm ra, việc đầu tiên không phải lập tức múc thêm cơm cho mình, mà quan trọng nhất là cầm muỗng xới cơm và xoay từ vòng ngoài vào trong. Bởi vì cơm ở giữa ngon nhất, nhưng phần cơm ở bên ngoài sẽ khô hơn và không được ngon bằng, nên người ta thường có thói quen múc cơm ở giữa. Trong một gia đình lớn hay một công ty lớn, không phải ai cũng ăn cơm cùng lúc với nhau. Họ đến rồi đi, cơm ở vòng ngoài sẽ không có ai ăn.
Tôi đã từng sử dụng thói quen sinh hoạt nhỏ này và triết lý đằng sau nó để tiến hành khóa đào tạo cuối năm cho một công ty. Triết lý này là – tôi sẵn sàng chia sẻ những điều tốt đẹp với mọi người, và tôi sẵn sàng ngăn chặn mọi việc trước khi chúng xảy ra. Có hai triết lý đằng sau cử chỉ nhỏ này.
Bạn có nghĩ về người khác trong khi ăn không?
Một lần, tôi được một công ty lớn mời đến đào tạo nhân viên vào dịp cuối năm. Vào ngày đầu tiên, tôi đã đưa ra một yêu cầu đặc biệt là không ai được đến đón tôi trong giờ ăn trưa và mọi người nên đi ăn sau giờ học. Hôm đó, tôi là người cuối cùng vào quán. Lúc đang ăn, tôi nhờ trợ lý chụp ảnh. Tôi bảo anh ấy chụp gì thì anh ấy chụp đó. Trong lớp chiều hôm đó, tôi lấy ra những bức ảnh chụp buổi trưa. Bức ảnh đầu tiên là cơm và đồ ăn bữa trưa hôm đó. Tôi hỏi mọi người: “Những thứ này từ đâu đến?” Có người trả lời: “Từ nhà hàng.” “Nó đến từ đâu trong nhà hàng?” Mọi người trả lời: “Từ trong nồi và đĩa.” Tôi nói không phải. Thế là, tôi lấy bức ảnh thứ hai ra. Trong bức ảnh có rất nhiều cơm rơi ra khỏi nồi và rau rơi ra khỏi đĩa. Tôi nói tôi đã nhặt bỏ chúng vào bát và đĩa của mình. “Tôi đã ăn những thứ này, những thứ mà mọi người không muốn ăn.”
Trên thực tế, đây là cách giáo dục bằng thân giáo. Triết lý đằng sau công việc bạn làm là phục vụ người khác. Khi bạn không thể đối mặt với những khuyết điểm của những người bạn phục vụ, bạn sẽ khó cung cấp dịch vụ hoàn hảo, và khi đó việc bán hàng sẽ rất vất vả. Bức ảnh thứ ba là một nồi cơm lớn, vòng cơm ở giữa đã biến mất, để lại một lỗ lớn. Sau đó, tôi chia sẻ với mọi người triết lý mà cha đã dạy cho tôi.
Tôi hỏi: “Vậy vấn đề lớn nhất của công ty này nằm ở đâu?” Khi đó, mọi người đều kinh ngạc, bởi vì công ty đã thuê nhiều chuyên gia quản lý kinh doanh và thiết lập cho họ nhiều hệ thống tốt, cũng cho phép họ tham gia nhiều khóa học về các mặt. Nhưng vấn đề là họ chưa cởi lòng và chưa thiết lập được mối quan hệ chia sẻ giữa mọi người, sau đó quan tâm đến tâm trạng, tâm lý và nhu cầu của người khác bất cứ lúc nào. Vì vậy, nếu cứ khăng khăng đạt được những mục tiêu đó thì sẽ hơi khó khăn và thiếu tự nhiên. Đó chỉ là giả vờ cho người khác xem mà thôi, không thể đánh lừa được con mắt khách hàng. Mọi người đã nhận ra, khi làm công việc này, họ không quan tâm đến đồng nghiệp mà chỉ nghĩ đến việc mình có thể kiếm được bao nhiêu tiền.
Thành thật mà nói, công ty đó đã kiếm được rất nhiều tiền trong những năm qua, nhưng chi phí quá cao, hiệu quả và lợi ích vẫn chưa mang lại được như mong muốn. Thực tế, họ có thể thu được lợi nhuận nhiều hơn, nhưng họ không tìm được cách. Cuối cùng, tôi cũng phát hiện ra rằng “lòng người không cải biến.” Ngày thứ ba, mọi người nắm tay nhau, xếp thành vòng tròn để bày tỏ những tâm tư sâu kín nhất. Có người bày tỏ những suy nghĩ của mình về đồng nghiệp mà họ đã kìm nén suốt 30 năm. Có thể trong mắt người khác thì đó không phải là vấn đề gì to tát, nhưng nếu trong lòng có những thứ không thể giải tỏa và không thể vượt qua được thì nó sẽ đọng lại trong lòng bạn rất lâu. Lúc ấy, cuối cùng mọi người cũng đã mở lòng nói ra, cởi bỏ những nút thắt trong lòng nhau. Có lẽ lúc đó họ không biết mình đã làm tổn thương người khác. Thông qua sự hướng dẫn, họ đã nói ra sự việc và loại bỏ vật chất màu đen trong trái tim họ. Sức mạnh của toàn đội đã hoàn toàn khác. Giống như chúng ta không biết cách hỏi: “Con thích cha hơn hay mẹ hơn?” Những câu hỏi như vậy thực sự có thể làm tổn thương trẻ. Đạo lý tương tự như vậy. (Còn tiếp)
Mời quý vị xem video “Khóa học dành cho cha mẹ” – Tập 63