Những người có đức tin nói rằng họ tìm thấy lời giải trong bài viết ‘Vì Sao Có Nhân Loại’
Ông Dennis Hansinger luôn cảm thấy sự hiện diện của Chúa và thường đi tìm hiểu về điều đó. Câu trả lời mà ông thường nhận được là hãy đi đến nhà thờ, và tin vào “một vị cao niên râu quai nón ở trên trời,” ông kể. “Nhưng điều đó không khiến tôi hài lòng suốt nhiều năm qua.”
“Tôi luôn cảm thấy có Thần [đang hiện diện], và tôi không rõ lắm tại sao mình lại thấy như vậy. Nhiều năm qua tôi cảm nhận được có điều gì đó đang hiện hữu, điều gì đó vượt ra ngoài không gian mà chúng ta đang sống đây,” ông chia sẻ.
Ông đã chấn động khi đọc bài viết “Vì Sao Có Nhân Loại” do Đại Sư Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công công bố.
“Những điều mà tác giả nói đến rất chân thực đối với tôi,” nhà tư vấn bảo hiểm về hưu Hansinger cho hay.
Sau khi đọc bài viết này, ông Hansinger đã đặt mua một ấn phẩm khác của Đại Sư Lý, “Chuyển Pháp Luân”, cuốn sách chính của Pháp Luân Công. Ông đã dành một tuần để đọc kỹ cuốn sách này và nhận lời mời phỏng vấn của The Epoch Times khi đã đọc được phân nửa cuốn sách.
“Chính bài viết “Vì Sao Có Nhân Loại” đã chỉ ra cho tôi một hướng đi mà tôi cảm thấy rất quen thuộc,” ông nói. “Tôi thấy rất thoải mái với hướng đi mà bài viết đang dẫn tôi, có gì đó tôi không hoàn toàn cắt nghĩa được.”
“Các khái niệm trong cuốn sách “Chuyển Pháp Luân” rất có ý nghĩa với tôi. Tôi tin rằng vũ trụ này vượt xa tầm hiểu biết của chúng ta, kỳ thực [những gì chúng ta biết] dường như chỉ là một phần rất hữu hạn so với những gì có thể ở bên ngoài kia. Và tôi cũng biết được điều đó khi đọc bài viết ‘vì Sao Có Nhân Loại,’” ông chia sẻ.
Ông Hansinger đã rất xúc động trước “ý tưởng rằng chúng ta nên theo đuổi chân [và] thiện, bởi vì điều đó không chỉ có ích cho người khác, mà còn có ích cho chính chúng ta. Tôi luôn nghĩ rằng mình đang đối xử tử tế với mọi người, tôi tin là như vậy, nhưng tôi không thực sự hiểu tôi cảm thấy như thế nào,” ông nói. “Tôi nghĩ cuốn sách này đưa tôi đến với nhiều quan điểm khác nhau — không hẳn là khác, mà là rõ ràng hơn.”
“Tác giả cuốn sách này là một vị Thầy, và tôi cần một vị Thầy để đến được nơi tôi muốn đến. Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể tự mình làm được điều đó,” ông bộc bạch.
“Cuốn sách này hết sức rõ ràng. Thực sự sâu sắc và một số điều trong đó rất uyên thâm, cần được hiểu rõ,” ông nói. “Tôi đang tìm hiểu và cố gắng hình dung tất cả mọi thứ một cách khách quan mà tôi có thể chấp nhận và liễu giải được.”
Ông Hansinger cho biết ông được nuôi dạy là một tín đồ Cơ Đốc, nhưng “điều đó không dành cho tôi.” Ông muốn sống ngay chính, có mối liên hệ với Thần, và cũng từng thử vài phương pháp khác. Ông kể, trong nhiều năm ông là Giáo hội Trưởng lão (một nhánh Kháng Cách có nguồn gốc từ đảo Anh, đặc biệt là Scotland,) và phụng sự [nhà thờ] với tư cách là bậc trưởng bối, nhưng “điều đó cũng không dành cho chúng ta. Cảm giác như vai trò đó đang dẫn dắt tôi trong khi tôi không cần dẫn dắt vậy.”
Tuy nhiên, ông cảm nhận được các bài viết của Đại Sư Lý là rất cần thiết về mặt tinh thần, và ông thấy cần phải chia sẻ khám phá của mình với những người khác, những người có thể được thọ ích như ông.
“Sau khi tôi đọc xong cuốn sách này, tôi nhất định sẽ truyền lại cho người khác, và yêu cầu họ tiếp tục lan tỏa. Và tôi sẽ không trao sách cho ai không bảo đảm với tôi điều đó, tôi sẽ tìm kiếm một người sẵn lòng đón nhận,” ông nói. “Tôi hy vọng mọi người có thể đạt tới mức hiểu rõ ý nghĩa về nhân loại, nhân loại đã ở đây bao lâu rồi, ý nghĩa đằng sau điều này là gì? Tôi không chắc mình biết, nhưng tôi nghĩ điều đó đáng để suy ngẫm.”
“Tôi muốn sống cuộc đời này như là người tốt nhất mà tôi có thể, giúp những ai có thể giúp, và tin tưởng rằng thế giới của Thần luôn tồn tại ở đó,” ông nói. “Đó là điều mà tôi chưa từng trải qua và cũng không có ai quay lại để kể cho tôi về điều đó, tôi chỉ cảm thấy nó chắc chắn hiện diện ở đó, cũng giống như tôi có thể [cảm thấy] những gì trong hình hài nhân loại này.”
Ông đã chia sẻ bài viết “Vì Sao Có Nhân Loại” với con trai mình, ban đầu con trai ông đã hỏi liệu bài viết này có liên quan đến một giáo phái nào đó ở Trung Quốc không. Sau đó, ông Hansinger đã gửi bức ảnh về cuốn sách Chuyển Pháp Luân cho con trai, và cậu đã hồi âm rằng, “Thật là điểm bắt đầu tuyệt vời.”
“Dù sao thì con trai tôi cũng là người có suy nghĩ rất cởi mở, nhưng tôi nghĩ việc này đã khai mở cho con tôi về những gì đang xảy ra ở Trung Quốc,” ông Hansinger cho hay.
Pháp Luân Công là gì?
Pháp Luân Công còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần kết hợp giữa thiền định và các bài tập [động công] nhẹ nhàng cùng triết lý đạo đức xoay quanh các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn.
Pháp Luân Công được phổ truyền ở Trung Quốc vào những năm 1990, và chỉ trong một thập niên, ước tính có khoảng 100 triệu người đã theo tập pháp môn này. Năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát động một chiến dịch đàn áp quy mô lớn đối với các học viên Pháp Luân Công, bao gồm cả tuyên truyền thù hận và mở rộng kiểm duyệt sang phương Tây. Ngày nay, người dân ở hơn 100 quốc gia trên khắp thế giới đang tu luyện Pháp Luân Công.
Trước khi cộng sản giành chính quyền vào năm 1949, nền văn minh Hoa Hạ đã có truyền thống và đức tin sâu sắc. Khái niệm “tu luyện tinh thần” hay “tu tâm tính” đã thấm sâu trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, vốn tiếp thụ rất nhiều từ Phật giáo, Đạo giáo, và Nho giáo.
Đại Sư Lý đã bốn lần được đề cử giải Nobel Hòa Bình và được Nghị viện Âu Châu đề cử Giải thưởng Sakharov về Tự do Tư tưởng. Ngài cũng là người nhận Giải thưởng Tự do Tôn giáo Quốc tế của Tổ chức Freedom House.
Vào đêm giao thừa của Tết Nguyên đán vừa qua, The Epoch Times đã đăng tải bài viết “Vì Sao Có Nhân Loại” của Đại Sư Lý.
Mưu cầu Đức hạnh
Rất nhiều độc giả của bài viết này đã bày tỏ hy vọng [của mình]. Họ chia sẻ rằng họ cảm thấy nhân loại từ khi mới sinh ra đã có nguyện vọng làm người tốt và được trở về với Đấng Sáng Thế Chủ. Một số độc giả còn trải qua hàng thập niên tìm kiếm câu trả lời [cho câu hỏi] làm sao để đạt được điều này, mục đích của đời người là gì, và chân tướng của vũ trụ ra sao. Trong quá trình tìm kiếm ấy, họ phát hiện ra rằng không một chính giáo nào có thể trả lời tất cả các câu hỏi của họ.
Nhưng họ cũng bày tỏ rằng, trong hành trình nhiều năm miệt mài tìm kiếm trí huệ, thường thì những điều cơ bản nhất của các tôn giáo đều giống nhau, và quý vị có thể tìm thấy tất cả những điều đó trong bài viết “Vì Sao Có Nhân Loại.”
Ông Mike Sorge là một nhà điêu khắc, vào mỗi buổi sáng ông đều dành một tiếng để nghiên cứu các triết lý tư tưởng hoặc tôn giáo.
“Tôi thường bị cuốn đi và cuối cùng là mất thêm hai hoặc ba giờ nữa,” ông nói. “Tôi tìm kiếm trí huệ từ tất cả các nền văn hóa, tự cổ chí kim, tôi sưu tầm được hàng chục ngàn câu trích dẫn về sự thông thái và sắp xếp chúng theo các chủ đề về đức hạnh.”
Hành trình tìm kiếm của ông bắt đầu từ hàng chục năm trước, đúng vào khoảng thời gian ông chuyển từ công việc kinh doanh sang việc dành toàn bộ thời gian cho nghệ thuật. “Tôi muốn trở thành một người tốt hơn và thông tuệ hơn,” ông nói. Quá trình tìm kiếm của ông đã tạo ra một kho dữ liệu lớn các bài viết mà ông cảm thấy có thể tóm gọn trong hai từ là: “đức hạnh và tự do.”
“Nếu quý vị nghiên cứu về phạm vi và chiều sâu của đức hạnh, thì đầu tiên quý vị sẽ thấy là tất cả những điều kỳ diệu này đều được giảng dạy ở hầu hết các tôn giáo lớn, tôi đang nói về sự dũng cảm, thiện lương, lòng biết ơn, sự thành tín, lòng bao dung, hy vọng, lòng bác ái, lẽ phải, danh dự, và sự khiêm cung, tất cả những điều này,” ông nói. Nghiên cứu của ông Sorge xoay quanh đạo đức, và các nền văn hóa cùng các tôn giáo khác nhau dạy những cách sống và thực hành những đức hạnh này khác nhau.
“Trong thâm tâm, tôi muốn được học hỏi, tôi muốn hiểu rõ hơn tại sao chúng ta gặp phải tất cả những vấn đề này trong cuộc sống,” ông giãi bày.
Khi ông Sorge đọc bài viết “Vì Sao Có Nhân Loại,” ông thấy rằng bài viết này thật tuyệt vời.
“Ba nguyên lý cơ bản của Pháp Luân Công đều hết sức kỳ diệu và cần thiết để thành công trong cuộc sống. Đó là những mỹ đức mà mỗi người nên cố gắng tuân theo,” ông nói. “Những lời giảng trong Pháp Luân Công nên được khuyến khích trong tất cả các chính giáo … các nguyên lý đạo đức của Pháp Luân Công là hoàn toàn đúng đắn để nhân loại hồi thăng.”
‘Vì sao chúng ta có mặt ở đây?’
Ông Jim Lynch là một quân nhân hồi hưu. Ông cũng mất nhiều năm để đi tìm những câu trả lời thuộc về tâm linh. Năm nay đã 74 tuổi, ông Lynch cho biết ông từng dành nhiều năm trong quân đội để sưu tầm những cuốn sách mà không phải lúc nào ông cũng có thời gian để đọc, và bây giờ khi có khoảng thời gian hưu trí lành mạnh, ông vẫn đều đặn làm việc với hơn 1,000 cuốn sách.
“Ngay từ khi còn nhỏ tôi đã luôn muốn biết tại sao mình được sinh ra — mục đích [tôi đến thế giới này] là gì? Tại sao chúng ta ở đây? Chúng ta rồi sẽ đi về đâu?” ông bộc bạch. “Và cuối cùng tôi nhận ra rất nhiều người không muốn nói về điều đó hoặc không thể nói … Tôi thì vẫn rất quan tâm. Và thật thú vị, khi tôi còn trẻ, tôi luôn biết rằng sau này trong cuộc đời mình, tôi sẽ có thời gian để chiêm nghiệm rõ hơn về những chủ đề này… cuộc sống và mục đích của nhân sinh.”
Ông Lynch cho biết ông đã đọc bài viết của Đại Sư Lý nhiều lần, và khi đọc lại ông càng hiểu rõ hơn.
“Tôi nghĩ rằng [bài viết] khiến [độc giả] suy ngẫm về lý do tại sao chúng ta ở đây và chúng ta sẽ đi về đâu, điều đó rất quan trọng,” ông nói. “Tôi nghĩ bài viết đang giải thích cho mọi người rằng nghiệp lực, hoặc làm việc thiện giúp người là mang lại phúc báo vĩnh hằng cho chính họ.”
“Tôi nghĩ bài viết này giúp lý giải vấn đề đó. Đây chỉ là quan điểm của tôi, nhưng còn có điều gì có thể quan trọng hơn chủ đề tại sao chúng ta được sinh ra, tại sao chúng ta ở đây, và chúng ta rồi sẽ đi về đâu?” ông bày tỏ. “Cách sống tốt nhất là gì? Và [nội dung bài viết] đại ý đã cho biết rằng: hãy là người tử tế, và giúp đỡ mọi người.”
Ông Randy Brinson là một chuyên gia huấn luyện cuộc sống. Ông đã dành cả sự nghiệp để giúp đỡ mọi người cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất của chính họ. Ông cũng giống như nhiều độc giả khác, nghĩ rằng con người từ khi sinh ra đã muốn làm người tốt. Nhưng vấn đề là thời nay những người trẻ tuổi không còn được dạy trí tuệ thiết yếu này nữa, ông nói thêm.
Ông nói thế giới này đã đi chệch hướng quá xa, và những tác động tích cực cần phải đến được với những người trẻ tuổi nếu muốn thế giới quay trở về đúng quỹ đạo. Vậy nên khi nhận được bài viết “Vì Sao Có Nhân Loại”, ông Brinson cho biết ông nghĩ rằng “điều này thật tuyệt vời!” bởi vì bài viết bao hàm những gì mà giới trẻ cần được biết.
“Tôi nói, đây là một bài viết hay, và tôi nghĩ có lẽ mọi học sinh trung học đều nên đọc bài viết này, và hãy đọc đi đọc lại,” ông nói. “Bài viết nói về lối tư duy, hoặc những ưu tiên mà những ai có thể duy trì, nhận thức ra, và kiên định với những niềm tin đó thì đều thực sự có được cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc, tự do … và có những đóng góp quan trọng cho xã hội cũng như những người xung quanh họ.”
“Tôi nghĩ rằng Đại Sư Lý có thể tạo nên sự khác biệt,” ông Brinson nói.
Bà Mary Novoselski là một nhân viên chính phủ hồi hưu. Bà nói rằng đã có lúc trong cuộc đời mình, bà đã mất niềm tin và sau đó mới quay lại. Đây là cách giúp bà hiểu rằng con người “được bao bọc trong đức tin”. Bạn không thể làm người nếu không có đức tin.”
Cách đây nhiều thập niên, trong khi đang phải vượt qua giai đoạn khó khăn trong cuộc đời, bà Novoselski đã bắt đầu nghiên cứu về các tôn giáo, chủ yếu là Kinh thánh, và củng cố đức tin của bà vào Đấng Sáng Thế Chủ, cũng như sự hiểu biết của bà rằng có nhiều điều khác vượt ra ngoài thế giới trần tục này. Trong sáu năm về hưu, bà nói rằng bà đã đọc và nghe rất nhiều trên chương trình podcast.
Sau khi bà Novoselski đọc bài viết “Vì Sao Có Nhân Loại”, [tâm trí bà] giống như bóng đèn được thắp sáng lên. Bà nghĩ “đây là toàn bộ những gì đang xảy ra trên thế giới này. Điều này hoàn toàn phù hợp cho giai đoạn hiện nay.”
“Về cơ bản, bài viết giải thích vì sao mỗi người trở thành như hiện nay. Đây là lý do vì sao chúng ta ở trong tình trạng như lúc này,” bà nói. “Đại Sư Lý giải thích mọi thứ, tại sao những điều đó lại xảy ra, và cuối cùng bài viết mang đến cho bạn tia hy vọng, có điều gì đó tốt hơn ở bên kia. Không phải ở đây.”
“Sẽ có nhiều biến động, sẽ có nhiều vấn đề. Sẽ có những thử thách, sẽ có những khó nạn. Nhưng cũng luôn có những điều tốt lành. Cái thiện luôn chiến thắng cái ác. Chỉ là cần thời gian. Tôi có thể không nhìn thấy điều đó trong cuộc đời mình. Nhưng tôi sẽ nguyện cầu cho tương lai của bọn trẻ. Quý vị không thể chỉ nhìn vào chính mình ở đây ngay lúc này,” bà nói. “Quý vị phải nhìn vào những gì sẽ xảy ra trong tương lai một trăm năm tới kể từ lúc này. Sự hủy diệt và mọi thứ đang xảy ra, đó là một sự tích tồn. Nó sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều.”
Mai Hoa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times