‘Tin tưởng vào Chúa, nhưng cũng hãy buộc chặt con lạc đà’: Ngạn ngữ về đức tin và trách nhiệm
Yếu tố cổ xưa và hiện đại hòa quyện trong câu ngạn ngữ này đã lưu lại cho chúng ta một số hiểu biết quý giá.
Nếu bạn đang đọc bài viết này, rất có thể bạn không sở hữu chú lạc đà nào. Xin bày tỏ lòng khâm phục đến những độc giả có lạc đà!
Câu ngạn ngữ cổ xưa này gợi lên những suy ngẫm về lòng khiêm tốn. Nó đề cập đến câu hỏi khi nào đức tin đi quá giới hạn và trở thành [trạng thái] thiếu trách nhiệm, một điều rất thú vị để suy ngẫm.
Ngày nay, hầu hết chúng ta có lẽ không chật vật nhiều với những câu hỏi này, vì nhiều người thời nay, dù có đức tin hay không, đều chỉ làm theo cách mà phần còn lại của thế giới đang làm và không trông chờ sự can thiệp của Thần linh vào cuộc sống thường nhật của họ. Tuy nhiên đôi khi, đức tin có thể bắt đầu tiến triển sang phạm vi của sự thiếu trách nhiệm, và ranh giới này quả thực là một câu hỏi hóc búa.
Đó chính xác là những gì mà câu ngạn ngữ “Tin tưởng vào Chúa, nhưng cũng hãy buộc chặt con lạc đà” đề cập đến.
Câu ngạn ngữ đặc biệt này bắt nguồn từ đâu?
Câu ngạn ngữ “Tin tưởng vào Chúa, nhưng cũng hãy buộc chặt con lạc đà” bắt nguồn từ — bạn đoán đúng rồi — thế giới Ả Rập cổ xưa. Tuy nhiên, trí huệ trong câu nói này đã khiến nó trở nên phổ biến trong nhiều ngôn ngữ và nền văn hóa theo thời gian.
“Con lạc đà cần buộc chặt” của bạn là gì? Đó có phải phương tiện đi lại của bạn? Cơ thể của bạn? Răng của bạn? Ngôi nhà của bạn? Các mối quan hệ chăng? Suy cho cùng thì, mọi thứ đều cần được “buộc chặt,” nghĩa là những điều này cần được chăm sóc, quản lý, và giữ an toàn. Và đó chẳng phải là sự tôn kính tối thượng đối với những gì Thượng đế đã tạo ra và ban tặng [cho chúng ta] sao?
Câu ngạn ngữ này du nhập vào Anh ngữ như thế nào vẫn còn là điều khó xác định. Tài liệu tham khảo lâu đời nhất về một câu ngạn ngữ tương tự trong văn học Anh bắt nguồn từ một bài thơ ra đời năm 1834 của thi hào William Blacker. Ông đã ghi lại lời của vị chính khách người Anh (lúc bấy giờ là tướng) Oliver Cromwell nói với binh lính của mình: “Hãy tin tưởng vào Chúa, các chàng trai của ta, và giữ cho thuốc súng luôn khô ráo!” Câu nói này đôi khi được rút gọn thành “Hãy tin vào Chúa và giữ cho thuốc súng luôn khô ráo,” hoặc đơn giản là “Giữ thuốc súng luôn khô ráo” để có thể bắn chính xác.
Tướng Cromwell chú trọng tuyển mộ những người lính có lòng kính Chúa, nhưng đồng thời, ông cũng nghiêm khắc trong việc kỷ luật và huấn luyện họ. Điều này thể hiện qua câu châm ngôn “Hãy tin vào Chúa, nhưng …”
Công lao từ quốc phụ Benjamin Franklin
Một phiên bản tương tự và có lẽ phổ biến hơn của quan niệm này là “Chúa giúp những ai biết tự giúp mình.” Ý tưởng ở đây là: Hãy hoàn thành phần việc của bạn, và bạn nên là người chủ động, rồi bạn sẽ nhận được sự trợ giúp từ thiên thượng.
Dưới đây là một bài thơ trào phúng vui nhộn của Scotland minh họa cho ý tưởng này:
Hắn là tên trộm mập mạp cường tráng,
Kẻ cho rằng, “Làm thế thì chẳng sai đâu,
Mở rương và lục kệ [là chuyện thường],
Vì Chúa giúp những ai biết tự giúp mình.
Nhưng khi hắn đứng trước quan tòa
Trơ trẽn đứng lên bào chữa điều tương tự,
Thẩm phán đáp: “Điều đó rất đúng;
Anh đã tự giúp mình — giờ thì là Chúa giúp anh!”
Trước thế kỷ 18, có rất nhiều cách cách diễn đạt ý tưởng này. Tác giả John Baret tuyên bố trong cuốn sách “An Alvearie” năm 1580 rằng “Thiên Chúa giúp đỡ những ai siêng năng trong công việc của họ.” Và trong cuốn “Jacula Prudentum” ra đời năm 1640, giáo sỹ George Herbert khuyên nhủ rằng: “Hãy tự giúp mình, và Chúa sẽ giúp anh.”
Tuy nhiên, mãi cho đến năm 1736, khi cuốn “Poor Richard’s Almanack” (Niên Lịch về Chàng Richard Nghèo Khổ) của quốc phụ Benjamin Franklin ra đời, thì phiên bản hiện đại của câu ngạn ngữ “Chúa giúp những ai biết tự giúp mình” mới được ghi lại.
Một niềm tin cổ xưa và phổ quát
Đôi khi các ghi chép cổ xưa cũng nhấn mạnh ý tưởng rằng sự trợ giúp từ thiên thượng phụ thuộc vào tâm thái sẵn sàng hành động của chúng ta. Ví dụ như, truyện ngụ ngôn của Aesop “Hercules and the Waggoner” (Hercules và Người Đánh Xe) từ khoảng năm 570 trước Công Nguyên đã minh họa sống động cho khái niệm này. Trong truyện, người đánh xe thấy xe của mình bị lún trên con đường bùn lầy, và thay vì tự mình giải quyết rắc rối, anh ta lại cầu Thần Hercules vĩ đại đến giúp. Thần Hercules hiển linh trước mặt anh ta và hướng dẫn người đánh xe cố dùng sức tì vai vào sau bánh xe và thúc bò của mình tiến về phía trước. Thần Hercules đã nghiêm khắc quở trách, cảnh báo người đàn ông đừng tìm ngài giúp đỡ nữa trừ phi trước đó anh đã tự mình nỗ lực hết lòng.
Trong các ngôn ngữ Âu Châu khác cũng có những câu ngạn ngữ tương tự truyền tải bản chất của việc tự lực cánh sinh so với việc dựa dẫm vào Thần. Người Pháp nói, “Chúa không bao giờ xây cầu cho chúng ta, nhưng Ngài ban cho chúng ta đôi tay này,” và người Tây Ban Nha thì cảnh báo, “Trong khi đợi nước [mưa] từ trên trời, đừng ngừng tưới tiêu.”
Một góc nhìn khác
Vậy nên từ tất cả những câu thành ngữ, hoặc tục ngữ này, rõ ràng là chúng ta cần phải nhận lãnh trách nhiệm cá nhân, mà không phải chỉ có đức tin [là đủ]. Bên cạnh đó, những câu nói này có thể còn phản ánh niềm tin sau đây: Tất cả những việc chúng ta làm, hoặc không làm, đều được Trời cao quan sát. Và chúng cũng có thể phản ánh rằng, theo một cách nào đó, có lẽ chúng ta “phải thông qua nỗ lực để có được” — chúng ta cần hành động đúng đắn khi sống trên thế gian này, và khi điều đó được ghi nhận, chúng ta sẽ nhận được sự giúp đỡ và phần thưởng [tương xứng] từ Thiên đường.