Khám phá vẻ đẹp và ý nghĩa của hoa anh đào trong văn hóa Á Châu
Những bông hoa mỏng manh, phù du này hàm chứa những giá trị sâu sắc.
Trong một lần tham quan bảo tàng nghệ thuật lưu giữ một bộ sưu tập vũ khí và áo giáp Nhật Bản, tôi rất thích thú khi phát hiện rằng khá nhiều hiện vật trong đó được trang trí bằng những bông hoa xinh đẹp. Trên mọi đồ vật, từ dao găm, kiếm samurai, mũ sắt cho đến áo giáp che ngực, đều xuất hiện hình ảnh tuyệt đẹp của hoa sakura (anh đào).
Mặc dù tôi thường không mấy hứng thú với các buổi trưng bày vũ khí và áo giáp, nhưng các thiết kế trên đó đã thu hút tôi. Tôi cũng tìm thấy hình ảnh những con bướm và châu chấu.
Nhưng tại sao riêng hình ảnh hoa anh đào lại xuất hiện phổ biến đến vậy?
Có thể bạn tưởng rằng mình không biết về hoa anh đào, nhưng rất có thể là bạn đã từng nhìn thấy chúng. Những bông hoa năm cánh màu hồng này thường được trang trí trên nhiều đồ vật Á Châu, đặc biệt là các vật dụng Nhật Bản.
Nhưng quan trọng hơn, đó là những cây hoa anh đào nổi tiếng ở Hoa Thịnh Đốn. Các cây anh đào này là món quà của thị trưởng Tokyo [dành cho Mỹ quốc] vào năm 1912 như một biểu tượng cho mối bang giao ngày càng khắng khít giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản vào thời điểm đó.
Những người bạn của tôi đến từ Trung Quốc và Đài Loan vô cùng yêu thích hoa mận. Bạn có thể đã nhìn thấy những cành hoa mận bằng lụa trong nhà của các gia đình Á Châu hoặc tại các nhà hàng, khách sạn Á Châu. Thậm chí, quốc ca Đài Loan còn có tên “Plum Blossom” (Hoa Mận).
Có một câu chuyện hay và sâu sắc ẩn chứa bên trong. Hoa anh đào trên áo giáp Nhật Bản và hoa mận là biểu tượng của đất nước Đài Loan—những thứ này có điểm gì chung? Câu trả lời chính là sự kiên cường của chúng.
Các loài hoa này là hiện thân của một giá trị truyền thống được xem trọng: khả năng chịu đựng sự khắc nghiệt của cái lạnh và tuyết một cách thản nhiên thư thái, tượng trưng cho sức mạnh nội tâm.
Một ví dụ tương đồng trong văn hóa Mỹ là các loài hoa thân củ hành (bulb flower) này vươn lên trong tuyết và nhắc nhở chúng ta về cuộc sống mới và sự hồi sinh, đặc biệt là khi chúng trồi lên từ một cục màu nâu khô cằn trong lòng đất đang ngủ đông. Hoa thủy tiên vàng, hoa tulip và lục bình cũng mang lại sự tin tưởng và yên lòng bởi sức sống mãnh liệt và khả năng nở hoa [đều đặn] từ năm này qua năm khác. (Ngoại trừ khi bị lũ sóc đào lên!)
Hình ảnh hoa anh đào trang trí [trên vũ khí] của một chiến binh Nhật Bản chính là lời nhắc nhở khéo léo về sức mạnh của anh ta. Trong khi đó, bài hát “Plum Blossom” (Hoa Mận) của Đài Loan ca ngợi sự kiên cường của thành trì dân chủ nhỏ bé nằm chênh vênh trên Biển Đông này.
Đối với các samurai, những bông hoa này như một lời gợi nhắc về sức mạnh nội tâm của các chiến binh cũng như sự vô thường của cuộc sống, như hoa anh đào chóng héo tàn. Cuộc đời của một samurai vốn không được kỳ vọng là dài lâu. Tuy nhiên, hình ảnh hoa anh đào trên áo giáp và vũ khí của họ là biểu tượng của danh dự, cho thấy họ thuộc tầng lớp samurai và tuân thủ quy tắc của mình. Bộ quy tắc này gọi là “võ sĩ đạo,” vốn nhấn mạnh đến lòng dũng cảm và tinh thần thượng võ. Tính tiết kiệm, trung thực, chính trực, và tử tế cũng được đánh giá cao trong tinh thần võ sĩ đạo.
Hoa mận là quốc hoa của Đài Loan, được lựa chọn làm quốc hoa vào năm 1964. Người ta nói rằng, ngoài tính biểu tượng của loài hoa này được mô tả ở trên, thì cấu tạo của hoa cũng có ý nghĩa riêng. Ba nhị hoa tượng trưng cho “Nguyên tắc Tam dân” do lãnh đạo Quốc dân Đảng Tôn Trung Sơn phát triển. Năm cánh hoa tượng trưng cho năm viện của chính phủ liên bang Đài Loan. Còn có rất nhiều mô tả khác về ý nghĩa tượng trưng của các bộ phận của hoa, và thậm chí cả bóng của hoa cũng được gán cho tính biểu tượng.
Bạn sẽ tìm thấy hình ảnh hoa mận trên nhiều đồ vật của Đài Loan, bao gồm phi cơ của hãng hàng không China Airlines (China Airlines chính là một công ty của Đài Loan), lá cờ Olympic của Đài Loan, và — nếu bạn đủ quyền thế để bắt gặp hình ảnh này trong các giao dịch kinh doanh hàng ngày — con dấu của văn phòng tổng thống Đài Loan.
Mặc dù vẫn còn rất nhiều điều có thể nói và nghiên cứu về hoa anh đào, hoa mận cũng như tính biểu tượng của chúng, tôi rất biết ơn khi gần đây có cơ hội để hiểu thêm một chút về các hoa văn này — cả tính biểu tượng (tôn vinh sự kiên cường) và tính thẩm mỹ (hình ảnh bông hoa) — mà tôi đã quan sát thấy ở các đồ vật Á Châu trong một thời gian dài.