Hoa anh đào Nhật Bản: Khoảnh khắc huy hoàng của mùa xuân
Hoa anh đào sắc hồng rực rỡ trên nền trời xanh biếc là một cảnh tượng khác với bất kỳ nơi nào trên thế giới. “Sakura” là tên gọi của hoa anh đào ở Nhật Bản. Những cánh hoa la đà rơi trên mặt đất trong khi du khách dạo quanh chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mùa xuân.
Trên khắp đất nước, bầu không khí thay đổi. Cây đâm chồi nảy lộc. Mùa đông sắp kết thúc. Cũng giống như mùa xuân mang đến sự hứa hẹn về một khởi đầu mới mẻ, hương thơm ngọt ngào của hoa anh đào mang đến hy vọng và niềm vui. Gia đình và bạn bè tụ họp để cùng nhau chiêm ngưỡng phong cảnh và tận hưởng tiết trời ấm áp.
Một truyền thống được tôn trọng
“Hanami” trong tiếng Nhật có nghĩa là “chiêm ngưỡng hoa anh đào,” đây là một truyền thống rất được tôn trọng nơi đây. Nó có từ thời Nara (710–794) khi một sứ thần Nhật Bản đến Trung Quốc đã học hỏi phong tục thưởng thức hoa mận. Các lễ hội hoa anh đào bắt đầu từ thời Heian (794–1185).
Thời đó, người dân Nhật Bản tin rằng các vị thần báo hiệu một năm bội thu qua hoa anh đào. Vì vậy họ đã cầu nguyện, cúng dường và hành lễ để tôn vinh loài cây thiêng liêng này. Hanami – lễ hội hoa anh đào như chúng ta biết hiện nay – đầu tiên là được yêu thích trong cung đình. Giới hoàng tộc tổ chức các buổi lễ lớn để ngắm hoa, trong đó có ca hát, nhảy múa, uống rượu và tiệc tùng. Theo thời gian, truyền thống Hanami đã lan rộng đến dân thường và trở nên phổ biến rộng rãi trên khắp Nhật Bản.
Một trong những lễ hội lớn nhất từng diễn ra là Bữa Tiệc Hoa Anh Đào của lãnh chúa Hideyoshi Toyotomi vào năm 1598, được tổ chức tại ngôi đền Daigo-ji nổi tiếng ở Kyoto. Ngôi đền ở tình trạng hư hỏng mãi cho đến khi Toyotomi mời hàng nghìn khách đến tham dự sự kiện của mình. Với hơn 700 cây hoa anh đào được trồng xung quanh ngôi đền, bữa tiệc xa hoa này càng củng cố Hanami như một phần giá trị của văn hóa Nhật Bản. Về sau, đền Daigo-ji được hồi sinh và hiện là Di sản thế giới được UNESCO công nhận.
Vẻ đẹp vô thường
Từ những năm 1600 cho đến giữa những năm 1800, ngắm hoa anh đào là một sự kiện phổ biến được người dân Nhật Bản ở mọi giai tầng yêu thích. Hoa và lễ hội hoa anh đào đã trở thành chủ đề quen thuộc trong nghệ thuật và văn học, vì loài hoa quyến rũ đã trở thành hình tượng quốc gia đối với người dân Nhật Bản. Họa sĩ Utagawa Hiroshige đã vẽ hoa anh đào trong loạt tranh phong cảnh khổ dọc nổi tiếng “Một trăm danh thắng của Edo”. Hiroshige là một nghệ sĩ ukiyo-e (1) Nhật Bản và được coi là một trong những bậc thầy cuối cùng của tranh truyền thống.
Hoa anh đào huyền thoại đã đi vào những bài thơ nổi tiếng thời đó, bắt đầu từ thời Heian. “Waka” là một trong những thể thơ Nhật Bản được yêu chuộng và là nền tảng cho sự ra đời của thơ Haiku. Hoa anh đào thường xuất hiện trong “Kokin Wakashu”, một trong những tuyển tập thơ Waka sớm nhất do Hoàng đế Uda biên soạn.
Hơn cả đẹp, hoa anh đào tượng trưng cho sự vô thường. Dù được yêu mến khắp nơi nhưng hoa lại rất nhanh tàn. Hoa anh đào mỗi năm nở một lần chỉ trong một tuần, nhiều nhất là hai tuần. Chúng đẹp một phần cũng vì sự phù du. “Người Nhật có lẽ là những người đầu tiên khám phá ra niềm vui đặc biệt của sự vô thường và tin rằng… vô thường là một yếu tố cần thiết trong cái đẹp,” học giả người Nhật gốc Hoa Kỳ Donald Keene từng nói.
Trên thực tế, phần lớn văn học Nhật Bản chứa đầy cảm giác chấp nhận, thậm chí là tán dương, về sự vô thường. “Mono no aware”, có nghĩa là “đồng cảm với vạn vật”, là một thuật ngữ tiếng Nhật dùng để chỉ nhận thức về sự vô thường, hoặc sự tạm thời thoáng qua của vạn vật. Nó bắt nguồn từ “Chuyện kể Genji”, một tác phẩm kinh điển của văn học Nhật Bản từ thời Heian, thường được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới. Hoa anh đào đã trở thành hiện thân của cụm từ này, đại diện cho hỉ nộ ái ố trong cuộc đời ngắn ngủi.
Thông thường hoa có liên quan đến sự dịu dàng nữ tính, nhưng hoa anh đào cũng có một mặt mạnh mẽ nam tính. Chúng là biểu tượng cho sự dũng cảm của các Samurai, những người đàn ông dũng cảm đối mặt với cái chết. Như một câu tục ngữ cổ của Nhật Bản đã viết: “Hoa đẹp nhất là hoa anh đào; người đàn ông tuyệt nhất là những chiến binh.” Cũng như hoa anh đào rụng cánh trong thời kỳ rực rỡ nhất, các Samurai được biết đến là những người không chút do dự hy sinh mạng sống của họ vì lợi ích của đất nước.
Mặc dù hoa anh đào chỉ nở thoáng qua trong một thời gian ngắn, nhưng tác động của nó đối với Nhật Bản lại rất sâu sắc. Hoa đã gieo mầm vào trái tim con người, đi vào cuộc sống hàng ngày. Từ đồ ăn nhẹ và thức uống có hương vị hoa anh đào, hoa văn trang trí, đến những bộ quần áo lấy cảm hứng từ hoa anh đào, loài hoa này mang đến cho mọi người cảm giác thoải mái và vui vẻ. Sau một ngày dài, chỉ cần nhìn thoáng qua vẻ đẹp của nó cũng đủ để người ta nâng cao được tinh thần.
Một vẻ đẹp phổ biến
Có rất nhiều loại hoa anh đào, mỗi loại có một vẻ đẹp riêng. Somei Yoshino là loại phổ biến nhất, Yamazakura hoang dã, và Shidarezakura hồng tươi còn gọi là hoa anh đào khóc. Hoa anh đào có nguồn gốc từ Trung Quốc, nơi vẫn còn tồn tại nhiều chủng loại hoa anh đào nhất. Người Nhật đã trồng loài hoa này kể từ khi phát hiện ra chúng cách đây hàng nghìn năm và đã lan tỏa vẻ đẹp của chúng trên toàn cầu.
Lễ hội ngắm hoa anh đào được du nhập vào Hoa Kỳ lần đầu tiên vào năm 1912, khi Thị trưởng Yukio Ozaki của Tokyo tặng 100 cây hoa anh đào cho Washington, D.C. Theo thời gian, văn hóa Hanami đã lan rộng khắp Hoa Kỳ. Giờ đây, hàng năm từ cuối tháng ba đến đầu tháng tư, thủ đô Hoa Thịnh Đốn đều tổ chức lễ hội hoa anh đào quốc gia. New York, Los Angeles và Vancouver cũng tổ chức những lễ hội của riêng họ, cũng như các thành phố khác trên khắp Bắc Mỹ.
Trong thời đại mà con người ngày càng xa cách, hoa anh đào có sức mạnh gắn kết mọi người lại với nhau. Nhà thơ Nhật Bản Kobayashi Issa từng nói: “Dưới hoa anh đào, không có người lạ.” Bất kể sự khác biệt của họ lớn đến mức nào, các cá nhân có thể đến với nhau để cùng ngưỡng mộ vẻ đẹp của hoa anh đào.
Bài viết này của Cora Wang và được dịch bởi Angela Feng, được tái bản với sự cho phép của Elite Lifestyle Magazine.
(1). Ukiyo-e là một trường phái hội họa phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ XVII tới thế kỷ XIX tại Nhật Bản. Các nghệ sĩ của thể loại này sản xuất các bản in và tranh in mộc bản của các đối tượng như những thiếu nữ đẹp; diễn viên kabuki và đô vật sumo; các cảnh trích từ những câu chuyện lịch sử và dân gian; cảnh đẹp du ngoạn và phong cảnh khắp nơi; thực vật và động vật; và kể cả nội dung khiêu dâm. Thuật ngữ ukiyo-e dịch ra có nghĩa là “những bức tranh của thế giới hư ảo”. (Wikipedia)
Cora Wang
Phương Du biên dịch
Xem thêm: