Tại sao người Trung Quốc xem trọng sự tinh tế?
Câu hỏi này ẩn chứa những lý giải sâu xa liên quan đến văn học và nghệ thuật Trung Hoa.
Trong đoạn trích dưới đây từ sách điện tử “Bàn về Văn Minh Trung Hoa” của mình, tôi sẽ thảo luận về tầm quan trọng của trí tưởng tượng và sự tinh tế trong trải nghiệm nghệ thuật và văn học, bắt nguồn từ ảnh hưởng của Đạo Giáo lên tư tưởng Trung Hoa.
—————————————
Nói ngắn gọn, khía cạnh độc đáo của văn hóa Trung Hoa chính là cách để ngỏ các vấn đề để chúng ta tự diễn giải. Điều này phần lớn là biểu hiện của các yếu tố Đạo Giáo đang khởi tác dụng, ảnh hưởng đến văn học, nghệ thuật, và triết học nói chung.
Câu chuyện về nghệ thuật bên dưới đây là một ví dụ điển hình.
Hồi còn bé xíu, tôi từng đọc được một mẩu truyện cười trên báo về một người chủ cửa hàng bán tranh. Một ngày nọ, một khách hàng đến và nhìn thấy bức tranh về một người đàn ông đang kéo ngựa qua cầu. Vị khách nói, “Tôi thích bức tranh này. Nó bao nhiêu tiền vậy?” Người chủ cửa hàng đáp, “500 lạng bạc.” Người đàn ông nói, “Hôm nay tôi không mang đủ tiền. Tôi phải quay về lấy thêm và sẽ quay lại sau.”
Sau đó vị khách rời đi. Người chủ cửa hàng nhìn vào bức tranh và cảm thấy có chút không ổn.
Vì sao vậy? Khi chúng ta nhìn vào người đàn ông kéo ngựa, ta không thể nhìn thấy sợi dây cương trong bức tranh. Người chủ cửa hàng thấy nó không ổn, ông bèn lấy cọ vẽ thêm một sợi dây vào. Khi vị khách quay lại, anh ta nói rằng mình không muốn mua nữa. Người chủ cửa hàng ngỡ ngàng hỏi tại sao. Người đàn ông trả lời, “Tôi sẵn sàng trả 500 lạng bạc vì tôi chính là muốn mua sợi dây cương tuy vô hình nhưng có thể cảm nhận được đó.”
Hãy nhìn vào bức tranh “Mục ngưu đồ” (Cattle Herding) của Lý Khả Nhiễm (Li Keran). Trong tranh không hề có hình ảnh của nước, nhưng ta lại có thể cảm nhận rõ ràng con trâu đang đi xuống dòng sông. Từ bức tranh này, chúng ta có thể cảm nhận cả dòng nước. Ngược lại, tranh Tây phương theo truyền thống chú trọng mô tả chi tiết một cách tỉ mỉ, và thường không để nhiều khoảng trống như vậy. Trong khi đó, các bức họa Trung Hoa ắt hẳn phải chừa khoảng trống cho người xem thỏa sức sáng tạo và tưởng tượng. Đây là một trong những đặc trưng của văn hóa Trung Hoa — chúng phải dựa vào trực giác và sự hiểu biết tinh tế của mình để cảm thụ ý nghĩa của các tác phẩm.
Trong tác phẩm có ảnh hưởng to lớn của mình, “Lược Sử Triết Học Trung Quốc,” Giáo sư Phùng Hữu Lan (Fung Youlan) cho hay:
“Dù là thơ ca, hội họa hay bất cứ khía cạnh nào khác, khuôn vàng thước ngọc trong nghệ thuật Trung Hoa là tính gợi mở, thay vì miêu tả rõ ràng điều gì đó. Trong thơ, những gì mà nhà thơ muốn truyền đạt thường không phải là điều được nói trực tiếp trong đó, mà là những gì không được nhắc đến. Theo truyền thống văn học Trung Hoa, một bài thơ hay là bài thơ có ‘số lượng từ ngữ hữu hạn, nhưng ý tưởng mà nó gợi ra thì vô hạn.’ Vì vậy, một người đọc thơ nhạy bén sẽ đọc những gì nằm ngoài bài thơ; và một người đọc sách giỏi sẽ đọc được ‘ẩn ý giữa các dòng chữ.’ Đó chính là lý tưởng của nghệ thuật Trung Hoa, và lý tưởng này được phản ánh qua cách các triết gia Trung Quốc biểu đạt bản thân.”
Cho dù là “Luận Ngữ” của Khổng Tử, “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử, hay “Binh Pháp” của Tôn Tử, ta sẽ thấy các bài giảng thường không liền mạch; hầu hết những điều được đưa ra đều là kết luận, và có rất ít quá trình lý luận. Các cuốn sách này cũng khá ngắn. “Đạo Đức Kinh” có 5,000 chữ, và “Binh Pháp” là khoảng 6,000 chữ. Nhưng “Đạo Đức Kinh” chứa đựng những mô tả về quá trình tạo ra vũ trụ, các lý tưởng trị quốc, dụng binh, và cách ứng xử trong mối quan hệ giữa người với người, v.v., tất cả đều nằm trong 5,000 chữ này. Liệu người ta có thể hiểu được những tư tưởng sâu sắc như vậy không? Điều đó phụ thuộc vào người đọc. Chính người đọc phải tự đúc kết hiểu biết cho mình. Theo quan điểm của Lão Tử, việc bàn luận về những điều đó là không cần thiết hoặc không thể.
“Luận Ngữ” là tác phẩm tập hợp các cuộc đối thoại giữa Khổng Tử và học trò của ông. Chúng ta không thấy giữa các đoạn văn có nhiều mối liên hệ logic, nhưng tác phẩm này cũng chứa đựng những chân lý sâu sắc về trị quốc và bình thiên hạ. Khổng Tử nói, “Nếu học trò không thể suy ra ba điều sau khi được dạy một nguyên tắc, ta sẽ không dạy cậu ta thêm nữa.” Vì vậy, văn hóa Trung Hoa dường như không dễ nắm bắt.
Tương tự với thơ ca Trung Hoa. Nếu chúng ta nhìn vào thơ ca Tây phương, ví dụ như các tác phẩm sử thi của [đại thi hào] Homer thường được viết theo lối tường thuật, nội dung là kể một câu chuyện. Thơ ca Trung Hoa thường không giống như vậy, trừ một vài ngoại lệ ít ỏi. Một số lượng lớn các bài thơ sử dụng những chữ rất đơn giản để miêu tả tâm trạng cho chúng ta, vì vậy thơ ca Trung Quốc thiên về trải nghiệm tinh thần hơn.
Ví dụ, nếu tôi đề cập đến nước, chúng ta có thể nghĩ đến nhiều loại nước khác nhau như nước nóng, nước lạnh, nước ấm, nước đá, nước đường, nước muối. … Đó là kết quả của sự mơ hồ, và điều này sẽ mang đến cho ta nhiều không gian để tưởng tượng. Nhưng một khi tôi nói đây là một ly nước ở nhiệt độ 20 độ C thì nó sẽ hạn chế trí tưởng tượng của chúng ta. Lời giải thích càng rõ ràng thì không gian để chúng ta tưởng tượng càng bị thu hẹp. Đây là điều rất điển hình của Đạo Giáo.
Tôi không biết liệu điều này có hơi trừu tượng không, nhưng hãy lấy một ví dụ từ cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn, nếu chúng ta đến McDonald’s, cho dù ở New York, San Francisco, Toronto, Paris, hay Bắc Kinh, thì món khoai tây chiên về cơ bản là giống nhau. Tại sao? Vì bước lựa chọn nguyên liệu, độ dày của lát khoai tây, nhiệt độ dầu, thời gian chiên, toàn bộ quy trình đều được thiết kế cực kì chính xác. Vì vậy, khi người Tây phương nấu ăn, họ sử dụng đủ loại cốc đong, dụng cụ cân và hẹn giờ. Miễn là tuân thủ nghiêm ngặt theo công thức, thì kết quả sẽ không đến nỗi nào. Công thức càng chi tiết, hương vị của sản phẩm cuối cùng càng đồng nhất. Vì vậy, cho dù là chúng ta mua burger Big Mac ở bất kỳ McDonald’s nào, hương vị ít nhiều sẽ giống nhau.
Người Trung Quốc thì khác. Ví dụ, nếu một đầu bếp hướng dẫn thực hiện món cá phi lê, đầu tiên anh ta sẽ nói về cách chọn cá, và trọng lượng của nó. Sau đó, anh ta sẽ hướng dẫn cách cắt cá thành từng lát nhưng sẽ không cho biết độ dày của từng lát là bao nhiêu, mà chúng ta phải tự quyết định. Bước kế tiếp, anh ta yêu cầu đun nóng chảo dầu, nhưng lại không nói như thế nào là đủ nóng. Tiếp tục, anh ta nói cho miếng cá phi lê vào chảo và chiên cho đến khi hơi vàng. Nhưng hơi vàng cụ thể là như thế nào? Khi đến lúc nêm nếm gia vị cuối cùng, anh ta nói cho “một ít” hành lá, “một lượng vừa phải” muối, “một lượng” đường và đổ một ít giấm, v.v. Tất cả các phép đo đều như vậy: một chút, một lượng vừa phải, một lượng, v.v. Anh ấy sẽ không đưa ra số lượng rõ ràng. Vậy ta phải làm thế nào? Nó phụ thuộc vào khả năng của mỗi người. Nếu ta tính toán ra được, các món ăn làm ra sẽ rất ngon; nếu không, vị sẽ rất kinh khủng. Mười đầu bếp giỏi cân bằng nguyên liệu và biết điều gì là tốt nhất cho món ăn có thể cho ra một món ăn ngon theo mười cách khác nhau. Công thức nấu ăn Tây phương thì khác, và những món ăn được làm từ các công thức này về cơ bản có hương vị đồng nhất.
Trên thực tế, tôi nghĩ những điều này phản ánh sự khác biệt về triết lý nền tảng của hai nền văn hóa, trong đó Đạo Giáo và việc đề cao sự tinh tế là đặc điểm nổi bật trong lối suy nghĩ của người Trung Hoa.
Lạc Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times