Ông Giang Trạch Dân đã tái cấu trúc Trung Quốc và ĐCSTQ như thế nào?
Cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân đã qua đời hôm 30/11. Thông thường, khi một nhà lãnh đạo của một quốc gia hùng mạnh hoặc lãnh đạo đảng chính trị qua đời, người ta sẽ thảo luận về di sản chính trị của ông ấy. Tôi muốn chia sẻ cách ông Giang đã tái cấu trúc Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Chẳng bao lâu sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, ông Giang đã trở thành người lãnh đạo đất nước. Trước sự kiện Lục Tứ diễn ra vào ngày 04/06/1989 này, hàng trăm ngàn người biểu tình đã tụ tập để thỉnh cầu một nền dân chủ và kêu gọi cải tổ chính trị. Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của ĐCSTQ, đã bị chia rẽ trong việc giải quyết các cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo. Ông Triệu Tử Dương, tổng bí thư ĐCSTQ đương thời, muốn giải quyết các cuộc biểu tình bằng cách tổ chức các buổi nói chuyện với sinh viên và tuân theo luật pháp. Nhưng trái lại, ông Đặng Tiểu Bình và ông Lý Bằng lại cảm thấy họ cần phải đàn áp những người biểu tình này bằng vũ lực. Họ Giang đã chọn đứng về phía họ Đặng. Chúng ta đều biết rằng hàng ngàn sinh viên và người dân Bắc Kinh đã bị sát hại bằng thiết vận xa và súng máy. Ông Giang trở thành người hưởng lợi từ những sinh mạng đó. Sau đó, ông ta trở thành nhà lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ (từ năm 1993 đến năm 2003) vì đã ủng hộ cuộc thảm sát tàn bạo và đẫm máu này.
Nhiều sự kiện đã xảy ra trong nhiệm kỳ của ông Giang, nhưng tôi muốn tập trung vào hai di sản lớn trong cuộc đời của ông ta, vốn vẫn còn ảnh hưởng đến Trung Quốc và ĐCSTQ ngày nay.
Nạn tham nhũng
Di sản đầu tiên của ông Giang là nạn tham nhũng. Trước vụ thảm sát Thiên An Môn, hầu hết người dân Trung Quốc vẫn tin vào chủ nghĩa cộng sản và cảm thấy ĐCSTQ đang làm mọi việc vì lợi ích của người dân. Tuy nhiên, vụ thảm sát này, cũng như sự sụp đổ của Liên Xô và các quốc gia cộng sản khác ở Đông Âu, đã chứng minh rằng các nhà lãnh đạo cộng sản không quan tâm đến người dân mà chỉ quan tâm đến bản thân họ. Trong trường hợp này, tính hợp pháp của ĐCSTQ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng ý thức hệ.
Ông Đặng quyết định tiếp tục chính sách “cải tổ và mở cửa” của mình để làm cho người Trung Quốc trở nên giàu có và đã ban hành những quy định mà chúng ta không tranh luận về hệ tư tưởng. Vì ĐCSTQ không còn bị ràng buộc bởi một hệ tư tưởng nào, ông Giang quyết định dùng tiền và quyền để thúc đẩy nạn tham nhũng tràn lan trong giới quan chức Trung Quốc. Đổi lại, những quan chức tham nhũng đó sẽ bảo vệ lợi ích của ông Giang vì chế độ này có thể bảo đảm quyền lực và lợi ích cho gia đình của họ. Mặt khác, vì tất cả mọi người đều tham nhũng, nên nếu có ai dám thách thức ông Giang, thì ông ta có thể buộc tội người đó về tội tham nhũng và tống người đó vào tù.
Nạn tham nhũng trở nên nghiêm trọng đến mức vào cuối những năm 1990, người Trung Quốc lập luận rằng nếu xử tử hết quan chức thì nhỡ đâu sẽ có người bị sát hại oan uổng, còn nếu xử từng ông một, thì thể nào cũng có người lọt lưới thành công. Vì vậy, không ai trong số những người kế nhiệm ông Giang, kể cả hai ông Hồ Cẩm Đào và ông Tập Cận Bình, dám động đến vấn đề này bởi vì nếu thanh trừng hết quan tham, thì ĐCSTQ sẽ không còn tồn tại nữa.
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công
Di sản chính trị thứ hai của ông Giang chính là cuộc đàn áp Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp. Môn tu luyện tâm linh này gồm các bài giảng đạo đức cùng với các bài tập tĩnh tại hàng ngày. Kể từ khi được giới thiệu tại Trung Quốc vào năm 1992, môn tu luyện này đã thu hút khoảng 100 triệu người theo tập vào cuối thập niên 90.
Nhưng với tư cách là một nhà độc tài, ông Giang không muốn một nhóm lớn người như vậy đi chệch khỏi hệ tư tưởng cộng sản, và ông ta cũng lo sợ rằng những người này kính trọng nhà sáng lập Pháp Luân Công hơn ông ta. Vào tháng 07/1999, ông Giang đã phát động một chiến dịch chính trị nhằm phỉ báng Pháp Luân Công và bắt đầu bức hại tàn bạo các học viên. Hàng ngàn trường hợp tử vong đã được báo cáo, và chắc hẳn con số đó phải còn nhiều hơn nữa.
Vấn đề then chốt là các học viên Pháp Luân Công rất ôn hòa và chưa bao giờ vi phạm bất kỳ luật lệ nào. Họ chỉ đang thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, thậm chí đã được quy định trong Hiến Pháp Trung Quốc. Khi cuộc đàn áp bắt đầu, các học viên Pháp Luân Công bắt đầu phản đối cuộc bức hại một cách ôn hòa. Chúng ta biết rằng trong bất kỳ xã hội tự do nào, có nhiều công cụ mà quý vị có thể sử dụng để đấu tranh cho quyền lợi của chính mình. Quý vị có thể sử dụng các hãng thông tấn để bác bỏ lời buộc tội vô căn cứ. Quý vị có thể đệ đơn kiện để ngăn chặn sự lạm quyền của chính phủ. Quý vị có thể sử dụng phiếu bầu của mình để thay đổi chính phủ. Quý vị có thể trình bày những bất bình với các dân biểu của mình. Nhưng để bức hại Pháp Luân Công, ông Giang phải phá hủy tất cả các công cụ vốn có thể duy trì công bằng chính nghĩa. Điều này đã mang đến hậu quả rất nghiêm trọng.
Khi mọi cách duy trì công lý bị phá hỏng, các nhóm khác sẽ trở thành những nạn nhân. Đây là một ví dụ. Trung Quốc từng có một văn phòng kiến nghị tiếp nhận đơn thỉnh nguyện của người dân qua thư hoặc các cuộc gặp trực tiếp. Khi cuộc đàn áp bắt đầu, các học viên Pháp Luân Công đã sử dụng văn phòng này như một kênh để liên lạc với chính quyền. Nhưng ông Giang đã quyết định loại bỏ Pháp Luân Công khỏi kênh thỉnh nguyện này. Người dân vẫn có thể thỉnh nguyện vì những lý do khác nữa, chẳng hạn như khi bị cưỡng chế phá dỡ nhà cửa. Cuối cùng, các quan chức tham nhũng của ĐCSTQ đã quy chụp mọi người thỉnh nguyện đều là học viên Pháp Luân Công, và kể từ đó không còn ai có thể tiếp cận văn phòng thỉnh nguyện này.
Một ví dụ khác là các trại tập trung. Các học viên Pháp Luân Công có thể bị đưa vào các trại này mà không có bất kỳ cơ hội nào để khiếu nại hoặc tìm kiếm sự bảo vệ của luật pháp. Sau đó, các trại tập trung được sử dụng để bức hại người Duy Ngô Nhĩ. Các học viên Pháp Luân Công là một trong những nạn nhân đầu tiên của nạn thu hoạch nội tạng sống; sau đó, những người khác cũng trở thành nạn nhân của tội ác này.
Ông Giang đã thành lập “phòng 610” để phối hợp với tất cả các cơ quan chính phủ — bao gồm quân đội, cơ quan tuyên truyền, cơ quan tình báo, ngành giáo dục, v.v. — để đàn áp Pháp Luân Công, khiến cho toàn bộ cơ cấu tổ chức (cấu trúc chính trị) của đất nước thay đổi.
Ông Giang còn phỉ báng nguyên lý chân, thiện, và nhẫn của Pháp Luân Công. Chúng ta có thể tưởng tượng một xã hội sẽ như thế nào nếu mọi người không tuân thủ những nguyên lý đạo đức đó. Chính trị gia người Pháp Alexis de Tocqueville đã nói, “Nước Mỹ vĩ đại bởi vì nước Mỹ tốt đẹp, và nếu nước Mỹ không còn tốt đẹp nữa, thì quốc gia này sẽ không còn vĩ đại nữa.”
Nếu người Trung Quốc tin vào điều ngược lại với chân, thiện, và nhẫn, liệu rằng Trung Quốc có còn là một quốc gia tốt đẹp nữa hay không?
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times