Một di sản của ông Giang Trạch Dân: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ‘bằng phí tổn’ của các quốc gia khác
Ngay sau khi cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân qua đời, nhiều hãng thông tấn phương Tây đã bắt đầu ca ngợi những nỗ lực của ông trong việc mở cửa nền kinh tế Trung Quốc với thế giới bên ngoài và tạo ra một “thế lực kinh tế toàn cầu.”
Họ đã viện dẫn sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong suốt một thập niên lãnh đạo của ông trong thời kỳ hậu Thiên An Môn như bằng chứng về thành tích của ông ấy. Tuy nhiên, người ta nói rất ít về việc Trung Quốc tăng trưởng nhanh như vũ bão đã gây thiệt hại như thế nào cho các doanh nghiệp và người lao động phương Tây sau khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001.
Theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng hơn 1,200% (tính theo đồng dollar Mỹ ngày nay) kể từ khi gia nhập WTO, đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhà xuất cảng lớn nhất, và cường quốc công nghiệp hàng đầu.
Ông Giang, từng là lãnh đạo tối cao của chính quyền cộng sản này từ năm 1993 đến năm 2003, thường xuyên khoe khoang về vai trò của mình trong việc đưa đất nước gia nhập WTO.
Tuy nhiên, sự phát triển quan hệ thương mại với Trung Quốc đã đặc biệt mang tính tàn phá đối với người lao động Mỹ. Bắt đầu từ những năm 2009–2010, sản lượng sản xuất của Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ và kể từ đó khoảng cách này thậm chí còn lớn hơn nữa, khiến hàng triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất của Hoa Kỳ bị mất đi.
Ví dụ, Viện Chính sách Kinh tế (EPI) ước tính rằng từ năm 2001 đến 2018, sự gia tăng thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc đã loại bỏ 3.7 triệu việc làm của Hoa Kỳ.
Theo ông Clyde Prestowitz, một cựu cố vấn tổng thống từng dẫn đầu phái đoàn thương mại đầu tiên của Hoa Kỳ đến Bắc Kinh hồi năm 1982, mặc dù một số người có thể xem ông Giang là một anh hùng, nhưng “ông ta không mang lại điều gì tốt đẹp cho nước Mỹ hay phần còn lại của thế giới tự do.”
Ông Giang “đã đàm phán một cách tài tình để đưa Trung Quốc vào WTO và sử dụng WTO như một yếu tố kỷ luật để phục hồi nền kinh tế Trung Quốc,” ông Prestowitz nói với The Epoch Times.
“Thành tựu to lớn của ông ấy là sử dụng phiên tranh luận của WTO để thuyết phục phương Tây rằng Trung Quốc đang đi theo con đường thương mại tự do, tư bản chủ nghĩa, trong khi, trên thực tế, là biến WTO trở thành một công cụ trong chính sách công nghiệp do nhà nước điều hành của Trung Quốc.”
Ông Bill Clinton, tổng thống (TT) đương thời, đã làm trung gian cho việc Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001. Ông nói với công chúng Mỹ rằng biến chuyển này có nghĩa là chính quyền Trung Quốc sẽ “du nhập một trong những giá trị được trân trọng nhất của nền dân chủ, tự do kinh tế,” vốn sẽ “có một ảnh hưởng sâu sắc tác động đến nhân quyền và quyền tự do” ở Trung Quốc.
Nhưng mối bang giao nồng ấm với chính quyền này đã bắt đầu trước cả thời chính phủ TT Clinton. TT Richard Nixon là tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hoa Kỳ đến thăm Trung Quốc đại lục vào năm 1972. Các chính phủ kế tiếp đã khuyến khích các mối quan hệ thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc, với hy vọng rằng toàn cầu hóa sẽ mang lại những cải tổ dân chủ ở quốc gia cộng sản này.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã không tuân thủ các nghĩa vụ của mình đối với thương mại công bằng trong hai thập niên qua — và không hề mong muốn làm như vậy.
Theo ông Keith Krach, cựu Thứ trưởng Ngoại giao kiêm Chủ tịch Viện Ngoại giao Kỹ thuật Krach, sự trỗi dậy của Trung Quốc “được thực hiện bằng cách làm tổn hại nền dân chủ, an ninh, và lẽ thông thường của phương Tây.”
“Tất cả chúng ta thường nhắm mắt làm ngơ và tránh nói thẳng về việc thiếu minh bạch, sự tương hỗ, và các tiêu chuẩn môi trường của họ; các vụ vi phạm nhân quyền của họ và việc sử dụng lao động nô lệ; và vô số vi phạm của họ đối với các thỏa thuận trước đó và luật pháp quốc tế,” ông nói với The Epoch Times.
Nhiều nhà quan sát đồng ý với ông Krach rằng Bắc Kinh không chỉ vi phạm ngẫu nhiên các điều khoản về tư cách thành viên, mà còn có một thái độ chung đối với thương mại và lao động đi ngược lại các quy tắc và nguyên tắc thành lập của WTO.
Những lời hứa không thật
Năm ngoái (2021), Tổ chức Công nghệ Thông tin và Đổi mới (Information Technology and Innovation Foundation, ITIF) đã phát hành một bài báo có nhan đề “Những lời hứa không thật II” (False Promises II) giải thích khoảng cách giữa các cam kết WTO của Trung Quốc và các thông lệ của nước này trong hai thập niên qua.
Ví dụ, Trung Quốc cam kết với các thành viên WTO rằng chính quyền của họ sẽ không ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến các quyết định kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước (SOE). Theo bài báo này, thực tế lại không phải vậy. Tất cả các doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc, theo luật pháp trong nước, đều có một chi bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc có ảnh hưởng đối với việc quản lý các công ty.
Hơn nữa, theo ITIF, sự tăng trưởng của khu vực SOE cả về giá trị thị trường lẫn tổng số lượng là một ví dụ rõ ràng về việc Trung Quốc vi phạm các quy tắc của WTO.
Các lĩnh vực khác vi phạm các quy tắc của WTO bao gồm các khoản trợ cấp lớn của chính quyền và các yêu cầu liên doanh cũng như chuyển giao công nghệ cưỡng bách.
“Do sự ngây thơ của chúng ta, chúng ta đã trao tài sản trí tuệ vô giá bằng cách cho phép xâm nhập vào các tổ chức nghiên cứu được đánh giá cao nhất của chúng ta. Chúng ta còn cung cấp cho họ quy trình kỹ thuật tinh vi cho một số sản phẩm và kỹ thuật có giá trị nhất của chúng ta bằng cách xây dựng các nhà máy hiện đại nhất ở Trung Quốc,” ông Krach giải thích.
Ông nói thêm rằng, theo thời gian, Hoa Kỳ trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc “thông qua gia công sản xuất, vốn cho phép họ thâu trọn các công ty vừa và nhỏ ở vùng công nghiệp Trung Tây bằng các chiêu thức sản xuất hàng loạt của họ.”
Các tập đoàn Trung Quốc đã công khai chiếm đoạt tài sản trí tuệ của các đối thủ cạnh tranh ngoại quốc, một hành vi chỉ trở nên tồi tệ hơn khi đối mặt với sự phản đối kịch liệt. Theo ITIF, trong mọi lĩnh vực, từ công nghệ sinh học đến hàng không vũ trụ đến viễn thông, Trung Quốc đều tham gia vào hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ do nhà nước hậu thuẫn.
Hơn nữa, hành vi trộm cắp trên mạng, lao động cưỡng bức, và nhiều chính sách công nghiệp khác của Trung Quốc đã làm lệch sân chơi đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ và Âu Châu.
Những tiêu chuẩn kép
Trong khi các tập đoàn Trung Quốc phải đối mặt với các rào cản khá dễ dãi để kinh doanh ở Hoa Kỳ và Âu Châu, thì các công ty phương Tây không được chào đón đặc biệt ở Trung Quốc do sự bảo hộ không công bằng và thiên vị tài chính của nước này dành cho các doanh nghiệp SOE.
Theo các nhà quan sát, tại Trung Quốc, các công ty trong nước có khả năng tiếp cận nguồn vốn và nguyên vật liệu tốt hơn. Tình trạng đối xử khác biệt cũng bao gồm sự bảo hộ của chính quyền đối với các tranh chấp pháp lý, các khoản vay ngân hàng, và các khoản trợ cấp. Kết quả là các công ty ngoại quốc hoạt động tại Trung Quốc gặp phải bất lợi trong cạnh tranh.
Ông Krach nói: “Trên hết, chúng ta cho phép họ tham gia vào thị trường vốn chi phí thấp của chúng ta mà không cần phải tuân thủ các thông lệ kế toán chuẩn mực hoặc khả năng bị kiểm toán, điều đã tài trợ cho nhà nước giám sát và việc xây dựng quân đội của họ.”
Trong hơn một thập niên, các công ty Trung Quốc đã tận dụng lợi thế của các thị trường vốn tại Hoa Kỳ trong khi hoạt động theo các tiêu chuẩn lỏng lẻo.
Bắc Kinh từ chối cho phép thanh tra kiểm toán các công ty đại chúng tại Hoa Kỳ, lấy cớ là do luật bí mật nhà nước. Do đó, các công ty Trung Quốc đã không tuân theo các yêu cầu công bố thông tin giống như các đối tác Hoa Kỳ của họ, tạo ra rủi ro đáng kể cho các nhà đầu tư.
Trong hai năm qua, chính phủ Hoa Kỳ đã thực hiện các biện pháp để tăng cường giám sát các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hoa Kỳ.
Trung Quốc-Đài Loan
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Giang đã ảnh hưởng đáng kể đến mối bang giao kinh tế và chính trị của Trung Quốc với Đài Loan, vốn vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.
Về phương diện kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và Đài Loan đã tăng với tốc độ chưa từng có trong nhiệm kỳ của ông.
“Khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa, lúc đầu, các doanh nghiệp Đài Loan tràn ngập hàng hóa thương mại với giá rẻ hơn,” ông Rupert Hammond-Chambers, chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ-Đài Loan, nói với The Epoch Times. Ông cho biết thêm rằng, khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển, các sản phẩm giá rẻ này dần dần được thay thế bằng các sản phẩm công nghệ tinh vi hơn từ Trung Quốc.
Theo ông Hammond-Chambers, đây là một phần trong một chiến lược kiểm soát hòn đảo tự trị này thông qua sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, và ông Giang đã phát triển mối liên hệ này một cách đầy đủ hơn.
Và trên phương diện chính trị, sự nổi tiếng của Tổng thống Đài Loan đương thời Lý Đăng Huy (Lee Teng-hui) đã giảm mạnh ở Bắc Kinh trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Giang.
Một cuộc khủng hoảng nổ ra giữa Trung Quốc và Đài Loan khi ông Lý đến Hoa Kỳ để tham dự buổi họp mặt sau đại học của mình tại Đại học Cornell. Quyết định cấp thị thực Hoa Kỳ cho ông Lý đã đảo ngược hơn 25 năm tiền lệ ngoại giao của Hoa Kỳ.
Ông Rupert cho biết điều này đã gây ra cuộc khủng hoảng hỏa tiễn sau đó vào năm 1995 và 1996.
“CHND Trung Hoa nổi cơn thịnh nộ. Hoa Kỳ đưa một số nhóm chiến đấu vào khu vực Đài Loan và quân đội Trung Quốc đã rút lui,” ông nói, khi đề cập đến tên viết tắt chính thức của chính quyền này là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Vụ việc được xem là điểm khởi đầu cho quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc, một nỗ lực nhằm bảo đảm rằng Quân Giải phóng Nhân dân không bị đặt vào một tình thế tương tự trong tương lai.
Theo ông Hammond-Chambers, mối bang giao Trung Quốc-Đài Loan đã không thay đổi đáng kể trong vòng 25 năm qua kể từ biến cố đó.
Bản tin có sự đóng góp của bà Cathy He, cô Rita Li, và ông Michael Washburn
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times