Ngành khai khoáng: Lá bài cuối cùng của nền kinh tế Trung Quốc?
Khi nền kinh tế Trung Quốc đang chìm trong cuộc khủng hoảng lớn nhất sau nhiều thập niên, và các lĩnh vực kinh tế mà nước này duy trì sự phát triển tiếp tục sa sút, thì khai khoáng là ngành duy nhất có mức tăng ổn định trong năm 2022.
Lợi nhuận lớn nhất nước này thu được đến từ ngành sản xuất than, dầu mỏ và khí đốt. Đồng thời khai thác lithium và silicon cũng mang lại lợi nhuận ngoài mong đợi nhờ ngành công nghiệp xe điện và năng lượng mặt trời. Ngoài ra, tăng trưởng của ngành công nghiệp khai thác đồng và uranium không hề bị giảm sút; trái lại, doanh thu đạt được mức đáng ngạc nhiên trong năm mà đại dịch dường như nhấn chìm nền kinh tế đại lục.
Với vai trò trung tâm trong dự án “Vành đai và Con đường”, ngành khai thác mỏ đã đi đầu trong phần lớn chiến lược của Bắc Kinh nhằm thâm nhập vào các nước mới nổi.
Hoạt động khai khoáng ở các nước này phát triển nhanh đến đâu thì mức độ khốc liệt của những thảm họa môi trường cũng tăng lên tương ứng. Và rất nhiều số liệu thống kê đã chỉ ra rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là bên đóng vai trò chính trong những thảm họa như vậy – cả ở Trung Quốc lẫn các quốc gia mà nó đã đầu tư vào hoạt động khai thác mỏ.
Tăng trưởng bất chấp khủng hoảng
Theo số liệu vừa được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố, trong tổng số lợi nhuận 4.89 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 711 tỷ USD) mà các doanh nghiệp trong nước báo cáo cho 7 tháng đầu năm 2022, ngành chế tạo và các ngành sản xuất và cung cấp năng lượng giảm 12.6% so với cùng thời kỳ năm 2021. Trong khi đó, ngành khai khoáng, với lợi nhuận 996.11 tỷ nhân dân tệ (144.84 tỷ USD), lại tăng ít nhất 1.05 lần so với cùng kỳ năm ngoái – tiếp tục xu hướng tăng trưởng bất chấp khủng hoảng.
Mặc dù nước này đã cam kết giảm lượng khí thải và giảm tiêu thụ năng lượng không tái tạo, nhưng khai thác than, dầu và khí đốt vẫn là lĩnh vực sinh lời cao nhất của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2022.
Theo số liệu thống kê, lợi nhuận khai thác than và lợi nhuận dầu khí tăng lần lượt 1.41 lần và 1.19 lần so với cùng kỳ.
Một điều đáng lưu ý là hầu hết lợi nhuận trong các lĩnh vực này đều tập trung vào ba công ty sản xuất chính của Trung Quốc là PetroChina, Sinopec China Petrochemical, và China National Offshore Oil Corporation; tất cả đều có liên hệ trực tiếp với ĐCSTQ.
Lithium và silicon: Ngành kinh doanh tỷ đô
Những cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu liên quan đến xe hơi sử dụng năng lượng tái tạo, sự bùng nổ màn hình năng lượng mặt trời, cùng với sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, đã đẩy giá lithium và silicon tăng lên theo cấp số nhân trong một vài năm qua.
Bắc Kinh đã không bỏ lỡ cơ hội này để đẩy giá lithium gấp 10 lần trong vòng chưa đầy hai năm vừa qua, đồng thời tăng tốc đầu tư vào lĩnh vực này.
Mặc dù các nhà sản xuất xe điện và pin cũng đã bắt đầu đầu tư vào các mỏ tư nhân, nhưng hầu hết nguyên liệu thô quý giá này vẫn tiếp tục nằm trong tay các công ty khai thác có liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với ĐCSTQ, ví dụ như công ty Tianqi Lithium và Jiangxi Ganfeng Lithium.
Trong nửa đầu năm nay, Tianqi Lithium dự kiến sẽ đạt lợi nhuận ròng lên tới 11.6 tỷ nhân dân tệ (1.68 tỷ USD), tăng tới 13,420% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Ganfeng Lithium đã báo cáo mức tăng hàng năm là 640.4%.
“Cơn sốt” tương tự cũng xảy ra với silicon có độ tinh khiết cao được sử dụng trong các tấm pin mặt trời. Tập đoàn Tongwei, nhà cung cấp silicon lớn nhất đại lục, đã thu được lợi nhuận ròng lên tới 12.5 tỷ nhân dân tệ (1.85 tỷ USD) trong nửa đầu năm nay, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khủng hoảng năng lượng đang làm giàu cho ngành khai thác mỏ của Trung Quốc
Kể từ khi xảy ra cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, khủng hoảng năng lượng đã không ngừng gia tăng, đặc biệt khi Nga là một trong những nhà cung cấp năng lượng chính cho nhu cầu sử dụng hàng ngày của lục địa già.
Cuộc chiến đã cho thấy Âu Châu phụ thuộc vào năng lượng Nga đến mức độ nào. Vì vậy, nhiều quốc gia bắt đầu tìm nguồn thay thế khí đốt nhập cảng của xứ sở bạch dương.
Ngoài ra, theo ghi nhận trong báo cáo thường niên của BP (nhà sản xuất dầu khí lớn thứ ba thế giới), trong năm 2021, mức tiêu thụ điện toàn cầu đã tăng hơn 6% so với năm 2020.
Đáng chú ý là, hầu hết nguồn năng lượng này được sản xuất từ than đá; điều này cũng đã tạo ra mâu thuẫn lớn ở các quốc gia đi đầu “cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”. Nguyên nhân là vì những nước này tìm cách giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch do lượng khí thải cao.
Trong bối cảnh phức tạp này, giải pháp thay thế mà nhiều người đang đề nghị là quay trở lại năng lượng hạt nhân.
Và đây là lúc ĐCSTQ xuất hiện với tư cách là nhân vật trung tâm. Bởi vì trong những thập niên qua, khi phương Tây dần dần đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân, thì Trung Quốc đã phát triển ngành công nghiệp này theo cấp số nhân, và xét về uranium – khoáng chất cơ bản để vận hành loại năng lượng này – nước này không hề thua kém bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới. Trên thực tế, các nước Trung Quốc, Liên Xô cũ, Iran, và Pakistan đã chiếm đến 62% sản lượng uranium của toàn thế giới.
Lá bài cuối cùng liệu có cứu được nền kinh tế Trung Quốc?
Ngoài việc đầu tư vào ngành khai thác mỏ có thể đem lại lợi nhuận nhanh chóng, Bắc Kinh còn xem khai thác mỏ như một công cụ quan trọng để thực hiện tham vọng chính sách địa chiến lược của mình.
Ngoài việc tăng mạnh khai thác mỏ ở Trung Quốc, ĐCSTQ còn tiếp tục theo đuổi các chiến lược nhằm mở rộng hoạt động khai thác ở phần còn lại của thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển ở Mỹ Latinh và Phi Châu.
Với dự án “Vành đai và Con đường” (BRI), Bắc Kinh đã thành công trong việc sử dụng khai thác mỏ để thâm nhập các nước đang phát triển này. Các dự án BRI, bao gồm cả khai thác mỏ, thường có nguy cơ ảnh hưởng đến chủ quyền của các quốc gia mà Trung Quốc rót vốn vào.
Liên minh Âu Châu đã xác định danh sách 30 mặt hàng khoáng sản mà Bắc Kinh đang tập trung khai thác. Các cuộc xung đột xung quanh việc khai thác các khoáng sản này gây nguy hiểm cho chuỗi cung ứng của thế giới – đặc biệt là khi chúng bị kiểm soát bởi một chế độ độc tài như ĐCSTQ, vốn bị cáo buộc tham nhũng tràn lan và đang hướng tới chủ nghĩa đế quốc.
Ba mươi sản phẩm này cùng với việc khai thác cái gọi là “đất hiếm” rất quan trọng cho lĩnh vực quốc phòng, công nghệ và năng lượng tái tạo. Sản lượng thế giới của những nguyên liệu thô quan trọng này chỉ đạt vài ngàn tấn mỗi năm, và thật không may là việc khai thác chúng được chia sẻ giữa một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc.
Ngọc Minh thực hiện