Thương hiệu ‘Made in China’ tiếp tục mất đà khi đại dịch làm gián đoạn chuỗi cung ứng
Các nhà sản xuất tìm cách giảm nguồn cung ứng từ Trung Quốc
Một phân tích do Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York (FRBNY) công bố hôm 06/01 cho thấy đợt bùng phát COVID-19 hiện nay tại Trung Quốc đang làm chậm quá trình quay trở lại phạm vi bình thường của chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động tiêu cực đến các đối tác thương mại lân cận.
Hồi tháng 01/2021, FRBNY lần đầu tiên công bố Chỉ số Áp lực Chuỗi Cung ứng Toàn cầu (GSCPI ), một thước đo các điều kiện của chuỗi cung ứng toàn cầu.
GSCPI tích hợp dữ liệu chi phí vận chuyển với các chỉ số của ngành sản xuất, chẳng hạn như dữ liệu Chỉ số Quản lý Mua hàng (PMI) về thời gian giao hàng của nhà cung cấp, tình trạng tồn đọng, và tồn kho nguyên liệu thô. Chỉ số này tập trung vào sản xuất tại bảy nền kinh tế: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Eurozone, Nhật Bản, Nam Hàn, và Đài Loan.
Giá trị GSCPI càng lệch cao hơn so với mức trung bình nhiều năm thì áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu càng lớn.
Báo cáo ngày 06/01, có nhan đề “ Chỉ số Áp lực Chuỗi Cung ứng Toàn cầu: Yếu tố Trung Quốc,” phân tích các chỉ số của GSCSI cho đến tháng 12/2022 và xem xét tác động của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng toàn cầu này.
Theo báo cáo trên, trước đây, khi các điều kiện chuỗi cung ứng ở Trung Quốc thắt chặt, phần còn lại của chuỗi cung ứng thế giới cũng thắt chặt. Trong 3 năm đại dịch vừa qua, độ lệch chuẩn GSCPI đạt một đỉnh dương 4.3 vào cuối năm 2021 rồi giảm mạnh sau đó; hồi tháng 03/2022, độ lệch chuẩn GSCPI giảm xuống dương 2.8 nhưng đã tăng trở lại vào tháng 04/2022 do tác động của chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc và chiến tranh Nga-Ukraine.
Báo cáo này nhằm xem xét tác động của việc Trung Quốc ứng phó với sự bùng phát [dịch bệnh] hiện nay đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Báo cáo này cho thấy một diễn biến mới trong những tháng gần đây: cụ thể là các điều kiện ở Trung Quốc rõ ràng đang ít ảnh hưởng đến các điều kiện cung cấp toàn cầu hơn so với trước đây. Báo cáo nhận định rằng điều này có thể là do tỷ lệ miễn dịch cộng đồng ở các nước phát triển cao hơn cũng như các biện pháp kiểm soát đại dịch ít hạn chế hơn.
Tuy nhiên, bài phân tích trên chỉ ra rằng, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố chỉ số PMI thay thế của riêng họ, vốn cho thấy “thời gian giao hàng của nhà cung cấp đang xấu đi rất nhiều.” Sự khác biệt giữa hai chỉ số này “nâng cao một quan điểm quan trọng” về tác động của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng toàn cầu trong những tháng tới.
PMI sản xuất của Trung Quốc tiếp tục suy yếu
Hôm 01/01, Cục Thống kê Trung Quốc đã công bố các điều kiện hoạt động tháng 12/2022 của PMI Trung Quốc.
Trong số năm chỉ số phụ của PMI sản xuất của Trung Quốc, Chỉ số Thời gian Giao hàng của Nhà cung cấp được điều chỉnh theo mùa cho thấy giai đoạn sụt giảm dài nhất, bắt đầu từ tháng 07/2022 và tiếp tục trong sáu tháng. Chỉ số đã giảm xuống dưới điểm tới hạn 50% trong tháng 08/2022, tiếp tục giảm xuống 46.7% trong tháng 11/2022, và sau đó giảm 6.6% xuống còn 40.1% trong tháng 12/2022. Con số của tháng 12/2022 thấp hơn 20% so với tháng 07/2022.
Tất cả các chỉ số này đều chỉ ra việc kéo dài thời gian giao hàng cho các nhà cung cấp nguyên liệu thô cho ngành sản xuất.
Lời giải thích chính thức từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một sự thiếu hụt nhân lực quản trị vận hành hàng hóa và vận chuyển do đại dịch gây ra dẫn đến thời gian giao hàng lâu hơn.
Kể từ đầu tháng 12/2022, khi chính quyền đột ngột đảo ngược các chính sách về đại dịch, Trung Quốc đã bị tê liệt do đợt bùng phát COVID-19 khiến các bệnh viện và nhà tang lễ gần như sụp đổ.
Đại dịch này đã khiến nhiều công nhân không thể đi làm. Ví dụ, theo trang web chính thức của Từ Hi (Cixi), một trung tâm công nghiệp ở tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc, hôm 06/01, chỉ 30% nhân viên tại một công ty công nghệ lớn trong thành phố có thể đi làm, trong khi 70% không thể làm việc vì COVID-19. Công ty cho biết họ sẽ cố gắng khôi phục toàn bộ công suất sản xuất vào cuối tháng Hai.
Tác động của đợt bùng phát hiện tại ở Trung Quốc đối với Úc
Trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh 2GB của Sydney hôm 03/01, Bộ trưởng Tài chính Úc Jim Chalmers cho biết rằng chính sách đại dịch hiện tại của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến Úc và chuỗi cung ứng của nước này. Ông Chalmers đã liệt kê Trung Quốc là một trong năm nhân tố hàng đầu sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của Úc trong năm 2023, cùng với Hoa Kỳ, Anh, EU, và chiến tranh Nga-Ukraine.
Về vấn đề điều chỉnh chuỗi cung ứng của Úc, ông Chalmers cho biết Úc đã có một sự khởi đầu tốt trong việc làm cho chuỗi cung ứng của mình trở nên linh hoạt hơn, nhưng điều đó sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều. Tiến sĩ Richard Dennis, nhà kinh tế và giám đốc điều hành của Viện Úc, nói với đài ABC (Úc) rằng khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe dọa bởi đại dịch ngày càng tồi tệ ở Trung Quốc, có thể thấy trước rằng Úc sẽ bị thiếu hụt chuỗi cung ứng.
Nhà bình luận các vấn đề thời sự Ma Xianghong nói với The Epoch Times hôm 09/01: “Sự phụ thuộc của Úc vào nền kinh tế Trung Quốc khiến việc chống chọi trước một sự thiệt hại hoặc gián đoạn trong chuỗi cung ứng trở nên khó khăn. Tuy nhiên, nếu chính phủ Úc có thể quyết tâm thoát khỏi sự phụ thuộc đó và dần dần đa dạng hóa nguồn cung từ thị trường Trung Quốc, thì điều đó sẽ có lợi cho đất nước này và người dân về lâu dài.”
Ông Ma giải thích thêm: “Nhìn bề ngoài, những thiệt hại ở Trung Quốc sẽ lớn hơn ở Úc. Trung Quốc không mạnh như vẻ ngoài của họ — chính quyền này không ổn định, khủng hoảng lương thực, các chính sách khó lường, v.v. Vì vậy, với việc thế giới đang rời xa nền kinh tế Trung Quốc và tạo ra những chuỗi cung ứng mới hoặc xây dựng chuỗi cung ứng của riêng họ, Úc sẽ không gặp khó khăn gì trong việc tìm nguồn cung ứng từ các quốc gia khác.”
Tuy nhiên, ông David Bassanese, nhà kinh tế trưởng tại công ty BetaShares của Úc, nói với The Australian hôm 05/01 rằng Úc có thể đối mặt với một sự thiếu hụt hóa chất và máy móc nhưng có khả năng tránh được sự gián đoạn chuỗi cung ứng trên diện rộng do đại dịch Trung Quốc gây ra. Theo ông Bassanese, sẽ là phản ứng thái quá khi nói rằng đại dịch ở Trung Quốc sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt một số mặt hàng quan trọng của Úc, vì hàng nhập cảng vốn có thể bị ảnh hưởng chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ trong nền kinh tế Úc.
Vai trò của Trung Quốc trong thị trường toàn cầu suy giảm
Trong tháng 04/2022, chỉ số đơn đặt hàng xuất cảng mới cho ngành sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống 41.6%, mức thấp nhất kể từ tháng 06/2020; sau đó chỉ sổ này đã phục hồi nhưng lại giảm xuống 44.2% vào cuối năm, đạt mức thấp thứ hai kể từ tháng 06/2020.
Theo ông Ma: “Xuất cảng ngoại thương của Trung Quốc đã giảm, chủ yếu là do khó giao hàng đúng hạn với các đơn đặt hàng trong nước và sự chuyển dịch các đơn đặt hàng quốc tế sang Đông Nam Á, vốn đã tác động lớn hơn đến các nhà xuất cảng Trung Quốc. Đồng thời, sự trở lại của ngành công nghiệp sản xuất do Hoa Kỳ dẫn đầu đã dẫn đến một sự suy giảm cơ cấu xuất cảng của Trung Quốc sang Hoa Kỳ, và khi các quốc gia chứng kiến những gì ĐCSTQ đang làm, sự tin tưởng lẫn nhau đang trở nên khó bù đắp, vốn sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.”
Ông Jeffrey Gundlach, người sáng lập công ty đầu tư DoubleLine Capital của Hoa Kỳ, nói với Nikkei Asia trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng sau đại dịch, “sự bình thường mới” này sẽ bao gồm một sự gia tăng về chủ nghĩa dân tộc giữa các nền kinh tế trên thế giới. Mặc dù xu hướng này đã từng dựa vào Trung Quốc đối với hàng nhập cảng giá rẻ, nhưng sự phụ thuộc đó có thể thay đổi.
Vào giữa tháng 11/2022, Nikkei Asia đã khảo sát 100 công ty sản xuất lớn của Nhật Bản về chuỗi cung ứng của Trung Quốc, nhận được phản hồi từ 79 công ty. Trong số đó, 78% tin rằng rủi ro khi tìm nguồn cung ứng phụ tùng và linh kiện từ Trung Quốc đã tăng lên trong sáu tháng trước đó. 53% cho biết họ sẽ giảm nguồn cung ứng từ Trung Quốc, với các ứng cử viên chính thay thế chuỗi công nghiệp của Trung Quốc là Nhật Bản, Thái Lan, và Việt Nam.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times