5 sự kiện tác động đến kinh tế Trung Quốc năm 2022
Nhìn lại năm 2022, nền kinh tế Trung Quốc ngày càng rơi vào khó khăn dưới nhiều chính sách khác nhau của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Từ chính sách cực đoan “zero COVID” đến các quy định trong lĩnh vực bất động sản, từ làn sóng vỡ nợ đối với các tòa nhà chưa hoàn thiện đến tình trạng xuất cảng sa sút, nền kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề, và nhiều chính sách của chính quyền ĐCSTQ đã trải qua những thay đổi đáng kể.
Chúng ta hãy điểm qua 5 khía cạnh chính tác động sâu sắc đến kinh tế Trung Quốc trong năm 2022.
Xuất cảng liên tục sụt giảm
Xuất cảng là một trong ba trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc, tăng 4% vào năm 2020 và 21.2% vào năm 2021. Tuy nhiên, vào năm 2022, mọi thứ đã thay đổi, với xuất cảng tăng 13.2% trong hai quý đầu tiên, tương đương với 2% tính theo giá trị thực, sau khi điều chỉnh lạm phát.
Năm ngoái (2022), xuất nhập cảng của Trung Quốc bắt đầu giảm từ tháng Mười trở đi. Trong tháng Mười, tổng kim ngạch xuất nhập cảng giảm 0.4%, trong đó xuất cảng giảm 0.3% và nhập cảng giảm 0.7%.
Sang tháng Mười Một, tốc độ sụt giảm đã tăng nhanh chóng. Tổng kim ngạch xuất cảng 295.5 tỷ USD đã giảm 8.9% so với cùng thời kỳ năm ngoái, tiếp nối mức giảm 8.7% so với tháng trước. Tổng kim ngạch nhập cảng là 226.2 tỷ USD, giảm 10.6% so với cùng thời kỳ năm ngoái và giảm 9.9% so với tháng trước. Trong tháng đó, thương mại của Trung Quốc với các nhà nhập cảng lớn giảm mạnh so với cùng thời kỳ năm ngoái. Xuất cảng sang Hoa Kỳ giảm 25% so với cùng thời kỳ năm ngoái, đây là tháng giảm thứ tư liên tiếp và lớn hơn nhiều so với mức giảm 13% trong tháng Mười. Xuất cảng sang EU giảm 10.6% so với cùng thời kỳ năm ngoái, trong khi xuất cảng sang Nhật Bản, Nam Hàn, và Đài Loan giảm lần lượt là 5.6%, 12%, và 20%.
Trong quý 3/2022, xuất cảng của Trung Quốc sang Hoa Kỳ giảm 27% và sang EU giảm 11%, trong khi tổng xuất cảng của Trung Quốc giảm 40%. Với việc xuất cảng giảm, số lượng đơn đặt hàng cũng khan hiếm, nhiều nhà máy đã cho công nhân đi làm về sớm.
Trong bối cảnh Hoa Kỳ giảm nhập cảng từ Trung Quốc, Đông Nam Á và Ấn Độ đang nổi lên như những đối tác thương mại mới của Hoa Kỳ, đặc biệt là Ấn Độ, quốc gia sẽ tăng 48% tổng kim ngạch thương mại với Hoa Kỳ vào năm 2023. Hoa Kỳ cũng đang chuyển hướng các đơn đặt hàng sang các nước khác để tiếp tục giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.
Gần đây, Công ty Chứng khoán Thiên Phong (Tianfeng Securities) đã công bố một báo cáo nghiên cứu cho biết xuất cảng dự kiến sẽ đạt 298.46 tỷ USD trong tháng Mười Hai, giảm 12.27% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Nhập cảng đạt 228.50 tỷ USD, giảm 7.29% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Báo cáo cho biết sự sụt giảm nhu cầu từ ngoại quốc có thể sẽ tiếp diễn và vào năm 2023, xuất cảng dự kiến sẽ giảm lần lượt 20.48% và 16.16% so với cùng thời kỳ vào tháng Một và tháng Hai. Nhập cảng dự kiến sẽ giảm 20.52% và 17.91% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Lĩnh vực bất động sản lao đao vì nợ
Sau cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande, hơn 10 công ty bất động sản hàng đầu Trung Quốc đã gặp khó khăn về thanh khoản trong năm 2022. Theo thống kê chưa đầy đủ, khoảng 70 doanh nghiệp bất động sản đã nộp đơn lên S&P, Moody’s, và Fitch để rút xếp hạng, trong đó có một số doanh nghiệp đã hủy hợp tác với cả ba tổ chức xếp hạng tín dụng trên.
Để bán nhà ở, chính quyền Trung Quốc và các nhà phát triển đã cho ra nhiều loại phương thức quảng cáo lạ mắt. Thành phố Ngọc Lâm ở tỉnh Quảng Tây đã đưa ra sáng kiến “mua nhà kiếm việc”, trong đó thành phố sẽ ưu tiên việc làm cho những cư dân mới, vừa mua nhà trong thành phố, và không có việc làm. Chính quyền và các nhà phát triển trên toàn quốc cũng đã đưa ra những sáng kiến tương tự.
Hôm 30/06/2022, những người mua nhà của Evergrande Century ở Cảnh Đức Trấn thuộc tỉnh Giang Tây là những người đầu tiên thông báo rằng họ sẽ ngừng thanh toán thế chấp. Họ đã từ chối trả tiền thế chấp cho một tòa nhà chưa hoàn công như một cách phản đối. Ngay sau đó, người mua nhà của nhiều dự án trong nước có công trình dở dang và chậm hoàn thiện đã đồng loạt tuyên bố ngừng trả nợ thế chấp. Xu hướng này đã lan rộng khắp Trung Quốc, với ít nhất 344 dự án liên quan đến khoản thế chấp của 132 nhà phát triển không được thanh toán vào cuối năm nay. Chính quyền ĐCSTQ buộc phải đưa ra nhiều chính sách cứu trợ để bảo vệ thị trường bất động sản, thậm chí còn cho phép và khuyến khích các công ty bất động sản niêm yết tái cấp vốn trong trường hợp gói cứu trợ bị thất bại.
Theo một báo cáo do Kruger Property Research công bố, trong tháng Mười Hai năm 2022, 100 công ty bất động sản lớn nhất Trung Quốc đã báo cáo 677.51 tỷ nhân dân tệ (tương đương 98.2 tỷ USD) doanh số bán bất động sản mới, giảm 30.8% so với tháng Mười Hai năm ngoái, cao hơn mức giảm 25.5% của tháng Mười Một. Xét về tổng doanh số, từ tháng Một đến tháng Mười Hai, 100 công ty bất động sản hàng đầu đạt doanh thu 6,462.22 tỷ nhân dân tệ (tương đương 936.56 tỷ USD), giảm 41.6% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, các công ty bất động sản của Trung Quốc sẽ bước vào thời kỳ trả nợ cao nhất từ năm 2022 đến năm 2025, với ít nhất 292 tỷ USD nợ sẽ đáo hạn trong ngành bất động sản của Trung Quốc vào cuối năm 2023, dẫn đến áp lực thanh toán tăng lên đối với các công ty bất động sản để trả khoản nợ của họ.
Ngành ngân hàng lâm vào khủng hoảng tín dụng
Hôm 01/01/2022, quy định mới về quản lý tài sản đã chính thức được khai triển. Các quy định được thiết kế để phá vỡ việc “thanh toán cứng nhắc.” Theo “quy tắc” thanh toán cứng nhắc, các tổ chức tài chính, chẳng hạn như tổ chức phát hành trái phiếu, sẽ trả cho nhà đầu tư khoản đầu tư gốc và một số tiền lãi nhất định mà họ đã hứa từ trước một cách rõ ràng hoặc ngầm định ra, bất kể hiệu suất thực tế của sản phẩm tài chính cụ thể đó ra sao. “Rủi ro bằng không” mà các ngân hàng hứa hẹn cho các sản phẩm quản lý tài sản của họ đã trở thành dĩ vãng. Lợi nhuận từ việc quản lý tài sản phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả đầu tư thực tế, và tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng có từ ban đầu đã không còn tồn tại.
Hồi tháng Ba năm 2022, 3,600 sản phẩm quản lý tài sản của ngân hàng có lợi nhuận âm, chiếm hơn 13%. Năm nay đã trở thành năm đầu tiên có lợi nhuận âm đối với quản lý tài chính ngân hàng. Nhiều yếu tố đã dẫn đến hai đợt sản phẩm tài chính ngân hàng có lợi nhuận âm. Cam kết bảo toàn vốn trong các sản phẩm tài chính ngân hàng đã trở thành dĩ vãng ở Trung Quốc. Cái gọi là “đầu tư ổn định” đã không còn “ổn định” nữa.
Hôm 18/04, một số ngân hàng làng ở tỉnh Hà Nam đã trải qua một cuộc khủng hoảng tiền mặt, khách hàng không thể rút tiền và các ngân hàng đó đã đóng chức năng rút tiền và chuyển khoản trực tuyến của họ mà không thông báo trước. Hơn 400,000 khách hàng bị tổn thất tài chính nghiêm trọng, số tiền liên quan lên tới 40 tỷ nhân dân tệ (khoảng 5.94 tỷ USD).
Hôm 02/09/2022, Ngân hàng Nam Kinh lại gặp rắc rối một lần nữa vì làm đại lý thanh toán bù trừ cho sáu ngân hàng làng ở Hà Nam và An Huy. Một nhóm khách hàng đã tụ tập bên ngoài chi nhánh Hàng Châu của Ngân hàng Nam Kinh để biểu tình đòi quyền lợi, làm dấy lên suy đoán rằng Ngân hàng Nam Kinh cũng đang gặp khủng hoảng như các ngân hàng cấp làng.
Sau đó, một số tỉnh như Bắc Kinh, Quảng Đông, Sơn Đông, và Hải Nam đã chứng kiến thẻ ngân hàng chỉ có thể được sử dụng để gửi tiền chứ không thể rút tiền. Một số khách hàng thậm chí còn bị phong tỏa thẻ. Một số nhà phân tích tin rằng nhiều ngân hàng đang đối mặt với khủng hoảng tiền mặt và đang sử dụng “sự cố thẻ” như một biện pháp hạn chế rút tiền để giải quyết vấn đề thiếu dòng tiền.
Ngoài ra, quy mô tài sản xấu trong ngành ngân hàng đã tăng lên đáng kể, việc sáp nhập và tái cơ cấu các ngân hàng vừa và nhỏ trở thành hiện tượng phổ biến trong ngành ngân hàng. Trong nửa đầu năm 2022, các ngân hàng vừa và nhỏ ở Trung Quốc đã giải quyết tổng cộng 670 tỷ nhân dân tệ (98.97 tỷ USD) tài sản xấu, đồng thời 34 ngân hàng vừa và nhỏ đã sáp nhập và tái cơ cấu.
Theo “Báo cáo Triển vọng Kinh tế và Tài chính Ngân hàng Trung Quốc (2023)”, vào cuối quý 3/2022, số dư nợ xấu của các ngân hàng thương mại là 3 ngàn tỷ nhân dân tệ, tăng 5.6% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Trong đó, tốc độ tăng dư nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại lớn và ngân hàng thương mại cổ phần lần lượt là 4.37% và 3.16%. Tốc độ tăng dư nợ xấu của các ngân hàng thương mại thành phố và ngân hàng tư nhân lần lượt là 16.26% và 40.46%.
Giấc mơ sản xuất vi mạch của ĐCSTQ tan thành mây khói
Hồi tháng Tám năm 2022, Tổng thống Joe Biden đã chính thức ký Đạo luật CHIPS và Khoa học 2022, cấm tất cả các công ty vi mạch được chính phủ trợ cấp mở rộng năng lực sản xuất của họ ở Trung Quốc; Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo rằng bốn công nghệ mới, bao gồm phần mềm thiết kế vi mạch và vật liệu bán dẫn thế hệ thứ tư, đã được đưa vào danh sách kiểm soát xuất cảng.
Trong cùng thời gian, chính phủ ông Tập Cận Bình bất ngờ bắt đầu “cơn bão chống tham nhũng chống lại ngành vi mạch.” Các ông Đinh Văn Vũ (Ding Wenwu), Lộ Quân (Lu Jun), Cao Tùng Đào (Gao Songtao), và Dương Chinh Phàm (Yang Zhengfan), những người quản lý Quỹ Đầu tư Công nghiệp Vi mạch Tích hợp Quốc gia (ICF) của ĐCSTQ, đã lần lượt bị bắt. Ông Điêu Thạch Kinh (Diao Shijing), cựu giám đốc Cục Điện tử của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin của ĐCSTQ đồng thời là cựu chủ tịch của Tập đoàn Tử Quang (Ziguang Group), đã bị bắt như một phần của quá trình điều tra.
Hồi tháng Mười năm 2022, Hoa Kỳ đã ban hành lệnh kiểm soát xuất cảng thiết bị sản xuất cũng như chất bán dẫn thành phẩm đối với ĐCSTQ, hạn chế khả năng nước này có được một số sản phẩm và công nghệ bán dẫn do Hoa Kỳ quản lý. Đây là lệnh cấm kiểm soát xuất cảng vi mạch lớn nhất cho đến nay đối với ĐCSTQ, cấm xuất cảng vi mạch tân tiến và thiết bị xử lý dưới 14 nanomet, vi mạch cho AI và siêu máy điện toán, cũng như bộ nhớ NAND Flash trên 128 lớp sang Trung Quốc trừ khi được chính phủ Hoa Kỳ cho phép.
Ngoài ra, lệnh kiểm soát cũng cấm các nhân viên kỹ thuật của Hoa Kỳ phát triển và sản xuất vi mạch tân tiến tại Trung Quốc. Các giám đốc điều hành hàng đầu của các công ty Trung Quốc, chẳng hạn như SMIC và Công ty Công nghệ Bộ nhớ Trường Giang (Yangtze Memory Technologies Corp, YMTC), đã rời bỏ công việc của họ. Sau lệnh cấm, các công ty Trung Quốc đã nhập cảng 2.3 tỷ USD máy móc sản xuất chất bán dẫn vào tháng Mười Một, giảm hơn 40% so với một năm trước xuống mức thấp nhất kể từ tháng 05/2020.
Tháng Mười Một, Hoa Kỳ đã thành công thuyết phục Nhật Bản và Hà Lan thiết lập các biện pháp kiểm soát xuất cảng mới để cấm xuất cảng thiết bị sản xuất vi mạch tân tiến cho ĐCSTQ.
ĐCSTQ đã chi 9.5 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.4 ngàn tỷ USD) để trợ giúp cho ngành công nghiệp bán dẫn của mình. Tuy nhiên, ngành công nghiệp vi mạch ở Trung Quốc đang gặp khó khăn do thiếu công nghệ và kinh nghiệm. Do đó, nhiều nhà máy sản xuất vi mạch hiện đang bị bỏ hoang.
ĐCSTQ thay đổi chính sách COVID-19 một cách cực đoan
Các chính sách đại dịch của ĐCSTQ là cực đoan và không thể đoán trước. Hôm 01/04/2022, chính phủ ĐCSTQ đã tuyên bố phong tỏa hoàn toàn Thượng Hải, thành phố lớn nhất Trung Quốc, với hơn 40 triệu người sinh sống trong khu vực đô thị này.
Năm 2021, Thượng Hải đóng góp 3.8% GDP của Trung Quốc, đứng đầu trong số tất cả các thành phố. Sau hơn hai tháng bị phong tỏa, GDP của Thượng Hải đã giảm 13.7% so với cùng thời kỳ năm ngoái trong quý 2, đứng đầu trong nửa cuối của đất nước.
Cuối tháng Mười, do môi trường sản xuất khép kín, số lượng nhân viên bị nhiễm COVID-19 đã tăng đột biến tại nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam. Cuối tháng Mười Một năm 2022, việc nhà máy không tôn trọng hợp đồng và buộc nhân viên phải sống chung với những công nhân bị nhiễm COVID đã dẫn đến một cuộc biểu tình lớn của những nhân viên mới được tuyển dụng. Người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát chống bạo động.
Nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu phụ trách 50% sản lượng iPhone toàn cầu và là cơ sở sản xuất iPhone lớn nhất toàn cầu, mang lại việc làm và doanh thu thuế rất lớn cho Trịnh Châu và chiếm 60% xuất cảng từ tỉnh Hà Nam.
Lệnh phong tỏa Thượng Hải và cuộc khủng hoảng Foxconn đã thúc đẩy ba công ty trong chuỗi cung ứng của Apple là Hon Hai Precision, Pegatron, và Compal Electronics đẩy nhanh việc di chuyển sang Ấn Độ và Việt Nam, đồng thời đẩy nhanh việc khai triển dây chuyền sản xuất iPhone của Apple ở hải ngoại.
Hôm 07/12/2022, ĐCSTQ bất ngờ ban hành “mười quy tắc mới” để phòng chống đại dịch COVID, đột ngột từ bỏ chính sách zero COVID mà không báo trước, chuẩn bị, hay lập kế hoạch. Số người nhiễm COVID trên cả nước bùng nổ, ngược lại gây ra tác động đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một số nhà sản xuất xe hơi cũng đang đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng của họ. Mazda đang chuyển sản xuất một số bộ phận sản xuất tại Trung Quốc sang thị trường nội địa Nhật Bản; Ford và GM đang chuyển hoạt động sản xuất phụ tùng sang các nhà máy ở Hoa Kỳ; và Mercedes đang xem xét chuyển việc mua sắm phụ tùng của mình sang các nhà cung cấp ở Âu Châu, Hoa Kỳ, hoặc Mexico.
Bà Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CBS hôm 01/01/2023, rằng quá trình nới lỏng các quy định về COVID-19 của chính quyền Trung Quốc là hỗn loạn, đồng thời đại dịch có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay và làm giảm tăng trưởng khu vực cũng như toàn cầu.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times