Cảnh sắc phi phàm
Vấn dư hà ý thê bích sơn,
Tiếu nhi bất đáp tâm tự nhàn.
Đào hoa lưu thuỷ diểu nhiên khứ,
Biệt hữu thiên địa tại nhân gian.
– Lý Bạch, một trong những nhà thơ vĩ đại của Trung Quốc
Dịch thơ:
Hỏi ta việc gì ngụ núi xanh,
Ta cười không đáp tự tâm nhàn.
Hoa đào theo dòng trôi xa chảy,
Chỉ có đất trời ngoại nhân gian.
Trong nhiều thế kỷ, người Trung Hoa vốn đã ca ngợi và say mê những cảnh quan thiên nhiên tuyệt mỹ. Trung Hoa cổ đại là nơi mà con người và thần thánh cùng tồn tại, nơi các vị hiền nhân của Đạo gia ngao du trên những ngọn núi phủ sương mờ, và các bậc tu hành ngồi nhập định trong những nơi thâm sơn cùng cốc.
Thế giới tự nhiên, cùng với núi non hùng vĩ, những khe suối róc rách, những dòng thác ào ạt, không chỉ đơn thuần là cội nguồn của cái đẹp mà còn là nơi giúp con người đề cao tâm trí, tinh thần và giải thoát bản thân khỏi những phiền muộn, mộng mị và mệt mỏi chốn hồng trần.
Trong triết lý của cả Nho gia và Đạo gia, tự nhiên là cội nguồn của trí tuệ vô biên. Như Khổng Tử từng nói: “Kẻ trí lấy niềm vui từ biển. Người nhân lấy niềm vui từ núi.” Và ông tổ của Đạo gia, Lão Tử từng nói: “Người thuận theo Đất; Đất thuận theo Trời; Trời thuận theo Đạo; Đạo thuận theo tự nhiên.”
Phong cảnh tràn ngập trong hầu hết mọi lĩnh vực nghệ thuật của Trung Hoa, từ hội họa cho đến trang trí trên gốm sứ. Trong lĩnh vực hội họa, người Trung Hoa có truyền thống ngưỡng mộ tranh phong cảnh (sơn thủy) hơn tất cả các thể loại hội họa khác. Trong những cảnh quan hùng vĩ này, con người được miêu tả như những nhân tố rất nhỏ bé – những con người khiêm tốn và tôn kính dòng chảy của những thế lực to lớn hơn trong tự nhiên.
Hàng chục tác phẩm tinh tế được họa bằng bút lông và mực nho đã được trưng bày tại triển lãm của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan “Streams and Mountains Without End: Landscape Traditions of China” (tạm dịch: Sơn Thuỷ bất tận: Tranh phong cảnh truyền thống của Trung Hoa). Giám tuyển của triển lãm, Joseph Scheier-Dolberg, muốn giới thiệu sự đa dạng của loại hình nghệ thuật độc đáo này bằng cách chia thành chín chủ đề khác nhau. Một phòng trưng bày giới thiệu các bức họa mô phỏng lại tác phẩm của các bậc thầy cổ xưa, một phòng trưng bày khác là nơi gợi lại các truyền thuyết lịch sử, và một không gian trưng bày khác chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa thi ca và hội họa Trung Hoa, hai lĩnh vực này thường sẽ phản chiếu lẫn nhau.
Triển lãm đã trưng bày hơn 2,000 tác phẩm hội họa và thư pháp của The Met, và cũng có hàng chục bức tranh thuộc sở hữu tư nhân khác. “Ngay cả những du khách đã đến đây nhiều lần và biết rõ về bộ sưu tập – tôi nghĩ họ sẽ vẫn tìm thấy một số điều bất ngờ,” Scheier-Dolberg cho biết. Một số bức đã không được trưng bày tại The Met trong nhiều năm, và một bức được trưng bày lần đầu tiên sau một thế kỷ kể từ khi The Met sưu tầm được.
Tranh phong cảnh trở thành một loại hình hội hoạ độc lập ở Trung Quốc trong những năm cuối triều đại nhà Đường (619-906). Qua nhiều thế kỷ, nó đã phát triển thành một loại hình nghệ thuật truyền thống đa dạng và phong phú.
Các hình thức chủ yếu của tranh phong cảnh là ở dạng cuộn treo, cuộn cầm tay, và một tập gồm nhiều bức. Tranh treo tường thường được treo lên bằng một sợi dây lụa, trong khi tranh cuộn thường được cất giữ trong hộp và chỉ thỉnh thoảng được mở ra để thưởng thức. Một cuộn giấy có thể rất dài, bằng cả chiều dài của căn phòng, tuy nhiên, theo truyền thống thì chỉ mở chiều dài của tranh khoảng một sải tay để thuận tiện cho việc thưởng tranh.
Tranh cuộn mời người xem đi dạo trên những con đường quanh co cùng với những nhân vật nhỏ bé, trở nên khiêm tốn hơn bởi sự hùng vĩ của cảnh quan xung quanh. Trong bức “Kim Lăng Tứ Thời Đồ” tại bảo tàng nghệ thuật The Met, một kiệt tác dài 1.5 mét, hoạ sĩ Ngụy Khắc áp dụng kỹ thuật bút vẽ khác nhau từ những bậc thầy cổ xưa để đưa người xem qua các mùa và các vùng đất trứ danh khác của Nam Kinh một cách rất tinh tế.
Phần lớn tranh phong cảnh của Trung Hoa ẩn chứa nhiều biểu tượng hoặc nhiều nội hàm, ngày nay, chỉ những người đã hiểu biết về loại hình nghệ thuật này mới có thể hiểu được ý nghĩa ẩn sau mỗi bức họa. Các bức tranh lấy cảm hứng từ Lan Đình, thường mô tả một nhóm các học giả ngồi dọc theo bờ sông hoặc suối. Như một sự kiện diễn ra tại buổi lễ tẩy tịnh vào mùa xuân thế kỷ 4, các văn nhân tề tựu để uống rượu và làm thơ. Chén rượu được thả trôi theo dòng suối uốn lượn quanh co, và khi nào chén rượu dừng trước mặt một ai đó, người này phải uống cạn và ngẫu hứng làm thơ. Đến cuối ngày, các học giả đã sáng tác ra hơn ba mươi bài thơ.
Một trong những biểu tượng phổ biến nhất trong tranh phong cảnh Trung Hoa là sự ẩn dật – hình tượng một nam nhân cô độc giữa thiên nhiên hùng vĩ, ngồi câu cá trên chiếc thuyền độc mộc, đọc sách ở một nơi hoang vu cô liêu hoặc nhìn chăm chú vào một thác nước. Trong lịch sử Trung Hoa cổ đại, cuộc sống như vậy khá phổ biến với các học giả, những vị quan đã rút lui khỏi chốn quan trường, rời xa thế tục, đặc biệt trong thời kỳ chính trị hỗn loạn hoặc nạn tham nhũng tràn lan trong những năm suy tàn của một triều đại. Họ rời xa thế tục, tu thân và sống một cuộc sống yên bình; dành thời gian cho việc nghiên cứu học thuật và nghệ thuật.
Nét bút của hoạ sĩ là cửa sổ dẫn đến tâm hồn, cảm xúc và thế giới quan của họ. Đó là “dấu ấn tâm trí” của tác giả, Scheier-Dolberg nói. “Cũng giống như thư pháp, đây là một môn nghệ thuật thể hiện tâm hồn con người một cách sâu sắc.”
Do đó, phong cảnh thiên nhiên được miêu tả trong tranh đã trở thành phương tiện để các nghệ sĩ thể hiện cảm xúc sâu kín nhất trong họ. Và nó mang đến niềm vui khôn tả khi họ gặp một ai đó có thể hiểu được nghệ thuật của họ và cùng nhau sẻ chia cảm xúc.
Thoáng nhìn, một bức tranh phong cảnh Trung Hoa chỉ đơn giản vẽ những rặng núi, cây cối và các khối đá. Nhưng ẩn trong đó là một điều gì đó phức tạp và sâu sắc hơn. “Đó là một trong những điều thú vị của môn nghệ thuật truyền thống này, bạn có thể cần phải dành cả đời để nghiên cứu và học hỏi về loại hình nghệ thuật này,” Scheier-Dolberg cho biết.
Thuần Thanh biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times