Quá trình sáng tạo thần thánh của Michelangelo
Michelangelo đã đốt đi hầu như các bức vẽ của mình. Đó có thể là những bản phác họa, những suy nghĩ thoáng qua. Số ít những bức vẽ còn lại được những người cùng thời ông nhắc đến như là “tiếng vang thần thánh”. Chúng được đánh giá cao ngay cả lúc ông còn sống, vì những bản thảo này đã tiết lộ một quá trình sáng tạo của một “II Divo” – “người siêu phàm”. (1)
Michelangelo đã được ca ngợi là “Người siêu phàm” ở tuổi 31 trong một bài thơ sử thi, cũng như trong suốt cuộc đời của ông. Danh hiệu này mãi đúng trong mọi thời đại, ngày nay được tái khẳng định bằng cuộc triển lãm chưa từng có ở Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan “Michelangelo: Divine Draftsman and Designer.” (tạm dịch: “Michelangelo: Nhà thiết kế của Thần”)
“Tài năng đỉnh cao của Michelangelo có thể nhắc nhở chúng ta rằng nghệ thuật là vượt thời gian và lớn hơn cả bản thân chúng ta. Nó nuôi dưỡng tinh thần. Nghệ thuật có thể mang lại niềm an ủi và hy vọng cho con người”, Giám tuyển Carmen Bambach cho biết trong buổi ra mắt trước báo chí vào ngày 6 tháng 11. Vào cuối bài phát biểu của mình, bà cũng ám chỉ cuộc triển lãm là “một trải nghiệm tinh thần”.
Khi nói chuyện với một nhóm phóng viên sau đó, Bambach nhấn mạnh rằng nghệ thuật của Michelangelo vẫn “nói lên một giọng điệu cực kỳ tươi mới”, mặc dù ông sống trong một thời kỳ rất khác với thời đại của chúng ta, với những khó khăn và niềm vui diễn ra rất khác những điều mà chúng ta ngày nay có thể không hiểu được.
Để bước vào thế giới của bậc thầy này, có thể nhìn và cảm nhận những gì Michelangelo truyền đạt trong các bức vẽ của mình, đòi hỏi sự tập trung và suy ngẫm. Triển lãm của The Met mang đến một cơ hội tuyệt vời cho chúng ta trải nghiệm những điều này, nó đòi hỏi một sự khiêm tốn ở chúng ta. Nó làm nổi bậc tinh thần “disegno” của Michelangelo với nghĩa bề mặt trong tiếng ý là một tài năng hội họa và sáng tạo, đồng thời là người luôn theo đuổi giá trị mỹ đức được tu dưỡng trong thời Phục Hưng.
Như để phù hợp với quá trình sáng tạo phi thường của Michelangelo, trong tám năm, The Met đã tập hợp và tổ chức một cuộc triển lãm lớn nhất từ trước đến nay về các bức vẽ của ông — tổng cộng 128 bức, bao gồm các bản thảo cho tác phẩm điêu khắc David bằng đá cẩm thạch khổng lồ, bản vẽ sơ lược cho Lăng mộ Giáo hoàng Julius II và các nghiên cứu ông vẽ cho trần của giáo đường Sistine, và bộ cartoon(2) kích thước thực tế cho bức bích họa “Đóng Đinh Thánh Peter” trong Cung điện Vatican.
Hơn nữa, triển lãm cũng bao gồm các tác phẩm khác của ông như: ba tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch, bức tranh đầu tiên của ông, mô hình kiến trúc cho một mái vòm giáo đường, thơ và thư, cũng như khoảng 70 tác phẩm của thầy trò, các cộng tác viên và nghệ sĩ mà ông có ảnh hưởng.
Nghệ thuật của Michelangelo được kết nối và xâu chuỗi theo cách chưa từng có trước đây. Các tác phẩm quý hiếm này được trưng bày là mượn từ khoảng 50 bộ sưu tập hàng đầu ở 35 thành phố Châu Âu và Hoa Kỳ. Nếu không thì một học giả có thể phải mất 20 năm để tiếp cận tất cả những tác phẩm này, chứ chưa nói đến việc có thể xem tất cả chúng ở cùng một nơi. Trí tưởng tượng vô biên, bản lĩnh và đức tính của Michelangelo được thể hiện cho tất cả mọi người chiêm ngưỡng trong cuộc triển lãm đồ sộ này trong ba tháng. Đó là một công việc rất quảng đại, cần phải hết sức cẩn thận để bảo tồn các tác phẩm của ông vì chúng rất dễ hỏng, nhạy cảm với ánh sáng..
Danh mục triển lãm sẽ lưu tồn vĩnh viễn. Tuy nhiên, chỉ khi tận mắt chứng kiến những tác phẩm này, người ta mới có thể cảm nhận hết được phẩm chất “terribilità” của Michelangelo, một phẩm chất phi phàm nổi tiếng của ông. Người ta có thể cảm nhận được cách ông đang khắc họa lên giấy, với những đường nét mạnh mẽ. Người ta có thể kinh ngạc với các tác phẩm của ông, cảm thấy những vật thể vô tri vô giác đang chuyển động không ngừng và rất sống động.
Bambach nói rằng, “khi xem bản gốc, chúng ta thực sự cảm nhận được bàn tay của nghệ sĩ, nghệ sĩ đang suy nghĩ trên giấy”. Đến gần, chúng ta có thể thấy sức sáng tạo không giới hạn của Michelangelo, như thể bàn tay của ông không thể theo kịp đam mê của mình trong việc làm cho cái vô hình trở nên hữu hình. “Điều này như là sự bùng nổ ý tưởng và những hình ảnh đẹp đẽ trên giấy.”
Mặc dù có nhiều tài liệu và dẫn chứng về Michelangelo, bao gồm năm tiểu sử được viết về cuộc đời ông, nhưng cuộc triển lãm này giúp chúng ta hiểu hơn về ông.
Nó giới thiệu quá trình học tập của Michelangelo trong xưởng vẽ của Domenico Ghirlandaio và những giọt mồ hôi đã hun đúc nên tài năng của ông. Dựa trên tiểu sử này, cho thấy ông đã có một cuộc đàm thoại về thời đại cổ xưa, ông đấu tranh với những giáo điều và những người cùng thời, ông hợp tác có cân nhắc với các nghệ sĩ khác, chẳng hạn như với nghệ sĩ người Venice Sebastiano del Piombo (1485/86–1547); trong đó còn có thơ và thư; tình bạn sâu sắc và những món quà, bao gồm cả những món quà với nhà quý tộc Tommaso dei Cavalieri (1509–1587), và nhà thơ góa phụ thuộc tầng lớp quý tộc Vittoria Colonna (1492–1547).
Ngôn ngữ của Michelangelo
Khi Michelangelo vẽ cho chính mình, ông phác thảo rất nhanh, trực quan và ngẫu hứng. Khi giao tiếp với các nghệ sĩ, trợ lý hoặc công nhân khác trong mỏ đá, ông đã tạo ra các bản vẽ chi tiết, với các đường nét thô sơ của một họa viên, có thể không nhân ra đôi tay nhân vật bởi vì những bản vẽ này chỉ dùng để trao đổi thông tin. Các nghiên cứu giải phẫu rất đẹp đẽ khi hoàn thiện của ông, thể hiện ra những đường nét đánh bóng tương tự như cách mà ông khắc các tác phẩm điêu khắc của mình, Bambach giả thích.
Bà nói rằng, “Đối với Michelangelo, vẽ là một loại ngôn ngữ”. Người nghệ sĩ này không chỉ xem mình là một nhà điêu khắc đá cẩm thạch, mà còn là một họa sĩ, một kiến trúc sư và một nhà thơ. Vẽ là nền tảng căn bản để ông giao tiếp hoặc tạo ra bất cứ điều gì. Ông hiếm khi đưa ra lý thuyết về quá trình sáng tạo của mình dưới dạng văn bản.
“Đây là một người đàn ông mà khi ông nói, ông nói hay nhất là bằng thơ”, Bambach mỉm cười nói.
Một trong những bài thơ mười bốn câu nổi tiếng nhất của ông, có lẽ dành cho Colonna, người kể nhiều nhất về lý thuyết nghệ thuật Neoplatonic của ông. Khổ thơ đầu tiên viết: “Ngay cả những nghệ sĩ giỏi nhất cũng không có quan niệm nào / rằng một khối đá cẩm thạch đơn lẻ không chứa nổi / bên trong nó quá thừa thãi, và điều đó chỉ đạt được/ bằng bàn tay tuân theo trí tuệ.”
Bambach nhấn mạnh: Ông đã đặt cả trái tim, khối óc và bàn tay vào việc sáng tác nghệ thuật.
iMichelangelo xem “disegno” nhưng một sự thực hành khả năng lao động tập trung để đạt được sự câu thông với Chúa và theo cách đó, truyền sức sống vào nghệ thuật của mình. Không có gì lạ khi những người đương thời tôn kính tác phẩm của ông, gọi nó là “tiếng vang của thần thánh” và sứ mệnh này được hoàn thành “bằng tay của ông” (“di sua mano”). Song song với đó, bút pháp của ông rất đẹp và thơ của ông cũng thăng hoa.
Những tình bạn cao đẹp
Vài trong số những bức vẽ tuyệt mỹ và hiếm thấy nhất được trưng bày gồm có những món quà Michelangelo tặng cho những người bạn thân thiết nhất của mình, chẳng hạn như bốn bức vẽ đang được lưu tồn mà ông tặng cho Tommaso de’Cavalieri (mượn từ Royal Collection of Her Majesty Queen Elizabeth II).
Bức vẽ có tựa đề “Giấc mơ” mô tả một thiên thần bay đang thổi kèn, chĩa thẳng vào giữa mắt một người đàn ông (đây là vị trí của con mắt thứ ba và vùng tưởng tượng trong tư tưởng Aristotelian-Galenic). Người đàn ông này ngồi trên một chiếc hộp có đầy những chiếc mặt nạ dùng trong ca kịch và dựa lưng vào một quả cầu, như đang truyền đạt rằng thế giới trần gian như một sân khấu. Thiên thần đánh thức người đàn ông khỏi “giấc mơ” có lẽ phản ánh trạng thái của Michelangelo như một nghệ sĩ được đánh thức — bằng tình yêu vào cái đẹp và đức tin sâu sắc vào Chúa.
Bambach nói: “Tác phẩm Michelangelo có điều gì đó cực kỳ đẹp khi chiêm ngưỡng , đó là sự hoàn hảo tuyệt đối trong tinh thần disegno của Michelangelo. Về cơ bản, chúng là những bảo thảo quý giá.”
Những bài thơ ông trao đổi với Colonna và bức vẽ ông tặng cô về Pieta, mượn từ Bảo tàng Isabella Stewart Gardner, chứng thực “niềm tin vào Chúa sâu sắc đến mức đáng kinh ngạc và quên đi tự ngã”, Bambach nói.
Michelangelo đã viết một bài thơ mười bốn câu cho Colonna, ám chỉ đến sự bất tử của nghệ thuật: “Thưa quý cô, làm sao có thể, như một người có thể thấy/ từ kinh nghiệm lâu năm, rằng hình ảnh sống động/ được điêu khắc trên đá núi cao sẽ trường tồn/ lâu hơn cả người tạo ra chúng, người theo năm tháng hóa tro tàn?”
Michelangelo Buonarroti (1475–1564) sống gần 89 năm. Ông sống rất thọ so với những người cùng thời. Triển lãm The Met về người họa sĩ thần thánh càng giúp chúng ta hiểu sâu sắc về Michelangelo hơn. “Nó như một lời nhắc nhở rằng 500 năm có thể tan biến trước chúng ta khi nhìn vào các bức vẽ, tác phẩm điêu khắc và các bức tranh của nghệ sĩ đầy sáng tạo”, Bambach nói.
Chú thích của người dịch:
(1) Đương thời Michelangelo thường được gọi là “II Divo”, tạm dịch là “người siêu phàm”
(2) Cartoon – “cartone” trong tiếng Ý- có nghĩa là giấy, là một bản vẽ phác chi tiết được dùng để chuyển một hình ảnh từ giấy lên tường hoặc thảm.