Tranh sơn thủy dưới triều đại Minh – Thanh
Dòng nước uốn lượn quanh những ngọn núi sừng sững là yếu tố cốt lõi trong tranh phong cảnh Trung Hoa, hay còn gọi là tranh sơn thủy. Trải qua quá trình phát triển lâu dài, dòng tranh này cho thấy người Trung Quốc cổ đại tin rằng trời và đất tồn tại dung hòa với nhau.
Niềm tin cổ xưa đó xuất phát từ triết lý của Đạo gia và đặc biệt ảnh hưởng đến hình thức nghệ thuật của họ: Những ngọn núi sừng sững, vươn đến trời cao tượng trưng cho dương; dòng nước chảy êm đềm bao phủ lấy mặt đất tượng trưng cho âm. Non nước hội tụ, thể hiện sự cân bằng giữa âm và dương trong Đạo, cũng là tinh hoa trong tranh sơn thủy. Và trong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, con người chỉ là những đốm nhỏ bé.
Tranh sơn thủy Trung Hoa cực thịnh vào thời Ngũ Đại (907-960) và thời Tống (960-1279); về sau, dòng tranh này đã trải qua những giai đoạn phát triển đáng chú ý với truyền thống văn nhân triều đại nhà Nguyên (1279-1368) dưới sự cai trị của Mông Cổ. Thủ pháp nét cọ tỉ mỉ là phong cách chính thức của Tống triều, nhưng trong thời Nguyên, các văn nhân họa, những học giả và họa sĩ Trung Hoa sống tha hương dưới triều Mông Cổ, tập trung vào việc khắc họa tinh thần và năng lượng của các đối tượng trong tranh. Họ thường sử dụng các kỹ thuật thư pháp để thể hiện bản thân và cố gắng biểu đạt những điều họ chứng kiến và cảm nhận.
Tranh sơn thủy tiếp tục phát triển mạnh dưới thời nhà Minh và Thanh. Các họa sĩ thường nghiên cứu và lấy cảm hứng từ tranh của những bậc thầy đi trước, đồng thời phát triển phong cách và kỹ thuật của riêng mình. Chẳng hạn, các họa sĩ thời Minh-Thanh thường dùng bảng màu rộng hơn so với các tiền bối – những họa sĩ chủ yếu sử dụng mực đơn sắc màu đen hoặc lục-lam.
Khác với các triều đại trước chỉ có duy nhất một trào lưu nghệ thuật, triều đại Minh-Thanh đã chứng kiến sự thay đổi giữa các trường phái và phong cách vẽ tranh phong cảnh khác nhau.
Và chúng ta thật may mắn khi có thể tận mắt thưởng thức những bức tranh tuyệt vời này tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York.
Nhà Minh
Nhà Nguyên sụp đổ, nhà Minh khai quốc (1368–1644), một lần nữa Trung Quốc dưới quyền cai trị của người bản xứ. Triều Minh tìm cách phục hưng nghệ thuật hàn lâm thời Tống. Đới Tấn (1388–1462) sáng lập trường phái hội họa Triết Phái, dựa trên phong cách tranh sơn thủy thời Tống với đặc trưng là những ngọn núi cao trong sương mù mềm mại.
Triết Phái là một trường phái quan trọng của dòng tranh cung đình, nhưng đã bị lu mờ trước Ngô Phái, trường phái có liên quan đến Tứ Minh Gia (1).
Ngô Phái
Trong khi hội họa cung đình phát triển mạnh mẽ vào thời đầu nhà Minh, thì văn nhân họa từng chiếm vị thế quan trọng trong thời nhà Nguyên lại đi đến suy tàn. Tuy nhiên, truyền thống văn nhân không thể nào mất đi, vì tranh cung đình và văn nhân họa là hai đặc trưng nghệ thuật trong thời nhà Minh.
Trên thực tế, khi quyền lực hoàng gia suy yếu vào cuối thời Minh, các nghệ sĩ như Thẩm Chu (1427–1509), một trong bốn bậc thầy lớn của nhà Minh, trở nên nổi bật và truyền thống văn nhân lại hưng thịnh. Thẩm Chu từ quan và sống một cuộc sống ẩn dật. Ông nghiên cứu tranh truyền thống của các bậc thầy nhà Nguyên và sáng lập nên Ngô Phái. Ngô Phái không chỉ đại diện cho các văn nhân họa như Thẩm Chu, mà còn gồm cả các họa sĩ chuyên nghiệp nắm vững phong cách vẽ tỉ mỉ gần với phong cách cung đình.
“Lư Sơn cao đồ” là một trong những bức tranh nổi tiếng của Thẩm Chu thể hiện phong cách hội họa thời nhà Nguyên. Nằm ở phía bắc Giang Tây, ngọn núi cao ngất này được miêu tả với những rãnh núi sâu và khe suối. Cây bụi tô điểm cho các sườn núi và dây leo phủ kín các vách đá. Một thác nước cao hàng chục mét đổ xuống những tảng đá tạo nên một dòng sông. Gần chân thác, một bóng người nhỏ bé đứng dưới tán thông dường như đang ngước nhìn khung cảnh với vẻ kinh ngạc. Con người bé nhỏ trước cao sơn gợi lên triết lý của Đạo gia rằng con người trở nên tầm thường trước thiên nhiên rộng lớn.
Theo mạch phong cách văn nhân, các tác phẩm của Thẩm Chu tìm cách thể hiện một cảm xúc nhất định. Ông đã sử dụng các nét cọ đứt quãng để khắc họa các ghềnh đá và sườn dốc nhằm tạo ra một diện mạo bề thế, truyền đi sức mạnh và sức sống nhịp nhàng.
Thẩm Chu đã vẽ tác phẩm này như một món quà cho người thầy của mình là Trần Khoan, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của thầy. Vì lòng ngưỡng mộ và tôn kính, ông đã sử dụng hình ảnh Lư Sơn cao vời vợi và hùng vĩ để thể hiện đức tính mạnh mẽ của thầy. Thẩm Chu dường như xem mình là nhân vật đang ngước nhìn thầy với vẻ đầy kinh ngạc, ngọn núi cao ngất là hiện thân của thầy, nơi mà Thẩm Chu không bao giờ có thể chạm tới. Đó là tình cảm được thể hiện trong bức tranh.
Một trong Minh Tứ Gia của nhà Minh là nghệ sĩ nổi tiếng Cừu Anh (1494–1552), người đã trở thành họa sĩ Ngô Phái chuyên nghiệp. Dù sinh ra trong một gia đình có gia thế tầm thường, nhưng ông đã nhận được sự ủng hộ từ các bậc vương giả và các nhà sưu tầm nghệ thuật. Phong cách của ông là sự thành thạo thủ pháp nét cọ tỉ mỉ vốn đặc trưng của hội họa cung đình triều Minh. Tuy nhiên, ông cũng có thể vẽ theo truyền thống văn nhân mà không phải bỏ qua tính chính xác, tạo ra phong cách độc đáo của riêng mình.
Trong bức “Ngọc động tiên nguyên đồ”, Cừu Anh đã vẽ nên cõi thần tiên siêu thoát chốn trần tục. Bắt đầu từ phần dưới, một cây cầu bắc qua dòng suối dẫn vào tiên cảnh. Một học giả áo bào trắng đang gảy cổ cầm dưới tán thông như thể đang cố gắng câu thông với các vị thần. Ở đây, Cừu Anh đã sử dụng các mô típ văn nhân họa, vì cổ cầm là một nhạc cụ quan trọng của giới văn nhân.
Lối đi ẩn hiện giữa những đám mây bồng bềnh len lỏi trong tán cây thông và cây bách. Những ngọn núi hình pha lê, nhuốm màu ngọc bích với đỉnh cao chót vót chọc thủng tầng trời. Trong tác phẩm này, Cừu Anh sử dụng nét cọ vô cùng tinh tế để mang lại vẻ tráng lệ, trang nhã của một thế giới thần tiên.
Nhà Thanh
Trung Quốc dưới quyền thống trị của người Mãn Châu trong thời nhà Thanh (1644–1912). Những người trung thành với nhà Minh trở thành thiểu số, họ tìm chốn nương tựa trong tôn giáo và một số đã trở thành tu sĩ Phật giáo. Tứ Tăng Hoạ sĩ (2) cũng thuộc nhóm này, họ bày tỏ sự thất vọng và khao khát khôi phục chế độ trước thông qua những bức tranh phong cảnh ảm đạm của mình.
Có lẽ điều quan trọng là các hoàng đế nhà Thanh đã nhiệt thành tiếp nhận văn hóa Trung Hoa và trở thành những nhà bảo trợ cho nghệ thuật. Trái ngược với nhà Nguyên, các hoàng đế nhà Thanh tuyển chọn các học giả và họa sĩ Trung Hoa làm việc cho triều đình.
Một trong những nghệ sĩ phục vụ triều Thanh là Viên Giang (1671–1746), ông được biết đến với những bức vẽ phong cảnh và cung điện theo phong cách nét cọ tỉ mỉ. “Thanh Viên Giang Cửu Thành Cung đồ” là tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyên Giang, minh chứng cho tài năng vẽ các khu cung tẩm với kích thước lớn. Một bộ gồm 12 tranh cuộn tạo thành một bức họa bình phong lớn thể hiện sự kết hợp những tham chiếu thời cổ đại trong bối cảnh của các sự kiện đương thời.
Lấy bối cảnh trên những ngọn đồi phía bắc Trường An (Tây An ngày nay), tác phẩm thể hiện cuộc sống ẩn dật của hoàng đế nhà Đường (618–907). Thanh Viên Giang Cửu Thành Cung được biết đến là một trong những cung điện sang trọng bậc nhất nhưng đã bị phá hủy vào gần cuối triều đại. Tuy nhiên, thay vì vẽ theo kiến trúc nhà Đường, các cung tẩm xa hoa lại được mô tả theo phong cách kiến trúc nhà Thanh với mái cong, họa tiết trang trí công phu màu sắc rực rỡ. Khu ẩn cư nguy nga tráng lệ nằm trong một khung cảnh rộng lớn như trong thế giới của Đạo đầy huyền hoặc, với những khu vườn tươi tốt và những ngọn núi tráng lệ.
Từ tiền cảnh phía trái, một đám rước các bậc vương giả đi xuống từ những ngọn đồi. Cận cảnh cho thấy hoàng đế nhà Thanh trên lưng ngựa đang chuẩn bị qua cầu, theo sau là một người hộ tống cầm lọng che nắng. Cảnh này liên quan đến chuyến thị sát lần thứ hai của Hoàng đế Khang Hy khi ông đến thăm Dương Châu, quê hương của Viên Giang. Viên Giang đã lấy cảm hứng từ chuyến vi hành để vẽ nên một bức tranh đề cập đến sự kiện này trong một khung cảnh lộng lẫy mang tính lịch sử.
Chính thống phái
Triều đình nhà Thanh không chỉ trưng bày dòng tranh cung đình, mà còn chấp nhận coi truyền thống văn nhân là Trường phái tranh sơn thủy chính thống. Trường phái này xuất hiện từ cuối thời Minh, là một nỗ lực nhằm hợp thức hóa dòng tranh từng là một phong cách riêng của các văn sĩ. Tứ Vương (3) được biết đến là nhóm họa sĩ đi đầu trong trường phái này, họ ủng hộ sự hợp nhất các phong cách như một phương tiện để thể hiện tình cảm và cảm xúc của mình trước thiên nhiên.
Vương Nguyên Kỳ là người trẻ nhất trong Tứ Vương và là họa sĩ riêng của hoàng đế Khang Hy. Trong tác phẩm “Phảng Hoàng Công Vọng thu sơn đồ”, mây mờ cuộn quanh đỉnh núi. Phía trước là bờ sông uốn lượn qua thung lũng, mất hút vào những sườn núi xa xa. Những đốm lá đỏ cam rải rác giữa rừng cây tạo nên sắc thái của mùa thu. Dù phong cách của ông chịu ảnh hưởng từ họa sĩ thời nhà Nguyên, Hoàng Công Vọng, Vương Nguyên Kỳ cũng đã phát triển các kỹ thuật của riêng mình. Ông thường sử dụng cọ khô để thể hiện chất liệu bề mặt và tạo ra kỹ thuật phếch màu độc đáo của riêng mình.
Ảnh hưởng từ phương Tây
Thời nhà Thanh mở rộng mối quan hệ với phương Tây, các họa sĩ cung đình bị ảnh hưởng bởi kỹ thuật sơn dầu và bích họa của Âu Châu cũng như khái niệm phối cảnh tuyến tính. Họa sĩ truyền giáo người Ý Giuseppe Castiglione (1688–1766) từng phục vụ ba hoàng đế của triều đình nhà Thanh. Ông đã phát triển một thủ pháp Trung-Âu, đó là sự kết hợp giữa các kỹ thuật vẽ ánh sáng và bóng đổ của phương Tây với kỹ thuật vẽ bút lông và mực của Trung Hoa.
Bức tranh quan trọng nhất của Castiglione đại diện cho sự hợp nhất này là “Bách tuấn đồ”. Bức tranh cuộn này trải dài từ đồng cỏ đến núi non và bờ sông, nơi có một trăm con tuấn mã được vẽ trong các tư thế và hoạt động khác nhau. Một số con đang thong thả gặm cỏ, những con khác đang vui đùa nghịch ngợm, hùng hổ đấu nhau, v.v. và một số đang băng qua dòng nước.
Trong khi phần tiền cảnh của bức tranh thể hiện theo phong cách phương Tây, thì hậu cảnh cho thấy các đặc trưng của tranh Trung Hoa. Phối cảnh tuyến tính rõ ràng với các vật thể ở xa có kích thước nhỏ dần. Việc Castiglione sử dụng các kỹ thuật đường nét để vẽ đồi núi cho thấy ảnh hưởng của tranh Trung Hoa. Phần màu loan ở hậu cảnh thể hiện một bầu không khí nhẹ nhàng, mờ ảo, hiển lộ ra thủ pháp bản địa. Cây cỏ ở tiền cảnh có bóng đổ và độ tương phản, trong khi những con ngựa được vẽ toàn thân với hình khối rõ ràng. Tuy nhiên, ông đã cố ý giảm tông màu trên tổng thể để không tạo ra sự tương phản quá lớn mà là một sự pha trộn hài hòa giữa hai truyền thống hội họa.
Ở mỗi triều đại, những ảnh hưởng về văn hóa, chính trị và xã hội đã định hình nên các phong cách và trường phái vẽ tranh sơn thủy khác nhau. Tuy nhiên, các triết lý xuyên suốt của Trung Hoa cổ vẫn luôn nhất quán, định hình nên một phong cách nghệ thuật sâu sắc và mang lại một di sản giàu có của hội họa Trung Hoa cổ đại.
Mike Cai tốt nghiệp tại Học viện nghệ thuật Phi Thiên New York và Đại học California – Berkeley.
Chú thích:
- Tứ Minh Gia là bốn họa sĩ của triều Minh gồm Thẩm Chu (1427–1509), Văn Trưng Minh (1470–1559), Đường Dần (1470–1524) và Cừu Anh (1494 – 1552).
- Tứ Tăng gồm Chu Đáp (1626–1705), Thạch Đào (1642–1707), Hoằng Nhân (1610–1663), Khôn Tàn (1612 – sau 1674), là những họa sĩ cuối triều Minh, trở thành tăng sĩ sau khi nhà Minh sụp đổ dưới nhà Thanh.
- Tứ Vương là các họa sĩ tranh sơn thủy thời nhà Thanh có cùng họ Vương, gồm có Vương Thì Mẫn (1592–1680), Vương Giám (1598–1677), Vương Hy (1632–1717) và Vương Nguyên Kỳ (1642–1715).
Mike Cai
Phương Du biên dịch
Xem thêm: