Những câu chuyện lạ thời Tam Quốc (P.1): Lời dự ngôn ẩn đố gần 200 năm
Bắt đầu từ cuối thời kỳ Tây Hán, trong dân gian lưu truyền một sấm thư không rõ từ đâu, là một dự ngôn khó bề phân biệt: “Đại Hán giả, Đương Đồ Cao dã.”
Khi Đông Hán vừa lập, Quang Vũ Đế Lưu Tú đã viết thư chiêu hàng Công Tôn Thuật vốn đang tự xưng vương trên đất Thục. Trong thư, Lưu Tú cũng dùng dự ngôn nay để châm chọc Công Tôn Thuật: “Nghe nói ‘Đại Hán giả, Đương Đồ Cao’, lẽ nào ông lại chính là ‘Đương Đồ Cao’?”
Trong thư, Lưu Tú cho rằng “Đương Đồ Cao” là một người tương lai sẽ thay thế Hán thất, họ ‘Đương Đồ’, tên ‘Cao’.
“Đương Đồ Cao” có phải là tên người không?
Trong “Hán Vũ cố sự” có kể rõ ràng về nội dung của dự ngôn này.
Khi Hán Vũ Đế Lưu Triệt đi thị sát sông Phần, trong khi yến ẩm với quần thần, đã cảm khái ngâm bài thơ “Thu Phong Từ”:
Thu phong khởi hề bạch vân phi, Thảo mộc hoàng lạc hề nhạn nam quy.
Lan hữu tú hề cúc hữu phương, Hoài giai nhân hề bất năng vong.
Phiếm lâu thuyền hề tế phần hà, Hoành trung lưu hề dương tố ba.
Tiêu cổ minh hề phát trạo ca, Hoan nhạc cực hề ai tình đa.
Thiếu tráng kỷ thì hề nại lão hà!
Tạm dịch nghĩa:
Gió thu thổi, mây trắng bay, Cỏ cây vàng rụng, Nhạn về phương Nam.
Lan rất đẹp, cúc rất thơm, Mà nỗi nhớ giai nhân không thể quên.
Bồng bềnh lâu thuyền vượt sông Phần, Vắt ngang dòng chảy sóng trắng cuộn
Tiêu trống vang lên hát chèo thuyền, Vui sướng cực độ nhưng bi thương không ít.
Một thời trai tráng nay già rồi sao!
Vũ Đế khi đó hơn 40 tuổi, đã nói tiếp về dự ngôn này: “Thiên mệnh Lưu gia chúng ta sau khi mất đi lại được quay về, không biết vị nào trong con cháu tôn thất có thể đảm đương được trọng trách. Nhưng khi sáu, bảy cái tai ách đến, ‘Đương Đồ Cao’ sẽ thay thế nhà Hán chúng ta.”
Mọi người đều cảm thấy Vũ Đế hà tất trong lúc vui vẻ ở đây, lại nói ra những lời vong quốc xui xẻo này? Nhưng Vũ Đế cũng chỉ hờ hững nói: “Ta có lẽ đã say rồi ! Có điều, từ xưa đến nay đã có gia tộc nào có thể giữ mãi được thiên hạ đâu? Nếu như họ Lưu chúng ta không còn là chủ thiên hạ, cũng không có vấn đề gì!”
Trong câu chuyện hiển nhiên cho rằng Hán Vũ Đế Lưu Triệt khi tuổi trung niên đã nghe nói đến lời dự ngôn này.
Vô luận như thế nào, dự ngôn này đã được lưu truyền trong thời Lưỡng Hán, nhưng không ai nói rõ được “Đương Đồ Cao” rốt cuộc là chuyện gì.
Bậc thầy về sấm ký cuối thời Đông Hán
Sau thời Quang Vũ Đế khoảng chừng hơn một trăm năm, Chu Thư, một nhà nho nổi tiếng am hiểu sâu về sấm vĩ học, cuối cùng đã đưa ra được một lời giải thích.
Có người thỉnh giáo Chu Thư: “Trong sách sấm thời Xuân Thu có nói ‘Đại Hán giả, Đương Đồ Cao’, là có ý gì vậy?”
Chu Thư chỉ nói ngắn gọn một câu: “Đương Đồ Cao giả, Ngụy dã” (Đương Đồ Cao này, Ngụy vậy).
Từ đó, câu nói này của Chu Thư đã được lưu truyền trong xã hội. Nhưng “Đương Đồ Cao” có ý nghĩa gì? “Ngụy” lại có ý nghĩa gì? “Đương Đồ Cao” tại sao lại được xếp ngang hàng cùng “Ngụy”?
Câu dự ngôn vô cùng hóc búa này, vẫn cứ mù mịt không manh mối như vậy.
Thế là, một số phần tử tâm địa xấu bắt đầu nói nhăng nói cuội, gán ghép bịa đặt. Ví dụ như, năm 197, Viên Thuật (tự là “Công Lộ” 公路) ngông cuồng tranh bá thiên hạ, nói tên hắn có chữ “Thuật” 術 có nghĩa là “Đô ấp trung đích đạo lộ” (đường đi trong ấp), chữ “công lộ” 公路 với “lộ đồ” 路途 (đường sá) có ý nghĩa gần giống nhau, cho nên “Đương Đồ Cao” (當塗(途)高) chính là chỉ bản thân ông ta. Viên Thuật lấy cớ tên của mình phù hợp với dự ngôn, khoe khoang mình có Thiên mệnh xưng Vương.
Tuy nhiên, về sau Viên Thuật lâm bệnh nặng thổ huyết chết trên đường rút sau khi bị quân Lưu Bị đánh bại, giấc mộng Đế Vương trở thành công dã tràng.
Trăm năm giải khai câu đố
Mãi đến năm Kiến An thứ 18 (năm 212), Hiến Đế phong Tào Tháo làm Ngụy Công, hàm ý chân chính của dự ngôn này mới lộ ra manh mối.
Năm Kiến An thứ 18 (năm 212), Tào Tháo đứng đầu Ký Châu vì có công chinh phạt Tôn Quyền ở phía Nam, Hán Hiến Đế hạ chiếu đem đất đai của 10 quận ở Ký Châu phong cho Tào Tháo làm lãnh địa, cũng ban tặng chín tích tiêu biểu cho vinh dự tối cao. Trong lãnh địa có một quận gọi là “quận Ngụy”, Tào Tháo bởi vậy được phong làm “Ngụy công” .
Tuy nhiên, căn cứ vào thuyết văn giải tự, chữ “Ngụy” (魏) cổ là chữ “Nguy”(巍), đến triều Hán mới bỏ chữ “San” 山 ở trên thành chữ “Ngụy” (魏).
Sau khi Tào Tháo qua đời, Thái sử thừa của Tào Phi là Hứa Chi đem rất nhiều tư liệu trong tay ra công khai, chỉ rõ chữ “Ngụy, giống chữ ‘Nguy’, ý chỉ Cung khuyết cao lớn sừng sững ở hai bên đạo lộ”. Bởi vậy, mọi người mới chợt hiểu ra, nguyên lai “Đồ” 塗 cũng chính là “đạo lộ” 道路, thông “Đồ” 途, “Đương Đồ Cao” 當塗高 là chỉ “Cung khuyết cao lớn sừng sững ở hai bên đạo lộ”, cũng chính là chữ “Nguy” 魏 gốc của chữ “Ngụy” 巍. Mà Tào Tháo chính là được phong ở đất “Ngụy”, dự ngôn này chính là ý chỉ: Lên thay nhà Hán, chính là hậu thế của “Ngụy” Công Tào Tháo.
Bấm tay tính toán, nếu như tính từ khi Quang Vũ Đế thành lập nhà Đông Hán (năm 25), đến khi Tào Tháo được phong Ngụy công (năm 212), thì dự ngôn này cũng lưu truyền hơn 180 năm, đáp án mới được hé lộ.
Có người nói lời giải này là đám người Hứa Chi ngụy tạo vì muốn hợp lý hoá việc Tào Phi xưng Đế. Tuy nhiên, một vị đại học giả của Tây Thục là Đỗ Quỳnh ở xa ngoài ngàn dặm, thế mà cũng có cách nhìn giống nhau. Chuyện này thật kỳ lạ, chẳng lẽ Đỗ Quỳnh cũng làm giả vì Tào Phi?
Đại nho Đỗ Quỳnh của Tây Thục ngộ thiên cơ
Đại học giả Đỗ Quỳnh làm quan ở Tây Thục, là học trò chân truyền của bậc thầy về sấm vĩ Dương Hậu.
Lúc ấy, đệ tử Tiêu Chu hỏi Đỗ Quỳnh, “Đương Đồ Cao giả, Ngụy dã” là có ý gì? Đỗ Quỳnh giải thích: “Ngụy (nguy), ý nghĩa gốc là cung khuyết sừng sững, cao cao đứng ở bên đường. Trong dự ngôn lấy ‘Đương Đồ Cao’, ám chỉ cung khuyết cao lớn sừng sững ở bên đường, cũng chính là chữ ‘Ngụy’ bây giờ.”
Đồng thời, ông còn đưa ra một quan sát thú vị: “Cổ đại giảng chức quan đều không cần chữ ‘Tào’, nhưng từ thời Hán đến nay, tất cả mọi người đều nói ‘Lại Tào’, ‘Quan Tào’, ‘Hầu Tào’, đây có lẽ là ý Trời vậy!”. Trong lời nói của mình, ông kinh ngạc trước Thiên ý rằng họ “Tào” sẽ thay thế nhà Hán.
Năm 220, Hán Hiến Đế nhường ngôi cho Tào Phi, Lưỡng Hán từ năm 202 TCN đến năm 220, kéo dài 422 năm, vừa vặn ứng với “Lục thất chi ách” (sáu bảy bốn mươi hai, bốn trăm hai mươi năm), Lưỡng Hán chính thức kết thúc ở đây.
Thiên mệnh nhân quả
Một dự ngôn cổ xưa được lưu truyền hơn 100 năm, báo trước tính tất yếu lập quốc của Tào Ngụy.
Sau khi Hán Hiến Đế nhường ngôi, trong chiếu lệnh của mình, Tào Phi cũng hiểu rất sâu chuyện nhân quả, ông nói bản thân: “Là người đức mỏng, làm sao có thể ở đây, chưa dám nghĩ là mình đảm đương vậy! May nhờ Tiên Vương đức cao trọng vọng, thông tới Thần linh, vốn không phải sức người vậy”. Ông cảm ân phụ thân có công đức chói lọi đối với nhà Hán, bởi vậy ông mới có phúc phận kế thừa ngôi báu của Hán thất.
Vương An Thạch từng ca ngợi Tào Tháo “Công danh cái thế biết là ai, khí lực xoay chuyển trời đất đến đây dừng”, khen ngợi Tào Tháo ngăn cơn sóng dữ nơi loạn thế, là anh hùng đã thành tựu được công danh cái thế, có thể nói là hiểu rất sâu về công lao sự nghiệp của Tào Tháo. Hậu nhân nhiều lần phê bình cha con họ Tào soán ngôi nhà Hán, kỳ thực là “Ung dung Thiên mệnh nhân quả tại, hà tất phân phân đạo đoản trường”! Ý rằng, mọi chuyện nhân quả đều do Thiên mệnh, hà tất phải bàn luận chuyện ngắn, dài.
Tư liệu tham khảo:
Lý Dực Vân thực hiện
Vương Du Duyệt biên tập
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ