Lòng hiếu thảo có thể xuyên qua thời không và được Thần linh ban phúc
Thời kỳ Minh – Thanh, ở vùng ngoại ô Sùng Văn Môn, Bắc Kinh, có một khu chợ hoa, người dân mấy ngàn hộ gia đình ở đây đều dùng thân cây Thông thảo chế thành hoa làm nghề sinh sống. Trong đó có một cụ già và cô con gái nhỏ, hai người sống nương tựa vào nhau.
Ông lão bị bệnh hen suyễn, tuổi càng lớn bệnh tình càng trở nên nghiêm trọng. Năm đó, ông lão bệnh nằm liệt giường không dậy nổi, phải thở dốc bằng miệng, tiếng thở nghe như tiếng rít, những thầy thuốc đến khám qua đều nói không có thuốc chữa trị. Cô con gái hiếu thảo chăm sóc cho người cha già yếu, trên mặt luôn nở nụ cười để trấn an cha, nhưng trong lòng cô lại vô cùng lo lắng, không biết làm cách nào để bệnh tình của cha đỡ hơn.
Trong lúc vô tình, cô bé gặp bà lão hàng xóm, bà đang cùng một nhóm các cô các bà đang muốn đi đến núi Nha Kế dâng hương. Cô bé hỏi thăm đi dâng hương có ích lợi gì. Bà lão nói rằng, có người vì bệnh tật, có người vì không có con cái…, mỗi người đều có tâm nguyện riêng đi dâng hương cầu Thần ban phúc, trên đỉnh núi Nha Kế có vị Nữ Thần Nương Nương rất linh nghiệm.
Cô bé hỏi chặng đường đi đến núi Nha Kế, biết được quãng đường hơn một trăm dặm, một dặm là 360 bước. Cô bé ghi nhớ ở trong lòng. Đêm hôm đó, sau khi người cha đã ngủ yên, cô nhẹ nhàng lặng lẽ đi ra sân, thắp một nén hương, sau đó đi vòng quanh sân, vừa đi vừa quỳ xuống đất bái lạy không ngừng, trong lòng thầm khấn nguyện rằng: “Bởi vì tiểu nữ thân đơn lực yếu, cha già lại bị bệnh nặng nằm trên giường, trong nhà không có người khác chăm sóc cha, cho nên không thể tự mình lên núi dâng hương bái lạy Nương Nương. Con đành phải dựa theo số bước chân của quãng đường từ đây đi đến miếu của Ngài, đi quanh trong sân này, đi một bước phục lạy một cái, giống như là con đang đi đến núi Nha Kế, tự thân cung kính hướng về tượng của Nương Nương mà bái lạy vậy! Cầu Nương Nương ban phúc cho cha của con, giúp cha con mau khỏi bệnh, cho cha được khỏe lại, sống lâu trăm tuổi. Con nguyện thành tâm thêu tượng Phật, suốt đời ăn chay niệm Phật, cả đời lễ bái.” Cứ như vậy, cô gái hiếu thảo hễ có thời gian rảnh rỗi thì liền đi bộ bái lạy như thế, thoáng một cái đã nửa tháng trôi qua, cũng là bước vào tháng Tư.
Lại nói, mới đến đầu tháng Tư, một hôm Ngụy công công vốn ở trong cung hầu hạ Hoàng Đế, sáng sớm đi đến miếu Nương Nương ở núi Nha Kế, ông muốn dâng hương bái lạy vị Thần Bích Hà Nguyên Quân. Ông là phụng chỉ của Hoàng Thái Hậu tới nơi này. Mọi người đều truyền tai nhau rằng, mỗi ngày vào lúc gà gáy canh năm, nếu là người đầu tiên dâng hương ở miếu Nương Nương thì linh nghiệm vô cùng, nhất là vào thời gian lễ hội trong tháng Tư này. Lời đồn này truyền khắp trong ngoài thành Bắc Kinh, truyền ra tới các phủ huyện lân cận, không chỉ bách tính bình dân, mà ngay cả Vương công quan lại, Hoàng Hậu và phi tần trong cung cũng biết.
Sáng sớm hôm đó, cổng miếu trên núi vừa mở ra, người trông coi miếu ra nghênh đón Ngụy công công. Ngụy công công bước vào đại điện, lại thấy trong lư hương trước tượng Thần đã có người đốt hương, hơn nữa, cây hương đã đốt được một đoạn dài, dường như có người đến từ rất sớm, hương đã được đốt từ lâu. Ngụy công công thấy vậy, bèn lớn tiếng trách mắng người trông miếu rằng: “Hương của Thái Hậu còn chưa đốt lên, tại sao lại để cho người khác đốt hương ở đây trước như vậy?”
Người trông coi miếu sợ hãi nói: “Ngụy lão gia chưa đến, cửa điện sao dám mở chứ? Tiểu nhân thực sự không biết nén hương này là từ đâu mà có nữa!” Ngụy công công cũng cảm thấy lạ, thầm nghĩ mình vừa tới đây, đại điện cũng mới vừa mở cửa, nhưng tàn của nén nhang này lại dài khoảng một tấc, thật sự là kỳ lạ. Vì vậy, ông đành nghĩ ngày mai lại đến sớm hơn một chút, để xem còn có người đến đốt hương trước chăng.
Sau đó, Ngụy công công dặn dò người coi miếu rằng: “Chuyện đã qua, ta không truy cứu nữa, các ngươi nhất định phải cung kính cẩn thận làm cho tốt. Ngày mai, ta sẽ đến sớm một chút, để làm người đốt hương đầu tiên.” Nói xong liền rời đi.
Người coi miếu rất sợ chọc ra tội lớn, bèn cùng với các tăng đồ cả đêm không ngủ, cùng nhau tuần tra trông chừng lư hương, sợ người khác làm người đốt hương lượt đầu tiên. Ngày hôm sau mới tới canh bốn, Ngụy công công cũng đã đến rồi. Thế nhưng khi ông vừa nhìn đến lư hương, lại giống như ngày hôm qua, đã bị người khác thắp hương lượt đầu, cạnh đó có một cô gái đang quỳ trên mặt đất dập đầu bái lạy. Mọi người đều nhìn thấy rõ, rất lấy làm kinh ngạc. Cô gái kia nghe thấy có tiếng người nói, giật mình hoảng sợ, rồi đột nhiên biến mất không thấy bóng dáng ở đâu nữa. Những người đứng ở đó vô cùng kinh hãi, cho rằng cô gái này là ma quỷ, không phải là người đến bái Thần Phật.
Ngụy công công phản đối, nói: “Ở trước tượng Thần Thánh, sao có thể có ma quỷ dám ngang nhiên hiện thân được? Trong việc này tất có nguyên do. Ta đã có cách giải quyết.” Ngụy công công nói xong, liền đứng ngay ở dưới cửa miếu, dâng lên nén hương thứ hai.
Sau đó ông ngồi ở trên ghế xếp, triệu tập tất cả chúng khách hành hương có mặt ở miếu lúc này, nói cho mọi người biết chuyện vừa xảy ra, còn miêu tả chi tiết độ tuổi, dung mạo và màu sắc quần áo của cô gái kia, yêu cầu mọi người trợ giúp tìm ra cô gái đó. Khách hành hương nghe xong đều có chút sợ hãi, đồng thời cũng cảm thấy rất kỳ lạ.
Lúc này, bà lão hàng xóm của cô bé hiếu thảo cũng vừa khéo có mặt trong đám đông, nghe Ngụy công công miêu tả, bà liền nghĩ đến cô con gái nhà bên cạnh, mọi thứ đều phù hợp với cô bé. Bà lão bèn nói với Ngụy công công. Ngụy công công hỏi: “Cô gái hàng xóm của bà là một người như thế nào? Có thể biến hóa huyền ảo như thế chăng?” Bà lão đáp: “Nhà nàng ở gần chợ hoa, là một cô người con trước nay rất hiếu thảo.” Ngụy công công nghe xong, bèn tâm đắc nói: “Đúng rồi, không sai.”
Ngụy công công vội vàng trở về cung phục mệnh, sau đó lại lén rời cung, không bao lâu đã tìm được nhà của cô gái hiếu thảo ở gần chợ hoa. Vừa nhìn thấy cô gái, quả nhiên giống như đúc với cô gái mà mắt mình đã nhìn thấy trong đại điện của ngôi miếu kia. Ngụy công công bèn hỏi cô gái về chuyện dâng hương, cô gái kể hết cho ông nghe về việc vừa đi vừa quỳ lạy, còn nói rằng mặc dù mình không đích thân lên núi Nha Kế dâng hương cho vị Thần Bích Hà Nguyên Quân, nhưng trong khoảnh khắc đó cảm thấy giống như đang đi đến đó vậy, hơn nữa bệnh tình của người cha cũng đã khỏi hẳn rồi, đều là do Thần linh ban phúc.
Ngụy công công sau khi biết được đầu đuôi câu chuyện, đã cảm động nói rằng: “Thành tâm thành ý cảm động đến Thần, thật sự là người con gái có phẩm hạnh hiếu thảo thuần hậu!” Sau đó Ngụy công công nhận cô gái làm con nuôi, đối đãi như con gái ruột vậy.
Còn người cha của cô gái hiếu thảo thì quả thực đúng như tâm nguyện của cô, sống đến 100 tuổi mới qua đời. Cô gái hiếu thảo sau khi trưởng thành, được gả cho con trai nhà họ Trương ở huyện Đại Hưng, Ngụy công công còn chuẩn bị mấy ngàn lượng vàng làm của hồi môn cho cô. Con rể họ Trương nhờ vào số của hồi môn này mà phát triển gia nghiệp, đời sau trở thành thương gia giàu có.
Trước câu chuyện về cô con gái hiếu thảo này, người trong nhân gian cảm thán rằng: “Người vô cùng thành tâm, Thần linh có thể cảm ứng được!”
Nguồn tài liệu: “Dạ đàm tùy lục”
Trọng Ông thực hiện
Cổ Dung biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ