Nhân quả tuần hoàn, cứu người chính là tự cứu mình
Đạo trời sáng tỏ, nhân quả tuần hoàn, thiện ác hữu báo tuyệt không phải lời nói ngoa. Rất nhiều khi, thế nhân chưa hẳn có thể nhìn thấu rằng cứu người khác kỳ thực cũng chính là tự cứu mình.
Ẩn danh cứu thư sinh, người được cứu tri ân báo đáp
Thời Vạn Lịch triều Minh, có vị thương gia giàu có ở Huy Châu, không rõ họ tên, kinh doanh buôn bán ở vùng Cửu Giang. Một hôm, ông có việc nên đi thuyền qua sông Trường Giang. Ông trông thấy có mấy người bị rơi xuống sông, thì ra thuyền của họ bị cướp, họ không chỉ bị cướp sạch tiền của, mà còn bị đẩy xuống sông.
Phú thương nhìn thấy dưới sông có người kêu cứu, lập tức bảo người cho thuyền của mình tiến lại gần, cứu từng người lên. Bảy người được cứu đều là thư sinh đang trên đường lên kinh thành dự thi. Người phú thương thiện lương tận tình mang y phục và thức ăn cho họ, sau khi qua sông Trường Giang còn tặng họ lộ phí. Phú thương không hỏi họ tên và quê quán của các thư sinh này, cũng không nói cho họ biết danh tính của mình.
Qua năm sau, trong số bảy người ấy có sáu người đỗ Tiến sĩ, một người trong đó là Phương Vạn Sách người ở Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến. Tám năm sau, Phương Vạn Sách được triều đình bổ nhiệm làm Ngự sử, đến vùng Gia Hưng và Hồ Châu tuần sát.
Tri phủ Gia Hưng đương nhiệm là Đồ Trùng Dương, đã bày yến tiệc tại phủ đệ khoản đãi Phương Vạn Sách để bày tỏ sự hoan nghênh của mình. Lúc đó vị phú thương ấy vì buôn bán thua lỗ, nên đã bán mình đến nhà Tri phủ làm người hầu, cũng vừa lúc phục vụ các khách mời ở tiệc rượu.
Ở tiệc rượu, Phương Vạn Sách nhìn thấy người hầu kia thì cảm thấy rất quen, bèn gọi đến và hỏi kỹ càng lai lịch của ông, mới biết rằng ông chính là ân nhân năm xưa cứu mạng mình. Phương Vạn Sách vội rời chỗ quỳ gối nói: “Ân huynh, tôi chính là một trong bảy người được cứu năm ấy.”
Nói xong Phương Vạn Sách quay đầu lại nói với tri phủ: “Ta muốn chuộc thân cho ân nhân của ta, đại nhân có đồng ý không?” Đồ tri phủ đương nhiên là đồng ý. Phương Vạn Sách rất nhanh chuộc văn tự bán mình về cho vị phú thương, khôi phục lại thân phận tự do cho ông, còn mời thương nhân đến nha thự ở một tháng, và tặng cho thương nhân hơn ngàn lượng bạc. Ông còn đem tin tức đã tìm được ân nhân báo cho những người được cứu khác, mấy người kia lúc này đều đã làm quan. Họ sau khi nghe tin, cũng nối nhau đến tặng tiền của cho vị thương nhân. Vị thương nhân lấy số tiền này làm vốn, lại bắt đầu buôn bán trở lại, việc buôn bán rất thuận buồm xuôi gió, không lâu sau lại trở thành một vị phú thương.
Hai lần thoát hiểm đều có nguyên nhân
Thời Quang Tự triều Thanh, Uông Ứng Minh người huyện Hưu Ninh, tỉnh An Huy gia nhập đoàn luyện bảo vệ Trường Giang ở Tương Dương. Đoàn luyện là nhóm tự vệ do người dân tự phát lập ra vào thời đó. Vì xã hội đang trong lúc hỗn loạn, giặc cướp rất nhiều, nên đối với những người đi đường vãng lai hễ bị nghi ngờ là giặc cướp, đoàn luyện sẽ bắt lại mà không cần giải thích, thậm chí là giết chết. Cách làm việc lỗ mãng như vậy, nên khó tránh khỏi sẽ làm hại người vô tội.
Một hôm, người đoàn luyện phát hiện có hai thương nhân đến từ Tứ Xuyên, dưới chân họ dính đầy bùn đất, dáng vẻ dường như đi đường xa, lại xem xét hành động và lời nói của họ, cho rằng họ là giặc cướp, liền vung đao muốn chém chết hai người họ. Uông Ứng Minh tiến lên ngăn cản mọi người, nói rằng: “Đâu có ai không hỏi mà giết oan người khác?” Đoàn luyện nghe vậy mới trói hai người kia giao cho quan phủ.
Khi quan viên thẩm vấn họ, hai người đã đưa ra bằng chứng đi lại mua hàng hóa, đúng là thương nhân buôn bán chính đáng, không phải là giặc cướp. Quan phủ tìm đến người giao dịch với hai người họ, cũng chứng minh thân phận của họ không phải là giả. Nhờ vậy, hai người thương nhân may mắn thoát chết. Bởi vì phải rời đi vội vàng, hai người họ chưa kịp hỏi thăm họ tên của ân nhân cứu mạng Uông Ứng Minh.
Không bao lâu sau, một đám giặc cỏ đột nhiên chạy đến Tương Dương, cướp bóc đốt giết. Trong lúc hỗn loạn, Uông Ứng Minh chạy trốn đến bờ sông. Ông muốn đón thuyền rời đi, nhưng hơi nước mịt mờ, không thấy một con thuyền nào. Uông Ứng Minh la to gọi nhà thuyền giấu trong bụi lau, hy vọng họ có thể đến cứu mình, nhưng không có người đáp lại. Đang trong lúc cấp bách, ông chợt thấy một chiếc thuyền có người ló đầu ra, người này nhìn thấy Uông Ứng Minh, ngay lập tức cho thuyền chạy đến bên bờ sông, để Uông Ứng Minh lên thuyền. Hóa ra người trên thuyền chính là hai người thương nhân được Uông Ứng Minh cứu giúp trước đây. Uông Ứng Minh nhờ thế mà thoát khỏi tình huống nguy hiểm.
Về sau, Uông Ứng Minh lại bị người ta kiện lên quan phủ vì bênh vực kẻ yếu, ông đành phải rời khỏi An Huy. Một đêm trước khi đón thuyền qua sông, trong lữ quán nơi Uông Ứng Minh nghỉ, ông nghe thấy tiếng khóc lớn rất thê thảm. Uông Ứng Minh hỏi thăm tiểu nhị của lữ quán, mới biết có một vị khách từ xa tới bị bệnh nặng nên phải ở lại lữ quán, nay vì đã tiêu hết tiền, chủ nhân lữ quán muốn đuổi vị khách này ra ngoài. Uông Ứng Minh cảm thấy thương cảm, bèn tặng cho vị khách bị bệnh kia rất nhiều tiền.
Vì lỡ thời gian nên Uông Ứng Minh không kịp đón thuyền qua sông ngày hôm đó, đành phải chờ tới ngày hôm sau. Ngày hôm sau khi lên thuyền, người chèo thuyền nói với mọi người rằng: “Vào giờ này ngày hôm qua, cuồng phong đột nhiên kéo tới, rất nhiều thuyền đều bị lật, đã chết rất nhiều người. Nếu như hôm qua các vị tới, hiện giờ đã ở trong bụng cá rồi.”
Lý Tịnh Thành biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ