Thương nhân xưa kinh doanh như thế nào?
Ở Trung Quốc ngày nay, khi nói đến thương nhân, người ta thường nhận xét “vô thương bất gian” và “vô gian bất thương,” ý rằng không có thương nhân nào là không gian trá, người nào không gian trá thì không phải là thương nhân. Loại ấn tượng này của mọi người đối với thương nhân không phải có từ thời xưa, mà là dưới thời cai trị của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đặc biệt là sau thời kỳ “cải cách và mở cửa” thì mới xuất hiện.
Ấn tượng này sản sinh là do trong bối cảnh xã hội đạo đức băng hoại, nhân tâm thoái hóa, việc theo đuổi danh lợi đã trở thành mục tiêu chính của cuộc sống. Nhiều thương gia bị lợi nhuận khổng lồ xui khiến, không chỉ khiến thị trường tràn ngập các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, mà họ còn tìm đủ mọi cách “lách luật” để trốn thuế. Dân chúng hết lần này đến lần khác trở thành nạn nhân của những thương nhân vô đạo đức này, cho nên rất thống hận. Về sau, có lẽ do việc cố ý gây hiểu lầm của giới văn nhân và giới truyền thông tay sai của ĐCSTQ, mọi người đã chấp nhận những cách nói như “vô thương bất gian,” “vô gian bất thương,” mà không biết ý nghĩa thực sự của “vô thương bất tiêm” và “vô tiêm bất thương” thời cổ đại. Dần dần, thậm chí mọi người còn nghĩ rằng các thương nhân xưa nay đều như vậy.
Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù chữ “tiêm” 尖 (đỉnh, nhọn) trong “vô thương bất tiêm” và “vô tiêm bất thương” thời cổ đại, với từ “gian” (姦) là từ đồng âm, nhưng chúng lại có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Người xưa khi bán thóc thường dùng dụng cụ cân là đấu và thăng. Đấu là dụng cụ cân hình nón, thăng là dụng cụ cân hình trụ tròn. Vì vậy, mới có câu “Thăng đấu tiểu dân” (người dân nghèo chỉ biết đến thăng và đấu).
Khi cân gạo, người bán sẽ dùng thước gỗ gụ hoặc vật nào đó tương tự để gạt phẳng phần gạo phồng lên trong đấu, thăng. Thông thường, chỉ cần làm phẳng là đủ, không hơn, không kém. Nếu không có gì để gạt thì người bán sẽ dùng lòng bàn tay gạt xuống. Có thương gia tốt bụng sẽ cong mu bàn tay nhọn lên trên một chút, như vậy phần gạo được bán sẽ nhiều thêm một chút, giúp người mua có được một khoản lợi nhỏ. Đây là hàm nghĩa của “vô tiêm bất thương” và “vô thương bất tiêm.”
Ngoài việc bán lương thực, người bán vải cũng có lối nói “thước đủ nới ba” (khi đo đến thước vải cuối cùng họ còn cho thêm ba tấc nữa); còn khi bán dầu, bán rượu, thì vào lúc cuối, thương nhân sẽ múc thêm một muôi cho khách hàng, v.v. đều là thể hiện của “vô thương bất tiêm.” Thương nhân cho thêm phần dư cao nhọn ấy chắc chắn là thương nhân tốt, phúc hậu và trung thực. Hành vi “vô thương bất tiêm,” nhường bớt lợi nhuận cho khách hàng, là khuôn vàng thước ngọc được các thương nhân thời xưa tuân theo trong kinh doanh buôn bán, và đó cũng chính là bí quyết thành công của họ. Mặc dù thời cổ đại cũng có những thương nhân không theo phép tắc này, nhưng họ tuyệt đối không phải là trào lưu chủ đạo. Trong suốt các triều đại đều có rất nhiều thương nhân trung thực, đáng tin cậy và lương thiện.
Tử Cống, ông tổ Nho thương
Tử Cống là một trong 72 đệ tử nổi tiếng của Khổng Tử, cũng là ông tổ của Nho thương (thương nhân tín phụng Nho gia) Trung Quốc. Ông là người có tấm lòng khoáng đạt, thẳng thắn và thích làm việc thiện. Năm 25 tuổi, Tử Cống theo học Khổng Tử và có sự hiểu biết rất sâu sắc về tư tưởng Nho gia, lấy “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” làm cốt lõi.
Sau khi học thành, Tử Cống từng ra làm quan nhưng sau đó chuyển sang kinh doanh buôn bán. Khổng Tử cho rằng “Lợi là sự hòa hợp của nghĩa,” tức là “lợi” mà Nho gia nhấn mạnh là sự thống nhất cao độ giữa lợi ích của bản thân với lợi ích của cộng đồng và xã hội. Tử Cống đã lấy tư tưởng Nho gia để chỉ đạo hoạt động kinh doanh buôn bán của mình. Ông không bao giờ làm lợi cho bản thân bằng cách làm tổn hại người khác, luôn giữ vững “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” trong kinh doanh. Nhờ đó, công việc kinh doanh của Tử Cống đạt được thành công to lớn.
Trong lĩnh vực kinh doanh, Tử Cống có thiên phú khác thường. Ông biết cách tùy thời biến hóa dựa theo tình trạng cung cầu của thị trường để thu được lợi nhuận. Vì vậy, Khổng Tử đánh giá Tử Cống là người rất am hiểu thị trường và biết dự đoán chính xác. Luận điểm kinh doanh của ông là: nếu có ngọc đẹp trong tủ thì nên đợi giá tốt bán ra, còn hơn là lưu trữ mãi mãi. Ông còn cho rằng, giá cả hàng hóa cao thấp quyết định bởi quan hệ cung cầu và đã đưa ra lý luận “vật mà hiếm thì quý.”
Sau khi đã có được lợi nhuận to lớn, Tử Cống còn giúp đỡ đông đảo dân chúng. Ông đã thực hiện lý tưởng của Nho gia, mang lợi ích cho khắp thiên hạ, đồng thời tuyên dương tư tưởng Nho gia. Nhờ tài năng đặc biệt của ông trong thương nghiệp, nên sau này ông được mệnh danh là ông tổ Nho thương Trung Quốc.
Thương Thánh Bạch Khuê nói về “Nhân thuật” trong kinh doanh
Thời Chiến Quốc có một vị đại thương nhân tên là Bạch Khuê. Ông từng giữ chức Quốc tướng nước Ngụy, hơn nữa còn thi triển tài năng trị thủy, giúp giải trừ lũ lụt trên sông Hoàng Hà ở Đại Lương, đô thành của nước Ngụy. Sau đó, ông từ bỏ chính trị theo nghiệp kinh doanh, và đã đạt được thành tựu đáng kể.
Hướng kinh doanh được Bạch Khuê lựa chọn chủ yếu tập trung vào buôn bán số lượng lớn nông sản, nguyên liệu và sản phẩm thủ công nghiệp nông thôn. “Sử ký – Hóa thực liệt truyện” nói, Bạch Khuê thích quan sát tình hình thị trường sản phẩm nông nghiệp cũng như những thay đổi trong năm được mùa và năm mất mùa, đồng thời tích lũy kinh nghiệm phong phú. Nếu năm đó được mùa nhưng năm sau hạn hán nghiêm trọng, thì năm đó ông liền mua một lượng lớn lương thực. Khi hàng hóa quá dư thừa thì người ta bán đổ bán tháo với giá thấp, ông liền thu mua. Khi hàng hóa thiếu người ta chờ giá cao, ông liền bán ra. “Lúc rẻ mà mua, tuy nói đắt nhưng thực ra rẻ; lúc đắt mà mua, tuy nói rẻ mà hóa đắt.”
Về nguyên tắc kinh doanh, Bạch Khuê tuân thủ nguyên tắc: “Nhân khí ngã thủ, nhân thủ ngã dữ” (ý rằng: khi người khác không cần thì tôi thu mua, khi người khác cần thì tôi lại cung cấp). Nghĩa là, trong vụ mùa thu hoạch hoặc những năm được mùa, nông dân bán ra lượng lớn ngũ cốc, đúng lúc ấy ông bèn thu mua. Ông lại đem bán cho những người nông dân có tình hình kinh tế tương đối khá giả những vật phẩm thiết yếu cho cuộc sống như tơ lụa, đồ sơn mài. Còn khi mùa màng không tốt hoặc thời kỳ giáp hạt, thì ông bán lương thực, đồng thời thu mua các nguyên liệu và sản phẩm hàng thủ công nghiệp ế ẩm.
Chữ “dữ” (與) mà Bạch Khuê nói đến chính là mang lại lợi ích thực tế cho mọi người. Khi một số hàng hóa nào đó ế ẩm không thể bán được, Bạch Khuê sẽ thu mua chúng với giá cao hơn giá của những người khác. Khi lương thực trên thị trường khan hiếm, Bạch Khuê lại bán chúng với giá thấp hơn giá của những người khác. Loại phương thức kinh doanh này của Bạch Khuê đã thu được lợi nhuận to lớn. Xét theo khách quan, việc này giúp điều tiết cung cầu và giá cả hàng hóa, đồng thời bảo vệ lợi ích của nông dân, thợ thủ công cá thể và người tiêu dùng nói chung ở một mức độ nhất định. Vì vậy, Bạch Khuê gọi đây là ”nhân thuật” (thuật thi triển lòng nhân).
Bạch Khuê nhìn nhận, thân làm một người kinh doanh thì nên có đủ tố chất của bốn phương diện “trí, nhân, dũng, cường” (trí tuệ, lòng nhân từ, lòng dũng cảm và sức mạnh). Ông từng nói: “Ta làm kinh doanh để làm giàu, giống như Y Doãn và Lữ Thượng hoạch định mưu lược, như Tôn Tử và Ngô Khởi dụng binh đánh trận, như Thương Ưởng phổ biến biến pháp. Vì vậy, nếu một người trí tuệ không đủ để tùy cơ ứng biến, dũng khí không đủ để quyết đoán, nhân đức không đủ để đưa ra lựa chọn đúng đắn, sự mạnh mẽ không đủ để giữ vững, thì cho dù muốn học thuật làm giàu trong kinh doanh của ta, thì cuối cùng ta cũng sẽ không thể dạy được.”
Chính vì Bạch Khuê có tầm nhìn và tố chất như vậy, nên ông luôn nghĩ cho người tiêu dùng khi kinh doanh, đồng thời đề cao thương hiệu và khả năng lợi nhuận của mình. Ví dụ, ông cung cấp cho nông dân những hạt giống ngũ cốc chất lượng tốt. Điều này không chỉ giúp nông dân tăng sản lượng mà còn giúp ông thu được lợi nhuận và chiếm được cảm tình của mọi người.
Bạch Khuê có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều thương nhân lúc bấy giờ. Họ noi gương Bạch Khuê và xem trọng “nhân thuật” trong kinh doanh buôn bán. Vì vậy, người ta gọi Bạch Khuê là “thương nhân đệ nhất Trung Quốc” hay “ông tổ của thương nhân Trung Quốc.” Năm thứ tư thời Tống Cảnh Đức, Hoàng đế Chân Tông phong ông là “Thương Thánh.” Từ đó, dân gian xây dựng đền thờ và lập bài vị để thờ cúng ông.
Đại thương gia thời nhà Thanh không kiếm tiền trái lương tâm
Các Tấn thương cuối thời nhà Thanh nổi tiếng khắp thiên hạ. Trong số đó, Kiều Trí Dung là người nổi tiếng nhất. Kiều Trí Dung sinh vào năm Gia Khánh thứ 23 thời nhà Thanh (1818) và mất vào năm Quang Tự thứ 33 (1907). Từ nhỏ ông đã yêu thích đọc sách, lớn lên thi đậu tú tài, từng có chí thi đậu cử nhân, tiến sĩ, theo đuổi con đường làm quan. Tuy nhiên, thiên mệnh khó làm trái. Khi người anh cả và phụ thân lần lượt qua đời, ông không còn cách nào khác, buộc phải từ bỏ con đường đèn sách để dấn thân vào kinh doanh, bước vào con đường kinh doanh buôn bán.
Dưới sự tính toán của Kiều Trí Dung, một người có hùng tài đại lược, lại đa mưu túc trí, hoạt động kinh doanh của gia tộc họ Kiều đã lan rộng đến các thương cảng lớn và các đầu mối giao thông thủy bộ trên toàn quốc. Công việc kinh doanh phồn thịnh, nổi tiếng nhất là cửa hàng hối đoái Đại Đức Thông và Đại Đức Hằng của Kiều gia. Kiều Trí Dung cũng trở thành doanh nhân rất giàu có vào thời điểm đó.
Thành công của Kiều Trí Dung nằm ở việc ông rất xem trọng “đức hạnh.” Triết lý kinh doanh của ông là: Thứ nhất là đức tin; thứ hai, lẽ phải; và thứ ba, lợi nhuận. Trong các bài giảng dạy hàng ngày của mình, Kiều Trí Dung cũng nhiều lần nhấn mạnh nguyên tắc “người bỏ ta lấy, bán số lượng nhiều với lợi nhuận ít, giữ vững uy tín và không giả dối.” Điều đó có nghĩa là phải lấy uy tín chinh phục khách hàng, không được lấy thủ đoạn lừa người, càng không thể đem chữ “lợi” đặt lên hàng đầu để kiếm tiền trái lương tâm. Nhờ vậy, các cửa hàng kinh doanh của Kiều gia đã nhận được lòng tin của dân chúng và quan phủ, cho dù tình thế xã hội bất ổn và rủi ro tín dụng cao.
Là một người rất giàu có, Kiều Trí Dung cũng là thương nhân vui làm điều thiện, sẵn sàng bố thí, giúp đỡ những người gặp khó khăn. Ông không chỉ cung cấp tiền bạc và công sức để giúp đỡ người dân trong những năm thiên tai, mà còn tận lực trợ giúp bất kỳ ai gặp khó khăn. Mọi người nói rằng, hễ Kiều gia mở kho lương thực nấu cháo, thì cháo nhất định phải đặc. Cháo đặc đến mức nào? Cháo đặc đến mức khi bọc trong khăn, cũng sẽ không bị vữa khi mở ra; đặc đến mức khi cho vào bát và cắm đũa vào thì đũa cũng không bị đổ.
Ngoài ra trong vụ mùa canh tác, để giúp đỡ dân làng, nhà họ Kiều sẽ buộc ba con bò trước cửa, nhà ai cần cày bừa thì dắt đi và đến tối đưa trả lại. Chính vì những việc làm thiện hạnh của Kiều gia mà trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa, người ta không nỡ đập gạch trong sân Kiều gia, vì không muốn mang tiếng xấu “vong ân bội nghĩa.” Đây chính là lý do tại sao ngày nay chúng ta vẫn có thể nhìn thấy sân Kiều gia còn nguyên vẹn.
Thương nhân trung thực đương đại
Trong xã hội ngày nay, nhân tâm không còn giống như xưa, đạo đức xã hội ngày càng đi xuống. Tuy nhiên, vẫn có một nhóm thương nhân có tín ngưỡng kiên trì lấy thành tín làm gốc rễ. Trang web Minh Huệ ở hải ngoại (minghui.org) đã đăng tải nhiều ví dụ như vậy.
Ví dụ, một bài viết ngày 01/06/2012 nói rằng, vợ chồng ông Trịnh Tường Tinh (Zheng Xiangxing), chủ một cửa hàng thiết bị gia dụng nhỏ ở huyện Đường Hải, tỉnh Hà Bắc, không bao giờ bán hàng giả hoặc hàng kém chất lượng. Đối với khách hàng thì ông hòa nhã dễ gần, giao hàng tận nơi. Vô tuyến mà họ bán ra, thì họ chịu trách nhiệm cài đặt và chạy thử cho đến khi khách hàng thực sự hài lòng. Mọi người đều khen họ là người tốt. Cặp vợ chồng này kinh doanh một cách thành tín và công việc làm ăn rất phát đạt. Tại hầu hết các nông trang trong vùng, mọi người đều nói rằng họ mua xe đạp điện từ gia đình ông Trịnh, mua tủ lạnh từ gia đình ông vì nhà ông không bao giờ bán hàng giả, hơn nữa còn có trách nhiệm sửa chữa cho mọi người. Bởi rằng, vợ chồng ông thực hành “Chân, Thiện, Nhẫn,” nên mua đồ của cửa hàng ông thì mọi người cảm thấy rất yên tâm.
Một phóng sự ngày 02/09/2012 giới thiệu câu chuyện của cô Hoàng Mỹ Linh (Huang Meiling), một thương nhân đến từ Chương Châu, Phúc Kiến. Cô Hoàng là hộ kinh doanh cá thể kinh doanh đường ăn. Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, cô tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của “Chân, Thiện, Nhẫn.” Một lần, khi đối chiếu sổ sách kế toán, cô Hoàng phát hiện khách hàng đã trả thừa 10,000 nhân dân tệ. Sau khi kiểm chứng, cô lập tức gọi điện nói với khách hàng và trả lại tiền cho họ. Khách hàng rất cảm động, nói rằng “tìm đâu ra người tốt như bạn đây!” Sự việc tương tự cũng đã xảy ra nhiều lần, có người trả thừa 2,000 nhân dân tệ, có người trả thừa vài trăm nhân dân tệ, cô Hoàng Mỹ Linh đều chủ động hoàn trả lại. Khách hàng rất hài lòng, tin tưởng cô và thích mua bán với cô.
Một ví dụ khác là vào ngày 16/03/2015, một chủ cửa hàng trực tuyến ở Hoa lục đã kể câu chuyện về việc ông đã tuân thủ các yêu cầu “Chân, Thiện, Nhẫn” trong hoạt động kinh doanh của mình như thế nào. Ông giới thiệu trung thực về thời hạn sử dụng của hàng hóa, để khách hàng quyết định có nên mua hay không. Đồng thời, ông cũng bảo đảm rằng khách hàng sẽ nhận được đúng những gì mình phải trả, ông không niêm yết giá sai mà chỉ đưa ra mức giá thực tế. Có lần, những món đồ khách hàng chọn bị trùng lặp, ông đã thành thật nói rõ ràng cho khách hàng về từng món đồ. Khách hàng rất cảm động và nói: “Việc kinh doanh của ông sẽ càng ngày càng phát đạt!”
Kết luận
Đất nước Nam Hàn, nơi chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Nho gia Trung Quốc, từng chiếu bộ phim truyền hình “Thương đạo” (상도). Khi nhân vật chính trong phim Lâm Thượng Ốc bước vào con đường kinh doanh, đã nhận được lời khuyên của các tiền bối rằng: “Kinh doanh không phải là để kiếm tiền mà là để thu được lòng người, cũng không phải để kiếm lợi nhuận mà là để thu phục nhân tâm. Có được lòng người, thu phục được nhân tâm, thì đó mới chính là kinh doanh. Đến lúc đó, tiền tài sẽ tự nhiên theo mà đến.”
Vài năm sau, khi đã trải qua những thăng trầm trong giới kinh doanh và cuối cùng trở thành một người rất giàu có, Lâm Thượng Ốc đã đúc kết niềm tin của mình vào việc kinh doanh buôn bán. Đó chính là: “Một thương nhân chân chính không nên theo đuổi lợi nhuận, mà là phải theo đuổi Nghĩa”; “Hãy xem tài vật giống như nước, đối nhân xử thế công bằng và chính trực như cái cân.”
Quả thực, chỉ những thương nhân thực sự có tâm và giữ vững được “nghĩa đại vu lợi” (nghĩa lớn hơn lợi), thì mới có thể bước đi lâu dài. Những câu chuyện như vậy, xác thực nhiều vô số trong lịch sử mấy ngàn năm của Trung Hoa.
Tài liệu tham khảo:
Tịnh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ