Nhiều người trong giới tinh anh ĐCSTQ qua đời trong bối cảnh dịch COVID-19 tấn công Trung Quốc
Dấu hiệu nhận biết đầu tiên của COVID-19 đó là sốt cao, và chẳng bao lâu sẽ cho kết quả dương tính. Sau đó, ông Dương Lương Hóa (Yang Lianghua), nguyên là phóng viên cao cấp của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của chế độ cộng sản Trung Quốc và là tổng biên tập ấn bản quốc tế của tờ báo, đã phải chờ trong phòng cấp cứu để có được một chiếc giường tại bệnh viện hàng đầu của Bắc Kinh, nơi hiện không còn chỗ chứa.
Với sự can thiệp của các giám đốc điều hành cao cấp của cơ quan truyền thông nhà nước này và giám đốc bệnh viện, ông Dương cuối cùng đã được đưa vào phòng hồi sức cấp cứu, nơi ông đã qua đời vài giờ sau đó. Nguyên nhân ông qua đời là nhiễm trùng phổi do vi khuẩn.
Ông Dương là một cái tên nằm trong danh sách dài những nhân vật ưu tú gắn liền với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã qua đời trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể Omicron tăng mạnh đang càn quét Trung Quốc, sau khi nhà cầm quyền đột ngột nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 hà khắc kéo dài mấy năm nay, vốn đã khiến các doanh nghiệp phải đóng cửa, làm tê liệt nền kinh tế của Trung Quốc, và biến điều này trở thành một thách thức đối với người dân Trung Quốc để duy trì mức sống căn bản của họ.
Tuy nhiên, quyết định đảo ngược đột ngột này đã được thực hiện mà không có sự cung cấp các nguồn lực cũng như chính sách để giúp người dân ứng phó với các ca nhiễm ngày càng gia tăng.
Hệ thống y tế của đất nước chưa được chuẩn bị sẵn sàng. Khi chủng virus này lây lan khắp các gia đình, nhiều bệnh viện và lò hỏa táng đã rơi vào tình trạng hỗn loạn, và ngay cả giới tinh anh Trung Quốc, được biết đến với những đặc quyền mà họ được hưởng, cũng không tránh khỏi những tác động kéo theo.
Ngoài ông Dương, những người đã tử vong trong vài tuần qua bao gồm ông Chu Chí Xuân (Zhou Zhichun), cựu phó tổng biên tập và phó chủ tịch của tờ Nhật báo Thanh niên Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước; chính trị gia Châu Trì Hoằng (Zhi Zhihong), nguyên là chủ tịch Ủy ban Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc tỉnh Giang Tây; nữ diễn viên Kinh kịch 39 tuổi Trữ Lan Lan (Chu Lanlan); nhà kinh tế học theo chủ nghĩa Marx Hồ Quân (Hu Jun); cựu phó giám đốc Ủy ban Thể thao Quốc gia Lưu Cát (Liu Ji); người thiết kế các linh vật cho Thế vận hội Bắc Kinh 2008, ông Ngô Quán Anh (Wu Guanying); cũng như hàng chục giáo sư lừng danh tại hai trường đại học danh tiếng nhất của Trung Quốc, Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa.
Khoảng một chục chuyên gia y tế hàng đầu cũng đã qua đời, trong đó có ông Nam Đăng Côn (Nan Dengkun), người được cho là đã đi tiên phong trong ngành y học phục hồi chức năng của Trung Quốc, và nhà khoa học dược phẩm hàng đầu Ngụy Thụ Lễ (Wei Shuli).
Số liệu chính thức bị cắt xén nhiều
Bất chấp ngày càng có nhiều tin cáo phó của những nhân vật nổi tiếng xuất hiện trên các kênh truyền thông nhà nước, rất ít chi tiết được đề cập về nguyên nhân tử vong của họ.
Chính quyền Trung Quốc đã sử dụng chiến lược sáo mòn của mình về việc báo cáo thấp hơn thực tế số ca nhiễm và tử vong do COVID nhằm giảm bớt những tin tức làm hoen ố hình ảnh của ĐCSTQ. Ủy ban Y tế Quốc gia cho đến nay chỉ kiểm đếm một số ít trường hợp tử vong do COVID — chín ca tử vong trong khoảng thời gian ba tuần. Chỉ những bệnh nhân tử vong vì viêm phổi và suy hô hấp do COVID gây ra mới tính vào số liệu chính thức này. Những người có bệnh lý nền không được tính.
Nhưng những câu chuyện ngoài đời thực đưa ra một bức tranh ảm đạm hơn nhiều.
Các nhà tang lễ trên khắp đất nước đang hoạt động suốt ngày đêm để hỏa táng các thi hài, đồng thời các cơ quan y tế cũng đang khuyến khích các bác sĩ về hưu trong 5 năm qua tái gia nhập lực lượng này để giảm bớt tình trạng thiếu nhân viên. Nhiều nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ cũng bị nhiễm COVID. Một bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện lớn nhất Bắc Kinh nói với truyền thông Trung Quốc rằng khoảng 70% nhân viên y tế tại khoa của ông bị ốm, kể cả ông, nhưng ông vẫn phải tiếp tục làm việc.
Công ty nghiên cứu sức khỏe Airfinity có trụ sở tại London ước tính rằng hơn 5,000 người có khả năng tử vong mỗi ngày vì COVID-19, dựa trên việc lập đồ thị từ dữ liệu khu vực của Trung Quốc.
Thống kê chính thức của Trung Quốc đang chứng minh cho mọi người thấy đây là một tài liệu chỉ dẫn không đáng tin cậy đến mức ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới, một cơ quan thường không trực tiếp chỉ trích chính quyền này về sự thiếu minh bạch trong quá trình diễn ra đại dịch, cũng bày tỏ sự nghi ngờ.
Ông Mike Ryan, Giám đốc Chương trình Cấp cứu Y tế của WHO, nói với các phóng viên hôm 21/12, “Ở Trung Quốc, những gì đang được báo cáo là số lượng ca bệnh trong ICU (phòng chăm sóc tích cực) tương đối thấp, nhưng sự thật là, các phòng ICU đang chật kín.”
“Tôi không muốn nói rằng Trung Quốc đang chủ động không muốn cho chúng tôi biết chuyện gì đang xảy ra. Tôi nghĩ rằng họ đang phản ứng quá chậm.”
Ác giả ác báo
Ông Hoành Hà (Heng He), một nhà phân tích các vấn đề Trung Quốc, nhận thấy một yếu tố siêu hình đằng sau đợt bùng phát COVID hiện tại. Ông nói, mặc dù con số thương vong thực sự trong đợt bùng phát này vẫn chưa được công bố, nhưng việc nhiều người trong giới tinh anh Trung Quốc bị ảnh hưởng là rất đáng chú ý.
Nhiều người trong số họ là những nhân vật chủ chốt trong cơ cấu quyền lực của chính quyền và cam kết trở thành những nhà tuyên truyền đánh bóng hình ảnh và tên tuổi cho ĐCSTQ.
“Có thể quý vị nghĩ đó không phải là vấn đề lớn, nhưng ĐCSTQ là một tập đoàn tội phạm,” ông nói với The Epoch Times, đồng thời cho biết thêm rằng số ca nhiễm gia tăng gần đây sẽ khiến mọi người nhìn nhận lại sự liên đới của họ với chính quyền này. “Trói buộc cuộc đời của mình với số phận của Đảng sẽ không mang lại điều gì tốt đẹp cho quý vị.”
Ông nói, quan niệm “gieo nhân nào gặt quả nấy” đã ăn sâu vào tâm trí người Trung Quốc từ thời cổ đại.
Ông Hoành giải thích, “Người Trung Quốc tin rằng thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, và rằng một người có thể gặp quả báo nhãn tiền (tức là lãnh báo ứng ngay trong kiếp này).”
“Đó là lý do tại sao người Trung Quốc luôn cảnh báo là đừng nên tiếp tay cho hành động sai trái — đặc biệt là việc đàn áp tín ngưỡng.”
Ông Hoành đã dẫn chứng về các chiến dịch đàn áp tàn bạo của nhà cầm quyền nhắm vào Pháp Luân Công và các tín ngưỡng tôn giáo khác.
Ông nói, “Ở một góc độ nào đó mà nhìn, thì người ta có lẽ sẽ xem đây là nghiệp báo.”
Khái niệm đó đã được Ngài Lý Hồng Chí, nhà sáng lập môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công, mô tả trong một bài viết hồi tháng 03/2020.
Ngài Lý viết, “Nhưng mà ôn dịch “virus Trung Cộng” (viêm phổi Vũ Hán) hiện nay xảy ra là có mục đích, là ôn dịch này có các mục tiêu. Nó đến để đào thải phần tử của tà đảng, và những ai cùng đứng với tà đảng Trung Cộng.”
“Không tin thì các vị hãy nhìn xem, hiện nay những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đều là những [quốc gia] đi lại gần gũi với tà đảng, người cũng như thế. Thế thì làm sao đây? Hãy tránh xa tà đảng Trung Cộng, không đứng cùng phe với tà đảng.”
Giới tinh anh không phòng bị
Giới lãnh đạo chóp bu của ĐCSTQ, những người phần lớn đã tự bảo vệ mình khỏi những tác động có hại của việc phong tỏa trong vài năm qua, đột nhiên nhận thấy mình dễ gặp chuyện bất trắc trong đợt bùng phát mới nhất này.
Một tài khoản trên trang tiểu blog Weibo của Trung Quốc được xác định là thuộc về vợ của ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên bộ ngoại giao, người nổi tiếng với luận điệu hiếu chiến và lan truyền thông tin sai lệch về virus — bao gồm cả thông tin sai lệch rằng virus này là do Quân đội Hoa Kỳ mang vào Vũ Hán — gần đây đã ta thán rằng bà ấy không thể tiếp cận được với bất kỳ loại thuốc kháng virus, thuốc chống viêm hoặc thuốc cảm lạnh nào.
“Chúng ta sẽ sốt bao nhiêu ngày cho đến khi bình phục?” bà viết mà không nêu đích danh người mà bà đang đề cập đến, theo ảnh chụp màn hình của một bài đăng đã bị xóa. “Tất cả những loại thuốc này đã đi đâu?”
Sau đó, bà nói thêm rằng họ đang sử dụng kem que để hạ nhiệt độ cơ thể.
Nhà kinh tế học theo chủ nghĩa dân tộc Hồ Yên Cương (Hu Angang), giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, người tham mưu cho giới lãnh đạo cộng sản, gần đây đã mất bố vợ vì bệnh viêm phổi do COVID-19 gây ra. Gia đình ông không thể liên lạc với đường dây nóng của dịch vụ cứu thương trong một giờ, sau đó lại phải đợi xe cấp cứu thêm mấy giờ đồng hồ nữa, theo một bài đăng được chia sẻ rộng rãi từ ông Mai Tân Dục (Mei Xinyu), nhà phân tích cao cấp tại Viện Hợp tác Kinh tế và Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times