Ông Gordon Chang: Mở cửa du lịch và che giấu dữ liệu, ĐCSTQ đang muốn lây bệnh cho thế giới
Khi một loại virus chí mạng mới lần đầu tiên xuất hiện ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc vào cuối năm 2019, nhà cầm quyền nước này đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của virus và che giấu quy mô thực sự của đợt bùng phát này.
Mãi đến cuối tháng 01/2020, các quan chức Trung Quốc mới tiết lộ rằng loại virus bí ẩn này có khả năng lây truyền giữa người với người. Sự chậm trễ trong việc cảnh báo công khai đã khiến căn bệnh này phát triển thành một đại dịch toàn cầu: Vào thời điểm Vũ Hán bị phong tỏa, các ca nhiễm đã được đưa tin ở Hoa Kỳ, Thái Lan, và một số quốc gia khác.
Để ngăn chặn sự lây lan của virus, vào khoảng tháng 02/2020, hàng chục quốc gia đã áp đặt các hạn chế đi lại đối với du khách Trung Quốc. Đáp lại, nhà cầm quyền nước này đã chỉ trích gay gắt những quốc gia nào thực hiện các biện pháp phòng ngừa, với việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc các quốc gia này đang “gieo rắc nỗi sợ hãi”, mặc dù một vùng lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc đã bị phong tỏa.
Ông Gordon Chang, tác giả kiêm thành viên cao cấp của Viện Gatestone cho biết: “Nếu quý vị ghép hai chi tiết này lại, quý vị sẽ thấy rằng họ đang cố tình lây lan căn bệnh này ra ngoài phạm vi biên giới của mình.”
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với chương trình “American Thought Leaders” (Các Nhà lãnh đạo Tư tưởng Hoa Kỳ) của EpochTV, sẽ được công chiếu vào ngày 07/01 lúc 7 giờ 30 phút tối theo giờ miền Đông (ET), vị chuyên gia về Trung Quốc này cho biết, “Tại sao chúng ta cần phải nhìn lại bối cảnh đó? Đó là vì hiện tại chúng ta đang chứng kiến một điều gì đó tương tự. Đúng lúc mà căn bệnh này … đang hoành hành khắp Trung Quốc, thì họ lại mở rộng cửa cho người Trung Quốc rời khỏi [đất nước] để đi du lịch. Và họ cũng không chia sẻ trình tự [bộ gene của virus]. Họ không nói cho thế giới biết điều gì đang thực sự xảy ra ở Trung Quốc ngay lúc này.”
Bình luận của ông được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc ngày càng tức giận trước việc các quốc gia yêu cầu du khách đến từ Trung Quốc thực hiện xét nghiệm COVID, các biện pháp này được thực hiện trước khi chính quyền Trung Quốc mở cửa lại biên giới hôm 06/01.
Hôm thứ Ba (03/01), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết, “Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp tương ứng dựa trên nguyên tắc có đi có lại tùy theo các tình huống khác nhau.”
Trung Quốc đang chiến đấu với một đợt bùng phát trên diện rộng vẫn chưa đạt đến đỉnh điểm. Tổ chức Y tế Thế giới đang kêu gọi sự minh bạch, khi cho biết các số liệu chính thức của Trung Quốc đang báo cáo thấp hơn quy mô thực tế của đợt bùng phát.
Cơ quan y tế hàng đầu của Trung Quốc đã ngừng công bố các ca nhiễm bệnh hàng ngày và chỉ thừa nhận một số ít trường hợp tử vong trong đợt bùng phát hiện nay. Tuy nhiên, theo một bản ghi nhớ từ cuộc họp nội bộ của cơ quan quản lý y tế bị rò rỉ trên mạng và được các hãng thông tấn xác nhận, ước tính có khoảng 248 triệu người, tương đương 18% dân số cả nước, đã nhiễm COVID-19 trong khoảng thời gian từ ngày 01 đến ngày 20/12/2022. Giới chức địa phương và các chuyên gia y tế trong nước ước tính tỷ lệ lây nhiễm có thể vượt quá 50% ở nhiều tỉnh và đạt 80% ở Bắc Kinh.
Trong bối cảnh số ca nhiễm bùng nổ như hiện tại, việc thiếu dữ liệu đáng tin cậy đã làm dấy lên mối lo ngại trên toàn cầu, đặc biệt là về khả năng xuất hiện một biến thể mới và nguy hiểm hơn đang lưu hành trong đại lục.
Hoa Kỳ và hơn chục quốc gia khác hiện đang yêu cầu du khách đến từ Trung Quốc phải chứng minh họ có kết quả âm tính với COVID. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cho biết biện pháp này nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID trên đất Mỹ, căn cứ vào tình hình hiện tại đó là “thiếu dữ liệu trình tự bộ gene virus cũng như dữ liệu dịch tễ học đầy đủ và minh bạch.” Cơ quan này hiện đang xem xét các biện pháp như lấy mẫu nước thải từ các chuyến bay từ Trung Quốc để theo dõi các biến thể tiềm năng mới.
Theo ông Chang, nếu như nhà cầm quyền này lại tiếp tục tìm cách làm lây lan dịch bệnh ra toàn thế giới “một cách có chủ ý”, thì những phản ứng như vậy là không đủ để ngăn chặn.
Ông nói: “Hành động đó là hoàn toàn sai trái. Ý tôi là, nếu Trung Quốc đang làm điều này một lần nữa, và rõ ràng là họ đang làm như vậy, thì chúng ta không nên cho phép những người đến từ Trung Quốc nhập cảnh cho đến khi chúng ta biết chuyện quái quỷ gì đang xảy ra.”
Tại sao Trung Quốc lại từ bỏ Zero COVID?
Kể từ đợt phong tỏa Vũ Hán đầu tiên, chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố sẽ loại bỏ mọi ca lây nhiễm trong cộng đồng thông qua các đợt xét nghiệm định kỳ, phong tỏa nhanh chóng, cách ly kéo dài, và giám sát kỹ thuật số. Vào giữa tháng Mười, khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố nhậm chức nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có trong thời gian diễn ra Đại hội Đảng lần thứ 20, ông đã tăng cường gấp đôi việc thực hiện chiến dịch kiểu cộng sản được gọi là zero COVID này, bất chấp những thiệt hại ngày càng tăng về cả kinh tế lẫn con người.
Và rồi, sau khi các cuộc biểu tình đi vào lịch sử nổ ra trên toàn quốc hồi cuối tháng 11/2022, nhà cầm quyền này đã quay ngoắt 180 độ và loại bỏ hầu hết [các biện pháp hạn chế theo] chính sách zero COVID.
Ông Chang lưu ý rằng, trên thực tế, chiến lược được áp dụng lâu dài này đã bị gây áp lực trước khi có quyết định thay đổi.
Nhà phân tích này cho biết, “Tổ chức Y tế Thế giới thực sự đã nói rằng chủng virus này đã lây lan khắp Trung Quốc trước khi các đợt phong tỏa được dỡ bỏ vào ngày 07/12, vì vậy họ nói rằng việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa không phải là nguyên nhân của đợt bùng phát này vì dịch bệnh đã tồn tại ở đó rồi.”
“Khi chúng ta thử nhìn sang dữ liệu … chúng ta sẽ thấy rằng các ca nhiễm đã thực sự tồn tại, và bây giờ chuyện này đang hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát,” ông nói. Cuộc khủng hoảng COVID này bắt đầu ngay cả trước khi các cuộc biểu tình nổ ra. Số ca nhiễm chính thức hàng ngày đã tăng từ 3,837 ca nhiễm mới vào ngày 05/11/2022 lên gần 40,000 ca vào ngày 27/11/2022. Số ca nhiễm tăng cao kỷ lục này khiến các địa phương phải tăng cường kiểm soát. Mặc dù có khả năng là các số liệu chính thức vẫn thấp hơn thực tế rất nhiều do chế độ cộng sản này có thông lệ là che đậy bất cứ dữ liệu nào làm hoen ố hình ảnh của họ.
Từ ngày 26/11/2022, các cuộc biểu tình hiếm hoi phản đối các biện pháp hạn chế hà khắc đã nổ ra ở các thành phố lớn cũng như trong khuôn viên các trường đại học danh tiếng trên toàn quốc. Một số thanh niên biểu tình ở Thượng Hải thậm chí còn đi xa hơn, khi kêu gọi ông Tập và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hạ đài.
Tiếng nói táo bạo đó “khiến Đảng Cộng sản sợ hãi,” ông Chang nói. “Điều đó có nghĩa là tinh thần của người dân đã có sự thay đổi to lớn.”
Ngoài khiến người dân phẫn nộ, thì cuộc chiến chống COVID này còn gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Ông Chang cho biết, hoạt động xét nghiệm hàng ngày và liên tục truy vết những người tiếp xúc gần trong ba năm trước đó đã làm cạn kiệt nguồn tài chính của địa phương, đồng thời giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế đang lung lay của đất nước.
Khi các đợt bùng phát COVID cứ liên tục lặp đi lặp lại, việc thực hiện biện pháp tốn kém này là “không thể thực hiện được nữa đối với đảng,” ông nói. “Họ chỉ là không có đủ nguồn lực để làm điều đó.”
Theo ông Chang, tổn thất kinh tế ngày càng tăng, nền kinh tế đang chậm lại, COVID gia tăng nhanh chóng bất chấp các biện pháp phong tỏa được siết chặt, cùng với sự bất mãn lớn nhất của công chúng trong nhiều thập niên, tất cả hợp lại đã đẩy chế độ này đến quyết định từ bỏ chính sách zero COVID mà ĐCSTQ đã ủng hộ bấy lâu nay.
“Bốn lý do đó về căn bản là lý do tại sao mãi đến ngày 07/12 Đảng Cộng sản Trung Quốc mới thay đổi các chính sách của mình, họ thực sự đã đầu hàng căn bệnh này. Đây chính là sự thất bại chính sách của Đảng Cộng sản.”
COVID ‘đã đánh bại chủ nghĩa cộng sản’
Các đợt bùng phát hiện đang lan rộng không ngừng trong 1.4 tỷ dân của quốc gia với khả năng miễn dịch tự nhiên thấp sau ba năm sống dưới chính sách phong tỏa nghiêm ngặt, đẩy các bệnh viện không được chuẩn bị đầy đủ vào cảnh tràn ngập bệnh nhân và các lò hỏa táng quá tải với số thi thể gia tăng không ngớt, về căn bản tình trạng này đang tái hiện lại những gì đã xảy ra ở Vũ Hán và các thành phố khác của Trung Quốc hồi đầu năm 2020.
Những cảnh tượng hỗn loạn này cho thấy “chính sách của đảng cộng sản là một thất bại,” ông Chang nói.
Chiến dịch chống COVID bắt nguồn từ một hệ tư tưởng của cộng sản Trung Quốc rằng ‘nhân định thắng thiên’. Ông Mao Trạch Đông, nhà lãnh đạo đầu tiên của ĐCSTQ tuyên bố, “đấu với Trời là niềm vui vô tận, đấu với Đất là niềm vui vô tận, và đấu với Người là niềm vui vô tận”.
“Ông Mao đã nói về việc chiến thắng tự nhiên, rõ ràng là ông Tập Cận Bình nghĩ rằng ông ấy có thể chiến thắng được ôn dịch này,” ông Chang nói.
“Chúng tôi thấy rằng Đảng Cộng sản [Trung Quốc], mặc dù đã bỏ ra rất nhiều công sức, nhưng vẫn không thể ngăn chặn điều này. Và đó là lý do tại sao đến bây giờ chúng ta mới nhìn thấy tấm màn thảm cảnh ở Trung Quốc đang được hé lộ dần.”
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times