Chỉ số đơn đặt hàng mới của Trung Quốc giảm trong 3 tháng liên tiếp khi nhu cầu từ thế giới giảm
Các chuyên gia cho biết sản xuất đang rời Trung Quốc với tốc độ chưa từng có
Chỉ số đơn đặt hàng mới của Trung Quốc trong tháng Mười Hai năm 2022 là 43.9%, giảm 2.5% so với tháng Mười Một, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp chỉ số này giảm. Chuyên gia cho biết, sự sụt giảm này cho thấy nhu cầu của thế giới đối với ngành sản xuất của Trung Quốc đang ngày càng suy giảm.
Chỉ số này đã giảm 1.7% trong tháng Mười và tháng Mười Một, trong khi mức giảm của tháng Mười Hai đã tăng thêm 0.8% lên 2.5%, cho thấy triển vọng ảm đạm đối với ngành sản xuất của nước này.
Trong khi đó, theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 31/12/2022, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất của nước này cho tháng Mười Hai là 47.0%, giảm 1.0% so với tháng trước.
Chỉ số PMI sản xuất đo lường mức độ thịnh vượng của lĩnh vực sản xuất dựa trên hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chỉ số PMI sản xuất của quốc gia này cũng đã giảm xuống dưới ngưỡng 50.0% trong ba tháng liên tiếp. Ngưỡng 50.0% là điểm hòa vốn của chỉ số, cho thấy không có thay đổi nào trong điều kiện thị trường.
Chỉ số PMI tháng Mười là 49.2, tháng Mười Một là 48.0 và tháng Mười Hai gần đây nhất là 47, cho thấy triển vọng xấu đi đối với lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc.
Theo báo cáo này, năm chỉ số phụ cấu thành PMI sản xuất tháng Mười Hai đều thấp hơn ngưỡng 50.0. Các chỉ số phụ bao gồm chỉ số sản xuất, chỉ số đơn đặt hàng mới, chỉ số tồn kho nguyên vật liệu thô, chỉ số việc làm, và chỉ số thời gian giao hàng.
Và ngoại trừ chỉ số tồn kho nguyên vật liệu thô đã tăng 0.4% so với tháng trước, thì các chỉ số phụ khác đều giảm.
Ông Li Songyun, một nhà kinh tế và chuyên gia về Trung Quốc, nói với The Epoch Times hôm 06/01: “Trong tháng Mười Một năm ngoái, mức độ sụt giảm xuất cảng của Trung Quốc đã lan rộng hơn so với kỳ vọng của thị trường. Kim ngạch xuất cảng tính theo USD của Trung Quốc đã giảm 10.6% so với năm trước. Trong khi đó, xuất cảng của Trung Quốc sang Hoa Kỳ giảm 24.1% so với cùng thời kỳ năm ngoái, đánh dấu mức giảm trong tháng thứ tư liên tiếp so với cùng thời kỳ năm ngoái.”
Ông Li cho biết tuyên bố chính thức của Bắc Kinh về việc xuất cảng bị thu hẹp vào tháng Mười Một năm ngoái là nhu cầu bên ngoài yếu do suy thoái kinh tế ở Hoa Kỳ và Âu Châu.
‘Tình hình thảm khốc’ cho ngành sản xuất của Trung Quốc
“Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không đề cập đến thực tế là Hoa Thịnh Đốn cũng đang thúc đẩy hoạt động sản xuất quay trở lại Hoa Kỳ với tốc độ chưa từng có,” ông Li nói, đồng thời cho biết thêm rằng yếu tố này thể hiện một “tình huống thậm chí còn thảm khốc hơn” đối với ngành sản xuất đang suy giảm của Trung Quốc.
Một báo cáo khảo sát năm 2022 của Kearney, một công ty tư vấn quản lý toàn cầu có trụ sở tại Chicago, cho thấy 92% giám đốc điều hành được khảo sát bày tỏ tâm lý tích cực đối với việc các công ty chuyển hoạt động của họ trở lại Hoa Kỳ.
Cuộc khảo sát này cũng cho thấy “79% giám đốc điều hành có hoạt động sản xuất ở Trung Quốc đã chuyển một phần hoạt động của họ sang Hoa Kỳ hoặc dự định làm như vậy trong ba năm tới, trong khi 15% khác đang cân nhắc có hành động tương tự.”
Tương tự như vậy, Reshoring Initiative, một tổ chức bất vụ lợi của Hoa Kỳ, đã báo cáo hôm 05/01 rằng “các khoản đầu tư trực tiếp của ngoại quốc (FDI) và đầu tư quay trở về nước trong quý 3/2022 đã đạt mức kỷ lục, cao hơn 15% so với quý 2 — mức kỷ lục trước đó.”
Báo cáo cho biết quý 4/2022 cũng có vẻ “mạnh mẽ”, có thể đưa hơn 350,000 việc làm trở lại Hoa Kỳ vào năm 2022. Báo cáo nói thêm rằng dự báo trong năm 2022, số việc làm được đưa trở lại Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng 40% so với tổng số 255,000 của năm 2021.
Tổ chức này cho biết: “Điều đó cũng chỉ ra rằng các công ty có trụ sở chính tại Hoa Kỳ đang [bắt đầu] hiểu được lợi ích của việc sản xuất nội địa mà nhiều công ty ngoại quốc đã hiểu được trong nhiều thập niên.”
Ông Li cho biết, không chỉ các công ty Mỹ đang rời Trung Quốc và quay trở lại Mỹ.
Ông cho biết thêm: “Chính sách zero COVID của Bắc Kinh, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và rủi ro địa chính trị gia tăng đã đẩy nhanh việc các công ty ngoại quốc khác rút khỏi Trung Quốc.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times