2 tử huyệt của nền kinh tế Trung Quốc
Nhiều nhà quan sát bình luận rằng, khi địa ốc sụp đổ, nền kinh tế Trung Quốc sẽ theo đó mà đột quỵ. Vì sao vậy? Khác với các nền kinh tế khác, địa ốc có vai trò rất lớn với thu chi ngân sách, với an ninh tài chính tiền tệ của Bắc Kinh.
Địa ốc đóng góp tới hơn 1/4 GDP của đất nước này. Vấn đề ở chỗ, cơ cấu này không đổi sau hàng chục năm Trung Quốc trở thành công xưởng sản xuất toàn cầu, đóng góp từ xuất cảng vào GDP Trung Quốc đã giảm đáng kể. Sau khi tăng 30% vào năm 2021, xuất cảng có khả năng chỉ tăng 1.6% trong năm nay, theo Nomura Holdings Inc, nhưng địa ốc thì vẫn giữ nguyên.
Vấn đề thể chế, quyền lực của chính quyền địa phương với địa ốc và ngân hàng địa phương rất lớn; thực tế đó là quyền lực thao túng. Đây là tử huyệt của địa ốc Trung Quốc. Điều đáng nói là luật pháp Trung Quốc lại ủng hộ cho cái tử huyệt này.
Địa ốc: Tử huyệt được che dấu
Luật Ngân sách năm 2015 của Bắc Kinh có điều khoản cho phép chính quyền địa phương phát hành trái phiếu địa phương theo từng dự án cụ thể (thuật ngữ chuyên ngành gọi là nợ cấu trúc – một loại nợ thường là dưới chuẩn an toàn thông thường); loại nợ cấu trúc của chính quyền địa phương không cần báo cáo lên Trung ương, không cần hạch toán vào nợ chính quyền theo chuẩn quốc tế.
Cách làm này giúp cho số liệu nợ công trên GDP trong báo cáo của Bắc Kinh luôn ở mức chấp nhận được nhưng lại tạo một hố đen về nợ địa phương mà chính Bắc Kinh bất lực không thể kiểm soát. Các nhà quan sát cho rằng điều này tạo điều kiện cho các chính quyền địa phương Trung Quốc tận dụng tối đa quyền lực này: Họ phát hành trái phiếu địa phương, chỉ thị các ngân hàng thương mại (NHTM) địa phương mua lại, bán đất cho doanh nghiệp địa ốc địa phương, rồi chỉ đạo NHTM cho các doanh nghiệp này vay vốn. Các doanh nghiệp này sau khi bán được địa ốc sẽ trả tiền cho NHTM và cho chính quyền địa phương. Vòng tiền tuần hoàn như vậy thực ra phụ thuộc vào khả năng bán được địa ốc của doanh nghiệp.
Các công cụ nợ địa phương còn mở rộng đến mức doanh nghiệp được chính quyền địa phương bảo lãnh lại được phép bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ hơn vay tiền từ NHTM địa phương. Bản thân quan chức địa phương cần bán đất liên tục, cần tăng nợ liên tục để kiếm số liệu tăng trưởng đẹp báo về cho trung ương.
Cách hạch toán nợ xấu của NHTM cũng là một vấn đề nổi cộm. Theo Caixin Global và cả PwC, thì NHTM Trung Quốc được phép tự phân loại nợ loại 1, 2, 3, 4, 5 theo định giá tài sản bảo đảm (chính là địa ốc) mà họ đang giữ; vì tự NHTM định giá nên khó có thể giám sát được hết được trường hợp định giá cao hơn thị trường.
Đây có thể là lý do tỷ lệ nợ xấu mà PBOC báo cáo luôn ở trong ngưỡng an toàn, trong khi toàn Trung Quốc có tới 50 thành phố ma, gần 65 triệu căn chung cư ma.
Theo các nhà quan sát, những dữ liệu bị che dấu này được cho là nguồn cơn cho khủng hoảng mà Trung Quốc đang đối mặt, và rất có thể sẽ kéo theo cơn đột quỵ của cả nền kinh tế.
Nợ địa ốc ở Trung Quốc lớn đến mức nào?
Theo Reuters, nguồn số liệu từ PBOC cho thấy, nợ địa ốc trong hệ thống NHTM của Trung Quốc là 25.7%. Tổng dư nợ của các NHTM Trung Quốc vào 30/6/2022 là 30.3 tỷ USD. Như vậy dư nợ địa ốc trong hệ thống các NHTM Trung Quốc hiện là: 7,787 tỷ USD. Theo số liệu từ c-bonds, TPDN Trung Quốc khoảng 15 nghìn tỷ USD (3 nghìn tỷ USD phát hành bằng USD và 12 nghìn tỷ USD phát hành bằng CNY), trong đó khoảng 40% là trái phiếu địa ốc. Như vậy, nợ tín dụng và trái phiếu địa ốc Trung Quốc khoảng 14 nghìn tỷ USD, tương đương với hơn 80% GDP.
Nhưng đây mới chỉ là nợ địa ốc từ phía doanh nghiệp chứ chưa tính tới nợ trái phiếu chính quyền địa phương (CQĐP) phát hành riêng cho các dự án địa ốc ma. Trái phiếu CQĐP chiếm tỷ trọng lớn nhất trên thị trường trái phiếu Trung Quốc, 24% theo báo cáo của Bloombergs. Theo số liệu của các tổ chức nghiên cứu ngoài TQ, trái phiếu CQĐP xấp xỉ 50% GDP của Trung Quốc. Nguồn thu chính để trả cho NHTM – những người nắm giữ tới 80% trái phiếu chính quyền địa phương – là bán đất và phát triển địa ốc tại địa phương.
Như vậy, nợ trông chờ vào nguồn thu từ địa ốc để bù đắp. Tình trạng tài chính địa ốc tệ hại ở chỗ người vay tiền mua nhà cũng biểu tình yêu cầu trả nợ đúng hạn nếu doanh nghiệp địa ốc không giao nhà đúng hạn. Đây là nhát dao tiếp theo nhắm vào các NHTM địa phương nhỏ bé – công cụ làm tiền của CQĐP và ông lớn địa ốc.
Đây có lẽ là nguồn cơn của việc Trung Quốc phải đàn áp người biểu tình rút tiền và việc chính sách ‘đổi thẻ’ khiến người dân không thể rút tiền mặt lại đang áp dụng khắp Trung Quốc – từ ngân hàng nhỏ tới ngân hàng lớn! Có nghĩa là, vấn đề khủng hoảng thanh khoản không nằm ở ngân hàng nhỏ, quy mô địa phương.
Theo các nhà quan sát, điều này cũng giúp lý giải “Tại sao ‘Thịnh vượng chung’ lại trở thành khẩu hiệu mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương?” Vì chính quyền đã cạn tiền, phải lấy của nhà giàu để lấp vào lỗ thủng tài chính vốn như cái hố đen. Dù sao, công cụ mạnh nhất của Bắc Kinh lúc này là “mệnh lệnh hành chính”; cứ theo dõi mệnh lệnh hành chính của Bắc Kinh là thấy được sự khốc liệt, nguy kịch của thị trường tài chính.
Và tình trạng này còn trở nên tồi tệ hơn khi kết hợp với tử huyệt thứ hai của nền kinh tế Trung Quốc.
Tử huyệt thứ hai: Tiêu dùng nội địa yếu
Ngay từ thời điểm cuộc chiến thương mại Mỹ–Trung đang căng thẳng, bộ máy lãnh đạo Trung Quốc đã theo đuổi chiến lược tập trung tiềm lực vào thị trường nội địa nhằm phục hồi nền kinh tế, song sức mua yếu trong nước có thể phá hủy chiến lược ấy.
Bộ Chính trị Trung Quốc – cơ quan tối cao của Đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc – thời điểm đó đã ban hành chiến lược lưu thông kép. Nghĩa là Trung Quốc sẽ vẫn hướng ra thị trường quốc tế, nhưng dựa vào tiêu dùng trong nước nhiều hơn và sử dụng các công nghệ do doanh nghiệp trong nước tự phát triển.
Theo các nhà quan sát, chủ trương tăng trưởng dựa trên nhu cầu nội địa của Bắc Kinh sẽ phải vượt qua vô vàn trở ngại do nhu cầu nội địa kém và sự can thiệp quá sâu của nhà nước vào nền kinh tế.
Với dân số 1.4 tỉ người, tổng chi tiêu của người tiêu dùng ở Trung Quốc năm 2020 chỉ là 13,600 tỉ USD – chiếm chưa đến 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, trong khi mức trung bình toàn cầu ở các quốc gia khác là khoảng 60%. Chi tiêu dành cho tiêu dùng bình quân đầu người giảm 5.9%, ở mức 9,718 nhân dân tệ (1,392 USD) trong nửa đầu năm.
Với mức tiêu dùng khác (chẳng hạn như tiêu dùng của chính phủ) tăng thêm từ 10 đến 15%, cho đến nay, Trung Quốc có tỷ lệ tiêu dùng trong GDP thấp nhất so với bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới.
Tại sao tỷ lệ tiêu dùng trên GDP của Trung Quốc lại thấp như vậy? Thực tế, các gia đình Trung Quốc giữ lại một phần rất thấp – dưới hình thức tiền lương và tiền công, thu nhập khác và các khoản chuyển giao – đối với những gì họ sản xuất; vì vậy họ không thể tiêu dùng nhiều hơn một phần nhỏ những gì họ sản xuất ra. Các chính sách thịnh vượng chung mới của Bắc Kinh tập trung vào việc phân phối lại thu nhập từ người giàu sang người nghèo và tầng lớp trung lưu, nhưng dù chương trình thành công, thì tình trạng này vẫn khó có thể cải thiện được.
Kết quả là, các gia đình Trung Quốc phải giữ lại một phần lớn hơn những gì họ sản xuất; điều này tất nhiên cũng có nghĩa là một số khu vực khác của nền kinh tế – doanh nghiệp, chính phủ, hoặc người nước ngoài (mặc dù lĩnh vực cuối cùng này quá nhỏ không quan trọng) – phải giữ lại một phần đã giảm.
Với việc các doanh nghiệp ở Trung Quốc giữ lại tỷ lệ GDP tương đương như ở các quốc gia khác, sẽ rất khó để Bắc Kinh chỉ thị doanh nghiệp hấp thụ mức độ chuyển giao cần thiết. Nói cách khác, cách duy nhất để tái cân bằng tiêu dùng ở Trung Quốc một cách có ý nghĩa và bền vững là cần có sự chuyển giao đáng kể từ chính quyền địa phương cho các gia đình.
Nhưng đây cũng là lý do vì sao Bắc Kinh rất khó quản lý tiến trình tái cân bằng và vì sao tỷ trọng tiêu dùng trên GDP chỉ tăng vài phần trăm trong suốt hơn 10 năm qua. Có thể tưởng tượng được rằng việc chuyển giao 10 đến 20% GDP từ chính quyền địa phương cho các gia đình cũng hàm ý một sự thay đổi lớn về quyền lực chính trị tương đối của các khu vực khác nhau của nền kinh tế và một sự chuyển đổi lớn trong xã hội, chính trị, xã hội có liên quan của đất nước. và các thể chế kinh tế.
Bên cạnh đó, khoảng cách giàu nghèo ở quốc gia đông nhất nhất thế giới cũng đang thuộc nhóm rộng nhất hành tinh. Đa số người dân Trung Quốc đang chật vật mưu sinh với nguồn thu nhập rất thấp.
Ông He Keng, một cựu đại biểu quốc hội Trung Quốc, nhắc lại rằng hơn 1.1 tỉ người không thuộc tầng lớp trung lưu và việc Bắc Kinh tuyên bố Trung Quốc đã trở thành một “xã hội tương đối toàn diện” là hành động vội vã.
Số liệu của Cục Thống kê Quốc gia cho thấy Trung Quốc có khoảng 400 triệu người thu nhập từ 2,000 đến 5,000 CNY/tháng (6.5–16.5 triệu VND) – thuộc tầng lớp trung lưu trong xã hội. Số người có thu nhập thấp dưới 1,000 CNY/tháng (3.4 triệu VND) là 600 triệu người.
Định hướng của Trung Quốc trong chiến lược lưu thông kép sẽ là chi tiêu cho cơ sở hạ tầng nhằm khơi dậy nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, ông Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế học tại Capital Economics, nhận định mục tiêu tăng nhu cầu nội địa sẽ rất khó khăn nếu Trung Quốc vẫn bám theo mô hình phát triển truyền thống.
“Lẽ ra phải thay đổi định hướng, Trung Quốc lại đang tăng cường mô hình chính phủ can thiệp sâu vào kinh tế hiện nay,” nhà kinh tế học này nhận xét.
Thực trạng hiện tại: Mỗi tuần Bắc Kinh bỏ ra 100 tỷ USD để cứu ngân hàng
Trong có 3 ngày đầu tuần cuối tháng 12/2022, PBOC bơm ra 622 tỷ CNY ( gần 100 tỷ USD) qua repo đảo ngược để cứu thanh khoản. Tuần trước đó thì bơm cho ngân hàng 704 tỷ CNY (bằng 100 tỷ USD).
Cũng trong tuần trước đó, 500 tỷ CNY (nhân dân tệ) khoản vay trung hạn đáo hạn, Bắc Kinh phải bơm ra 650 tỷ CNY qua cơ sở cho vay trung hạn. Tức là bỏ tiền ra cho các doanh nghiệp đáo nợ và cấp luôn tiền cho các doanh nghiệp này trả lãi.
Đầu tháng 12, PBOC lại hạ dự trữ bắt buộc thêm 0.5%, tương đương việc rót thêm khoảng 500 tỷ CNY cho hệ thống.
Như vậy, các ngân hàng thương mại của Trung Quốc đang cần một lượng tiền khổng lồ để giải cứu địa ốc; để làm được điều đó thì PBOC buộc phải giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Nhưng nếu giảm tỷ lệ này, khoản tiền dồi dào mà Bắc Kinh đang đầu tư cho dự án Vành đai–Con đường (BRI) sẽ giảm. Trong khi đó, các quốc gia mà nước này cho vay cũng đang chậm trả nợ, nhiều dự án khó thu nợ nên dòng tiền quay về cũng vô cùng hạn chế.
Mỗi ngày trôi qua, việc đổ tiền vào giải cứu địa ốc của Bắc Kinh sẽ kéo dài thêm, nhưng rắc rối sẽ tăng lên. Nhưng thời gian lại cực kỳ quý giá trong việc giải quyết rắc rối tài sản. Vấn đề là trong thời gian kéo dài đó, nếu tiêu dùng khá lên, dòng vốn USD không tháo chạy khỏi Bắc Kinh, thì việc chính phủ tháo gỡ thị trường địa ốc sẽ không quá khó.
Ngọc Minh thực hiện