Nhà ủng hộ nhân quyền: Việc cấm tiếng Mông Cổ trong học đường cho thấy cuộc diệt chủng văn hóa vẫn tiếp diễn
Việc cấm sử dụng tiếng Mông Cổ trong trường học, cấm in ấn sách phản ánh nỗ lực không ngừng của Trung Quốc nhằm xóa bỏ ngôn ngữ và lịch sử Mông Cổ.
Việc sử dụng tiếng Mông Cổ trong các trường học ở khu vực Nội Mông, Trung Quốc đã bị loại bỏ hoàn toàn sau quá trình chuyển đổi kéo dài ba năm. Hành động này khiến nhiều người Mông Cổ thiểu số lo ngại về việc thế hệ trẻ sẽ hoàn toàn mất gốc về nền văn hóa của họ.
Ông Enghebatu Togochog, một nhà hoạt động người Mông Cổ tại Hoa Kỳ, cho biết: “Đây là một chính sách có hệ thống và có kế hoạch của chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm loại bỏ dân tộc Mông Cổ.” Ông Enghebatu là giám đốc Trung tâm Thông tin Nhân quyền Nam Mông Cổ (SMHRIC) có trụ sở tại New York.
Các nhà hoạt động người Mông Cổ bên ngoài Trung Quốc thường gọi quê hương của họ là Nam Mông Cổ, thay vì Khu tự trị Nội Mông Cổ, như Bắc Kinh gọi.
SMHRIC cho biết trên trang web của mình rằng bắt đầu từ ngày 01/09, tất cả các trường học ở Mông Cổ trong khu vực này, bao gồm cả trường mẫu giáo, phải giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Quan Thoại (tiếng Trung Quốc phổ thông).
Hồi tháng Tư, tổ chức này cho biết họ đã có được bản ghi âm từ cuộc họp giữa phụ huynh và giáo viên ở thủ đô Hohhot của Nội Mông. Trong đoạn ghi âm này, hiệu trưởng nhà trường thông báo với phụ huynh rằng “theo chỉ đạo của Chính quyền Trung ương, bắt đầu từ ngày 01/09 năm nay, tất cả các trường học của người Mông Cổ trong khu vực này sẽ sử dụng ngôn ngữ chung của quốc gia [tiếng Trung Quốc phổ thông] làm ngôn ngữ giảng dạy.”
Ông Enghebatu nói với The Epoch Times hôm 16/09: “Tiếng Mông Cổ là biểu tượng cuối cùng của bản sắc dân tộc Mông Cổ, nhưng giờ đây chính quyền [ĐCSTQ] đang [vi phạm] quyền ngôn ngữ khi không cho phép trẻ em Mông Cổ sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình ở trường học.”
Đầu tháng 08/2020, với lý do cải cách chương trình giảng dạy ở trường tiểu học, Bắc Kinh đã thúc đẩy “giáo dục song ngữ thế hệ thứ hai,” yêu cầu các trường tiểu học người thiểu số ở Nội Mông phải sử dụng tài liệu giảng dạy tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho ba môn học — “ngữ văn”, “lịch sử”, “đạo đức và pháp trị”. Các trường học phải hủy bỏ việc giảng dạy bằng tiếng địa phương cho ba môn học này và thay vào đó sử dụng tiếng Quan Thoại.
Năm nay, Bắc Kinh đã hoàn tất quá trình chuyển đổi sang tiếng Quan Thoại, gần như loại bỏ hoàn toàn tiếng Mông Cổ khỏi giáo trình chính thức của các trường tiểu học và trung học.
Thông báo đầu tiên vào năm 2020 này đã làm dấy lên hàng loạt cuộc biểu tình dẫn đến việc bắt giữ hàng chục phụ huynh, giáo viên, và nhiều quan chức khác.
Sau đó, ĐCSTQ đã giám sát chặt chẽ khu vực Mông Cổ để tránh xảy ra nhiều cuộc biểu tình rầm rộ hơn. Ông Enghebatu cho biết, các mạng xã hội địa phương đã bị kiểm duyệt, với việc các nhóm WeChat địa phương bị cho ngừng hoạt động tạm thời.
Ông Enghebatu nói: “Giáo dục song ngữ thế hệ thứ hai” thực ra có nghĩa là giáo dục gần như hoàn toàn bằng tiếng Quan Thoại.
Ông Enghebatu cho biết, sách lược này của ĐCSTQ “là một chính sách diệt chủng văn hóa điển hình, nhằm mục đích xóa bỏ ngôn ngữ, văn hóa, và các biểu tượng bản sắc của người Mông Cổ, để người Mông Cổ không thể nhấn mạnh vào bản sắc Mông Cổ của họ nữa.”
Người Mông Cổ thiểu số chiếm gần 20% trên tổng số 23 triệu người dân của Nội Mông.
‘Xóa bỏ’ lịch sử Mông Cổ
Ngoài việc ngăn cản trẻ em học tiếng Mông Cổ ở trường, theo ông Enkhbatu, Bắc Kinh đang cố gắng “diệt khẩu” cả những cuốn sách liên quan đến lịch sử Mông Cổ.
Ông nói: “Các trường học, thư viện, hiệu sách … không được phép phân phối các ấn phẩm, sách, hay tạp chí bằng tiếng Mông Cổ.”
Một ví dụ gần đây là cuốn “Tổng quan lịch sử dân tộc Mông Cổ”, một tác phẩm gồm sáu tập của tác giả Mông Cổ Mansang Taichuud. Cuốn sách lịch sử này đã được in ấn từ năm 2004, và ban đầu còn được chính quyền Trung Quốc khen ngợi.
Tuy nhiên, hôm 25/08, một thông báo từ Hiệp hội Ngành Xuất bản Sách Khu tự trị Nội Mông đã được đăng trực tuyến, yêu cầu các thành viên của hiệp hội ngừng xuất bản cuốn “Tổng quan lịch sử dân tộc Mông Cổ” và “loại cuốn sách này ra khỏi kệ càng sớm càng tốt.” Cuốn sách này đã bị cáo buộc thể hiện “chủ nghĩa hư vô lịch sử.”
Việc cấm đoán diễn ra sau chuyến thăm Nội Mông vào tháng Sáu của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, trong chuyến thăm đó ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khắc sâu ý thức về bản sắc dân tộc Trung Quốc trong 6 triệu người Mông Cổ của khu vực.
Các phóng viên đã liên hệ với Nhà sách Tân Hoa Xã thuộc sở hữu nhà nước ở Hohhot, và nhà sách đã xác nhận rằng những cuốn sách này đã bị dỡ bỏ khỏi kệ.
Hôm 16/09, một phóng viên của Epoch Times đã liên hệ với một nhân viên tại Nhà xuất bản Thiếu niên Nhi đồng Nội Mông. Nhân viên này cho biết nhà xuất bản đã nhận được thông báo ngừng in cuốn sách này, dẫn lời một quan chức nói rằng các khía cạnh lịch sử của cuốn sách đã bị “viết sai” và cuốn sách có “lỗi chính trị.” Nhân viên này cho biết nhà xuất bản đang kiểm tra các phiên bản khác của cuốn sách.
Trừ bỏ cuộc sống du mục
Địa lý của Nội Mông, với các thảo nguyên và cao nguyên, đã nuôi dưỡng lối sống du mục độc đáo được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong hàng ngàn năm.
Tuy nhiên, kể từ năm 2003, Bắc Kinh đã áp dụng chính sách “di cư sinh thái,” dẫn đến lệnh cấm hoàn toàn việc chăn thả gia súc ở đồng cỏ Tây Tạng, Thanh Hải, Tân Cương, Tứ Xuyên, và Nội Mông. Vào năm 2013, nhà cầm quyền cộng sản này đã tuyên bố “sự kết thúc của nền văn minh du mục” với “việc tái định cư nhóm 1.2 triệu người chăn nuôi du mục cuối cùng.”
“Không còn những khu vực du mục theo đúng nghĩa ở Nam Mông Cổ, và tất cả những người chăn nuôi không được phép chăn thả trên đồng cỏ của họ. Họ (chính quyền ĐCSTQ) thường đến để bắt bò dê và thường giam giữ, bỏ tù, và phạt tiền những người chăn nuôi,” ông Enkhbatu nói.
Ông Enkhbatu đã liên hệ việc đàn áp những người du mục Tây Tạng với việc đàn áp các dân tộc thiểu số khác, nói rằng “ĐCSTQ không chỉ thực hiện chính sách diệt chủng ở Tân Cương và Tây Tạng mà thực tế còn làm như vậy ở Nam Mông Cổ.”
Đàn áp chính trị và sắc tộc
Ông Enkhbatu hồi tưởng lại những ngày sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền vào năm 1949.
Một số lượng lớn giới tinh hoa Mông Cổ đã bị đàn áp trong bối cảnh ĐCSTQ thanh trừng chính trị “những người cánh hữu quốc gia,” ông Enkhbatu nói, viện dẫn “Sự kiện Nội Mông” ô nhục, một cuộc thanh chính trị lớn từ năm 1967 đến năm 1969. Ông gọi đây là “một vụ thảm sát điển hình, trong đó ít nhất 100,000 người Mông Cổ đã thiệt mạng.” Ông nói, ĐCSTQ sau đó đã xóa bỏ lối sống du mục truyền thống ở Mông Cổ.
“Sự kiện Nội Mông”, còn được gọi là Sự kiện thanh trừng Đảng Nhân dân Cách mạng Nội Mông Cổ, là một cuộc thanh trừng chính trị quy mô lớn được tiến hành dưới sự bảo trợ của Tướng ĐCSTQ Đằng Hải Thanh (Teng Haiqing) trong Cách mạng Văn hóa. Vụ việc nhắm đến Phó Chủ tịch Trung Quốc đương thời Ô Lan Phu (Ulanhu), người lúc đó là lãnh đạo của ĐCSTQ tại Nội Mông Cổ.
Ông Ô Lan Phu, có nghĩa là “người con trai đỏ,” có bí danh là Tướng quân Vân Trạch (Yun Ze), người có công trong việc đưa Nội Mông Cổ về dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ. Ông Ô Lan Phu có ảnh hưởng lớn trong đời sống chính trị của Nội Mông Cổ. Trong Cách mạng Văn hóa, ông bị buộc tội cai trị Nội Mông Cổ như một “vương quốc độc lập,” bị buộc tội là “người hoạt động chống Đảng” và đã bị đàn áp, cùng với vô số người khác vốn bị xem là đi theo sự lãnh đạo của ông.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times