‘Chế độ giám sát tàn nhẫn’: Việc Trung Quốc thu thập DNA hàng loạt ở Tây Tạng đã đến hồi báo động
NEW DELHI – Một báo cáo mới cho biết chế độ cộng sản ở Trung Quốc đã bắt đầu thu thập DNA tùy tiện từ cư dân ở nhiều thị trấn và làng mạc trên khắp khu vực Tây Tạng.
Chính phủ Trung ương Tây Tạng đóng tại Dharamshala, Ấn Độ, cho biết những nỗ lực này cho thấy mức độ giám sát của chính quyền, mô tả việc lấy mẫu DNA là một chiến thuật lâu dài để kiểm soát dân số Tây Tạng.
“Việc [chính quyền Trung Quốc] ngày càng gia tăng thu thập bất hợp pháp các mẫu DNA của người dân Tây Tạng với mục đích ‘phát hiện tội phạm’ bắt nguồn từ những nỗ lực hết mình của họ nhằm thiết lập tính hợp pháp để cai trị Tây Tạng, và do đó những nỗ lực như vậy chỉ nhằm bảo đảm sự ổn định của họ,” ông Tenzin Lekshay, phát ngôn viên của Chính phủ Trung ương Tây Tạng, còn được gọi là Chính phủ lưu vong Tây Tạng, nói với The Epoch Times.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), một tổ chức vô vụ lợi có trụ sở tại New York cho biết trong một báo cáo hôm 05/09 rằng chính quyền Trung Quốc đang thu thập một cách có hệ thống các mẫu máu để có được DNA trên khắp quốc gia – ngay cả trẻ em mẫu giáo.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, thì điều này đi kèm với sự gia tăng đáng kể trong “lực lượng cảnh sát giữ gìn trật tự”. Tổ chức trên đã trích dẫn các báo cáo chính phủ năm 2019 của cảnh sát khu vực này, trong đó kêu gọi các nhà thầu đấu thầu để xây dựng cơ sở dữ liệu DNA hoặc thông báo về việc xây dựng một cơ sở dữ liệu. Báo cáo cho biết những nỗ lực hiện tại là nhằm “thiết lập sự hiện diện của cảnh sát” ở cấp cơ sở trên khắp khu vực Tây Tạng.
“Trung Quốc là một quốc gia bị giám sát, nơi mà họ đang đổ rất nhiều tiền vào an ninh nội bộ. Bên trong Tây Tạng, Trung Quốc lắp đặt nhiều camera an ninh hơn cả cửa ra vào và cửa sổ,” ông Lekshay nói.
Theo ông Lekshay, kể từ năm 2008, do tăng cường giám sát ở biên giới, chỉ một số ít người Tây Tạng có thể đào thoát sang nước láng giềng Ấn Độ, không giống như những năm trước.
Ông nói: “Việc Trung Quốc thu thập mẫu gen mà không có sự đồng thuận là vi phạm các quyền của Tây Tạng theo luật pháp quốc tế và củng cố chế độ giám sát vốn đã tàn nhẫn của quốc gia này.”
Ông Tsering Passang, chủ tịch của nhóm vận động Liên minh Toàn cầu vì Tây Tạng và Các Dân tộc Thiểu số bị Đàn áp, cho biết chế độ cộng sản đang đẩy mạnh nỗ lực đàn áp người dân địa phương.
Ông Passang cho biết: “Việc thu thập DNA hàng loạt có lẽ là biện pháp cuối cùng của họ để kiểm soát người Tây Tạng thông qua công nghệ sinh học. Ông cho biết thêm rằng, việc lấy mẫu DNA cho thấy chính quyền Trung Quốc tin rằng tình hình ở Tây Tạng đã trở nên quá chính trị.
Nghiên cứu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết rằng chiến dịch mới nhất được thực hiện hồi tháng Một có tên gọi là “Tam Đại” nghĩa là “Đại Thanh tra Từng Người Một, Đại Điều tra, và Đại Hòa giải.” Chiến dịch này có sự tham gia của cảnh sát trong các đồn cảnh sát làng mới thành lập, họ đến thăm từng hộ gia đình và hỏi han người dân về quan điểm của họ.
Các báo cáo về việc chính quyền Trung Quốc thu thập thông tin di truyền ở Tây Tạng và các khu vực khác không phải là mới. Hồi năm 2017, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã báo cáo về việc thu thập và tăng tốc lập chỉ mục DNA ở vùng Tây Bắc Tân Cương để có cơ sở dữ liệu có thể tìm kiếm trên toàn quốc.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, công việc có tên là “Hệ thống cơ sở dữ liệu DNA của khoa học pháp y” bắt đầu vào đầu những năm 2000 như một phần của dự án thông tin cảnh sát lớn hơn được gọi là Golden Shield (Tấm Khiên Bằng Vàng).
Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) đã ban hành một nghiên cứu khác vào năm 2020 về việc chính quyền Trung Quốc xây dựng cơ sở dữ liệu DNA do cảnh sát điều hành lớn nhất thế giới với sự cộng tác chặt chẽ với các đối tác trong ngành trên toàn cầu.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times