‘Hãy phá đổ bức tường này’: Phong trào kêu gọi dỡ bỏ tường lửa kiểm duyệt Internet đối với người dân Trung Quốc
Chính quyền cộng sản Trung Quốc cô lập người dân với thế giới bên ngoài nhờ kiểm duyệt Internet với bức tường được mệnh danh là “Vạn Lý Tường Lửa.” Nhưng nhiều người dân Trung Quốc đã bắt đầu phản kháng thông qua việc thành lập phong trào “Hãy phá đổ bức tường này” (tạm dịch theo tiếng Anh là “Tear down this war”, phỏng theo bài diễn văn của Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan về phá bỏ Bức tường Berlin). Tên viết tắt của phong trào này là “BanGFW.”
Người dân ở Trung Quốc dường như đã chán ngấy với Vạn Lý Tường Lửa Internet, thứ được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mệnh danh là “Lá chắn vàng”. Vào ngày 08/03/2023, phong trào phá bỏ bức tường lửa kiểm duyệt này đã được khởi động.
Người dân Trung Quốc vẫn bị cô lập với thế giới bên ngoài
Là một phóng viên tự do của Đài Á Châu Tự Do do Hoa Kỳ tài trợ và có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, ông Kiều Hâm Hâm (Qiao Xinxin) đã viết về chủ đề này trong nhiều thập niên. Hiện giờ, ông Kiều trở thành một trong những người khởi xướng phong trào phá tường lửa. Ý tưởng của ông là giúp hàng tỷ công dân Trung Quốc “phá đổ bức tường Internet ngớ ngẩn” mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã dựng lên để bảo đảm quyền lực của mình.
“Chúng tôi luôn cảm thấy bức tường lửa kiểm duyệt này rất đáng ghét” ông Kiều viết trên blog của mình. “Tội ác lớn nhất của bức tường ngớ ngẩn này là nó cô lập 1.4 tỷ người khỏi 6.6 tỷ người còn lại.” Điều này khiến cho hiểu lầm cũng như xung đột ở mức độ quốc tế trở nên nghiêm trọng hơn đồng thời gây tổn hại đến lợi ích của 8 tỷ người — “trong đó có cả quý vị và tôi.”
Ông Kiều giải thích, rằng sau cuộc đàn áp đẫm máu phong trào ủng hộ dân chủ của Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, “Vạn Lý Tường Lửa” (Great Fire Wall, GFW) kiểm duyệt Internet đã trở thành trở ngại lớn nhất để người dân ở trong và ngoài nước chống lại ĐCSTQ. Ông Kiều nhớ rằng chính GFW đã chặn 310,000 trang web, trong đó có cả Google.
Thành lũy cuối cùng của ĐCSTQ
Theo ông Kiều, cách duy nhất để “phá tường” là “được hàng triệu người đồng thuận ký tên.” Truyền thông quốc tế nên đưa tin về điều này và chính phủ các quốc gia khác nên gây áp lực lên ĐCSTQ. Theo ông Kiều, “bức tường” phải được đưa ra toà án chính trị quốc tế để xét xử công khai. Như ông Kiều giải thích, trong phiên điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ về chủ đề mối đe dọa từ ĐCSTQ vào hôm 28/02, nhà hoạt động nhân quyền Đồng Ngật (Tong Yi) đã đề nghị chính phủ Hoa Kỳ giúp người dân Trung Quốc phá đổ “bức tường” này.
“Dưới sự cầm quyền của ĐCSTQ, 5% dân số đã chiếm giữ 95% lượng của cải của xã hội,” ông Kiều viết trên blog của mình. “Bức tường ngớ ngẩn này là thành lũy cuối cùng bảo đảm cho sự tồn vong của ĐCSTQ!” ông Kiều nói.
Theo ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, từ một nguồn tin nội bộ bên trong ĐCSTQ, ông Kiều được biết rằng phó giám đốc Cục Công an Trung Quốc, ông Trần Tư Nguyên (Chen Siyuan), gần đây đã ra lệnh cho các sĩ quan cảnh sát Internet chủ chốt từ tất cả các tỉnh về Bắc Kinh để tham gia một chiến dịch đặc biệt kéo dài một tháng để giải quyết phong trào phá tường.
Một cách để khiến ĐCSTQ ‘sụp đổ nhanh chóng’
Ông Kiều cho biết phong trào phá tường cho đến nay vẫn diễn ra suôn sẻ và mang lại hiệu quả vượt quá mong đợi của ông. Họ đã nhận được nhiều phản ứng và số lượng người tham gia đang tăng lên nhanh chóng. Ngày càng có nhiều người phản đối bức tường lửa cầm các biểu ngữ viết “BanGFW” và “Hãy phá đổ bức tường này” trước lãnh sự quán Trung Quốc.
Một tháng sau khi phong trào này bắt đầu, hội thảo trực tuyến lần thứ hai về phá tường đã được tổ chức với hơn 2,000 người tham gia. Các cuộc thảo luận đã diễn ra sôi nổi. Nhiều ý tưởng và kinh nghiệm được chia sẻ, các kỹ thuật để lan tỏa phần mềm vượt tường lửa đã được đề xướng. Một số người tham gia chỉ ra những chỗ sơ hở trong tường lửa, những người khác thì chia sẻ kinh nghiệm của họ.
Ông Kiều cũng tuyên bố, “Chúng tôi đã báo lên FBI, Liên minh Ngũ Nhãn, Nhật Bản, Nam Hàn, EU, Pháp, và Đức.” Sẽ có nhiều quốc gia hơn nữa trong tương lai. Ông Kiều cũng nhắc lại phong trào “Giấy Trắng” ngay trước khi áp dụng chính sách zero COVID ở Trung Quốc. (Ngoài ra còn có thể kể đến Phong trào Dịch thuật Vĩ đại nhằm bác bỏ tuyên truyền từ ĐCSTQ). “Có hàng trăm triệu người phản đối cộng sản. Nếu tất cả mọi người đều làm những gì chúng tôi đang làm, thì Đảng Cộng sản có thể nhởn nhơ được bao lâu nữa đây?”
Ông Kiều cũng chỉ ra, rằng tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay rất thảm khốc. Vì ĐCSTQ không kinh doanh dựa trên nền tảng đạo đức nên khi nền kinh tế của đảng này sụp đổ, thì những thứ khác cũng sụp đổ theo. “Đảng Cộng sản đã từng sử dụng một số quỹ để thâm nhập, mua chuộc và chia rẽ nội bộ, nhưng giờ đây khi nền kinh tế cộng sản đã sụp đổ hoàn toàn, thì đảng đó lấy đâu ra tiền để mua được lối thoát nữa?”
Ông Kiều đề nghị công chúng kiện trên trường quốc tế. Ví dụ, người ta có thể kiện ông Phương Tân Hưng (Fang Binxing) — người được mệnh danh là “cha đẻ của bức tường lửa” này — ra tòa. Tuy nhiên, chiến trường chính không phải trong cộng đồng Hoa ngữ, mà là trong cộng đồng người nói tiếng Anh và tiếng Nga và ở hải ngoại. Ông Kiều cũng nhắc lại: “Ông Tập Cận Bình xuất cảng công nghệ tường lửa cho các vị (Nga) còn chúng tôi xuất cảng công nghệ phá tường lửa cho các vị. Chúng tôi sử dụng trí tuệ của người Trung Quốc để chỉ cho họ cách phá tường và họ đã làm theo kế hoạch của chúng tôi. Mật mã chung của chúng tôi là BanGFW.”
Cả thế giới đều biết Đảng Cộng sản Trung Quốc đã làm rất nhiều điều xấu. Đảng này không chỉ nhắm vào người dân Trung Quốc. Họ xuất cảng bạo lực và đe dọa lợi ích của người dân ở nhiều quốc gia, ông Kiều nói. “Tôi nghĩ mọi người nên đứng lên và đóng góp phần của mình,” vì đó là cách đục tường và “khiến nó [ĐCSTQ] sụp đổ nhanh chóng.”
Bộ sưu tập ‘phá đổ bức tường’
Hôm 05/04, phong trào phá tường đã phát hành một cuốn sổ tay hướng dẫn bằng tiếng Trung dày 51 trang tên là “Bộ sưu tập phong trào phá tường”, có thể tải xuống miễn phí từ Twitter. Trong sách chỉ ra hầu hết những người đã cố gắng “phá tường” đều là những lập trình viên đang cố gắng vượt Vạn Lý Tường Lửa bằng cách sử dụng công nghệ VPN. Dù sao thì, tường lửa của ĐCSTQ cũng không phải là sản phẩm công nghệ cao, mà là sự kết hợp giữa chính trị, luật pháp, và công nghệ. Vượt tường với VPN rất dễ, nhưng không thể phá bỏ bức tường.
..
Do Steffen Munter thực hiện
Mộc Miên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Tiếng Đức