‘Người từng trung thành với ĐCSTQ’ thoát khỏi tuyên truyền tẩy não nhờ phần mềm vượt tường lửa
Trong thời khắc đón Tết Nguyên Đán đầu tiên trên mảnh đất tự do, anh Cung Khải (Gong Kai) bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với phần mềm vượt tường lửa vì đã giúp anh chuyển biến từ một người “trung thành với đảng trong vô tri” (mà Trung Quốc gọi là những ‘tiểu phấn hồng vô não’) thành một thanh niên “đi tìm tự do” tràn đầy nhựa sống.
Anh Khải, 32 tuổi, đã đào thoát khỏi Trung Quốc cùng người con trai một tuổi của mình đến Hoa Kỳ hồi tháng Sáu năm ngoái, “Tôi không nói được tiếng Anh, nhưng tôi quyết tâm trốn khỏi Trung Quốc cùng gia đình,” anh nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times trong một sự kiện do Đảng Dân chủ Trung Quốc tổ chức tại New York.
Truyền bá tư tưởng
Anh cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bắt đầu truyền bá tư tưởng trong dân chúng ngay từ độ tuổi đi học.
Anh Khải cho biết lúc anh còn ngồi trên ghế nhà trường, giáo viên của anh luôn miệng giảng về việc Mỹ quốc, một đất nước luôn ôm giữ ý niệm bất tử là khuất phục người Trung Quốc, đã muốn Trung Quốc trải qua quá trình chuyển đổi hòa bình như thế nào, họ còn nói về lịch sử và thành tựu vẻ vang của ĐCSTQ cũng như những nỗi tủi nhục trong lịch sử Trung Quốc hiện đại. Anh nói thêm, “Vì thường nghe thấy và bị ảnh hưởng bởi những lời dạy như vậy, nên thực ra tôi chính là một ‘tiểu phấn hồng.’”
Thuật ngữ “tiểu phấn hồng” mô tả những thanh niên Trung Quốc luôn giữ vững lập trường yêu nước cứng rắn đối với ĐCSTQ, còn được gọi là người trung thành với đảng.
Anh kể lại một sự việc hồi lớp bốn mà anh vô cùng hối hận.
Trong giờ học về cuộc xâm lược của Liên Quân Tám Nước vào Trung Quốc, bạn cùng lớp nói nhỏ với anh rằng: “Vì Trung Quốc kém cỏi nên mới bị tấn công.”
Cảm thấy người bạn này có tư tưởng phản động, nên cậu bé Khải khi ấy đã mách giáo viên về phát ngôn của người bạn này. Kết quả là bạn anh đã bị đuổi ra ngoài trong suốt tiết học.
Anh Khải nhớ lại, “Thầy giáo nghiêm khắc cảnh cáo cậu ta: Em nói ra những lời đó chính là xúc phạm đến tổ tiên của chúng ta, là tấn công nghiêm trọng vào nền dân chủ mới mà các liệt sĩ cách mạng đã phải đầu rơi máu chảy mới có được.”
Sau khi trưởng thành và minh bạch hơn, lương tâm anh cảm thấy mình thật đáng trách. Vào năm thứ hai trung học, anh đã đến thăm người bạn cùng lớp năm xưa và nói lời xin lỗi.
“Lúc đó, tôi cảm thấy rằng tấn công người khác theo cách như vậy là không đúng, mà tôi cũng không hiểu được tại sao lại như vậy.” Dù người bạn cùng lớp không còn nhớ gì, nhưng nếu anh Khải không bày tỏ sự hối hận của mình, thì anh sẽ không thể nào buông bỏ được suy nghĩ về chuyện đó. Anh kết luận: “Bây giờ tôi xem đó là một hình thức truyền bá tư tưởng của đảng cộng sản, một hình thức vi phạm nhân tính.”
Anh nhớ rằng một ngày nọ ở trường trung học, một giáo viên lịch sử đã giảng cho cả lớp về sự kiện thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. “Lớp chúng tôi đã rất chấn động. Đó là một sự khởi đầu hoàn toàn khác với những cuộc thảo luận thông thường của chúng tôi. Chúng tôi thậm chí còn không dám thốt ra tiếng, nhưng trong lòng thì bán tín bán nghi,” anh Khải kể lại.
Vượt tường lửa
Hồi còn học đại học, anh Khải và bảy người bạn cùng phòng đã tìm kiếm phần mềm để có thể vượt qua Vạn Lý Tường Lửa của ĐCSTQ, vốn ngăn chặn người dân truy cập vào nhiều trang web. “Có người đã tìm thấy phần mềm Freegate và Ultrasurf khi đang tải phim ngoại quốc. Ngoài ra, chúng tôi còn tìm thấy các trang web nhân bản. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên chúng tôi gặp được chiếc thang [giúp chúng tôi] vượt qua bức tường kiểm duyệt,” anh nói.
Kể từ đó, cuộc sống trong ký túc xá của họ như bước vào một thế giới hoàn toàn mới. Họ rất háo hức được xem và khám phá từng cái một.
“Dần dà chúng tôi ai nấy đều thích thú với việc vượt tường lửa kiểm duyệt trực tuyến ở trong ký túc xá. Thỉnh thoảng, khi Freegate cung cấp một đường truyền đặc biệt nhanh, cả tám người chúng tôi đều có thể truy cập vào trang web của Đài Truyền hình Tân Đường Nhân. Kênh này có cả chương trình truyền hình phát sóng trực tiếp và nội dung được ghi hình, nhưng chúng tôi vẫn thích xem truyền hình trực tiếp hơn.”
Sau khi tốt nghiệp, việc tìm kiếm thông tin trực tuyến bằng cách vượt tường lửa kiểm duyệt đã trở thành điều bắt buộc trong cuộc sống hàng ngày của anh.
Mặc dù đã thử nghiệm nhiều công cụ vượt tường lửa khác nhau, anh vẫn khẳng định rằng phần mềm Freegate là phần mềm an toàn nhất và đáng tin cậy nhất. “Nhiều phần mềm trả phí đã giảm hiệu suất chỉ sau sáu tháng sử dụng. Những phần mềm đó không hiệu quả bằng phần mềm Freegate miễn phí,” anh Khải khẳng định.
Freegate là phần mềm miễn phí do công ty Công nghệ Phát triển Internet Năng động (Dynamic Internet Technology) và The Epoch Times cùng nhau khởi chạy. Chương trình này có thể ẩn địa chỉ IP thực của người dùng. Đây là một phần mềm không cần cài đặt và không để lại bản ghi trên máy điện toán.
Là một người kinh doanh thương mại điện tử, anh Khải cũng đã giới thiệu Freegate tới khách hàng của mình. Anh thường tổng hợp lại và gửi đi các gói phần mềm vượt kiểm duyệt miễn phí, bao gồm Freegate, UltraSurf, và Saifeng cho khách hàng của mình. Anh nói, “Nhiều người trong số họ là những người trẻ tuổi có trình độ học thuật cao, nên họ cần phải vượt tường lửa để viết bài hoặc tiến hành nghiên cứu.”
Tuy nhiên, môi trường ở Trung Quốc ngày càng trở nên khắc nghiệt, và các khẩu hiệu tuyên bố rõ ràng rằng việc sử dụng VPN là bất hợp pháp và là hành vi phạm tội hình sự đã được nhìn thấy khắp nơi trong khuôn viên trường đại học. Nhận thấy rủi ro ngày càng gia tăng, anh nhanh chóng quyết định rời khỏi Trung Quốc sang Hoa Kỳ tìm nơi nương náu mà không hề do dự.
Anh phản ánh rằng cuộc sống ở Trung Quốc giống như một cái bẫy với sự kìm kẹp tứ bề, và anh mong rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ mau chóng sụp đổ.