PHÂN TÍCH: Lực lượng Hỏa tiễn của Trung Quốc phải đối mặt với cuộc thanh trừng do họ có thể đã tiết lộ bí mật quân sự
Các chuyên gia cho rằng Lực lượng Hỏa tiễn không sẵn sàng tham chiến
Nhiều hãng thông tấn Trung Quốc bên ngoài Hoa lục cáo buộc rằng có một số các tướng lĩnh cấp phó hoặc cao hơn cấp phó Tư lệnh Lực lượng Hỏa tiễn Trung Quốc đã bị thanh trừng trong những tháng gần đây, và những người trong quân đội Trung Quốc đã nói rằng cuộc thanh trừng này có thể liên quan đến việc tiết lộ bí mật quân sự nhạy cảm.
Cái chết của ông Ngô Quốc Hoa
Theo một bản tin của hãng truyền thông Newtalk có trụ sở tại Đài Loan, ông Ngô Quốc Hoa (Wu Guohua), cựu phó chỉ huy Lực lượng Hỏa tiễn, đã tự sát hôm 06/07. Sau đó, một thông tư nội bộ chính thức kết luận rằng ông “đột tử do xuất huyết não.”
Ông Diêu Thành (Yao Cheng), một cựu trung tá trong Bộ Tư lệnh Hải quân Trung Quốc đang sống ở Hoa Kỳ, cho biết trong một bài đăng trên Twitter hôm 09/07 rằng việc ông Ngô ra đi vì xuất huyết não là không thể, vì là một chỉ huy quân sự, ông ấy đã được điều trị y tế tân tiến và có vẻ như cũng đã đề phòng bệnh tim mạch.
“ĐCSTQ sẽ không công khai lý do thực sự của [cái chết này]; nếu không, họ [sợ rằng] [sự thật] sẽ gây ảnh hưởng sâu sắc tới quân đội,” ông Diêu nói.
Trong vài năm gần đây, chính quyền Bắc Kinh đã từ bỏ việc công bố các cuộc điều tra đối với các tướng lĩnh cao cấp. Thay vào đó, một thông lệ đã được đặt ra, đó là gọi “những cái chết bất thường” của các quan chức quân đội là “những ca tử vong vì bệnh tật.”
Những “cái chết bất thường” như vậy thường xảy ra trong quá trình cơ quan kỷ luật hàng đầu của ĐCSTQ xem xét các vụ án, và một số vụ tự sát có thể có động cơ sợ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo ông Diêu, bảy quan chức hải quân đã tự sát kể từ khi người đứng đầu ĐCSTQ Tập Cận Bình khai triển chính sách chống tham nhũng trong quân đội. Tất cả đều được coi là “qua đời vì bệnh.”
Cựu phó tư lệnh Lực lượng Hỏa tiễn này 66 tuổi, đã về hưu vào năm 2020.
Thật trùng hợp, vào ngày ông Ngô qua đời, ông Tập đã thị sát Chiến khu Đông bộ và có bài diễn văn về “nâng cao năng lực lãnh đạo công tác chuẩn bị cho chiến tranh của các đảng ủy thuộc Chiến khu.”
Chiến lược của ông Tập đã giúp kiểm soát chặt chẽ hơn các tướng lĩnh trong quân đội của mình, dẫn đến việc các tướng lĩnh quân đội trong hải quân và không quân liên tục bị thanh trừng, và giờ là nhắm vào lực lượng hỏa tiễn.
Các chỉ huy Lực lượng Hỏa tiễn
Vài ngày trước, chỉ huy hiện tại của Lực lượng Hỏa tiễn Trung Quốc, ông Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao), đã bị cách chức vào sáng ngày 27/06, theo bài đăng trên Twitter của ông Diêu. Vị tướng 61 tuổi vừa được thăng cấp lên chỉ huy hồi tháng Một vừa qua, đã vắng mặt trong lễ thăng quân hàm của Lực lượng Hỏa tiễn vào cuối tháng Sáu.
Ngoài ra, ông Trương Chấn Trung (Zhang Zhenzhong), cựu phó chỉ huy Lực lượng Hỏa tiễn và phó trưởng Ban Tham mưu Liên hợp của Quân ủy Trung ương, cũng như ông Lưu Quang Bân (Liu Guangbin), phó chỉ huy hiện tại của Lực lượng Hỏa tiễn, đều bị bắt đi để điều tra hồi tháng Tư, Minh Báo của Hồng Kông đưa tin hôm 24/05.
Một bài báo ngày 13/07 của Minh Báo cho biết những chỉ huy quân sự trong Lực lượng Hỏa tiễn này có liên quan đến các vụ tham nhũng hoặc rò rỉ thông tin, có liên đới tới chỉ huy Lực lượng Trợ giúp Chiến lược, ông Cự Càn Sinh (Ju Qiansheng).
Cho đến nay, ĐCSTQ không thừa nhận cũng không phủ nhận rằng những người đứng đầu Lực lượng Hỏa tiễn này đang bị điều tra. Tuy nhiên, bầu không khí tại Lực lượng Hỏa tiễn đã trở nên rất căng thẳng — Bệnh viện Bắc Kinh của Lực lượng Hỏa tiễn xuất hiện trong một bài báo của NetEase với khẩu hiệu màu đỏ, “Kẻ tiết lộ bí mật sẽ bị bỏ tù; bất cứ ai bán bí mật phải bị xử tử!”
Rò rỉ tình báo quân sự
Việc rò rỉ thông tin tình báo quân sự có thể bắt đầu từ ngày 24/10/2022, khi Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASI) tại Đại học Không quân Hoa Kỳ công bố một báo cáo dài 255 trang (pdf) về Lực lượng Hỏa tiễn của ĐCSTQ tiết lộ cơ cấu tổ chức của lực lượng hỏa tiễn Trung Quốc, từ hệ thống chỉ huy cấp cao đến các cơ sở sản phẩm phụ trợ.
Thông tin cụ thể bao gồm địa chỉ của cơ sở này, chức năng chính của đơn vị, tên tiếng Trung và tiếng Anh của những người phụ trách và mã của đơn vị. Báo cáo cũng bao gồm một sơ đồ cây với các bức ảnh, từ ngữ, và mối quan hệ của các cấp trưởng đứng đầu mỗi bộ phận của Lực lượng Hỏa tiễn. Thông tin cũng gồm một bản đồ của Trung Quốc mô tả việc khai triển Lực lượng Hỏa tiễn trên khắp đất nước. Báo cáo thậm chí còn bắt đầu với một phần đặc biệt về giải mã mã đơn vị trên.
Ông Diêu đã chia sẻ trong tập phát sóng hôm 07/07 của “Diễn đàn Tinh hoa” (Elite Forum) của NTD TV rằng bản báo cáo “chi tiết đến mức tôi đã rất ngạc nhiên khi đọc nó.”
“Trong suy nghĩ của tôi, Lực lượng Hỏa tiễn là đơn vị bí mật nhất của ĐCSTQ. Vào thời điểm đó, tôi nghĩ rằng bất kỳ vệ tinh nào cũng không thể chụp được một thông tin toàn diện như vậy, cũng như bất kỳ nhân viên cấp cơ sở nào cũng không thể có được nó,” ông Diêu cho hay, nói rằng thông tin này phải đến từ các cơ quan của Lực lượng Hỏa tiễn.
Cựu trung tá cho biết kể từ đó ông đã cùng bạn bè tìm hiểu vấn đề này và nhận thấy rằng những bí mật trên có thể đã bị con trai của ông Lý, người đang du học ở Hoa Kỳ, tiết lộ.
Lỗ hổng và nỗi sợ hãi trong Lực lượng Hỏa tiễn
Lực lượng Hỏa tiễn được xem là “Đội quân Chủ lực” của ĐCSTQ. Vào ngày 31/12/2015, tại cuộc họp khai mạc Lực lượng Hỏa tiễn và Lực lượng Trợ giúp Chiến lược, ông Tập đã tuyên bố rằng Lực lượng Hỏa tiễn là lực lượng “nòng cốt trong khả năng răn đe chiến lược của ĐCSTQ” và trợ giúp chiến lược cho chế độ Cộng sản.
Nhà bình luận quân sự Hạ Lạc Sơn (Xia Luoshan) nói với The Epoch Times rằng, là một đơn vị hỏa tiễn trong bộ ba hạt nhân (năng lực răn đe hạt nhân toàn diện), Lực lượng Hỏa tiễn có khả năng tấn công toàn cầu, với nhiệm vụ chính là sử dụng hỏa tiễn tầm trung và tầm xa để tấn công các mục tiêu trên mặt đất.
“Nhưng nó [Lực lượng Hỏa tiễn] cũng là bộ phận dễ bị tấn công nhất trong bộ ba hạt nhân,” ông Hạ nói.
Ông giải thích thêm rằng trong trường hợp xảy ra chiến sự ở Eo biển Đài Loan, lực lượng Hỏa tiễn sẽ gánh vác nhiệm vụ tấn công, tấn công trước vào các mục tiêu trọng yếu trên mặt đất và trên biển ở Đài Loan. “Đồng thời, nó [Lực lượng Hỏa tiễn] cũng sẽ là mục tiêu tấn công chính của Hoa Kỳ và Đài Loan.”
Ông Diệu, cựu trung tá thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân Trung Quốc nói trên, đã nói chuyện trong chương trình “Diễn đàn Tinh hoa” rằng nếu có chiến tranh, Hoa Kỳ trước hết sẽ ngăn chặn hoặc triệt tiêu Lực lượng Hỏa tiễn của ĐCSTQ, đặc biệt là các bệ phóng hỏa tiễn mang hạt nhân chiến lược, trong đó có Căn cứ hải quân Longpo, một căn cứ quan trọng cho các tàu ngầm hạt nhân ở phía nam đảo Hải Nam.
Do đó, các sĩ quan và binh sĩ Lực lượng Hỏa tiễn này khá sợ hãi vì họ sẽ không thể sống sót sau một cuộc tấn công của quân đội Hoa Kỳ vốn chỉ nhằm vào các mục tiêu chính đáng tại căn cứ của họ. “Nỗi sợ chiến tranh trong Lực lượng Hỏa tiễn còn lớn hơn cả lục quân, hải quân và không quân.”
“Nỗi sợ hãi khiến nền tảng của Lực lượng Hỏa tiễn không ổn định,” ông Diêu nói.
Nhà bình luận các vấn đề thời sự Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) cũng có quan điểm tương tự rằng Lực lượng Hỏa tiễn có động cơ tiết lộ thông tin tình báo vì đây là cách hiệu quả để ngăn ông Tập tham chiến, đồng thời cũng là cách hiệu quả để Lực lượng Hỏa tiễn tự cứu lấy mình.
“Việc Quân đội Hoa Kỳ tiết lộ thông tin tình báo về Lực lượng Hỏa tiễn là một chiến lược răn đe nhằm nói với ĐCSTQ: ‘Chúng tôi biết chính xác quân bài trong tay các vị, các vị không đủ khả năng để chơi trò chơi này và các vị sẽ không thắng được,” ông Đường đã nói trong chương trình của mình hôm 13/07.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times