Vùng đất Mông Cổ – Nơi ‘ẩn náu’ của một nền văn hóa đặc sắc
Những đồng cỏ xanh mướt, đoàn người du mục sống trong những túp lều, những đàn gia súc trải dài khắp thảo nguyên, ngọn núi cao phủ tuyết trắng, những khe suối róc rách và hồ nước xanh ngắt v.v. là những khung cảnh quen thuộc của Mông Cổ. Thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ bồi đắp cho nơi đây một nền văn hóa đặc sắc và phong phú từ thời đại của Thành Cát Tư Hãn.
Sau khi Thành Cát Tư Hãn chinh phạt Âu Châu, đế quốc Mông Cổ trở thành đế quốc lớn nhất trong lịch sử thế giới, phía bắc kéo dài đến Bắc Băng Dương, phía nam đến vịnh Ba Tư, phía đông kéo dài đến bán đảo Triều Tiên, phía tây kéo dài đến Hungary. Vào thời kỳ hưng thịnh, tổng diện tích của Mông Cổ đạt đến hơn 24 triệu km vuông và cai trị hơn 100 triệu dân.
Vào thời đại của Thành Cát Tư Hãn, người Mông Cổ chủ yếu theo Shaman Giáo. Tôn giáo này có từ rất lâu trước đó, nhưng Thành Cát Tư Hãn đã biến nó trở thành một truyền thống không thể thiếu của người Mông Cổ. Người Mông Cổ thờ phụng “Hoh Tenger” (có nghĩa là bầu trời xanh). Họ tin rằng Trời là cha, Đất là mẹ của vạn vật trong vũ trụ. Nền văn minh của họ thuận theo tự nhiên, họ thờ phụng rất nhiều yếu tố của tự nhiên, cầu mong tổ tiên của họ – những người đã hóa thân thành những linh vật thần thoại – phù hộ cho họ mưa thuận gió hòa, có được sức khỏe và thành công. Sau đó, Trung Cộng đàn áp tôn giáo. Tuy nhiên, người Mông Cổ vẫn thực hành tín ngưỡng Shaman.
Từ thế kỷ 16, người Mông Cổ bắt đầu theo Phật Giáo, khi vua Mông Cổ thời bấy giờ là Altan Khan (Yêm Đáp Hãn) được các Lạt Ma Tây Tạng cải đạo. Người Mông Cổ tuân theo các giáo lý của các nhà Phật Giáo Tây Tạng (hay còn gọi là Lạt Ma), vốn là đặc trưng của Tây Tạng và vùng Himalaya. Ngày nay, người Mông Cổ vẫn còn lưu giữ những di sản Phật Giáo của mình. Các tu viện được trùng tu và đầy ắp những người đến thờ phụng. Đối với nhiều người Mông Cổ, việc thực hành Phật Giáo mang đậm dấu ấn của Shaman Giáo – một truyền thống tâm linh vô cùng cổ xưa.
Vùng đất Mông Cổ có tới 1/3 dân cư là người du mục hay bán du mục, và họ vẫn đang sống cuộc sống giống như hàng ngàn năm trước đây.
Cuộc sống trong những túp lều đặc biệt
Ở thảo nguyên, sa mạc Gobi hay dãy Altai người dân du mục đều sống trong những túp lều tròn gọi là “Yurt” hoặc “Ger”. Những ngôi nhà lều Ger là văn hoá truyền thống từ hàng nghìn năm, rất tiện lợi để chống lạnh và di chuyển theo đàn gia súc. Chúng cũng rất thân thiện với môi trường và ngăn được cả gió bão.
Một túp lều Ger tuy nhỏ nhưng có đủ không gian cho một gia đình. Ger được xây dựng theo kết cấu gỗ ghép thành khung được bao phủ bởi nhiều lớp vải nỉ và bạt. Vải nỉ giúp giữ nhiệt và lớp bạt thì giúp che mưa.
Vào thế kỉ 14, một thương gia người Ý tên là Marco Polo khi đến đế quốc Mông Cổ, đã viết: “… Họ có nhà tròn làm bằng gỗ và được bao phủ với nỉ. Trên toa xe bốn bánh, họ mang theo nhà của họ đi bất cứ nơi đâu. Những thanh gỗ gọn gàng và khéo léo được dựng sao cho luôn có ánh sáng lọt vào lều. Và mỗi khi họ bước ra khỏi nhà, cánh cửa luôn luôn hướng về phía Nam”.
Còn từ xa xưa, trong những lần xuất chinh, Thành Cát Tư Hãn đã sử dụng Ger của mình làm trung tâm chỉ huy. Khi di chuyển, Ger được gắn trên một chiếc xe có bánh xe khổng lồ do bò kéo. Khi đứng yên, những kỵ binh tinh nhuệ sẽ canh gác nó.
Hầu hết các vật dụng trong Ger đều bắt nguồn từ những biểu tượng thiêng ở Mông Cổ. Thông dụng nhất là những biểu tượng đại diện cho sức mạnh tứ linh Mông Cổ (gồm sư tử, hổ, chim thần graduga và rồng). Thêm vào đó, phong cách trang trí còn tuân theo ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Theo quan niệm của người dân nơi đây, đó chính là năm yếu tố cơ bản của vũ trụ ban cho họ sức mạnh để bảo vệ gia đình.
Về màu sắc, những vật dụng cũng có những gam màu nổi bật như đỏ, cam, vàng, xanh dương, xanh lá. Trong đó, màu đỏ được sử dụng nhiều nhất, tượng trưng cho sức mạnh to lớn như mặt trời. Màu vàng tượng trưng cho nắng, xanh dương tượng trưng cho những dòng sông mênh mông và màu xanh lá là hiện thân của thảo nguyên bao la.
Chiếc Bếp Lò là trái tim của mỗi căn lều Ger, giúp họ giữ ấm trong thời tiết lạnh giá. Hiện tại, người Mông Cổ có thể chở tất cả đồ đạc của mình mà chỉ cần ba chú lạc đà. Điều này khiến cuộc sống du mục của họ vô cùng tiện lợi.
Trà sữa Mông Cổ
Trong suốt hành trình lịch sử oai hùng, có một loại thức uống luôn song hành cùng người Mông Cổ. Đó là món trà sữa Mông Cổ họ dùng hàng ngày để thích nghi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Süütei tsai là trà đen pha với sữa bò đun nóng, thêm một ít muối và bơ. Người Mông Cổ tin rằng loại trà này sẽ mang đến những điều tốt đẹp. Đối với trẻ em, đây là nguồn dinh dưỡng dồi dào, tốt cho sức khoẻ và vô cùng lành mạnh. Đối với người đàn ông, loại trà này mang lại sự cân bằng cho bản năng chinh phạt của họ bởi hương vị dịu dàng và thanh khiết. Họ cũng cảm nhận được sâu sắc trách nhiệm và tình yêu gia đình khi quây quần bên nhau thưởng thức những chén trà. Với người phụ nữ, tinh chất của trà và sữa bò giúp vẻ đẹp của họ thêm phần tinh khôi hoặc mặn mà.
Món Süütei Tsai này là thứ đồ uống mở đầu cho mọi câu chuyện khi người Mông Cổ có khách ghé thăm. Süütei Tsai còn là minh chứng cho lòng hiếu khách của những con người chân chất nơi thảo nguyên. Nếu bạn phiêu lưu đến thảo nguyên hùng vĩ này, những người dân địa phương sẽ mời bạn nếm thử trà sữa ngay lập tức, và bạn cần đón nhận chiếc bát bằng tay phải của mình, nhâm nhi một chút trước khi đặt nó xuống.
Một số đồ uống được ưa chuộng khác của người Mông Cổ là airag (sữa ngựa lên men), urum (bánh kem đông) hay chatsarganii shuus (nước ép quả hắc mai biển). Trong một ghi chép của nhà truyền giáo William of Rubruck về cuộc sống với người Mông Cổ, ông cho biết người Mông Cổ rất “cẩn thận để không uống nước lã”. Đối với họ, nguồn nước rất thiêng liêng nên họ thường chọn những loại thức uống của dân tộc mình.
Những chú ngựa có sức sống mãnh liệt
Có thể nói rằng văn hóa Mông Cổ gắn liền với hình ảnh những chú ngựa dũng mãnh phi nước đại. Bất kỳ dân du mục Mông Cổ nào cũng biết cưỡi ngựa một cách thuần thục, như chính người Mông Cổ hay nói rằng: “Một người Mông Cổ không ngựa như chim không cánh”. Ngựa giống như đôi chân dìu dắt những người du mục băng qua dòng chảy của lịch sử.
Vóc dáng của ngựa Mông Cổ không lớn, chiều cao trung bình của chúng chỉ từ 120 – 135 cm, thể trọng từ 267 – 370 kg. So với giống ngựa Âu Châu thì ngựa Mông Cổ được xem là giống ngựa loại nhỏ. Tuy vậy, thân của ngựa Mông Cổ rất thô và khỏe, tứ chi khỏe mạnh, cơ gân phát triển, linh hoạt nhanh nhạy. Sử thi anh hùng “Giang Cách Nhĩ” nổi tiếng của dân tộc Mông Cổ miêu tả ngựa Mông Cổ như sau: “Nhanh như mũi tên bắn khỏi dây cung, khí thế hoành tráng như pháo hoa rực sáng”.
Ngựa Mông Cổ xuất hiện đầu tiên ở trên các vùng núi cao lạnh giá bên ngoài Vạn Lý Trường Thành, nên có thể thích ứng với khí hậu và điều kiện sống khắc nghiệt. Chúng có thể chịu được nhiệt độ nắng nóng 40°C và nhiệt độ lạnh giá -40°C. Một con ngựa Mông Cổ trưởng thành có thể đi khoảng 50 đến 100 km trong một ngày, kéo được vật nặng khoảng 500 kg. Còn ngựa chuyên dùng để truyền gửi tin tức chiến sự có thể chạy liên tục hơn mười giờ đồng hồ, một ngày đi khoảng 240 km. Điều này đã góp phần cho thắng lợi huy hoàng của quân Mông Cổ ở lãnh thổ Âu Châu.
Vì vậy, người Mông Cổ rất yêu ngựa, Thành Cát Tư Hãn phong cho bốn vị tướng tài của mình gồm Mộc Hoa Lê, Xích Lão Ôn, Bác Nhĩ Thuật, Bác Nhĩ Hốt danh hiệu “tứ tuấn” (còn gọi là tứ kiệt, tứ mã). Vì vậy cũng có thể thấy được rằng ngựa có một vị thế rất cao trong văn hóa của người Mông Cổ.
Kỹ thuật hát song thanh
Hát song thanh, một kỹ thuật hát được biết đến trên thế giới với cái tên Tuvan Throat Singing, Khoomei (Khơ mây), là một biến thể đặc biệt của nghệ thuật hát bội âm, được hình thành và phát triển từ Mông Cổ, Nội Mông, Tuva và Siberia. Tổ chức UNESCO đã công nhận kỹ thuật thanh nhạc này là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2009.
Hát song thanh là một kỹ thuật hát đặc biệt mà giai điệu được tạo ra bởi sự phối hợp nhịp nhàng giữa lưỡi, răng, khoang miệng và thanh quản. Có hai bè trong quá trình diễn xướng, một bè đóng vai trò âm nền (dưới thấp) duy trì ở nhịp điệu đồng độ, ngân dài kết hợp với bè giai điệu ở phía trên (cao). Một bè thấp do cổ họng phát âm, một bè đảm nhận chức năng giai điệu nhờ sự biến hóa khoang miệng. Kỹ thuật này đã có từ thời xa xưa, nhiều người đàn ông du mục chăn nuôi ở khu vực này biết hát Khơ mây, nhưng phụ nữ có thể tập luyện kỹ thuật này tốt hơn.
Theo Hội nhạc sĩ Việt Nam, Tống Địch – một bậc thầy về hát song thanh người Mông Cổ cho biết, có ba lý do sản sinh ra tính chất phức thanh của nghệ thuật Khơ mây; thứ nhất là người đi săn dùng loại âm thanh này để dụ con thú; thứ hai, môi trường tự nhiên dãy núi Altai tạo nên; thứ ba, khi chưa có nhạc cụ, người ta dùng nó đệm cho sử thi anh hùng Tuul. Ngoài ra, có giả thuyết cho rằng: Khơ mây bắt nguồn từ tín ngưỡng Shaman. Theo đó, thầy cúng đã sử dụng nó như một công cụ để câu thông với thần linh. Khơ mây chính là “khẩu huyền” (đàn môi) của thầy cúng.
Người Mông Cổ luôn tin tưởng rằng thần linh luôn hiện hữu và đồng thời tồn tại với họ. Tâm linh của các vật thể trong tự nhiên không chỉ ở hình dạng hoặc vị trí của vật thể, mà còn ở trong âm thanh của vật thể. Do vậy, họ đã sáng tạo ra kỹ thuật hát này để thể hiện thiên nhiên và tâm hồn họ hòa hợp với nhau. Người Mông Cổ được mệnh danh là “dân tộc âm nhạc”, “dân tộc thơ ca”.
Bài thơ của nhà thơ Mông Cổ nổi tiếng Đôngôrưn Nhiama đã khắc hoạ được một phần bức tranh cuộc sống du mục tự tại của người Mông Cổ.
Mênh mang xanh biếc thảo nguyên
Một màu thần thoại diệu huyền xưa xa
Đường trường, mệt nhọc dần qua
Cỏ êm cho khách la đà giấc say…
Ngân hà – một dải sông dài
(Để buộc ngựa, có sợi dây sắc vàng)
Sao trời – những chú ngựa hoang
Lung linh khắp cả bản làng bình yên…
Tuyệt vời, đêm ở thảo nguyên
Cỏ thơm, thơm một nỗi niềm xôn xao…
Ngẩng đầu, nhìn đếm muôn sao
Những chàng tuấn mã hí vào trời khuya…
(Bài thơ “Đêm thảo nguyên” của nhà thơ Mông Cổ Đôngôrưn Nhiama, Hồng Diệu dịch)