Nhà phân tích: Phong trào giấy trắng làm rung chuyển ĐCSTQ, không chừng sẽ có một làn sóng lớn hơn
Cuộc cách mạng giấy trắng của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng, trong đó người biểu tình phản đối các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt và hô vang, “Tập Cận Bình, Hãy hạ đài” và “ĐCSTQ, Hãy hạ đài”, điều này đã tạo thành một thách thức lớn đối với Bắc Kinh. Các chuyên gia cảnh báo rằng sẽ diễn ra một phong trào lớn hơn nếu nhà cầm quyền vẫn cương quyết duy trì chính sách zero COVID của mình.
Có khả năng đổ máu
Kể từ hôm 26/11, cuộc cách mạng giấy trắng đã xuất hiện ở nhiều thành phố khác nhau trên khắp Trung Quốc.
Những người tham gia đã cầm một tờ giấy trắng để bày tỏ sự thương tiếc đối với những nạn nhân của một vụ hỏa hoạn khi họ bị giam hãm trong những căn hộ thuộc diện phong tỏa ở Ô Lỗ Mộc Tề (hay Urumqi), miền tây Trung Quốc, hôm 24/11. Các lối ra vào của tòa chung cư này đều bị phong tỏa, vì vậy cư dân không thể thoát ra ngoài.
Tấm giấy trắng là công cụ để người dân bày tỏ sự phản đối đối với lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhằm hạn chế COVID cũng như đòi hỏi của họ về quyền tự do ngôn luận.
Ông Tống Quốc Thành (Guo-cheng Song), nhà nghiên cứu chuyên về các mối bang giao quốc tế, đã giải thích về khái niệm mảnh giấy trắng cho ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Ông nói: “Trong văn hóa Trung Hoa truyền thống, màu trắng đại diện cho sự tang tóc cũng như để tưởng nhớ những người đã khuất.”
Ông nói, một tờ giấy trắng không viết gì trên đó thực tế đã nói lên tất cả. Đó là một phép ẩn dụ, tấm giấy trắng đó chính là biểu tượng cho sự kiểm duyệt của Trung Quốc, “Một cuộc kháng nghị thầm lặng; vô thanh tốt hơn là hữu thanh (im lặng có sức mạnh lớn hơn cả lời nói).” ông lý giải hôm 29/11.
Sự can thiệp của công an vào các cuộc biểu tình đã được nhìn thấy trong nhiều video trực tuyến. Phản ứng thường lệ của Bắc Kinh đối với các cuộc biểu tình — đó là bắt giữ những người tham gia — cũng đã được ghi nhận.
Ông Tống lo ngại rằng cuộc đàn áp sâu rộng hơn có thể dẫn đến một phong trào phản kháng. Ông cảnh báo về khả năng xảy ra đổ máu trong cuộc đàn áp này.
Lời cảnh báo của chế độ
Theo Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, tại một cuộc họp hôm 28/11, ủy ban các vấn đề chính trị và lập pháp của ĐCSTQ đã công bố một quyết định trấn áp “các hoạt động xâm nhập và phá hoại của các thế lực thù địch” cũng như “các hành vi phạm pháp và phạm tội gây rối trật tự xã hội.”
Thông báo này dường như ám chỉ những người biểu tình là “thế lực thù địch,” và các cuộc biểu tình của họ là tội “gây rối trật tự xã hội.”
Ngày hôm sau, Bắc Kinh cũng phản ứng bằng cách yêu cầu đánh giá chính xác mức độ rủi ro của tình hình dịch bệnh tại địa phương, “các biện pháp kiểm soát quá mức cần được liên tục chấn chỉnh” để “giảm bớt sự bất tiện cho công chúng,” và “giải quyết các yêu cầu hợp lý của công chúng một cách kịp thời.” Ủy ban Y tế cho biết trong một cuộc họp báo của Quốc Vụ viện hôm 29/11.
Ủy ban này nhấn mạnh việc duy trì các phương thức kiểm soát cũng như các biện pháp ứng phó với dịch COVID của Bắc Kinh.
Chuyên gia tài chính tại Đài Loan Hoàng Thế Thông (Huang Shih-tsung) nói rằng cuộc cách mạng giấy trắng này chắc hẳn đã gây chấn động đến Trung Nam Hải, trụ sở lãnh đạo trung ương của ĐCSTQ. Nếu không thì Ủy ban Y tế đã không tổ chức họp báo ngay lập tức, và hai chính quyền địa phương ở Trịnh Châu, và Ô Lỗ Mộc Tề đã không loan báo rằng họ sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa ở một số khu vực nhất định.
Ông cũng nói rằng một mặt có thể hiểu rằng ĐCSTQ đang đổ lỗi cho các chính quyền địa phương đó vì đã thực hiện các biện pháp quá đáng, nhưng mặt khác, Trung Nam Hải vẫn sẽ duy trì chính sách zero COVID nghiêm ngặt, và Trung Quốc sau đó có thể sẽ có một cuộc nổi dậy thậm chí còn lớn hơn.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times