Sự nhượng bộ của ông Tập Cận Bình đối với các cuộc biểu tình mới đây có thể báo hiệu chế độ sắp sụp đổ
Từ “Cách mạng Giấy Trắng” đến “Phong trào Pháo bông,” từ cuộc biểu tình của công nhân tại một nhà máy dược phẩm ở Trùng Khánh đến cuộc tuần hành phản đối của công nhân tại một công ty công nghệ sinh học ở Hàng Châu, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lùi bước và nhượng bộ một cách khác thường.
Các nhà phân tích cho rằng người Trung Quốc đã bắt đầu rũ bỏ nỗi sợ hãi đối với ĐCSTQ và chế độ này có khả năng sụp đổ vào năm 2023.
Hôm 07/01, hàng ngàn nhân viên đã tổ chức một cuộc biểu tình tại Zybio, một công ty sản xuất dược phẩm ở Quận Đại Độ Khẩu (Dadukou) thuộc Thành phố Trùng Khánh. Cuộc biểu tình này là hệ quả của việc sa thải đột ngột gần 8,000 nhân viên mà không trả lương.
Công ty này là một nhà sản xuất bộ dụng cụ xét nghiệm kháng nguyên COVID-19.
Các video được đăng trực tuyến cho thấy các công nhân phẫn nộ phá hủy các hộp bộ dụng cụ thử nghiệm COVID-19, phá hoại văn phòng của công ty, và đụng độ với cảnh sát mang khiên chống bạo động. Những người biểu tình ném những sóng nhựa, chai nước, và cọc tiêu vào cảnh sát, vốn đã rút chạy khỏi người biểu tình — một điều hiếm khi xảy ra ở Trung Quốc.
https://twitter.com/whyyoutouzhele/status/1611747519318609920
Cuối cùng, chính quyền buộc phải thỏa hiệp, và người đứng đầu Quận Đại Độ Khẩu đã bước ra và hứa hẹn rằng các công nhân sẽ nhận được tiền lương, tiền thưởng, và trợ cấp thôi việc mà họ được thanh toán. Đó là một chiến thắng hoàn toàn cho những người biểu tình.
Hôm 06/01, một cuộc biểu tình tương tự đã nổ ra ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc, khi Tập đoàn Công nghệ sinh học ACON bất ngờ tuyên bố đình chỉ hoạt động kinh doanh và sa thải 2,800 nhân viên. Công ty này buộc nhân viên ký một bản thỏa thuận thôi việc và chỉ trả trợ cấp cho họ 1,600 nhân dân tệ (khoảng 237 USD). Hơn nữa, một số công nhân thời vụ không nhận được tiền lương của họ.
Những người biểu tình này đã đối đầu với cảnh sát và hét lên, “hãy trả lại tiền của chúng tôi.” Cuối cùng, chính quyền địa phương đã thương lượng với họ và hứa hẹn sẽ trả trợ cấp cho mỗi công nhân 3,000 nhân dân tệ (khoảng 444 USD).
Cách mạng Pháo bông
Tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, hàng ngàn người đã vượt qua một hàng rào cảnh sát và tập trung trước tượng Tôn Trung Sơn, cựu tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, vào đêm giao thừa.
Đám đông này đã dâng hoa và thả bong bóng bay trước bức tượng đó để bày tỏ sự bất bình của họ đối với ĐCSTQ đương quyền, cũng như sự khao khát tự do và dân chủ của họ.
Đêm 02/01, tại huyện Lộc Ấp (Luyi), tỉnh Hà Nam, người dân đã phớt lờ lệnh cấm đốt pháo của chính quyền, dẫn đến những cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người dân.
Video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, khi cảnh sát đang truy bắt những người vi phạm, rất đông người dân đã bao vây xe cảnh sát, yêu cầu thả những người bị bắt. Họ xô đẩy cảnh sát. Một số thanh niên sau đó bắt đầu đập phá xe cảnh sát và kính chắn gió phía trước. Một xe cảnh sát bị lật.
Ngoài huyện Lộc Ấp, “Cách mạng Pháo bông” còn nổ ra ở thành phố Trùng Khánh và một số thành phố khác ở tỉnh Hà Nam, tỉnh Sơn Đông, tỉnh Hà Bắc, tỉnh Giang Tô, và tỉnh Quảng Tây.
Trước đây, không ai có thể tưởng tượng được kiểu đối đầu giữa công chúng và cơ quan chấp pháp như thế này. Có vẻ như người dân Trung Quốc không còn sợ hãi nữa và bắt đầu tận dụng nhiều cơ hội khác nhau để thách thức quyền lực của ĐCSTQ.
Sau khi hàng loạt sự kiện đầy thách thức này nổ ra, ĐCSTQ đã không trả đũa như trước mà chọn cách lùi bước.
Nhiều nơi như Bắc Kinh, tỉnh Sơn Đông, và tỉnh Liêu Ninh đã nới lỏng “lệnh cấm đốt pháo hoa” ở các mức độ khác nhau. Cụ thể, Sở cảnh sát Thành phố Tây An đã ra một thông báo yêu cầu cảnh sát “thực thi pháp luật một cách linh hoạt” và “kiềm chế đối đầu với công chúng hoặc gây ra dư luận tiêu cực liên quan đến cảnh sát” khi ứng phó với những người đốt pháo và pháo nổ.
Hình thế hiện tại có thể thay đổi nhanh chóng
Hôm 09/01, chuyên gia về Trung Quốc Hoành Hà (Heng He) nói với The Epoch Times rằng hệ quả của “Cách mạng Giấy trắng” và “Phong trào Pháo bông” đã giúp công chúng nhìn ra điểm yếu của chính quyền cai trị. Ông Hoành nói, điều đó có nghĩa là “ĐCSTQ có thể bị đánh bại, hoặc ít nhất mọi người có thể buộc họ phải nhượng bộ. Đây là điều mà ĐCSTQ đã cố gắng tránh né trong rất nhiều năm, nhưng lần này cuối cùng họ đã không làm được như vậy.”
Ông Deng Haiyan, một nhà bình luận tự do, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 10/01 rằng sự bùng nổ của những cuộc biểu tình này vào đầu năm mới phản ánh sự thay đổi trong tâm lý của người dân Trung Quốc sau khi họ đạt đến một điểm quyết định. Tức là họ không còn sợ hãi nữa.
“Ngày càng có nhiều người đang bước ra để bày tỏ sự bất bình và phản kháng của họ theo nhiều cách khác nhau,” ông nói. “Khi nhiều người hơn nhận thức được rằng nhiều người có cùng tâm lý này, thì tâm lý đó sẽ không dễ dàng bị dập tắt.”
Nói về sự nhượng bộ của ĐCSTQ, cây viết độc lập Chư Cát Minh Dương (Zhuge Mingyang) nói với The Epoch Times hôm 13/01 rằng ĐCSTQ đang phải đối mặt với những câu hỏi chưa từng có về tính hợp pháp của họ.
Ông Chư Cát nói, “Từ góc độ môi trường quốc tế, ĐCSTQ không còn ở trong hoàn cảnh như trong vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Trên thực tế, liên minh chống cộng sản toàn cầu đã hình thành từ lâu rồi.”
Ông nói, “ĐCSTQ chưa bao giờ bị cô lập như bây giờ. Ở trong nước, sự thất bại hoàn toàn của chính sách chống đại dịch, cùng với việc ông Tập Cận Bình đã không hoàn thành được một việc nào kể từ khi lên nắm quyền, đã khiến tính hợp pháp của sự quản trị của ĐCSTQ trở thành một câu hỏi vô tiền khoán hậu.”
Ông Zhuge giải thích thêm rằng trong một hoàn cảnh như vậy, chế độ này không dám sát nhân, và để tồn tại, họ chỉ có thể lùi bước.
Ông nói thêm, “Sự nhượng bộ này, ngược lại, sẽ kích thích tinh thần phản kháng của người dân. Khi đại dịch trở nên tồi tệ hơn, ngày càng có nhiều cuộc biểu tình có thể sẽ nổ ra trên khắp đất nước. Trước nhiều áp lực từ trong và ngoài nước, ĐCSTQ có khả năng sụp đổ trong năm nay và hoàn toàn rút lui khỏi vũ đài lịch sử.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times